Tầm luận tư tưởng Việt
Lấy hệ luận (lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận) để tầm -tầm là tìm, mà tầm cũng là tầm vóc- tư tưởng Việt, một tư tưởng có đầy đủ trong thi ca Việt, đã hiến dâng thật nhiều cho văn minh Việt, nhưng tư tưởng này vẫn bèo dạt mây trôi trong học thuật Việt, một học thuật vắng bóng triết học.
TƯ TƯỞNG TUỆ LUẬN
Khi ta đọc các bài kệ của vua Trần Thái Tông, ta đừng đóng khuôn các bài kệ này vào khung bất di bất dịch của của Phật thuyết, mà hãy nhận ra tư tưởng thi ca của ngài. Vì ngài có đời sống nhân tâm thật cao, với một chiều sâu nhân tri, của một chủ thể dầy nhân trí biết quyết đoán trong thiền định, không hề bị thiền thuyết giam lõng. Chính ngài đã đào sâu, khơi rộng đạo vị Phật học bằng tư tưởng riêng làm nên tuệ giác của ngài: “…Hương này trồng từ rừng giới luật/ Tưới bằng nước thiền định/ Chặt trong vườn trí tuệ/ Đẽo bằng đạo giải thoát…”.
TÂM CẢNH NHÂN SINH
Hãy thấy tư tưởng của Tuệ Trung thượng sĩ để vượt lên khuôn pháp của các bài kệ, mà nhận ra giá trị nhân bản biết phục vụ nhân tri của ngài: «Viết kề trình kiến giải/ Như dụi mặt thấy quái/ Dụi mặt thấy quái xong/ Lại rỡ ràng tự tại». Hôn mê giữa cuộc đời, chớp mắt khoảnh khắc là thấy quái, thấy ma, nhưng biết dụi mắt là để sáng mắt, vì sáng mắt nhờ các giá trị tâm linh làm nên tư tưởng có trong kệ, trong thơ, trong triết, để nhận ra chiều sâu của tâm, để chủ động với cảnh. Tuệ Trung thượng sĩ giải luận được phạm trù tâm cảnh của nhân sinh: «Vạn pháp vô thường cả/ Tâm ngờ tội liền sinh/ Xưa nay không một vật/ Chẳng hạt chẳng mầm xanh/ Hằng ngày khi đối cảnh/ Cảnh đều do tâm sinh/ Tâm cảnh đều không tịch/ Khắp chốn tự viên thành».
CỐT LÕI CÕI TÂM LINH
Khi ta gặp tư tưởng của Trần Nhân Tông qua thi ca của ngài, ta nhận ra các giá trị tâm linh làm nên tâm hồn của Việt tộc, biết giữ nước trước bọn Nguyên Mông, nhưng cũng biết tiếp nhận lòng từ bi đến từ Phật học. Chính Trần Nhân Tông cũng đề nghị cái đẹp phải được nhận rõ để hưởng sâu, lấy cái nhìn sâu sắc để sống trọn với cái đẹp. Trước mùa xuân thật đẹp trong cõi sinh sôi của màu sắc, Trần Nhân Tông chiêm nghiệm cả hai: cái vô thường có và cái đẹp cũng có, ta hãy sống trọn vẹn với cõi sinh: “Thân như hơi thở qua buồng phổi/ Kiếp tựa mây luồn đỉnh núi xa/ Chim quyên kêu rã bao ngày tháng/ Đâu phải mùa xuân dễ luống qua”. Tư tưởng của Trần Nhân Tông giác ngộ ngay giữa cõi sống, hãy tạo trọn vẹn tuệ giác qua chính sự sống. Kiếp người nhanh vụt như: Thân như hơi thở qua buồng phổi, chỉ là hơi thở của một: Kiếp tựa mây luồn đỉnh núi xa; nhưng đừng để mùa xuân vuột tầm nhìn của sự sống: Đâu phải mùa xuân dễ luống qua. Những cái mong manh nhất: hơi thở qua buồng phổi, mây luồn đỉnh núi xa, mùa xuân để luống qua…. Tư tưởng thi ca của Trần Nhân Tông là những yếu tố cốt lõi tạo nên cõi tâm linh hãy nhận ra buồng phổi của vạn vật, nhận ra mây luồn giữa trời cao, với mùa xuân mà ta giữ cho bằng được để “khai thị” nhân sinh quan, thế giới quan, vũ trụ quan cho chính ta.
