Não Luận: Tự (P4)

Tự do vì nhân quyền

Tương lai luận dựa vào tương lai học một định đề là các khuynh hướng nặng chính là các khuynh hướng dài, cụ thể là nhận thức về sự hệ trọng của một vấn đề, của một thử thách, của một thăng trầm làm nên sức nặng rồi biến thành định đề dài lâu cho nhân sinh. Thí dụ như biến đổi khí hậu song hành cùng ô nhiễm môi trường là một sự hệ trọng làm nên khuynh hướng nặng và sẽ biến khuynh hướng dài, cụ thể hơn nữa là biến đổi khí hậu song đôi ô nhiễm môi trường trên toàn trái đất thì hệ trọng, nặng và dài cho con người hơn là sự cố động đất châu lục này, núi lửa châu lục kia.

Chính từ đây, Việt tộc phải nhận ra là tự do vì nhân quyền là hệ trọng, nặng và dài hơn mọi chiều trò tổ chức lại nhân sự của ĐCSVN trong đại hội đảng thứ 13, năm 2021, có hay không ý đồ của ĐCSVN song hành cùng thâm tính của Tàu tặc là dùng luật đặc khu để xâm chiếm đất nước ta. Vì khi, có được tự do vì nhân quyền là tất nhiên chúng ta có dân chủ để dẹp bạo quyền phản dân hại nước, chúng ta có nhân quyền để khử tà quyền buôn dân bán nước. Khi có nhận thức về hệ trọng làm nên khuynh hướng nặng và sẽ biến khuynh hướng dài cho nhân sinh, thì ta phải có thêm một nhận thức nữa là con đường đi tìm tự do vì nhân quyền càng rộng, càng sâu, càng cao thì bản lĩnh của nhân bản càng lớn, tầm vóc của nhân văn càng đẹp, nội công của nhân tâm càng bền.

Spinoza khi đi sâu thêm khi tìm nội chất của hành động tự do qua sự hợp tác vừa công bằng, vừa liêm chính, qua các thỏa thuận trong xã hội, trong đó khi quyền lợi được tôn trọng ngay trong hợp tác giữa các bên: cá nhân, chính quyền, pháp luật, xã hội, và mọi công dân đều biết tuân thủ sự hợp tác này, thì đây chính là cơ sở để xây dựng tự do. Rousseau còn làm rõ hơn bằng định nghĩa tự do qua hợp đồng xã hội để bảo vệ dân chủ trực tiếp, trong đó mọi người được tự chọn, để tự quyết định cho chính mình, nơi mà bạo quyền, tà quyền không có mặt vì không có chỗ đứng, lẫn chỗ để ngồi trong các cơ chế dân chủ.

Tự do vì nhân quyền kết hợp tất cả nội lực của nhân phẩm để chế tác ra sự tự tin vì nhân lý. Tự do vì nhân quyền mang sung lực của nhân tri để chế tác hùng lực của nhân trí, đó cũng là chặn đường tiến hóa của nhân tính. Hoch, phân tích nếu ta muốn dùng tự do để ngăn chặn bạo quyền, tà quyền, đã cướp tự do của chúng ta, thì chúng ta phải bắt đầu ngay trong não trạng của chúng ta là tìm mọi bằng cách giới hạn cách sống, cách nói, cách làm của bạo quyền, tà quyền. Nếu không thì chính bạo quyền, tà quyền sẽ giới hạn tự do của chính chúng ta bằng cách gây sợ hãi qua khủng bố, gây lo âu áp chế, gây tự kiểm duyệt, tự kiểm tra qua ý thức hệ của bạo quyền, tà quyền.

Qua triết học, Kant đưa ra hai phạm trù để định nghĩa tự do, trước hết tự do là trách nhiệm của ý thức, nhưng tại đây ông đề nghị phải định nghĩa cẩn trọng về tự do, vì tự do vừa là cơn gió chắn đường chim bay, nhưng vừa là lực giúp chim bay. Tự do của cơn gió, tự tin của cánh chim mang ý thức không chấp nhận bất công, bằng chính ý thức của mình khi thấy trước mắt mình bạo quyền đẻ ra bất bình đẳng, và tà quyền làm tăng bất công hằng ngày qua bạo lực và qua tham nhũng. Tự do của cơn gió, tự tin của cánh chim có được vì chính bất công, bạo quyền, độc tài vừa làm sáng định nghĩa, vừa làm sáng ý chí của tự do, chính tà quyền vô tình tạo điều kiện cho tự do ra giữa ánh sáng của nhân sinh, để phản diện rồi phản đề và cuối cùng là phản kháng chống bất công.

