Yêu Luận (P8)

ĐI ĐÂU? – ĐI THÔI!
Khi mới yêu nhau, người yêu rủ mình đi tới một nơi chốn nào: «Ta đi nhé!», thì mình tự nhiên ta có phản xạ hỏi lại: «Đi đâu?», người yêu dịu dàng trả lời: «Đến giờ dùng bữa trưa, thì em mời anh đi ăn trưa!». Với tháng rộng năm dài, bao lần, bao bận, người yêu luôn có những câu trả lời hợp thời, hợp lý cho câu hỏi «Đi đâu?»; nên từ đấy niềm tin vào tình yêu và lòng tin của ta vào người yêu hợp nhất lại, chỉ là một. Và ta thấy không cần thiết để hỏi lại: «Đi đâu?», mà ta lẳng lặng thì thầm với người yêu: «Đi thì đi!».
Vì trong không gian tình yêu, khi người yêu xuất hiện đúng giờ, đúng lúc, ngay tâm diểm của thời gian, và chỉ nói gãy gọn một câu, một câu ngắn nhất trong Việt ngữ, một câu thật lạ lùng, một câu vừa ân cần, vừa như «ra lệnh» ta: «Đi thôi!». Thế là ta bật dậy, thẳng lưng, sẵn bước, chuẩn bị theo người yêu, dù rằng chưa biết đi đâu? Nhưng ta đã thầm biết là sẽ tới một nơi không những hợp thời, hợp lý mà rất hợp tình, hợp yêu nữa.
Nên tôi mới dám liều mà đề nghị một ngữ pháp mới: Đi đâu?-Đi thôi! Đây chính là lộ trình của tình yêu đã nhận ra nhân lộ của yêu đương, giờ đã thành «yêu thương lộ» vì đã biết dựa vào tin yêu tuyệt đối để lòng tin của người yêu này chính là chỗ dựa cho niềm tin của người yêu kia, chỉ gỏn gọn trong hai chữ: «Đi thôi !». Để không gian của tình yêu và thời gian của yêu đương hội tụ trong mắt vui, miệng cười: «Đi thì đi», «Đi đâu chẳng được», «Sợ gì mà không đi», «Muốn đi lúc nào cũng được», «Sẵn sàng đi đây», «Thì đang đi theo em nè!», «Đang cắm đầu đi theo em nè, không thấy sao?», «Đi ngay nhé!» …
Chỉ trong không gian của tình yêu, ta mới nghe được những lời khẩn thiết trong vui sống này; những câu thật ngắn trong sống vui này. Tình yêu có ngữ văn riêng của nó, yêu đương có ngữ pháp riêng của nó, nên thuật ngữ: «vì vậy» hay «vậy thì» chỉ là một nghĩa trong ngữ nghĩa của hai kẻ yêu nhau: «Đi thôi!». Trong «Đi thôi!» này có tri thức tức thì của tình yêu, có nhận thức tức khắc của yêu đương: «Chúng ta đi nhé!», không cần hỏi đi đâu? Tới địa chỉ nào? Mà chỉ cần «đi theo» người yêu tới nơi chốn mà ta biết là sẽ có lộc, có chồi của tình yêu, có mầm, có nhụy của yêu đương. Tại đây, ta hái mà ăn trái tức thì của tình yêu, ta ăn mà hưởng quả tức khắc của yêu đương; vì hai kẻ đang yêu không muốn đợi tới ngày mai, ngày mốt, ngày kia… Yêu ngay và hưởng ngay «yêu thương lộ» mà không cần định vị lẫn định hướng của «Đi thôi!». tưởng như mù mờ, không phương hướng, nhưng thật ra «Đi thôi!» là tới một nơi, vài nơi, rồi nhiều nơi đầy trái tức thì của tình yêu, tràn quả tức khắc của yêu đương.
«Đi thôi!» là đi ngay vào hiện tại, đi tới tương lai, nơi mà sự vui sống tức khắc của tình yêu chế tác ra tực thì sự sống vui trong yêu đương. «Đi thôi!» tới từ sự dấn thân vì tình yêu, để đi tới một kỳ vọng của yêu đương đẹp hơn dĩ vãng, hay hơn quá khứ khi ta chưa gặp được tình yêu. «Đi thôi!» như đi để rũ bỏ những nhàm chán có mặt ngay trong cuộc sống đang cầm chân ta trong cơm áo gạo tiền; đang giảm lỏng ta trong chén cơm manh áo, đang lao lý hóa cuộc đời thường nhật của ta trong giá áo túi cơm.
«Đi thôi!» như sung lực buông bỏ những hờn giận hôm qua đã lớn tiếng với nhau; như hùng lực cởi bỏ những phiền não hôm kia đã hiểu lầm nhau; như mãnh lực đi cao vào tình yêu, đi sâu vào yêu đương của giờ, những ngày sắp tới, với những ngày mai không còn muộn phiền khi bên nhau.
