Yêu Luận (P7)

KHUÔN NÉT TRỜI SÂU
Sớm ở tuổi thiếu niên, tôi biết cuộc nội chiến (1954-1975) sẽ đeo đuổi tôi mãi suốt đời cho tới mãn kiếp, vì tôi đã mất rất nhiều trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn này. Tôi sinh ra, thì chiến tranh đã sinh trước tôi rồi, ngày tôi rời quê hương đi du học năm 18 tuổi, chiến tranh sắp dứt, nhưng chưa dứt hẳn. Từ 1975, sau nửa thế kỷ tại Âu châu, chiến tranh vẫn còn vờn vật trong não trạng tôi, không đêm thì ngày, tôi vẫn thấy chiến tranh tàn phá tâm hồn Việt ngay trong ngôn ngữ giữa đồng bào.
Chiến tranh đã qua nhưng nó đeo dẳng tôi, nó không rời não bộ của tôi, vì nó đã đóng sâu vào não trạng của tôi một dấu chàm bằng bạo lực của sự bạo tàn do chính nó tạo ra bằng sự bạo hành của một loại bạo quyền được xây dựng bằng bạo sát. Chiến tranh đã lấy đi những điều bình dị nhất của tuổi thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên, vì chiến tranh xen vào rồi ghẻ lạnh hóa đi nhân diện, nhân dạng, nhân cách của đồng bào tôi, của tôi.
Nhưng cũng sớm ở tuổi thiếu niên, tôi đã tìm và đã thấy những nhân diện đẹp ở những khuôn mặt đẹp của thiếu nữ Việt, của phụ nữ Việt, đây là bí mật của một kho tàng vô giá mà tôi biết cho tôi, tôi tìm ra cho tôi, tôi hưởng cho tôi. Tôi luôn bị-rồi-được lôi cuốn bởi những nét đẹp của những khuôn mặt nữ giới, đó là những lúc mà tôi luôn bị cuốn hút như người bị cướp hồn, rồi mất hồn, nhưng lại rất tỉnh táo để sáng suốt mà ghi nhận kỹ lưỡng biến thành ký não như suối bền của ký ức những khuôn mặt đẹp này.Tôi như bị cướp hồn trước những khuôn mặt nữ giới, với nét đẹp hiền hòa, sau khi gặp được những khuôn mặt này tôi thành kẻ mất hồn, mà muốn hoàn hồn trở lại, để không trở thành oan hồn bị mồ côi khuôn mặt nữ đẹp hiền hòa này thì tôi phải biến ký quan thành ký ức, để ký ức nhớ dai thành ký não nhớ hoài.
Có chuyện lạ là tôi hờ hững với những khuôn mặt đẹp kiểu kiêu sa, tôi lại càng dửng dưng với những khuôn mặt đẹp loại sắc sảo, tôi chỉ thích, chỉ nhận, chỉ theo những khuôn mặt nữ với nét đẹp hiền hòa. Đứa bạn này chê tôi dại vì không thấy nét đẹp kiểu kiêu sa, tôi nhận; đứa bạn kia khinh tôi khờ vì không thấy nét đẹp loại sắc sảo, tôi chịu. Tôi cũng chẳng cần phải biện giải với chúng, nhưng sớm lắm trong não bộ của tôi đã có hai thế giới nhân diện với biên giới rành mạch; thế giới thứ nhất với những khuôn mặt nữ với nét đẹp kiểu kiêu sa, hoặc nét đẹp loại sắc sảo; thế giới thứ nhì với những khuôn mặt nữ với nét đẹp hiền hòa. Tôi thấy dường như hai thế giới nhân diện này không cùng một lãnh địa nhân dạng, tôi không dám nói về nhân cách, mà chỉ dừng ở quan hệ giữa nhân diện và nhân dạng.
Cũng sớm lắm ở tuổi thanh niên, tôi giấu cho mình một phỏng đoán cá nhân rất chủ quan là khuôn mặt nữ với nét đẹp hiền hòa, sau này họ sẽ là những người vợ hiền lành, những người mẹ hiền hậu. Từ chữ hiền của nhân diện hiền hòa tới nhân vị hiền lành, tới nhân bản hiền hậu làm nên loại đạo lý hàng đầu mà Việt tộc có thể cống hiến cho đạo đức của nhân loại là sự tỉnh táo trong ăn hiền ở lành để sáng suốt trong ăn ở có hậu. Cũng khá sớm trong tuổi thanh niên, tôi nhận ra phỏng đoán chủ quan của cá nhân tôi lúc đúng, lúc sai, khi tôi được chứng kiến những chuyện gì đã xẩy ra trong cuộc đời của các phụ nữ có những khuôn mặt đẹp hiền hòa. Đó có thể là những khuôn mặt của các bạn học nữ thời trung học, cũng có thể là của đàn chị, đàn dì, đàn cô, đàn bác… nếu tôi đoán trúng thì tôi vui với phỏng đoán chủ quan của tôi như những kỷ niệm đẹp của đời người.
Ngược lại, nếu tôi phỏng đoán sai, tôi không những buồn mà còn mang một cơn giận phút chốc biến thành nỗi hận mà tôi không muốn kể cho ai nghe cả, bây giờ thì phải kể cho rõ. Đó là nhân diện, nhân dạng, nhân cách của cô gái có những khuôn mặt đẹp hiền hòa, thật sự là những người vợ hiền lành, những người mẹ hiền hậu, biết ăn hiền ở lành vì hiểu thế nào là ăn ở có hậu. Nhưng khốn nỗi, họ gặp phải những người tình khốn kiếp đã bạc tình với họ, những người chồng khốn nạn đã bạc bẽo với họ, kể cả những đứa con đã trưởng thành nhưng khốn đức đã bạc đãi họ. Đám đàn ông này, tôi đưa chúng vào mô thức của hiện tượng luận trực quan được trợ duyên bằng hiện tượng học lý trí: chúng chỉ là đám tà tri trong điếm trí, vì không nhận ra nội chất hiền hòa, nội lực hiền lành, nội công hiền hậu của những phụ nữ có hiền diện.