Bằng xã hội học khi phân tích về sinh hoạt xã hội làm nên quan hệ xã hội, thì Werber giải thích tự do đi từ ý muốn vì tự do để tới tự do thực hiện hoài bão, hoặc tới từ đạo lý vì hoài bão tới đạo lý vì trách nhiệm. Chính tự do với nhận thức đôi (hoài bãotrách nhiệm) này là quá trình hoàn thiện hóa xã hội, đạo đức hóa cộng đồng, luân lý hóa cá nhân, vì tự do có quyền hành động để hoàn thiện hóa thế giới, để chỉnh chu hóa thế gian. Ông đề nghị trong đồ hình nghiên cứu về cứu cánh của nhân sinh phải thấy bốn loại cứu cánh: cứu cánh vì quyền lợi, trong đó có tư lợi và có công lợi, cứu cánh vì giá trị, trong đó giá trị tâm linh mang nội chất thiêng liêng, cứu cánh vì truyền thống của tổ tiên, vừa là trí tuệ, vừa là lý trí, cứu cánh vì tình cảm, trong đó cảm xúc có cái lý của tâm giao, đắc khí. Tại đây tự do vì nhân phẩm chính là tự tư duy để có hành động, để tác động thẳng trong xã hội, ngay trong cộng đồng, thẳng lên thế giới, mang ý chí đúng, mang hoài bão đẹp, mang trách nhiệm cao.

Tự do vì nhân phẩm rất cụ thể vì tự do này biết đứng lên để tự tin đứng cạnh tất cả các nạn nhân của bất công, của độc tài, của tham nhũng… đứng về phía đồng bào và đồng loại đang khổ đau trong một chế độ lấy bạo quyền, dùng bạo lực để hằng ngày bạo hành đồng bào mình. Từ đây chuyển biến não bộ để chuyển hóa não trạng bằng cách nhận ra tự do đứng lên để tự tin đứng cạnh tất cả các phụ lão, các trẻ thơ, các người tàn tật, các phụ nữ… hằng ngày là nạn nhân của một chế độ bỏ quên không những an sinh xã hội mà cả an toàn xã hội để bảo vệ kẻ yếu thế, kẻ mang tàn tật… Tự do đứng cạnh tất cả các phong trào đấu tranh liêm chính vì dân chủ, vì nhân quyền để bảo vệ cá nhân, gia đình, tập thể, cộng đồng, dân tộc, ít nhất là bắt buộc bạo quyền phải tôn trọng các quyền đã được ghi trong hiến pháp.

Tự do đứng cạnh các tù nhân lương tâm hoàn toàn vô tội đang trong vòng lao lý vừa vô nhân đạo, vừa vô nhân tính của bạo quyền vừa đang vùi dập nhân cách bất khuất của dân tộc, đang tha hóa phẩm chất của Việt tộc. Phải khẳng định tự do vì nhân quyền bằng não bộ trong sáng, bằng não trạng tích cực để đứng cạnh tất cả dân đen trong cảnh đầu đường xó chợdân oan trong cảnh màn trời chiếu đất, mất đất, mất nhà nạn nhân của các lãnh đạo ma đất đã cấu kết với bạn các nhà thầu ma xây cất, đang khổ nhục hóa các nạn nhân này ngay trên mảnh đất của họ. Tự do đứng cạnh các phong trào yêu nước đang đấu tranh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, từ biển đảo tới đất liền, từ môi trường tới môi sinh, đang bị tiêu hủy hằng ngày bởi Tàu họa, thông đồng với các lãnh đạo đang bán nước.

