Lui Về Một Bản Vị Có Ích Chung

Trong quyển sách Huyết Hoa của Lý Đông A, ở phần Bông Lau có đoạn nói về Thế Hệ. Đã không ít thì nhiều, một số sách báo của người Việt trích dẫn một đoạn nhỏ thế hệ này.
Mỗi thời buổi, trong dòng sống của lịch sử hoạt động như thế, phải có một tuổi ra cầm nắm lấy sức chủ và làm cán cốt cho đời sống chung hết thảy. Tất cả trong thời buổi ấy, những cái còn sót lại cũng như những cái đang chồi nẩy, phải dưới chỉ huy của cái tuổi làm sức chủ đó thì xã hội mới khai thông được mà nòi giống mới sống còn được. Chuỗi dây lịch sử làm bằng những xúc xích như thế, đời đời ca tụng mỗi thế hệ, dự liệu mỗi thế hệ và hoài điếu mỗi thế hệ. Ngày qua phải phục tùng ngày nay. Ngày nay phải khắc phục ngày mai, nghĩa là phục tùng ngày mai. Cái luân hồi xoáy vòng trôn ốc có nút tết của Phật Tam Thế đó chi phối hết mệnh vận của loài người, như loài người muốn tự mình, vì sống còn của xưa, nay, mai, cả nòi giống thân ái, phải nắm giữ cái luật tắc đó, hợp thời mà phục tùng nó, ở đó sinh ra cái đạo đức với viễn kiến.
Mỗi thế hệ cũ phải biết thời cơ lui về một bản vị có ích chung.
Mỗi thế hệ mới phải biết nắm thời cơ tiến lên ngôi báu của thời đại mới mà chỉ huy và làm tròn sứ mệnh mới.
Mỗi thế hệ dự bị phải thâu tóm hết những trí tuệ và kinh nghiệm cũ; trau dồi cho mình tất cả những điều kiện cần yếu cho nhiệm vụ tương lai của mình, để sắp sẵn ra nối liền dây tiến hóa.
Nhưng mà nếu loài người không biết tự động như thế, đào thải tất đau thảm và ác liệt của tiến hóa tất nhiên, sẽ cũng bó buộc làm như thế. Không ai tránh được luật vô thường; luật vô thường có một phương hướng, một quy tắc với một đường lối rõ rệt của lẽ tiến hóa”.
Đọc những dòng chữ trên xem ra dễ hiểu. Có ba thế hệ trong sinh hoạt của đời sống xã hội. Thế hệ dự bị, thế hệ làm chủ để chỉ huy (lãnh đạo) đời sống xã hội, và thế hệ cũ phải biết lui về.
Nhưng thế nào gọi là thế hệ cũ và lui về ra sao? Hình như chưa có ai giải thích rõ gồm cả những người tự nhận là Duy Dân.
Thế hệ cũ, theo quan niệm của người viết, là thế hệ trên 70 nắm vị trí lãnh đạo trong cơ cấu cầm quyền, hoặc những tổ chức xã hội quan tâm đến sinh hoạt của đời sống con người trong xã hội. Tại sao phải chọn con số 70 mà không là con số khác, lớn hơn 70 bởi con người ở thế kỷ 21 được sống lâu hơn? Lý do chọn con số 70 vì đó là tuổi về hưu và cũng là tuổi mà trí nhớ, sự minh mẫn, sức khỏe đã không còn nữa. Nếu nhìn theo dạng thực vật thì tuổi 70 là cây đã già. Mà cây đã già thì sự thay đổi không còn nữa và nếu vẫn còn thay đổi thì sự thay đổi rất chậm, không đáp ứng được thực tế của cuộc sống.
Khi viết lên những điều trên trong Huyết Hoa, Lý Đông A cũng đã đem những điều đó vào cơ cấu Cơ Năng Hiến Pháp mà ông đã đề nghị trong thời điểm 1940 cho những người nằm trong vị thế cầm quyền, có những quyết định ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đều phải giới hạn thời gian phục vụ trong cơ cấu cầm quyền cũng như tuổi tác tối thiểu và tối đa để được phục vụ trong cơ cấu cầm quyền. Xin xem phần Cơ Năng Hiến Pháp Diễn Giải để hiểu giá trị của những đề nghị và giải quyết được những vấn đề mà các nước tư bản, Hoa Kỳ là thí dụ, đang gặp phải trong nền dân chủ đang đi xuống.
