SÂU VÀO GHẺ LẠNH
Con đường đi vào tư tưởng thơ của Thanh Tâm Tuyền luôn là con đường trắc trở, vì trong cái cô độc tuyệt đối của thi sĩ, người đọc phải tìm cho ra nhân phẩm trong nhân cách cô đơn, làm nên nội chất của của nhân tri cô lẻ: «Trưa nắng cháy. Vào sâu trong ghẻ lạnh. Với máu trong tim. Chảy nhanh như máy móc đau ốm. Tiếng nói gọi về phía trước, bước sóng dài, người sẽ gói vào lòng bàn tay… Gợi những hơi thở đã đốt lửa trái tim vào những gì đang xuất hiện…». Con đường nhập nội và tư tưởng thơ của Thanh Tâm Tuyền lại càng khúc mắc hơn trước cái chết: «Tôi buồn chết như buồn ngủ. Dù tôi đang đứng bên bờ sông. Nước đen sâu thao thức. Tôi hét tên tôi cho nguôi giận. Thanh Tâm Tuyền». Nỗi buồn của anh nhiều lúc đưa anh đi thật xa. «Tôi thèm giết tôi… Tôi thèm sống như thèm chết». Con đường đi vào tư tưởng thơ của Thanh Tâm Tuyền là vượt suối trèo đèo: «Không gian tâm hồn trong nhà ngục tâm hồn. Thế giới nói thêm lời hoa cỏ thiên nhiên. Sống không dễ và chết cũng không dễ. Mỗi lần hoàng hôn tôi cố thở cho nhiều. Các anh nhớ tôi còn sống…». Con đường đi vào tư tưởng thơ của Thanh Tâm Tuyền sao «thiên sơn vạn thủy» quá: «…Đất nước tôi có một lần. Tôi ghì đau đớn trong thân thể. Những dòng sông những đường cây núi nhọn. Những biệt ly rạn nứt lòng đường…». Nhưng đừng nản, sẽ tao ngộ với thi sĩ: «Đừng bắt tôi từ biệt. Vì tôi còn chất đầy tiếng nói. Tôi đã bao giờ muốn chết… Tôi còn muốn sống muốn sống. Thực hiện rừng danh từ của chúng tôi».
XOA SẦU NHÂN THẾ
Khi ta đi tìm tư tưởng thơ của Tô Thùy Yên thì ta hãy tìm ngay trong thi từ của thi sĩ nơi mà các giá trị tâm linh ngày ngày bị thủ tiêu bởi bạo quyền độc đảng toàn trị. Trong tư tưởng thơ của thi sĩ có hiện tượng luận của tri thức, nhận sự thật của cái chết trong liêm sỉ để thấy một loại bình minh lạ sẽ tới, để ra khỏi cái thấp của bạo quyền, cái tục của tà quyền, cái ma của âm binh: “…Ra đi như một bình minh lạ… Trên kỷ nguyên chưa kịp hiện hình…”. Tư tưởng thơ của Tô Thùy Yên luôn mang tầm vóc của siêu hình học lấy lời thơ như tiếng nói tạo dựng được sự sống, làm sự sống chuyển động một cách sống động để tự bảo vệ. Đây chính là tầm vóc tư tưởng thơ của Tô Thùy Yên! Biết tái tạo lại rạng đông, trên bao đổ nát của tâm hồn Việt qua chiến tranh, giờ thì nhân phẩm Việt lại bị chà đạp bởi bạo quyền độc đảng toàn trị. Tô Thùy Yên dặn dò: “…Sẽ lo chẳng những cho người sống/ Lo cả cho người khuất mặt kia/ Quen lạ bạn thù chung giấc ngủ/ Chung lời thương tiếc khóc trên bia…”. Nội công này mang sức mạnh của tâm linh để thực hiện được chuyện giải oan, xóa cái oan cho kẻ thua trận và đủ nội công để giải oán luôn cho kẻ thắng trận. Cùng một nòi giống Việt thì hãy đi về hướng của nhân tâm mà làm rộng nhân bản, làm cao nhân phẩm. Vì cái oan chỉ là chuyện bể dâu của nhân thế, nó không phải là dấu chàm vĩnh viễn của nhân sinh. Câu chuyện giải oan qua tư tưởng thơ của Tô Thùy Yên chính là sức mạnh của tâm linh đi trên lưng, trên vai, trên đầu cái oán: “Ta về như hạt sương trên cỏ/ Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời/ Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt/ Tội tình chi lắm nữa, người ơi”.