«Đi thôi!» với nội lực vén qua rồi vất bỏ những đám mây đen, những viền mây xám đang tới như muốn che phủ rồi vùi dập tình yêu. «Đi thôi!» như sét đánh ngang trời để xua đi, để đẩy lùi những vùng mây quá xám, quá đen đang vần xoay quanh quất chung quanh tình yêu. «Đi thôi!» để ra ngoài mà hít thở khí trời mới, rồi ăn mà hưởng những thức ăn trần thế, để tình yêu thêm nhiều nội công mà chống chỏi với thử thách của thời gian, với thăng trầm của thời cuộc, với trầm luân luôn ẩn hiện trong tình yêu.
«Đi thôi!» trong bật dậy, đứng lên, để rời cõi hạn hán như cực hình đã đày dọa ta trong cô đơn, chỉ vắng người yêu đêm qua thôi mà tình yêu như bị nạo rổng từ trong ra ngoài. «Đi thôi!» để ra khỏi chốn cô đơn, rời cõi cô độc làm nên cái cô lẻ không sao chấp nhận được, chính cái lẻ bóng này đã làm ta choáng váng, nhức đầu, chóng mặt khi ta chưa được nghe người yêu «phát lệnh»: «Đi thôi!». Như linh hồn được «Đi thôi!» cứu rỗi, để ta thoát khỏi cõi lao lý không có người yêu giữa đời, không có tình yêu giữa kiếp người.
«Đi thôi!» để mở ra giòng nước mới cùng người yêu, loại đi vũng nước ao tù đang ủ đọng trong nỗi khổ cô đơn làm nên niềm đau trong cô độc; mà chỉ cần hai chữ: «Đi thôi!» của người yêu thì bao nguồn nước mới từ đâu chẩy về trong yêu đương để tình yêu như được đánh thức để du hành tức khắc vào cõi yêu. Không gian của tình yêu khi không có người yêu, đã xiềng xích ta vào sâu trong sầu cảm, để ghẻ lạnh hóa não bộ của ta, nên chỉ hai từ «Đi thôi!» là chân trời lạ trước mắt đã mở với ánh sáng của tình yêu, với bao nhiệt lực của yêu đương.
Hãy cứ sáng suốt mà nhìn nhận khi hai chữ «Đi thôi!» chưa tới thì sầu cảm ngập đầy, hãy cứ tỉnh táo mà cảm nhận khi hai từ «Đi thôi!» tới rồi thì cảm sầu đang ngập trần, bỗng chốc vơi cạn rồi tiêu biến đi. «Đi thôi!» như đi ra để gặp biển rộng sông dài, để nhận lại trời cao đất rộng, để yêu thương vùng dậy, giúp tình yêu vươn vai mà đi tới với yêu đương cho trọn, cho đầy.
«Đi thôi!» là đứng dậy để dứt điểm với chờ mong trong cô đơn, đợi mong trong cô lẻ đến vô duyên như người tự mất kiếp. «Đi thôi!» xuất hiện để dẹp ngay đi cái vô cớ chịu lẻ loi khi tình yêu đã có, mà người yêu lại vắng mặt. «Đi thôi!» là chấm dứt sự vắng mặt của của người yêu, đã nạo rỗng của tình yêu bao thời khắc qua, khi ta chỉ một thân, một bóng. «Đi thôi!» nói lên một sự thật trong tình yêu là chỉ khi người yêu xuất hiện thì tình yêu mới hết bị tật nguyền; và khi không còn bị tật nguyền thì chính người yêu cùng với tình yêu sẽ trợ duyên rồi trợ lực cho ta nhận tất cả những gì mà vui sống trong sống vui sẽ ban trao cho ta.
«Đi thôi!» là hành tác đẩy cửa, mở cổng ra ngoài mà cảm nhận rồi tận hưởng những điều hay, ý đẹp mà cái đơn côi một mình trong mồ côi người yêu đã làm ta quên đi là có những điều mới, ý lạ từng ngày trong cuộc sống. Thế giới bên ngoài đang vui sống, và «Đi thôi!» giúp ta nhận lại sống vui ngay giữa cuộc đời. Anh cũng muốn thì thầm vào tai em điều này: «Anh biết là bên ngoài đang vui sống, nên ta phải «Đi thôi!» mới sống vui, nhưng bên ngoài phải có em, phải có đôi, phải có lứa, phải có cặp. Vì anh biết rõ hơn ai hết, những bóng tối của cô đơn là những đêm dài của nhân kiếp vật vờ, sống mà như ngủ, ngủ mà không có mộng đẹp, chỉ gặp toàn ác mộng! Lúc thì tình yêu bị vụt trước mắt, lúc thì yêu đương bị nát dưới vực. Muốn rời cõi mơ tồi, mộng dữ thì chỉ có em mới nói được đầy nghĩa, đúng tâm, trúng tim hai chữ: «Đi thôi!».
«Đi thôi!» hai chữ thật gọn, hai từ trong một câu thật ngắn, câu ngắn chữ gọn, tưởng là nhỏ nhoi trong nhỏ nhặt, nhưng cái nhỏ, cái gọn này là cái mạnh nhất để mang hai kẻ yêu nhau vào cõi vui sống của tình yêu, vào chốn sống vui của yêu đương. Chúng ta hằng ngày cần cái gọn, cái nhỏ nhưng nó mạnh vô song này để yêu, để sống, để luôn nhìn vào chân trời thương yêu của chúng ta.