Thế nào gọi là lui về? Lui về được hiểu là giao trách nhiệm lãnh đạo cho thế hệ cầm chủ và chính mình chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn nếu thế hệ cầm chủ tham khảo ý kiến. Thực tế thì các tổ chức sinh hoạt chính trị của người Việt (gồm cả Mỹ) vẫn tiếp tục có những người đáng lẽ về hưu nhưng vẫn tiếp tục nắm vị trí “lãnh đạo” tổ chức và hình thức “lãnh đạo” trở thành độc tài trong mọi quyết định mà chính cá nhân đó không hề nhìn ra được mình độc tài.
Chính vì không biết lui về, những người “lãnh đạo” đó đã không hề chuẩn bị để đào tạo thế hệ cầm chủ trở thành lãnh đạo, thay thế khi người lãnh đạo lui về bản vị có ích chung (cho xã hội và cho tổ chức nói riêng). Không ít thì nhiều, những tổ chức đảng phái chính trị người Việt thiếu người có khả năng để thay thế vị thế lãnh đạo mà đáng lẽ, những người lãnh đạo đó đã chuẩn bị người 10 năm trước khi đến tuổi 70 để lui về.
Không phải ai cũng có thể nắm vị thế lãnh đạo. Tuy nhiên, nếu quan tâm và có chương trình huấn luyện, người lãnh đạo tổ chức sẽ tìm được người thay thế mình để bản thân mình có thể lui về, tạo điều kiện một sức sống mới, một lối suy nghĩ mới trong tổ chức với hy vọng sẽ phát triển ở tương lai.
Lui về không có nghĩa là không còn đóng góp cho những điều mình quan tâm. Trái lại lui về vị thế lãnh đạo và tiếp tục làm việc dưới sức chủ của thế hệ cầm chủ chứ không phải giành quyền lãnh đạo. Mà nếu làm việc với người lãnh đạo mới thì dù có bất đồng quan điểm nhưng không có nghĩa là xem thường người lãnh đạo chỉ bởi vì cách giải quyết vấn đề của mình khác với người lãnh đạo mới.
Sự thành công hay thất bại của người lãnh đạo mới (thế hệ cầm chủ) là ở chính bản thân cá nhân đó và lịch sử sẽ ghi lại kết quả đó ở tương lai. Đừng vì “tham vọng” để rồi lui về nhưng vẫn tiếp tục “lãnh đạo” (giựt dây) sau lưng người lãnh đạo mới. Đây là hành động lui về nhưng không lui về.
Quan niệm lui về và sẵn sàng thực hiện chuyện lui về là chuyện xem ra khó với nhiều người bởi đơn giản những người đó vẫn nghĩ rằng mình còn có giá trị hoặc không tìm được người có khả năng thay thế mình. Để thay đổi và tạo sự tiến bộ cho xã hội hoặc cho bất cứ tổ chức đảng phái thì thế hệ mới cần phải nhìn ra giá trị của sự lui về hầu có thể chuẩn bị thời gian, chương trình để có người thay thế khi tuổi lui về đến với chính họ.
Mong rằng những ai đang vẫn còn nằm vị thế “lãnh đạo” bình tâm suy nghĩ lại về chuyện lui về. Còn nếu vẫn muốn tiếp tục “lãnh đạo” thì đó cũng là quyền tự do lựa chọn. Ai quan niệm là đã quá trễ thì đây là quan niệm “cố bám” chứ chuyện lui về không hề quá trễ. Khi hiểu được giá trị của lui về thì không hề có sự quá trễ. Làm được chuyện đó hay không lại là vấn đề khác, không đơn giản.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 7 năm 2022 (Việt lịch 4901)

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s