Giải Luận: Dân Tộc (P6)

TƠ DUYÊN ĐỒNG THAI-TRẦN DUYÊN ĐỒNG NGHÉN
Đồng bào, có thượng nguồn là đồng duyên: “Nhờ duyên ta biết quê mình nơi đây”. Một câu vừa ngạn ngữ, vừa dân ca của Việt tộc, mang sung lực biến cái tôi thành cái ta để ra cái mình (quê mình). Hai chữ đầu: nhờ duyên đã tạo ra cả một vũ trụ mới, được mở ra khi mọi điều kiện tốt lành đã có để tụ duyên trước khi thành đồng bào của nhau, có quê mẹ đất cha để khởi duyên, để một duyên-hai nợ-ba tình được khơi mào. Không cảm nhận hết hai chữ đồng duyên, thì sẽ không đứng bền trên không gian văn hóa Việt được, không sống dài trong thời gian văn minh Việt được, nhất là không ra vào thảnh thơi được trong cõi tâm linh văn hiến Việt được. Có duyên thì có mọi chuyện, từ đồng cha tới đồng mẹ, còn vô duyên thì không có gì cả, thậm chí còn bị coi là vô phúc nữa: vô phúc vì thiếu tơ duyên đồng thai, vô phúc vì vắng trần duyên đồng nghén. Riêng từ: nhờ, vừa là chỗ dựa cho hội duyên đồng lứa, vừa là sức bật cho xướng duyên đồng nòi, vì nhờ đây là kết quả của hợp duyên đồng tông; nơi mà mọi điều kiện thuận lợi đã có để đồng tích, nơi mà tam cảnh (bối cảnh, hoàn cảnh, tâm cảnh) đã nhập làm một để thành: thuận duyên đồng bào.

TÂM LỰC ĐỒNG NÒI – TRÍ LỰC ĐỒNG TÔNG – THỂ LỰC ĐỒNG TỘC
Đồng bào, làm nên định nghĩa đồng thai mang tâm linh có tầm vóc của nhân từ cha, có nội công của nhân nghĩa mẹ làm nên nhân đạo con, để các thế hệ mai sau nhận ra nhân văn trong luân lý đồng bào, với nhân bản trong giáo lý đồng tông, cùng nhân vị trong đạo đức đồng tộc và cứ thế làm người với chiều cao tâm linh đồng nòi. Từ chối sống bằng bản năng «đói ăn, khát uống» của ma lực; chối từ sống bằng thú tính «ăn tươi, nuốt sống» của bạo lực, để chống được tà tính vong thân mang tà lực vong quốc. Giáo lý đồng bào, trước khi con dân Việt tiếp nhận giáo dục trong học đường và kiến thức ngoài xã hội, đó là các giá trị tâm linh của hệ đồng: đồng mẹ, đồng cha, đồng nghén, đồng thai, đồng nòi, đồng tông, đồng tích… Các giá trị này không hiển hiện ra hằng ngày trước mắt ta, mà là một nội công của tâm lực đồng nòi làm nên trí lực đồng tông, vực dậy thể lực đồng tộc để cứu nước, để giữ nước.

HUYỀN SỬ TÂM LINH, HẰNG SỬ ĐẠO LÝ
Hai chữ Đồng bào, mang một sức mạnh luôn cao hơn một thực thể mà ta va, chạm, rờ, mó được. Đồng bào có một sức mạnh vừa huyền sử vừa tâm linh, vừa hằng sử vừa đạo lý, vì hai chữ đồng bào là tầm nhìn của một giống nòi làm nên tầm vóc của dân tộc. Tầm nhìn cao làm tầm vóc lớn theo, tầm nhìn càng xa tạo tầm vóc càng rộng, tầm nhìn càng sâu dựng tầm vóc càng hướng thượng: đồng thượng là đồng nhìn về một hướng cao, sâu, xa, rộng, để làm đẹp cho nhân dạng của mình, cho nhân dạng của đồng loại đang đồng tộc, đồng tông với mình. Tầm nhìn cao làm nên đời sống cao, tầm nhìn cao này hoàn toàn nghịch lý với các tầm nhìn ích kỷ, vị kỷ, ai chết mặc ai…. Tầm nhìn cao này lại càng nghịch lý và nghịch luận với các tầm nhìn của tà quyền phản dân hại nước của loại cõng rắn cắn gà nhà; của ma quyền buôn dân bán nước của loài mang voi về dày mả tổ…. Đồng thượng trị vì bằng tầm nhìn cao với đời sống cao, nó nghịch chiều nghịch hướng với tầm nhìn tà với đời sống ma.

