Tự trọng vì nhân phẩm
Tự trọng vừa là quyền chọn lựa, vừa là quyền quyết định để có quyền phán đoán, phán đoán lịch sử để hiểu sử tính, để thấu sử luận để không lặp lại sai lầm về sử quan trong tương lai, phán đoán các chính quyền độc đảng làm chỗ dựa cho độc tài, độc trị, độc tôn, để chọn lựa và quyết định cuộc sống theo hướng đa tài dựa trên đa trí, đa năng, đa hiệu, có cơ sở trong đa nguyên để bảo đảm dân chủ vì nhân quyền của chúng ta. Từ đây tự trọng vì nhân phẩm còn là quyền hành động, hành động để tha nhân phải tôn trọng nhân phẩm của chúng ta, vì tự trọng vì nhân phẩm biết đi tìm lẽ phải, từ đạo lý qua đạo đức, từ luân lý qua giáo dục, từ kinh nghiệm qua trải nghiệm, mà kẻ đòi tự do cho lẽ phải phải trả giá cho sự liêm chính của mình, mỗi hành vi liêm sỉ, mỗi hành động liêm minh, mỗi hành tác liêm khiết đều có cái giá của nó. Chính lẽ phải đưa công bằng vào công lý, giao pháp lý cho pháp luật.
Chính phương trình công bằng–công lý–pháp lý–pháp luật là phương pháp luận hỗ trợ cho định nghĩa về tự trọng vì nhân phẩm. Chúng ta được quyền «rợn người tới lợm giọng » trước bọn quan chức lãnh đạo cao cấp hiện nay của ĐCSVN, viết sách rao giảng để rao lận các luận điệu chống tự chuyển biến tư tưởng, để kiên định với ý thức hệ xã hội chủ nghĩa. Nhưng chính chúng là bọn sâu dân mọt nước, đã vơ vét bao tiền của, vàng bạc, đã có quốc tịch ngoại, nhà cửa tại phương Tây, và khi bị lột mặt nạ, trước tòa án thì chúng khóc lóc với não bộ sâu mọt, với não trạng sâu rụt, để nhân dân phải thấy rõ âm dạng sâu mọt của chúng.
Tự trọng vì nhân phẩm đón nhận kinh nghiệm tới từ cuộc sống, biến kinh nghiệm thành kiến thức, rồi đưa đạo lý vào tri thức để có ý thức về cuộc đời, có nhận thức giữa sự sống và cái chết, từ đó chọn sự sống trong cái sống đúng rồi biến nó thành cái sống cho đáng. Tự trọng vì nhân phẩm chấp nhận thử thách tới từ các khó khăn mà ta gặp ngay trong cuộc sống, giải quyết các khó khăn, bằng lòng tự trọng của chính mình, tự chọn lựa cách giải quyết tới quyết định các phương tiện để vượt thoát (và vượt thắng) các khó khăn. Tự trọng vì nhân phẩm chấp nhận thăng trầm, chấp nhận nghèo khổ nhưng luôn phấn đấu để vươn lên, tiết kiệm để lập vốn, cáng đáng trong cần lao để phát triển, để làm cho bằng được chuyện thay đời đổi kiếp theo hướng đi lên biến ngày mai phải đẹp hơn, hay hơn, tốt hơn, lành hơn hôm nay.
Tự trọng vì nhân phẩm có thế đứng và thế đi, có hành động và hành tác trong qua nội hàm của chủ thể luôn có ý thức, một ý thức tới từ tha nhân, tới từ lịch sự, tới từ xã hội, tới từ đạo lý…. Một ý thức về kinh nghiệm trong thực tế và biết chống lại tất cả phản xạ vô điều kiện của loại não bộ ích kỷ, của kiểu não trạng thụ động trong đời sống xã hội, trong sinh hoạt xã hội, trong quan hệ xã hội. Những phản xạ khuất phục trước bạo quyền độc đảng toàn trị là nhắm mắt-cúi đầu-khom lưng-khoanh tay-quỳ gối đều đáng chê, đáng khinh, đáng ghét, đáng bỏ, kể cả chuyện loại bỏ não trạng máy móc hóa ngôn ngữ: thưa, bẩm, dạ, vâng trước các tầng lớp lãnh đạo đang bóc lột, đang bòn rút, đang tha hóa đạo đức xã hội, đang đi trên lưng, trên vai, trên đầu nhân dân. Tự trọng vì nhân phẩm là nền, móng, cột, trụ cho bất tuân dân sự, trong các quốc gia có văn minh dân chủ, có văn hiến nhân quyền, cụ thể là biết tự chuyển hóa não bộ, tự chuyển biến não trạng nếu cuộc đời bị đe dọa, nếu cuộc sống bị tha hóa.