«Đi thôi!» có sức nhạy cảm lạ thường chỉ hai chữ này thôi mà là não bộ tỉnh ngay, là thân thẳng dậy, là chân sẵn bước, sự nhạy cảm «Đi thôi!» trong tình yêu là nơi mà niềm tin khi mới yêu đã được tôi luyện thành lòng tin của bền yêu vì bền tin trong tháng rộng năm dài. Khi hai kẻ yêu nhau nhận ra lòng tin bền yêu vì bền tin, thì hai kẻ đang yêu nhau cảm nhận rõ là hiện tại không còn bị hẩm hiu hóa, tương lai không còn bị thui chột hóa, và mọi chân trời trước mắt không còn bị lạ lẫm hóa nữa.
«Đi thôi!» là khởi điểm của hành tác người yêu đang rứt ta ra khỏi chốn côi cút vì cô độc, nơi mồ côi tình yêu có thể biến ta thành bụi đời giữa tình yêu, khốn khổ hơn thành oan hồn vô hình, vô bóng đứng ngồi không yên chờ yêu đương. «Đi thôi !» là tựu điểm của quà tặng do cuộc sống trao tới bao điều hay, ý đẹp, nhưng phải có người yêu «phát lệnh»: «Đi thôi!» ta mới biết nơi mà nhận các món quà này.
«Đi thôi!», như lệnh đã phát ra và ta tự thấy không còn cô độc nữa ! Nên «Đi thôi!» là sung lực khẳng định dứt khoát lẻ loi là chuyện không chấp nhận được! Từ đây cô độc tiêu tan, cô đơn tiêu tán, ta sẽ nhận lại bao món ngon vật lạ của cuộc đời ngoài kia đầy nắng, có nắng sáng để «đi ăn sáng», có nắng trưa để «đi ăn trưa», có cả nắng khuya để «đi ăn khuya»… «Đi thôi!» đã chốc thoáng biến «cơm bữa» trong cô đơn không còn là cơm hẩm cháo hiu, mà «Đi thôi!» đã mang ta ra ngoài để thụ hưởng món ngon vật lạ, để tận hưởng sơn hào hải vị khi có người yêu cận kề trong «Đi thôi!».
«Đi thôi!» là xác chứng của tình yêu, là minh chứng của yêu đương, vì trong không gian của tình yêu, trong thời gian của yêu đương thì cuộc đời của hai kẻ yêu nhau đã có hai ngọn hải đăng, ngọn thứ nhất của thương yêu nhận diện được chung-để-chia của «Đi thôi!»; ngọn thứ hai của yêu đương nhận ra được chia-để-chung cũng của «Đi thôi!». Với hai ngọn hải đăng này thì tình yêu không thể mù lòa, yêu đương không sao mù quáng được, vì hai nguồn sáng này sẽ giúp hai kẻ yêu nhau tránh được đá ngầm, lách được bão táp, để cùng nhau vượt thoát phong ba, vượt thắng giông tố.
«Đi thôi!» là tiềm năng đã biến thành khả năng luôn chuẩn bị khởi hành để làm sáng, làm rõ, làm rạng tình yêu, có chỗ dựa là tin yêu; cùng lúc «Đi thôi!» làm rộng, làm cao, làm sâu hành tác yêu đương, có chỗ dựa là lòng tin đơn phương của người yêu này với người yêu kia, và ngược lại của người yêu kia với người yêu này. «Đi thôi!» như sung lực sẵn sàng lên đường để ra đường, ra đời để thấy đời mà thấu tình. «Đi thôi!» là đi vào cõi muốn của tình yêu như suối bền trước bãi đời có khi khô cạn. «Đi thôi!» là đi vào cõi mong của yêu đương như trước tình người có lúc khô cằn…
«Đi thôi!» là những trang hồi ký mới của tình yêu, là những giòng nhật ký mới của yêu đương, mà cuộc tình là tác phẩm được viết chung của hai kẻ yêu nhau, với các chữ đầu đề, với các từ đầu câu: «Đi thôi!». Trước khi hai chữ «Đi thôi!» được tai ta nghe rõ, thì tâm hồn ta sao đầy những độc chất của cô đơn, linh hồn ta sao ngập những độc tố của lẻ loi. Khi «Đi thôi!» được thông hiểu bằng não bộ rồi được thấu hiểu bằng não trạng, vừa đầy thương yêu lại vừa ngập yêu đương, thì chúng ta dày nội lực, tràn sung lực, ngập hùng lực, trào mãnh lực để vớt lên rồi vất đi các độc chất này, các độc tố này đang lẩn lách tận đáy hồn sâu của ta.
«Đi thôi!» ngược lại với cuộc sống tĩnh mịch, trái với cuộc đời hoang tịch, «Đi thôi!» đánh thức mọi ý thức của tình yêu, mọi nhận thức của yêu đương, để biến hành động đi thành hành tác đi thôi của hai chủ thể không chấp nhận cái buồn tênh đang luồn lách để lẩn trốn, đang biến cõi yêu thành hoang lộ của buồn rũ, buồn rục.