Tự do vì nhân quyền để đứng cạnh cho đa nguyên mở cửa cho đa tài, đa năng, đa hiệu, để chống độc tài, độc trị, độc quyền qua độc đảng, từ đó tạo dựng lên khối đại đòan kết trong đa dạng tư duy, đa thể lý luận, có đa lực tiếp nhận văn minh của nhân loại. Tự do vì nhân quyền để cận kề với quyết tâm giải phóng chính mình qua hệ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, ý thức, nhận thức) cùng lúc giải phóng gia đình, thân tộc, tập thể, cộng đồng, dân tộc mình ra khỏi nhà tù ngu dân của độc đảng. Tự do đẩy cửa, đạp tường, phá rào, đập tan nhà tù của một chế độ sống nhờ công an trị, đã cai trị rồi vùi dập lương tri của Việt tộc chỉ muốn sống là một dân tộc tốt. Tự do vì nhân quyền chính là tự do ý thức, tự tin nhận thức tức là mỗi lần chứng kiến thực trạng của độc đảng sinh ra độc quyền, để tham quyền đẻ ra tham nhũng trong toàn bộ lãnh đạo chối từ đối thoại để đối luận với trí thức là chúng ta thấy Nhân luận của chính chúng ta bị thiêu hủy. Tự do ý thức, tự tin nhận thức tức là mỗi lần chứng kiến bi kịch của cả dân tộc đang bị bần cùng hóa, cả một xã hội đang bị đồi trụy hóa, cả một đất nước đang bị đe dọa xâm lược bởi Tàu tặc là chúng ta thấy nhân quyền của chính chúng ta bị bức tử.

Sartre trong quá trình xây dựng chủ thuyết hiện sinh, đã vượt qua hai trở lực có mặt trong hệ thống tư tưởng của phương Tây: cuộc sống có từ nội chất của nhân sinh (essence) và có từ sự tồn tại (existence) của nhân sinh, mà cả hai thường được giải thích bằng sự có mặt của một đấng tối cao là thượng đế, đã sáng tạo ra nội chất và sự tồn tại của nhân thế. Chủ thuyết hiện sinh thì khẳng định ngược lại: nội chất của sự sống có thể tới từ ngẫu nhiên và sự tồn tại của nhân sinh là do con người quyết định, và chính con người hoàn toàn tự do để tìm đường đi nẻo về của nhân đạo. Chủ thuyết này thoát khỏi mọi định đề được định vị bởi một đấng tối cao, qua hiện hữu của niềm tin trong tôn giáo, tác động lên các hệ thống siêu hình học (linh hồn, tâm linh, thiên đường, địa ngục…).

Từ đây, tự do vì nhân quyền là sự phối hợp giữa tự tin của tư duy và độc lập lý luận, không thờ ơ trước bất công, mà chọn lựa hành động để thay đổi thực tế không được  chính nghĩa của tự do chấp nhận nữa. Tự do vì nhân quyền là thử thách chống lại sự thờ ơ, lãnh đạm, vô cảm, có thể tới từ thái độ biếng lười của tư duy, chưa được trang bị ý chí làm thay đổi tình hình do bạo quyền làm ra. Tự do vì nhân quyền vừa là quyền hạn, vừa là khả năng của ta, để ảnh hưởng thẳng tới cuộc sống, nên tự do chỉ tùy thuộc ta ngay trong tính khả thi muốn thay đổi cuộc sống theo hướng thiện. Tự do vì nhân quyền đi theo cái đúng, để làm nên cái tốt, đó là khả năng của tự do chế tác ra các quy định mới thuận lợi cho công bằng và bác ái trong không gian chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục. Tự do vì nhân quyền có không gian của đạo lý và luân lý, có khung đạo đức của xã hội, trong lòng tin trước pháp lý của pháp luật vì công lý của công bằng. Tự do vì nhân quyền chỉ của một người, một nhóm, một bè, một phái, một đảng là loại tự do sớm nở tối tàn trước nhân lý, chỉ là loại tự do sống nay chết mai trước nhân phẩm.

Tự do vì nhân quyền[1] đã xuất hiện ngay trong phân tích của Descarte: “Tôi biết thế giới chưa hoàn thiện, bản thân tôi cũng chưa hoàn thiện, nhưng tôi có tự do trong cuộc sống này để hoàn thiện thế giới, để hoàn thiện bản thân tôi”. Phạm trù tự do vì nhân quyền không bao giờ rời quá trình hoàn thiện hóa cuộc sống, không hề xa quá trình cải thiện hóa nhân sinh, không hề bỏ quá trình nhân phẩm hóa nhân loại. Tự do vì nhân quyền có trong khẳng định Balsac: “Tôi có tự đo đứng về phía đối kháng chống bất công, tôi tự đặt tên cho nó là cuộc đời”,đứng về phía đối kháng là đứng về phía của kẻ yếm thế trước bạo quyền; là đứng về phía của nạn nhân của độc tài, là đứng về phía nước mắt nạn nhân của tham nhũng. Tự do vì nhân quyền có trong luận điểm của Arendt: “Tự do đặt quyền lực vào đúng chỗ nó để nó dùng công lý mà xử bất công”. Chính tự do giúp công dân phải nghĩ xa hơn các tư lợi ngắn hạn của chính trị. Cũng chính tự do giúp công dân tự do trong tư duy để có tự do vận não với các hiểu biết về điều kiện sinh tử của nhân sinh, có thể bị hủy bất cứ lúc nào bởi bạo quyền, bạo lực, bạo chúa.