Tự trọng vì nhân phẩm luôn được cụ thể hóa qua ba nội hàm, gầy dựng lên nội chất, đúc kết ra nội dung của tự do: ý thức hiện hữu (có mặt trong cuộc sống, lấy tự do để định hướng nhân sinh quan). Với ý thức chủ thể (có mặt giữa cuộc đời, lấy tự do để định vị thế giới quan); cùng ý thức lý tưởng (có mặt trong thế sự với lý tưởng của đạo lý hay, đẹp, tốt, lành) cho mình, cho mọi người; để chuyện sống chung trong xã hội là chuyện mong muốn, chớ không phải là chuyện cam chịu.
Tự trọng vì nhân phẩm trao tặng cho ta một uy quyền biết rời bỏ những bữa tiệc trà dư tửu hậu của bọn trọc phú, chỉ biết ăn tục nói phét, tự điếm nhục hóa lời ăn tiếng nói của chúng, làm ta «rợn óc tới lợm giọng». Vì bên đường, ngoài phố thì dân lành bị phá nhà, cướp đất, giờ đã thành dân oan trong cảnh màn trời chiếu đất, đang lầm than cùng dân đen trong cảnh đầu đường xó chợ. Tự trọng vì nhân phẩm có ngay trong nhân dạng với ý lực của nhân cách là không nhượng bộ những điều xấu, tồi, tục, dở có gốc, rễ, cội, nguồn của đặc quyền ác, đặc ân độc, đặc lợi hiểm
Tự trọng vì nhân phẩm có ngay trong chuyện chuyển hóa não bộ, chuyển biến não trạng với nhận thức ra là mỗi công dân đều được đổi vị trí xã hội của mình trong cuộc sống, trong xã hội, cùng lúc đổi luôn số kiếp của tập thể, số phận của cộng đồng theo hướng tiến bộ vì văn minh, trước một hệ thống ý thức hệ dựa vào bạo quyền độc đảng toàn trị. Tự trọng vì nhân phẩm có mặt trong đấu tranh vì công bằng xã hội, chống lại chuyện“con vua thì được làm vua”, với bi hài kịch “thái tử đảng” đẻ ra từ những quái thai vô tài bất tướng từ các “hạt giống đỏ”, được tái sản xuất theo kiểu cha truyền con nối. Theo thể loại “con quan thì được làm quan”, gây một thảm kịch cho cả dân tộc: “cả họ làm quan”, rồi cho ra đời một quái vật ma hình quỷ tướng trong thể loại dây mơ rễ má chốn âm phủ là quan hệ-hậu duệ-tiền tệ-đồ đệ, ngày đêm rình rập để tiêu diệt mọi trí tuệ, mọi tuệ giác tới từ các nguyên khí chân chính của quốc gia, của Việt tộc.
Tự trọng vì nhân phẩm không những qua phẩm chất của cá nhân, là đòi hỏi sống bằng chính nhân phẩm của mình, mà còn chủ động để hành động một cách rất cụ thể qua sáng kiến trong tập thể, sáng lập ra các hội đoàn, sáng tạo ra các phương án phù hợp với mong muốn, với chờ đợi, với tâm nguyện: thay đời đổi kiếp cho mình, cho thân quyến, cho đồng bào, cho đồng loại. Tự trọng vì nhân phẩm luôn bức thiết nên cá tính là kết quả, hậu quả, hiệu quả của tư duy, của hành vi trong hành tác cá nhân, giờ đã có nội lực của kiến thức, sung lực của ý thức, hùng lực của nhận thức để đòi hỏi vì công bằng, để đấu tranh vì công lý.
Có tự trọng vì nhân phẩm để đề kháng, có cá tính để đối kháng chống bất công, chống bạo quyền, đây là định nghĩa của cá tính, vừa là thượng nguồn, vừa là hạ nguồn của các định luận về tự trọng vì nhân phẩm với cá tính biết rời bỏ các biệt phủ, biệt dinh, biệt thự của các tham quan, khi thấy chúng mạ vàng nhà cửa của chúng, khi thấy chúng có nội thất được chế biến từ các gỗ quý của các rừng nguyên thủy, mà chúng đã trộm, cắp, cướp, giật được trên quê hương gấm vóc này. Chúng ta có quyền «lợm giọng đến buồn nôn» để rời bỏ các biệt phủ, biệt dinh, biệt thự của các tham quan này, không những để tự bảo vệ nhân phẩm của chúng ta, mà còn tỏ rõ thái độ là mạ vàng nhà cửa chính là vô minh vì vô học, tàn phá tài nguyên thiên nhiên đốn chặt gỗ quý, nạo vét đá quý chính là vô hậu vì vô tri.