DÂN TỘC VÀ NHÂN QUYỀN
Khi nghiên cứu tính đa văn hóa, đa văn minh, đa văn hiến giữa các sắc tộc, các dân tộc, các châu lục… tôi nhận ra các kinh nghiệm khác nhau, đưa tới các định đề rất khác nhau, rồi từ đó có những định luận khác biệt nhau, nên xin đề nghị các giải luận sau: tính phổ quát nhân quyền bằng tổng thể, tại đây nhân quyền là một phạm trù có sức mạnh tổng hợp được mọi sức mạnh khác nhau như tự do, công bằng, bác ái công nhận, vượt lên sự khác biệt văn hóa, văn minh, văn hiến giữa các sắc tộc, các dân tộc, các châu lục. Muốn quản trị được một tổng thể thì bản thân nhân quyền phải có tổng lực, với vị thế ở trên cao với sức hút của nó vừa tạo được hội tụ cho mọi khác biệt, vừa nâng cao mức độ nhận thức về nhân phẩm, chính là điểm đến của nhân quyền. Tính phổ quát nhân quyền bằng tiến bộ, trong đó nhân loại không chỉ hưởng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, mà còn có các tiến bộ về tư tưởng, triết học cùng các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Ta cũng không quên các tiến bộ của văn minh trong đó mỗi lần có sự hoàn thiện hóa về đạo lý, mỗi lần có sự hoàn chỉnh hóa về đạo đức, là mỗi lần giá trị nhân quyền được thăng hoa thêm.

NHÂN QUYỀN BẰNG ĐẤU TRANH
Tính phổ quát nhân quyền bằng đấu tranh, nơi mà tiến bộ của nhân quyền là kết quả tích cực qua đấu tranh giữa các quyền lợi đối kháng nhau trong xã hội, và sự xuất hiện của các lập luận về nhân quyền luôn là sự hiện diện để bảo vệ không những của tự do, công bằng, bác ái, mà cả về dân chủ và đa nguyên. Mỗi lần nhân loại tiếp nhận được kết quả tích cực qua đấu tranh trên nền tảng của công lý, thì công luật cùng công pháp sẽ ra đời để pháp luật hóa công lý mới được mọi người công nhận. Tính phổ quát nhân quyền bằng hội nhập, nơi mà hội là cơ sở của hòa, có hòa hợp để hòa giải, mà không qua xung đột, đấu tranh, ngược lại dựa trên các thỏa ước xã hội biết dung hòa để điều chế sự khác biệt về quyền lợi giữa các giai tầng khác nhau trong xã hội, tính riêng biệt về tư lợi của mỗi cá nhân, mà không có kình chống, không có đàn áp, không có sát phạt, khi mọi thành phần xã hội, mọi cá thể đều là công dân cùng nhau công nhận các công lý chung để bảo vệ nhân quyền.
SÁNG TẠO SẠCH TÁCH QUAN HỆ ĐỎ
Sự khác biệt có ngay trong vai trò chủ thể của tư bản phương Tây biết chủ đoán để chủ động trong đầu tư. Sự thành công của tư bản phương Tây dựa trên kinh tế tri thức để có công nghiệp sáng tạo, rồi biến công nghệ truyền thông thành công cụ và phương tiện cho toàn cầu hóa từ trao đổi dịch vụ tới trao đổi thông tin. Họ thăng hoa để vinh danh cùng lúc với kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, thông tin… biến câu chuyện thứ nhất có tự do rồi thành câu chuyện thứ nhì rất thông minh vì rất sáng tạo là ngày ngày phải có tự do hơn. Nên họ thấy tư bản gia đình, tư bản thân hữu, tư bản tham nhũng dựa vào độc đảng nắm độc quyền kiểu Việt Nam hiện nay chỉ thành công trên bất động sản, bằng chính quyền cướp ngày là quan sinh đẻ ra ma quyền bất động sản trộm, cắp, cướp, giật đất đai của nhân dân. Một sớm một chiều giầu có, nhưng cũng một sớm một chiều biến dân lành của dân tộc mình thành dân oan, nên đồng nghề tư bản, nhưng không hề đồng thuyền trong đồng đầu tư, không hề đồng hội trong thành quả lao động. Vì vậy tư bản phương Tây xem tư bản đỏ của Việt Nam hiện nay chỉ là loại man rợ buôn gian bán lận. Thành công vì đồng lõa với bạo quyền độc đảng, thành tựu nhờ đồng mưu với tà quyền tham quan, thành tiền nhờ đồng môn qua ma quyền tham nhũng. Bọn tư bản đỏ này không hề thành tài nhờ chính tri thức sáng tạo của chúng như các lực lượng tư bản của kinh tế tri thức của công nghiệp sáng tạo.
GIÁO DỤC DÂN CHỦ
Ngay trên thường nguồn của dân chủ từ khi các lý thuyết gia đã phạm trù hóa định chế của nó để sinh hoạt dân chủ được vinh danh và thăng hoa trong xã hội, thì ta đã thấy vai trò của giáo dục. Chính giáo dục giúp cá nhân cởi bỏ được ích kỷ vụ lợi để nhận ra công ích tập thể. Giáo dục giúp cá thể yêu nước thương dân qua yêu quý lợi ích tập thể. Giáo dục giúp công nhân cởi bỏ được ích kỷ vụ lợi để nhận ra lợi ích chính trị là bảo đảm, bảo trì công ích tập thể. Giáo dục giúp công nhân làm rõ hoài bảo của nhân sinh muốn bảo vệ nhân phẩm của mình trong không gian chung của tập thể mà không quên không gian riêng của cá thể. Giáo dục giúp công nhân yêu nước thương dân bằng yêu luật trọng pháp trong đó công bằng là nền của công lý, công lý là mái nóc của công pháp.