CHUNG MỘT NỖI ĐAU
Nơi thanh vắng Côn Sơn, ta sẽ tìm ra tư tưởng thi ca của Huyền Quang về chuyện “mai danh, ẩn tích” của ngài: “Ngửa mặt trời xanh hỏi lý do/Hiên ngang trong núi mọc thành hoa/ Bẻ về, không dễ chưng vừa mắt/ Chỉ mượn màu xuân đỡ bịnh già”. Chốn Côn Sơn của Huyền Quang rất dễ có, có hằng ngày nhân dạng của: Ngửa mặt trời xanh, có cõi núi mọc thành hoa, xa cõi tục, xa cõi trần, xa luôn cả phản xạ hái hoa, cắt hoa, bẻ hoa mang về nhà… hãy để hoa yên thân hoa, yên với núi của hoa, yên trên núi đầy hoa, để chúng ta và Huyền Quang thấy trọn màu xuân. Bạn cứ liên kết hai hình tượng: núi mọc thành hoa và màu xuân ta cứ vào đi vào phong thái tâm linh của Huyền Quang qua bài Ngủ trưa: “Mưa tạnh, khe núi tĩnh/ Ngủ mát dưới rừng phong/ Nhìn lại cõi nhân thế/ Mắt mở vẫn cay nồng. Cõi tâm linh làm nên tư tưởng riêng của Huyền Quang được tự do tìm chỗ mát: Ngủ mát dưới rừng phong, nhưng khi nhìn lại nhân thế (ngoài kia-dưới kia-xa kia) thì: Mắt mở vẫn cay nồng. Mà mắt cay nồng vì ta mới tỉnh lại giữa nhân thế, hay là ta cay mắt vì buồn cho nhân thế? Các giá trị tâm linh làm nên tư tưởng yêu cầu ta cảm nhận cả hai: thức tỉnh giữa nhân thế và cay mắt vì nhân thế. Tư tưởng của Huyền Quang có nền của từ bi, ông luôn “cay mắt vì nhân thế”, khi ông thấy các tù nhân trong vòng lao lý đi ngang qua ông: Biên thư bằng máu nhắn tin nhau/Cô đơn chiếc nhạn vụt mây sầu/ Bao nhà nhìn nguyệt đêm nay nhỉ? / Hai chốn cùng chung một nỗi đau.
THƯƠNG MÌNH XÓT XA
Việt tộc gặp tử tưởng của Nguyễn Du ngay trong Nghiệp chướng của Kiều trong phận lầu hồng là thân xác bị đày đọa từng giờ, đêm tới xác thân rã rời, mệt lả mà không sao ngủ được, chưa ngủ mà ác mộng chập chờn, trùm phủ: «Giật mình mình lại thương mình xót xa». Một lần khác, Kiều cũng giật mình âm thầm và sâu đậm trong nhân cảm, trước đức biết tạo ra duyên, nơi đây các giá trị tâm linh mang hiệu quả của phúc; của sư cô Giác Duyên đã cứu chính sinh mạng của Kiều: «Trước sau cho vẹn một lời. Duyên ta mà cũng phúc người kia không?». Ta có thể gặp tử tưởng của Nguyễn Du ở một chổ khác, qua chân dung Hoạn Thư độc thoại trong trạng thái của một não bộ đang bị điều khiển bởi những cái xấu, tồi, tục, dở tới từ ghen tuông, đây là sự quy hàng của tuệ giác trước ghen tuông chỉ muốn đưa ra con tính thấp của kẻ ghen tới vực của các chuyện thâm, độc, ác, hiểm để bắt cóc, để hành hạ, để nhục mạ, để chà đạp nhân cách của Thúy Kiều, để diệt tha nhân. Vậy mà ngay trong ám chất đầy bóng tối của hờn ghen, Tố Như-Nguyễn Du đã tự mở ra một ánh sáng, như để tự chính mình ra khỏi độc chất trong tham, sân, si của Hoạn Thư: «Phải dung kẻ dưới mới là lượng trên».Dung, một động từ thật thảnh thơi trong nhân đạo, đi từ khoan dung tới dung thứ nơi mà khoan hồng là tụ điểm của rộng lượng, của vị tha, ở đây chắc chắn là có từ bi, để chế tác ra một động thái nhân từ, để làm sáng nhân tâm.