QUYỀN YÊU NGƯỜI
Phạm Duy yêu thâm đậm thi ca để được đi thật sâu vào ca khúc, đi và hát để thấu được thảm kịch của Việt tộc đã bồng thảm cảnh của bao chiến tranh: «Nước mắt len sau từng nụ cười». Tư tưởng của ông là: «Khóc cười theo vận nước nổi trôi», một tư tưởng không biết chùng bước trong cuộc tầm xuân: «…Người ôm nhân loại trong mình: Cười trong nước mắt cho xuân tình dấy men…».
Một tư tưởng không ngừng yêu, vì đã bị mất mát quá nhiều, và biết vui lên khi cuộc sống trở lại bình thường: «Tình xuân chớm nở đêm qua khi mùa chinh chiến đã lùi xa ngoài đời», với số phận của một dân tộc đếm bằng mùa chinh chiến. Một dân tộc cứ phải tìm nhau «Tìm nhau khi nhân loại được trùng tu…» để gặp nhau: «Gặp nhau trong vinh dự của đời người…». Tư tưởng của Phạm Duy biết làm chứng nhân cho sự thật và lẽ phải: «Đừng ngậm miệng im hơi thành xác không hồn…», cũng chỉ vì: «Lời tôi thay cho tiếng đạn bay/ Lời tôi khâu vá tình thương/ Đừng cho ai ăn cướp tình ta/ Lời tôi sâu như tiếng tình yêu…». Một tư tưởng có tên là: «Việt Nam tên gọi là người… Việt Nam đem vào sông núi tự do, công bằng, bác ái muôn đời…». Ba tiền đề tự do, công bằng, bác ái biết phục vụ cho nhân quyền, một nhân quyền bao la, đó là quyền yêu người để yêu mình, yêu đồng loại để yêu đồng bào… yêu trọn đời: «Việt Nam không đòi xương máu, Việt Nam kêu gọi thương nhau…». Tư tưởng của Phạm Duy luôn đi xa bằng tiếng gọi của ý nguyện làm nên ý lực luôn tâm nguyện tranh đấu cho đời: «Việt Nam trên đường tương lai, lửa thiêng soi toàn thế giới, Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời… ».
MÁT LÒNG NGUYỆN XƯA
Tư tưởng của thiền sư Thích Nhất Hạnh có tự thượng nguồn trong Nguyện xưa:” Mát lòng nhờ những giọt không/ Bỗng dưng thuyền đã sang sông/Cát mềm/ Bãi vắng/ Nguyện xưa”. Đó là lời thề xưa là ý nguyện làm nên ý lực cho chí nguyện đi cứu đời, cho tâm nguyện làm cho đời vơi đau-bớt khổ. Một lời thề tưởng đã xưa, vậy mà nguyện này giúp ta tu cả đời, có khi tu cả đời cũng không đủ để xóa đi nỗi khổ niềm đau của nhân sinh. Khi mát lòng nhờ những giọt không, tại đây mát lòng chính là sự hiện diện của tâm linh bằng tình thương xoa cái bức, xóa cái nóng đang làm bỏng nhân sinh. Nhưng ẩn số của tư tưởng là thiền sư-thi sĩ đưa ra đây là câu chuyện chung quanh: giọt không! Mà không ở đây không phải là không có gì cả, mà là câu chuyện sắc là không, và không cũng là sắc trong kinh Phật. Cho nên cái không này không phải là con số không, mà nó là cái bao la của vô thường, cái mênh mang của vô ngã, giúp kẻ hành thiền thấy được niết bàn sẽ tới khi con người buông bỏ được cái có trong cái ngã, gây ra mộng tưởng cho cái ta đang bị lấp đầy bởi cái có, đang tràn ngập ta từ tham lam vật chất cho tới tham, sân, si. Bước tiếp theo của tư tưởng cũng thật đột biến: Bỗng dưng thuyền đã sang sông, đây là định nghĩa về sự giác ngộ của thiền sư: thuyền đã sang sông để tới bờ giác, nơi mà tuệ giác về niết bàn là sự buông bỏ cái có hạn hẹp, để nhận giọt không bao la, vô bờ bến vì biết dựa vào tứ vô lượng tâm, trong từ, bi, hỉ, xã. Và là nơi chứa và giữ vô lượng tâm, là cát mềm dưới chân ta, với nguyện xưa vẫn còn nguyện vẹn trong ta!
