Con người có nhu cầu mưu sinh. Từ săn bắn, chăn nuôi, trồng trọt… tới đời sống kỹ nghệ hóa… vì được phân công trong đời sống xã hội nên con người có thể làm việc với số giờ nhất định và có thời gian nghỉ ngơi.
Nhưng trong xã hội mà kinh tế thị trường đặt lợi nhuận lên trên con người thì sự bóc lột, chèn ép thật là khủng khiếp.
Khi xã hội chủ nghĩa dựa vào Duy Vật biện chứng pháp để chống lại thế giới tư bản thì người lao động mới có nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi.
Nhưng khi phe cộng sản yếu thế, sau 1989, thì phe tư bản thừa thắng xông lên chèn ép các công đoàn, nghiệp đoàn. Người dân lao động bị tấn công mọi mặt: từ quyền bầu cử, nhà cửa, y tế, an sinh xã hội, giáo dục, môi sinh, lương bổng…. Khi con số các nhà tỷ phú, triệu phú tăng thì con số người nghèo cũng tăng, kèm theo là con số vô gia cư, tỵ nạn, di dân…. Một khi nhà giàu trốn thuế thì có nghĩa là thiên tai, chiến tranh, bệnh dịch… xảy ra thì dân nghèo chia nhau gánh chịu.
Có dư luận cho là dân nghèo không chịu làm việc hay cố gắng học hỏi; nhưng không thể cãi là khi nắng hạn, lut lội, cháy rừng, bão táp hay tai nạn đổ dầu (trên biển hay đất liền) do các công ty của tư bản gây ra thì không thể đổ lỗi cho người dân nghèo không cố gắng?
Khi nạn dịch toàn cầu xảy ra thì người dân lao động phải nằm nhà, sống nhờ trợ cấp của nhà nước, hay các tổ chức thiện nguyện. Thế nhưng giới nhà giàu nắm giữ các hãng xưởng, dịch vụ, cơ sở sản xuất thì không muốn đóng cửa (hay ngưng hoạt động vì thiếu nhân công) nên có nơi đã ép công nhân làm việc trong điều kiện sinh tử. Làm việc hay chết?
Nhưng có nơi nhân công không chịu đi làm thì lúc đó giới chủ mới bày vẽ chuyện trả lương cao hơn cùng với quyền lợi về bảo hiểm sức khỏe …. Vậy thì giữa chủ và thợ: ai cần ai?
Trở lại thuở ban sơ.
Cho dù con người có kiếm đủ ăn trong nhiều ngày thì hắn vẫn không thể ngồi không suốt ngày mà không có hoạt động. Trí óc con người khiến tay chân hoạt động theo cảm nghĩ và do đó con người có những phát minh trong đời sống.
Thuở ban đầu, phát minh của con người để thỏa tính tò mò, thử thách chứ không phải để làm giàu. Sự cạnh tranh trong xã hội đã khiến con người phát sinh ra đặc quyền, đặc lợi để bóc lột lẫn nhau.
Việc làm từ nhu cầu trở thành công cụ để trói buộc, chèn ép nhau.
Xã hội mà con người kết hợp lúc ban đầu để nương tựa lẫn nhau nay trở thành bãi chiến trường để bóc lột, triệt hạ nhau. Người giàu cho rằng vì tài năng mà làm giàu. Người nghèo cho rằng nếu không có xã hội thì không ai có thể làm giàu được, vì thế người giàu phải có trách nhiệm nhiều hơn với xã hội chứ không phải chỉ có đóng thuế hay trốn thuế.
Ở những nước giàu đã có người đề nghị (và thực hiện) cung cấp lương bổng tối thiểu (basic income) cho người dân và đã bị chống đối. Nhưng không ai chống đối việc các nhà giàu bỏ tiền (250 ngàn hay 2 triệu mỹ kim) để đi một vòng thế giới trong không gian.
Có những nhà tỷ phú với 5, 7 căn nhà, du thuyền… trị giá hàng chục triệu mà không bao giờ dùng tới vì bận làm giàu trong khi tại các quốc gia nghèo thì dân không có nước sạch để uống.