VŨ TRỤ QUAN TRI LUẬN
Phạm trù thi ca của Hàn Mạc Tử có thể bắt đầu bằng nỗi đau về nan bịnh của ông, đã làm nên nhân sinh quan của ông khi người còn sống phải cách lý, cách giản, sống bằng khoảng cách: “Anh đứng cách xa hàng thế giới/ Lặng nhìn trong mộng miệng em cười/ Em cười anh cũng cười theo nữa/ Để nhắn hồn em đã tới nơi”. Cái nan bịnh làm tăng khoảng cách giữa người bị bịnh và người không mang bịnh, nó tạo ra cái khoảng cách (thật khốn kiếp) giữa người và người, nên người ta không cách xa nhau hàng ngày, hàng dặm mà cách xa hàng thế giới. Cái thế giới không bị bịnh không nhận ra vì không hiểu được, không thấu được nỗi khổ niềm đau trong thế giới của người lâm trọng bịnh. Nhưng thi ca của Hàn Mạc Tử đi xa hơn nhân sinh quan nan bịnh, mà ta nên tìm để nhận ra bản thể quan của thi sĩ có tâm hồn là tấm gương soi: «Hồn là ai? Là ai? Tôi chẳng biết/ Hồn theo tôi như muốn cợt tôi chơi/ Môi đầy hương tôi không ứa ngậm cười/ Hồn vội mớm cho tôi bao ánh sáng». Khi ta nắm được phương pháp luận để thấy cho thấu nhân sinh quan và bản thể quan của Hàn Mạc Tử ta sẽ nhận ra vũ trụ quan trong tư tưởng thơ của thi sĩ. Một tư tưởng thơ hiếm hoi đã trở nên quý báu cho thi ca của nhân loại, nơi mà vũ trụ quan vừa là hiện tượng luận, lại vừa là tri thức luận: «Trăng… trăng… trăng… này trăng… trăng… trăng… Ai mua trăng tôi bán trăng cho».
CHÔN SỐNG CHÂN MÂY
Khi ta đọc thơ của Trần Dần, ta thấy không những không khí lao tù trùm phủ lên sáng tác, mà bối cảnh lao lý bao trùm lên cả một xã hội tai ách bạo quyền độc đảng toàn trị. Nhưng ta phải đi thêm bước nữa, vừa bằng tư tưởng của thi ca, vừa bằng kinh nghiệm của tri thức chính chúng ta đã từng ít nhiều sống và là nạn nhân của bạo quyền độc đảng toàn trị. Trong tư tưởng thi ca của Trần Dần, ta nhận ra sự vận hành liên hồi của lao lý, của nhục hình, của khổ sai… Chính những thăng trầm này đã tôi luyện, đã rèn đúc các giá trị tâm linh của thi sĩ, giúp thi sĩ đi trên nhân lộ tra, suy, xét, đoán lịch sử. Từ đó đòi hỏi pháp luật phải truy, phán, phạt, xử bọn bất nhân, thất đức qua lời của thi sĩ. Sử-Luật đã có trong thi từ của Trần Dần: «Tha cho tôi. Tôi chưa đánh vỡ gì cả/ Tôi chỉ đánh vỡ của mọi người một mảnh sống: đời tôi». Và thi sĩ còn dặn dò thêm là nếu lịch sử cùng pháp luật không thực hiện được công lý truy, phán, phạt, xử, thì chính nhân sinh sẽ bị mất mọi chân trời: «Có những chân trời không có người bay/ Lại có những người bay không có chân trời». Mất chân trời không những là mất tương lai, mà còn mất luôn các giá trị tâm linh, tại đây nếu con người không tự bảo vệ được các giá trị thiêng liêng, thì mất chân trời là mất lối thoát, là mất hẳn nguồn sinh linh của mọi sinh mạng, và sinh linh sẽ rơi vào tay của âm binh. Nếu Việt tộc vẫn cúi đầu, khom lưng, khoanh tay, quỳ gối trước bạo quyền độc đảng toàn trị, thì nhân kiếp của Việt tộc thật thảm thương: «Mỗi người chôn sống một chân mây».