TAN KIẾP THĂNG TRẦM
Hãy tới tư tưởng thi ca của Phạm Thiên Thư bằng động từ xin: «Muôn loài như sương rơi. Xin làm hoa trắng” như đi trên con đường: nhân tính làm nên nhân tình; có nhân từ biết chở che cho nhân nghĩa trong cõi sinh, cõi sống của ta. «Muôn loài như sương rơi, xin làm hoa trắng đỡ… » sương thì yếu yểu, rơi là tan, nhưng hoa cũng mong manh vậy, vậy mà hoa biết hứng đỡ sương, lấy chính thân mong manh của mình để hứng đỡ cái chóng chày, cái đang phôi pha giữa sự sống. Muôn loài như cát trắng, xin làm dòng nước trong. Khi cát đang bị nóng, đang bị khát, nếu bạn là dòng nước trong thì bạn sẽ cứu được vô vàng hạt cát; chỉ một động thái mở lòng nhân từ để làm dòng nước trong.Vì :Muôn loài như hoa thắm, xin làm một ánh dương… Tư tưởng đã nằm sẵn trong vũ trụ hằng ngày tạo ra bởi cả một vũ trụ của ánh sáng, mang sức nóng của mặt trời để sự sống tự nói lên rằng: sự sống rất đẹp! « Muôn loài như hương thơm, xin làm cơn gió sớm »… Hãy nhận ra nhân tâm của ta:« Muôn loài như con suối, xin làm biển khát khao». Động tự xin:«Xin làm hạt cây nhé hoa cho đời hiện hữu xuân»; làm hạt mầm trong lòng đất, làm hạt cây để cây sẽ được làm cây, để cây sẽ tặng hoa cho đời, dâng trái cho người. « Xin làm chim gõ mõ gõ tan kiếp thăng trầm»; gõ tan kiếp thăng trầm, cho người bớt khổ, cho đời bớt buồn, cho thăng trầm phải qua đi, cho trầm luân không còn ám kiếp nhân sinh nữa. Giờ đây, giòng đời có tiếng thương muôn loài, có tiếng thương yêu người, có tiếng thương yêu mình: Thương người như thương thân…Thương người như thuong mình…
KHAI TỬ ĐỂ BÁO SINH
Hãy cùng nhau đi tìm tư tưởng Việt trong thi ca Việt, trong văn hóa Việt, văn minh Việt, văn hiến Việt, văn bản Việt. Hãy biến thành phản xạ ý nguyện, ý muốn, ý định, ý chí đi tìm tư tưởng Việt mỗi lần có trong tay, trong tầm mắt thi ca Việt, văn bản Việt, lịch sử Việt… Đừng ngừng ở ngữ vựng đẹp, ngữ văn hay, ngữ pháp lành, ngữ thuật tốt, mà đi vào chiều sâu -dù trong tăm tối của ngữ nghĩa- để thấy cho thấu tư tưởng Việt. Nhưng khi nhận ra được tư tưởng Việt trong và ngoài thi ca Việt, thì chúng ta vẫn chưa có triết học! Nếu định nghĩa tư tưởng là không gian được xếp đặt lớp lang thứ tự các giá trị của nhân bản và nhân văn, từ đạo đức tới tâm linh, từ giáo dục tới văn hóa, từ kinh tế tới xã hội…Thì chính triết học sẽ rèn, đúc, mài, dũa cho tư tưởng vững, bền, sắc, nhọn bằng tiềm năng lý luận, bằng khả năng lập luận, bằng kỷ năng giải luận, bằng trí năng diễn luận của triết. Có rất nhiều dân tộc, như Việt tộc, có một nền thi ca vô cùng phong phú, nhưng không có móng nền của triết học, mà triết học là chỉ báo để nhận ra chiều rộng của một văn hóa, chiều sâu của một văn minh, chiều cao một văn hiến.
Xa hơn nữa, sự hiện diện của triết học trong và ngoài thi ca là «điềm báo» sự xác chứng của nhân phẩm, sự xác thực của nhân bản, sự xác minh của nhân quyền. Sâu hơn nữa, sự hiện hữu của triết học luôn là ngày báo tận thế của mọi bạo quyền độc tài toàn trị, ngày báo tử mạng của mọi tà quyền độc trị tham ô, ngày báo tang điếu của mọi ma quyền độc tôn âm binh trị… Cao hơn nữa, đây chính là khai sinh của dân chủ, cũng là ngày sinh nhật của đa nguyên, vì đó là ngày thật sự chào đời của ba định đề cộng hòa: tự do – công bằng – bác ái. Rộng hơn nữa, đây chính là thử thách của nhân phẩm ngay trong nội công và bản lĩnh của Việt tộc.
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).