Tự do vì nhân quyền có mặt trong nhân sinh trường kỳ trong một xã hội có nhân quyền và dân chủ, để đi ngược lại các sinh hoạt chính trị luôn là đoản kỳ trong nhiệm kỳ. Tự do có mặt trong nhân sinh trường kỳ trong một xã hội không có nhân quyền và không có dân chủ, để đi ngược lại các ý định của bạo quyền, ý muốn của độc tài, ý đồ của tham nhũng. Tự do sống trong di động để chủ động, chống lại bị động vì thụ động của cúi đầu, khoanh tay, quỳ gối trong khuất phục, trong tủi nhục, trong cam chịu; vì tự do trước hết là tự do đi lại; đi lại để được sống trong dòng chảy của nhân tính, trong trào lưu của nhân phẩm, trong phong trào của nhân đạo.

Tự do vì nhân quyền biết vượt khó khăn trong cuộc sống như vượt thắng chính mình, từ đó tự tin của tư duy làm sáng ra ba quá trình của tự do là phải trực diện để đấu tranh vì tự do. Tự do cần tự tin để đấu tranh, nhưng tự do cũng giúp tự tin phải tự giải phóng mình trước khi hành động vì tha nhân, vì đồng loại. Tự do đưa hiểu biết lịch sử vào tận điều kiện làm người hiện nay để trả lời câu hỏi là: ta đang có hay ta không có tự do? Tự do lột mặt nạ độc tài để thấy rõ bản chất toàn trị của bạo quyền luôn muốn có độc quyền sinh sát trên tự do, bằng độc trị rất vô nhân vì rất vô lý. Tự do vì nhân quyền tạo nên một quá trình chuyển biến não bộ tiên tiến, chuyển hóa não trạng cấp tiến, thay đời đổi kiếp bằng cách vật sụp bạo quyền độc đảng toàn trị là đây! Tự do vì nhân quyền đi từ không đến có, khi con người tiếp nhận một chân lý bình đẳng qua quan niệm về bình đẳng với mọi người, để có công bằng trong xã hội, để yêu cầu công lý dùng pháp lý mà bảo vệ quyền bình đẳng bằng pháp luật, vừa công minh, vừa liêm chính. Tự do trực diện đấu tranh với mọi bạo quyền, mọi tà quyền, mọi cường quyền bằng chính liêm sỉ của mình, đây là định nghĩa nguồn của nhân cách. Đó là các đoạn đường của nó từ ý thức tự do tới hành động tự do, từ ý nghĩa của tự do tới kết quả đấu tranh vì tự do.

Trong cuộc sống hằng ngày, tự do vì nhân quyền là sự hình thành một ý thức chống lại cuộc sống bị vô nghĩa hóa bởi bạo quyền với tự do đi tìm ý nghĩa cuộc sống bị khủng hoảng hóa bởi bất công, đồng hành cùng tự do bảo vệ niềm tin của nhân phẩm bị suy đồi hóa bởi tham nhũng. Tự do vì nhân quyền có đạo lý, tự tin có đạo đức, tôn trọng chọn lựa của cá nhân, của tập thể, của cộng đồng, của dân tộc, nếu chọn lựa đó có đạo lý của hay, đẹp, tốt, lành, có luân lý của trách nhiệm, và bổn phận trong hiện tại và trước tương lai, như vậy tự do luôn mang ba quá trình chuyển hóa não bộ để chuyển biến não trạng trước tương lai với tự do yêu cầu công bằng phải vừa là đạo đức, vừa là định chế. Tự do vì nhân quyền biết nói đầy đủ sự thật để tìm cách giải quyết các bất công, vì tự do vì nhân quyền là tự chọn lựa tương lai cho chính mình trước áp lực của bạo quyền.