QUYỀN LỢI NHẬP VÀO QUYỀN LỰC ĐỂ THÍ ĐI ĐẠO LÝ CỦA CÔNG BẰNG
Giáo dục về dân chủ phải đa dạng như sinh hoạt của nhân sinh, tại đây giáo dục về thể chế dân chủ qua định chế và qua cơ chế khác với giáo dục về sinh hoạt dân chủ qua đời sống kinh tế và quan hệ thương mại. Khi tách biệt được hai nội chất rất khác nhau của chúng, các chuyên gia về sinh hoạt dân chủ yêu cầu các chính quyền dân cử phải bảo vệ dân chủ, mà đạo lý đầu tiên là không để quyền lợi nhập vào quyền lực. Cụ thể các chính quyền này không thể để những chủ nhân giàu đã nắm sức mạnh kinh tế, giờ lại nắm chính quyền. Những chủ thầu giàu trong thương mại, giờ lại nắm chính quyền. Những chủ đầu tư trong tài chính, giờ lại lại nắm chính quyền. Vì khi quyền lợi đã nhập nội vào quyền lực, thì nó thí đi đạo lý của công bằng, thải đi đạo đức của giáo dục, có hai tư tưởng gia về sinh hoạt dân chủ đã phân tích sâu vào quá trình giáo dục về dân chủ.

CÁI GIÁO CỦA DÂN CHỦ
Cẩn trọng với cái giàu, và cái nhiều vì khi nó có mặt nó sẽ hủy cái tốt, diệt cái lành, cụ thể là xóa cái đức của dân chủ. Rồi phải cẩn trọng trước các lợi ích của cá thể bất chấp công ích xã hội, vì có sự xung đột giữa những cái ít, và cái nhỏ làm nên cái xấu, tạo ra cái tồi, để rồi diệt đi cái giáo của dân chủ. Khi công nhận là có lòng tham không đáy của kẻ giàu, cùng lúc cũng thừa nhận là có cái tham không lường được của kẻ nghèo, thì giáo dục về dân chủ đi thêm một bước nữa để làm sáng tỏ một sức mạnh kinh tế có trong sinh hoạt dân chủ, đó là tự do thương mại: nếu tự do thương mại là tự do trao đổi hàng hóa giữa các dân tộc, giữa các quốc gia, giữa các vùng miền, giữa các châu lục… thì động cơ của tự do thương mại rất tốt lành cho quan hệ quốc nội và quốc ngoại, cho quan hệ quốc tế, cho quan hệ liên vùng, liên châu lục. Nhưng nếu tự do thương mại là tự do mua gian bán lậu, lại dựa trên sự bóc lột của kẻ giàu là chủ trên lưng, trên đầu kẻ nghèo là thợ với điều kiện lao động tồi, với lương bổng tục, thì phải kết án và đặc biệt cảnh giác về loại thương mại này, vì chính nó sẽ lén lút diệt dân chủ bằng bóng đêm bất công của nó.

Giải Luận: Dân Tộc (P7)

Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s