Tự trọng luôn song hành cùng nhân phẩm. Tự trọng song lứa với nhân tính. Tự do song cặp với nhân cách để tiếp nhận đạo lý, đón nhận đạo đức, mà xây lên liêm chính, dựng lên liêm sỉ. Từ đó, cụ thể hóa dự phóng đẹp, để hiện thực hóa tương lai hay, để thể hiện hóa chuyện thay đời đổi kiếp ngay tự bây giờ bằng cách chuyển hóa não bộ, chuyển biến não trạng theo định hướng tốt, theo chân trời lành cho nhân sinh. Tự trọng vì nhân phẩm có mặt ngay trong hiện tại trong đấu tranh của kiếp người chống lại bạo quyền qua hệ thống bạo lực của nó.
Cùng lúc tự trọng vì nhân phẩm là dàn nhún, dàn phóng để gởi đi những phương án của sự sống đúng vì tương lai tốt đẹp trong nhân cách biết bảo vệ nhân phẩm. Chuyển hóa não bộ tiến bộ, chuyển biến não trạng vì văn minh là biết gởi thông điệp tới tương lai, luôn nhắn tín hiệu tới mai hậu là: tự trọng vì nhân phẩm đã có mặt để giúp con người tự biết bảo vệ nhân vị. Tự biết khẳng định nhân phẩm của mình là một hành động thông minh biết vượt thoát các lo âu, sợ hãi tới từ đe dọa, tới từ trù dập của bạo quyền độc đảng toàn trị; vì tự trọng vì nhân phẩm chính là gốc của sự thông minh biết tự thoát để tự thắng. Tự trọng vì nhân phẩm để tự thắng, là thông điệp đầy hùng lực của tự do, một tự do không để bạo quyền, bạo lực, bạo hành giết sự thông minh của nó vì dân chủ, diệt sự sáng tạo của nó vì nhân quyền.
Tự trọng vì nhân phẩm còn một động cơ kích thích sự hình thành của tự do trong thực tiễn, động cơ này có thể tới tự ngoại cảnh, chúng ta thấy láng giềng cùng văn hóa tam giáo đồng nguyên với ta: Hàn Quốc, Nhất Bản, Đài Loan… có đời sống phát triển, tiến bộ, văn minh… chính đây là ngoại cảnh của láng giềng để giúp ta dấn thân, để thúc đẩy ta có hành động cụ thể vì đời sống văn minh, văn hiến như các láng giềng của ta.
Chính tự trọng vì nhân phẩm giúp ta lấy quyết định để hành động! Nhưng có kẻ dùng tự do cá nhân để nhậu nhẹt, rượu chè, nghiện ngập… thì khi họ mong muốn có văn hóa, văn minh, văn hiến Mỹ Châu, Âu Châu, như các quốc gia láng giềng Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, mà bản thân họ không biết “thức khuya dậy sớm”, và hằng ngày không chịu được cảnh “một nắng hai sương”, mà ngược lại họ còn thiêu hủy kinh tế gia đình qua trác táng, làm khổ vợ con, thì các phát biểu của họ về tự do đi tìm văn minh, văn hiến như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ Châu, Âu Châu… chỉ là chuyện tráo lận truyền thông, nói mà không có luận cứ, vì vô tri nên vô lý, nó hoàn toàn xa lạ với định nghĩa về tự trọng vì nhân phẩm.
Tự trọng vì nhân phẩm vừa chống lại cái sai, vừa tiếp nhận cái đúng; vừa từ chối cái xấu, vừa gạt bỏ cái ác, vừa đón nhận cái lành; vừa xóa tan cái độc vừa chào đón cái đẹp, cùng lúc cam nhận cái thử thách. Tự trọng vì nhân phẩm chống lại kiếp «cơm thừa, canh cặn», để chống lại phản xạ thí gì nhận lấy, cho gì ăn nấy, ném gì xài nấy. Tự trọng vì nhân phẩm từ chối luôn kiếp «thiên mệnh đã an bài», để từ chối, không chấp nhận số phận an bài trong hiện tại, cam chịu số kiếp an phận trong tương lai, hứng chịu suốt đời làm nạn nhân.
Tự trọng vì nhân phẩm gạt bỏ luôn kiếp «con sải nhà chùa thì quét lá đa» để gạt bỏ hẳn bạo quyền, cường quyền, lạm quyền, trực diện đấu tranh chống tham quyền, tham nhũng, tham ô. Tự trọng vì nhân phẩm vạch mặt chỉ tên mọi bất công, bất lương, bất tài, bất chính, từ đây biết chuyển hóa não trạng bằng dấn thân để chống lạm quyền trong lãnh đạo, tham nhũng qua quyền lực. Bất tuân bạo quyền để xây dựng công bằng mới để chống bất công; cụ thể tự trọng vì nhân phẩm là biết nổi dậy để lật đổ bạo quyền độc đảng toàn trị hiện nay.
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).