HƯ VÔ, HỮU THỂ NGỦ YÊN
Hãy đi ngay vào tư tưởng thi ca của Bùi Giáng: “Người con gái hôm nay /mặc quần rách/ Vì hôm qua đã mặc chiếc quần lành/ Lành và rách đều vô cùng trong sạch/ Bởi vì lành rách cũng long lanh”để vượt luôn cả chuyện bề ngoài lành rách, chỉ vì thi sĩ muốn mỗi người trong chúng ta phải vượt cho bằng được cái hình thức dị biệt lành rách để thấy được nội dung: bởi vì lành rách cũng long lanh. Tư tưởng thi ca của Bùi Giáng là hiểu đời để được đời hiểu: “Em chợt thấy yêu đời vô cùng tận/ Vì đời là rất mực thiêng liêng/ Em chợt thấy không buồn đau oán hận/ Vì thiêng liêng không chia biệt cõi miền”. Bùi Giáng lội ngược dòng để chống vô cảm, bơi trái chiều để chận hững hờ, lướt trên mọi lãnh đạm chung quanh để được sống trọn, sống sâu, nhờ vậy thi sĩ mới đồng cảm rất tự nhiên với mọi tâm phận, rất đắc khí với mọi tâm nạn. Uống đúng thuốc tâm linh, dung đúng liều lượng cho tâm hồn, thì chợt thấy cuộc đời thiêng liêng, con người linh thiêng, biết vượt buồn đau để vượt thăng trầm, biết vượt oán hận để vượt trầm luân. Bùi Giáng để lại một tư tưởng thi ca vừa thật hay, vừa thật hiếm: Đã mở cõi thì đừng có ngăn miền! Khi vào tư tưởng thi ca này thì các hình thể mâu thuẫn hiện ra cùng lúc, thiên thu có mặt trong hiện tại, có hư vô cận kề cùng hữu thể, vì vậy cõi tâm linh không duy lý, không chỉnh lý, không thuần lý, mà nhiều lúc trong cõi này cái tâm còn dắt tay cái lý bằng cái tưởng (mộng tưởng để đi tìm lý tưởng) để nhận ra cái nhân. «Thiên thu lời tạ bên lời/ Hư vô, hữu thể bên đời ngủ yên»
ÔM LẤY MUÔN LOÀI
Khi đi tìm tư tưởng ca thi từ của Trịnh Công Sơn, thì hãy nhận ra sung lực tổng kết lịch sử thế kỷ thứ hai mươi chỉ bằng một câu, giờ đã thành dấu ấn trong tâm linh: «Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì». Ngọn gió hoang vu nào đã mang theo cái ác, cái sai, cái tối vào các thế hệ Việt, để rồi cái ác hà hơi cho cái bất công, cái sai bồi sức cho cái vô nhân, cái tồi nuôi dưỡng cái cúi đầu. Trước đó, thế hệ trước của thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã báo động cho thế hệ sau của Trịnh Công Sơn: «Chúng tôi tuổi trẻ đầu thai lầm thế kỷ». Khi nhập nội vào tư tưởng ca thi từ của Trịnh Công Sơn ai cũng nhận ra sự chối từ dứt khoát không bao giờ chấp nhận hận thù: «Một bàn cơm ngon, chiếu ghế không người. Mẹ bầy cho con với nước mắt rơi… Đường về phố lớn có đoàn quân đi tim không mang hận thù…». Tư tưởng của Trịnh Công Sơn là lòng tự tin của lương tâm biết dặn dò lương tri: «Khi đất nước tôi thanh bình tôi sẽ đi thăm… Đi để quên chuyện non nước mình…», đi đây không phải là vừa đi vừa cúi đầu, mà đi để mở ra con đường hoà hợp hoà giải dân tộc sau ngọn gió hoang vu huynh đệ tương tàn, vậy đã gần nửa thế kỷ rồi mà bạo quyền độc đảng toàn trị vẫn ở thế thật thấp -quá thấp- trước ca thi từ của Trịnh Công Sơn: «Việt Nam ơi! Cho mắt nhìn rạch tan căm thù». Với tà quyền độc đảng man trị thì không sao với tới tư tưởng của Trịnh Công Sơn: «Người ôm lấy muôn loài. Nằm trong tiếng bi ai». Vì tư tưởng của Trịnh Công Sơn có hai trí tuệ, một là vấn tâm: «Miệng ngậm hát từ tâm»; hai là vấn nạn: «Chim thiêng hót lời mệnh bạc».
Tầm Luận (P2)
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).