Khi các nước giàu có những cơ quan lo cho súc vật (chó mèo…) hay thú nuôi giải trí (pets) như cọp, beo, trăn, kỳ đà, cá kiểng, heo mọi, két… trong khi các nước nghèo thì đem con đi bán, gả chồng trừ nợ.
Vậy con người nên sống như thế nào?
Ăn
Theo các nhà chuyên môn thì kỹ nghệ thực phẩm hiện nay đủ nuôi 7 tỷ con người trên thế giới. Vấn đề không phải thiếu thực phẩm mà là phung phí thực phẩm từ nông trại cho đến nhà hàng và ngay trong mỗi gia đình. Như vậy là cần chỉnh đốn giáo dục, ý thức nơi con người về “ăn”.
Nhưng đa số người ăn vì ham muốn, đòi hỏi hơn là nhu cầu cần thiết của cơ thể. Sự đòi hỏi đi đôi với sự chọn lựa khiến con người có thể giết nhau vì muốn ăn ngon chứ không phải chỉ vì đói.
Nhưng chưa hết, cho dù chỉ là ăn để sống cũng vẫn còn vấn đề: ăn xong rồi làm gì?
Làm
Một khi ăn uống đầy đủ thì nơi con người sẽ phát sinh hành động: Thiện và Bất thiện (ác).
Thông thường thì no cơm ấm cật, thú tính nổi lên, giống đực đi tìm giống cái. Việc nam nữ lập gia đình, có con cái là bình thường. Cái bất thường là chuyện đi bắt cóc, hiếp dâm, giết người bịt miệng…. Chiến tranh ngày xưa xảy ra cũng chỉ vì…gái. Làm sao xã hội giải quyết chuyện trai thừa, gái thiếu hay ngược lại?
Ngày xưa, xã hội có khuynh hướng cho lớp trẻ lập gia đình sớm để tránh chuyện không hay xảy ra, mà cũng là để kiếm nhân lực khi sống trong xã hội nông nghiệp đang cần nhân công.
Ngày nay, xã hội được kỹ nghệ hóa, máy móc làm thay người, đời sống sung túc nên con người có thời giờ rảnh rỗi đi chơi và…quên đẻ. Trong khi tại các nước nghèo, đã thiếu ăn, thiếu việc làm… nên giải trí bằng cách có con, đẻ nhiều và tệ nạn xã hội xảy ra vì đói.
Thêm vào đó là vấn đề tôn giáo. Có tôn giáo chống ngừa thai vì muốn có thêm tín đồ thì cấp lãnh đạo mới được lên chức. Có tôn giáo chủ trương đàn ông có nhiều vợ (có lẽ để đối phó chuyện gái thừa) nhưng không thấy dạy cách làm thế nào để nuôi vợ, con — khi người đàn ông chủ gia đình đã không đủ khả năng kiếm việc làm?
Cho dù sống đại gia đình để nâng đỡ nhau thì đông con hay nhiều vợ có giải quyết được vấn nạn xã hội về việc làm không? Khi người đàn ông làm không đủ nuôi vợ con thì có gia đình để làm gì? Có gia đình mà cả vợ chồng, con cái cắm đầu làm việc đầu tắt mặt tối thì có là gia đình, cuộc sống hay không?
Ngược lại cuộc sống tại các nước giàu khi tuổi trẻ không lập gia đình để đi chơi, hay có gia đình nhưng không có con (vì trách nhiệm nặng nề) thì xã hội sẽ đi về đâu?
Vậy con người sống cần miếng “ăn” (chỗ ngủ, quần áo, gia đình…) và “làm”.
Xã hội chủ nghĩa kiểu cộng sản “bảo đảm” miếng ăn (không ngon) và việc làm. Nhưng vì ăn không được ngon nên dân làm chẳng ra gì, có khi còn báo hại nữa. Nhưng nếu được ăn ngon thì sẽ đòi hơn nữa và chẳng bao giờ ngưng.