Tự do vì nhân quyền có đạo lý, tự tin có đạo đức, nếu tới từ phương trình công bằng-sự thật-lịch sử tạo dựng ra phương trình của tự do là ý thức-ý nghĩa-ý muốn, thì tự do không hề vô trật tự, không hề bừa bãi trong ngôn ngữ, không hề hỗn loạn trong hành động. Tự do vì nhân quyền có nhận thức rất minh bạch, vì nó có tâm thức của trách nhiệm trong hai chiều: có hàng dọc có đạo lý, luân lý làm nền đạo đức cho xã hội, và có hàng ngang vừa có ta, vừa có tha nhân sống chung cùng cơ chế dựa trên định chế có công lý biết trừ bạo quyền, biết diệt bất công, biết loại tham nhũng, từ đó chủ thể của tự do sẽ rất chuẩn mực để trả lời ba câu hỏi: Tự do vì nhân quyền biết tự hỏi: tôi là ai? Trước trách nhiệm gì? Trước hành động gì? Biết đánh giá: cái này tốt hơn cái kia! cái này cao hơn cái kia! Hiểu phương trình dấn thân-trách nhiệm-hành động bằng nhân cách biết tự tôn trọng mình bằng nhân phẩm biết tự bảo vệ mình.

Từ thầy Platon tới trò Aristote đều công nhận tự do mang lý lẽ của nhân lý, nhưng nó rất tự nhiên vì nó có ngay trong nhân tính, với thói quen của nhân sinh biết đấu tranh vì nhân quyền, theo nghĩa nhân có quyền (định đoạt-chọn lựa-quyết định-hành động) vì các định hướng mà nhân sinh thấy đúng cho công lý. Nên tự do vì nhân quyền dám đẩy cửa, đạp tường, phá rào, chặt xiềng, phá tan nhà tù có ngay trong tư duy của mỗi cá nhân, nhưng chính ý thức của tự do gầy dựng nên từ ý nghĩa của tự do này, sẽ chế tác ra dàn phóng cho chính nghĩa của tự do. Và tự do có ngay trong não bộ của cá nhân để dẫn tới hành động cụ thể vì công lý, ngay trong xã hội mà quần chúng đang bị lao lý hóa bằng bạo quyền, độc tài, tham nhũng. Cụ thể tự do vì nhân quyền là tự do chặt xiềng, tự do phá nhà tù, nhiều khi tới từ lý luận về nhân quả (nhân nào quả nấy, tức nước thì vỡ bờ), bạo quyền mà bạo ngược quá thì sẽ bị lật đổ, chính dân là kẻ đóng thuyền nhưng cũng chính họ là kẻ lật thuyền, để dìm tà quyền, ma quyền xuống đáy sông. Tại đây thì tự do cũng đủ nội lực, đủ nội công để khẳng định quyền sống như xác nhận chính bản lĩnh của lý trí biết tự tư duy để đấu tranh vì tự do, chấm dứt kiếp nạn nhân của bạo quyền, độc tài, tham nhũng..

Chuyển hóa não bộ để mời tự do chặt xiềng, chuyển biến não trạng để tiếp tự do phá nhà tù, có mặt trong quyền công dân của một xã hội có công lý vì công bằng, lấy pháp lý để hỗ trợ pháp luật. Nhưng trong một chế độ mà bạo quyền, độc tài, tham nhũng không những đã áp đặt công an trị để đàn áp quần chúng, mà còn thao túng hiến pháp qua độc đảng, giật dây tư pháp qua độc trị; thì tự do chủ quan bên trong của lý trí trong mỗi cá nhân phải được hình thành qua tự tin đẩy cửa, đạp tường, phá rào, chặt xiềng, phá tan nhà tù ngay trong xã hội bên ngoài.

Tự do vì nhân quyền hành động trong phương trình của lý trí-trí tuệ-ý chí để xử lý các trở lực đang che chắn cho bạo quyền, độc tài, tham nhũng. Tự do vì nhân quyền có mặt trong đấu tranh, khi thành công lúc thất bại, nhưng ngay trong thảm bại, tự do không tuyệt vọng, vì chính nghĩa của tự do vì nhân quyền sẽ làm nội lực cho chính khí của tự do, cụ thể là không cúi đầu mà ngẩng đầu, không khoanh tay mà thẳng lưng, không quỳ gối mà thẳng bước đi về phía chân, thiện, mỹ. Phải đứng dậy với sung lực của đi tới, có hùng lực để leo dốc, có mãnh lực để nhảy vọt thẳng tới nhân phẩm, khi bạo quyền đang đe dọa nhân quyền.

Lê Hữu Khóa

Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s