«Đi thôi!» đâu hứa hẹn gì về biển êm sóng lặng, «Đi thôi!» đâu hẹn hò gì về trời quang mây tạnh, «Đi thôi!» chỉ muốn hành động biến ăn chực nằm chờ thành ăn vui nằm vui.
«Đi thôi!» mang cái ngoài vui (làm nên) cái trong sướng, mà chế tác ra cái trong ấm của tình yêu, cái ngoài êm của yêu đương, để trao cho mỗi người yêu khi tìm yêu thì có được cái trong ấm ngoại êm từ tâm hồn tới não trạng.
«Đi thôi!» là dàn phóng, «Đi thôi!» là dàn nhún, «Đi thôi!» là dàn trận để bảo vệ tình yêu, bảo quản yêu đương.
«Đi thôi!» đâu hứa hẹn gì bằng mong cầu suốt đời hạnh phúc, «Đi thôi!» chỉ đến như thần lực cứu ta đang chết khát trong sa mạc mong đợi người yêu tới để phát lệnh: «Đi thôi!» là ta lên đường về hướng chớp bể mưa nguồn cùa người yêu.
«Đi thôi!» đâu hẹn hò gì về chung bạc mái đầu trong suốt kiếp yêu nhau, «Đi thôi!» đâu hẹn hò gì chỉ đến như phép màu linh diệu với kẻ đang đuối trong lẻ loi, đang ngộp trong cô quạnh ra khỏi tà giới của cô đơn. Mà «Đi thôi!», như «mệnh lệnh» của người yêu, khi vừa nghe xong là ta lên đường -cùng người yêu- để tiếp tục khám phá tình yêu, để tiếp tục khai phá yêu đương, như chính mình đang khai quật một núi lửa yêu đang âm ỉ trong lồng ngực của ta đây!

Yêu Luận (P9)

Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

 

 

 

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s