Xã hội chủ nghĩa kiểu Bắc Âu cho phép dân thất nghiệp được trợ cấp, nghỉ hè, con cái được đi học, có nhà ở … có nơi còn được cấp xe nếu con đông. Nhưng vẫn có người than là không được làm giàu vì đóng thuế quá cao và đời sống không vui vì nhà nước chỉ cho làm những công việc mà bạn có khả năng, năng khiếu, có huấn luyện…. Và nếu anh không có tài, không có học (hay có học mà bất tài), khi không có tiền thì không đi chơi. Con người không buồn vì bất tài mà buồn vì không được…chơi?
Trong khi xã hội tư bản thì con người cắm đầu làm giàu, lương thiện hay không sẽ tính sau, tìm đủ mọi cách để trốn thuế (hợp pháp hay bất hợp pháp). Thương mại được đề cao nên đa số là tiểu thương. Tiểu thương phải có nhân lực. Mướn nhân công (thường là di dân) thì tha hồ bóc lột. Vì là kinh tế thị trường, người có đầu óc thì nghĩ cách làm ăn, bóc lột. Người nghèo thì cong lưng lao động 2, 3 việc để gây dựng cho con cháu sau này.
Nhưng không phải ai cũng lương thiện. Kẻ ác sẽ làm chuyện ác, coi mạng người như cỏ rác. Sống và kiếm tiền trước đã, ở tù tính sau. Người chết là hết — còn người làm ác, ở tù còn có cơ hội thứ hai (second chance) nên đôi khi lại khá hơn người chết. Vậy công bằng, công lý ở đâu trong xã hội như vậy?
Đời sống xã hội là sự phân công nhưng làm sao con người ý thức được khả năng của mình phù hợp với công việc gì? Phải chăng đó là vai trò của giáo dục? Nhưng không phải ai cũng có thể tự giáo dục hay được giáo dục thích hợp với bản chất trong khi chưa biết mình có thể làm gì cho xã hội thì con người đã bị mê hoặc bởi những cám dỗ mà xã hội có thể cung cấp. Khi sự đòi hỏi (cầu) cá nhân nhiều hơn khả năng có thể kiếm được (cung) thì cá nhân dễ làm bậy để thỏa mãn nhu cầu. Và con người giết nhau để thỏa mãn nhu cầu cá nhân thay vì cùng nhau kiến thiết xã hội.
Lúc nhỏ đọc truyện Robinson Crusoe là anh chàng bị đắm tàu lạc trên hoang đảo, tuy sống sót vì tự làm ra thực phẩm nhưng không có người làm bạn. Có lẽ con người ngày nay cũng nên trải qua kinh nghiệm đó để biết giá trị của đời sống khi có người thứ hai. Hay tại vì sống trong xã hội quá đông nên giá trị con người trở nên tầm thường?
Vậy có nên áp dụng hình phạt cho những kẻ phá rối xã hội là trở lại đời sống đơn độc trong rừng? Trong xã hội dân chủ thì các nhà chính trị thường đưa ra sự chọn lựa (choice, option) nhưng đó là sự “chọn lựa” đã được sắp xếp có lợi cho quyền lực của giới lãnh đạo hơn là người dân. Cũng giống như các công ty dịch vụ viết sẵn giao kèo (contract) cho người tiêu thụ ký vào với những điều kiện viết theo sự sắp đặt của công ty, có lợi cho công ty, chứ không có lợi cho người tiêu thụ. Vậy người dân có chọn lựa nào khác không? Đó là dân chủ giả hiệu. Có chọn lựa mà thực chất là cưỡng ép.
Con người có thể nào làm việc trong một xã hội như vậy chăng? Khi cơ chế xã hội do người dân lập ra để điều hòa sinh hoạt chung bỗng trở thành công cụ của một số người lợi dụng để bóc lột đám đông.
Hay tại vì con người bị giáo dục sai lầm về ăn và sống (làm việc) nên mới rơi vào tình trạng hỗn loạn?
Bạn có ý kiến khác chăng?
Trần Công Lân
Tháng 2 năm 2022 (Việt lịch 4901)