Khi phải trực diện với những người tình khốn kiếp vì bạc tình, những người chồng khốn nạn vì bạc bẽo, những đứa con trưởng thành nhưng khốn đức vì bạc đãi, tôi muốn đóng một con dấu lửa vào não trạng để con dấu lửa thành một dấu thẹo ngay trong não bộ của đám đàn ông này, chỉ một câu ca dao của Việt tộc, nơi mà thanh không bao giờ «đội trời chung» với tục: «Thân Em như giếng giữa đàng/ Người khôn rửa mặt, kẻ hèn rửa chân». Loại đàn ông này hèn trong đốn vận mạt kiếp nhân cách của chúng thấp hơn bàn chân của chúng!
Sớm tuổi thanh niên rồi sớm tuổi trung niên, tôi vui sướng như tìm ra báo vật mỗi lần tôi gặp được các những khuôn mặt đẹp hiền hòa của phụ nữ Việt nơi xứ lạ quê người. Ngẫu nhiên gặp họ tại một nơi xa xăm của Âu châu, đột nhiên thấy họ ở một nơi xa lắc của Mỹ châu… Có khi họ đi nhanh qua tôi trong lối đi nhỏ hẹp dưới hầm xe điện, có khi họ ẩn hiện ngoài đường phố, an nhiên tự tại giữa cõi người… Có lúc họ thản nhiên có mặt trong một bữa tiệc, có lúc họ chăm chỉ học hành trong đại học, sống lành để sống hiền giữa cõi người… Những ngày mà tôi được gặp chỉ một khuôn mặt đẹp hiền hòa của phụ nữ Việt là tôi vui cả tuần, có khi cả tháng nếu người đó chào mình rồi tươi cười hiền hòa với mình.
Chuyện lạ là khi gặp được những khuôn mặt đẹp hiền hòa của phụ nữ Việt ở xứ người hay ở quê nhà, tôi không có phản ứng tán tỉnh, phản xạ tán tình, vì sớm lắm ở tuổi thiếu niên cho tới bây giờ đã qua tuổi trung niên, tôi luôn tởm động từ «tán gái». Nói gần nói xa không qua «thú tội» là: tôi thích có cái cảm giác bị «cướp hồn» hơn là phản ứng tán tỉnh, tôi thích hưởng cái cảm xúc bị «mất hồn» hơn là phản xạ tán tình. Tôi thích-thấy-thấu được cái lực cảm động của tôi đã thành «oan hồn» trong sướng kiếp, vì nhân loại còn giữ được khuôn mặt đẹp hiền hòa.
Tuổi đời lấn tuổi người, tuổi người lấn tuổi thân (nhưng không hề tủi thân!) vẫn còn được đi ngang qua cõi đời này, để còn được gặp những khuôn mặt đẹp hiền hòa của phụ nữ Việt, để còn được (được chớ phải bị nữa!) «cướp hồn», «mất hồn». Với một mong cầu là nơi nào có những khuôn mặt đẹp hiền hòa của phụ nữ Việt, thì xin tình nguyện làm «oan hồn», tức khắc có mặt, tức thời trực diện với những khuôn mặt đẹp hiền hòa này.

Yêu Luận (P8)

Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

 

 

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s