Chủ thể dân chủ của nhân bản pháp quyền
Chủ thể dân chủ của nhân bản pháp quyền không được quên là quan hệ xã hội mới trong một đời sống xã hội mới luôn sinh ra các bất công mới, lúc thì công khai, lúc thì lẳng lặng để tổ chức lại các quan hệ xã hội, và phân loại mới sinh ra phân tầng mới ngay trong xã hội. Cụ thể là sự sai biệt quá lớn về sức thu nhập của các tầng lớp mới thành công, đã giàu nhanh và thực tế là rất giàu nhờ lợi nhuận mới rất cao, tạo ra sự chênh lệch quá nhiều giữa các tầng lớp xã hội, mà ta thấy kẻ giàu ngày càng giàu và kẻ nghèo ngày càng nghèo. Tại đây, con tính về các bậc thang xã hội sẽ trở nên phức tạp, với thực tế là sự tăng trưởng nhanh về số lượng của các tầng lớp được gọi là trung lưu trong các xã hội dân chủ, trong đó vai trò của khoa học kỹ thuật đã hỗ trợ phát triển tạo ra một tầng lớp trung lưu có mặt trong các đô thị.
Rousseau, qua phân tích Công ước xã hội (Contrat social), mà ta có thể hiểu như một hợp đồng xã hội, có tính nhất thể trong một quy chế có pháp quyền, đã nhận định được các nhược điểm của các chính khách trong một chính giới luôn bị các tham vọng quyền lực chi phối. Từ đây tư tưởng gia này đưa vào lý luận dân chủ quyền tự do của công dân bằng định nghĩa về công ước, mà bước đầu tiên là chính quyền phải rời quyền lực của vua chúa. Ông đã đi xa thêm một bước trong lập luận là chính quyền có quyền hạn để xây dựng ra một thế lực chính trị có đủ khả năng để quản lý xã hội bằng luật pháp, mà không bằng thần pháp của đạo giáo hoặc vương pháp của vua chúa. Từ đây ông đưa ra quan niệm: công dân có tự do ngay trong chủ quyền của quốc gia, để lập ra một tập hợp thống nhất, nơi mà quyền lực được cộng đồng dân tộc quyết định và kiểm soát. Trong tư tưởng dân chủ này, ta thấy có các giai đoạn tuyển-cử-bầu, mà có luôn cả quá trình của những cơ hội dân chủ thường xuyên cho phép các lực lượng chính trị khác nhau, có khi kình chống nhau, được có quyền lực qua chính quyền được dân bầu, để tổ chức xã hội trong ý nguyện của dân làm chủ.
Chủ thể dân chủ của nhân bản pháp quyền phải thấy cho thấu nền tảng của quyền tự chủ trong ý thức dân chủ như nhân tri đi tìm tự do, nơi mà mọi quyền lực đều phải được đầu phiếu rồi được quy hạn hóa qua nhiệm kỳ trong không gian của quốc gia, trong thời gian của xã hội. Đây là một định nghĩa mới về quyền lực trong quyền hạn, được giới hạn qua thực chất dân chủ của đầu phiếu, qua ứng cử và bầu cử; như vậy quyền lực của hành pháp được hướng dẫn bởi hai trọng lực: ý nguyện của dân tộc và lý trí của luật pháp.
Nơi đây quyền tự do cạnh tranh được khung trong quyền tự do cá nhân, cả hai dựa trên khả năng của dân chủ có đủ tiềm năng quản lý cá nhân, cùng lúc quản lý chính giới nắm chính quyền để thực thi quyền tự do này. Lập luận này được xem là động thái rất nhân lý của nhân loại biết dựa lên chính mình để có nhân tri trong quyền tự quyết, nó có tên gọi là: quyền tự lập hiến từ chất công của công dân. Hai tư tưởng dân chủ, Hobbes và Rousseau, có khác nhau trong lập luận nhưng bổ khuyết cho nhau trong phân tích về chủ động tính hỗ tương của nhân quyền, giúp ta thấu hiểu nội chất của dân chủ:
• Quyền tự do trong dân chủ đều mang theo quyền lợi của cá nhân, trong đó quyền tư hữu của mỗi người phải được tôn trọng. Chính ĐCSVN khi chế ra luật quái thai: đất là sở hữu của toàn dân, do nhà nước quản lý, đã cho đẻ ra bọn tham quan thông đồng với bọn tham đất qua tham nhũng, vì cả hai cùng tham tiền, nên chúng đã diệt quyền tự do sở hữu cá nhân bằng bạo quyền độc đảng phản dân chủ.
• Quyền tự quyết trong dân chủ đã xóa đi cách xếp hạng theo thang bậc thượng đế-tôn giáo-vương quyền tại Âu Châu, xóa luôn thế «dẫm trên đầu» nhân quyền của phong kiến Á Châu nơi mà vua là thiên tử đại diện cho thiên lý bằng thiên mệnh, đứng ngoài mọi nhân lý, mọi pháp lý.
• Quyền tự chủ của quốc gia, trong đó chính quyền được dân chọn, nơi mà mọi công dân được bầu, tuyển, chọn ra một chính quyền, để bảo vệ quyền lợi cho dân tộc, để bảo đảm chủ quyền cho đất nước.
Chủ thể dân chủ của phát triển, tiến bộ, văn minh
Hãy nhận diện nhân vị dân chủ qua các chỉ báo trong chính sinh hoạt của dân chủ: dân chủ là thể chế của các công dân muốn sống chung bằng hùng lực của dân tộc, bằng hùng khí của giống nòi, chớ không phải bằng cái hèn, cái tục cái nhục trong cái sợ được tuyên truyền và gieo rắc bởi đảng trị. Dân chủ là thể chế của các công dân muốn lấy cái dũng của liêm chính, cái khôn của liêm minh, cái sáng của liêm sỉ để đi tìm tiến bộ, phát triển và văn minh, ngược hẳn với cái chịu khuất phục để bị dìm trong cái bị thuần hóa bởi bạo quyền.
Dân chủ là thể chế của các công dân muốn cái bằng để chế tác ra cái công, làm cái tư bớt ích kỷ, bớt vô cảm, bớt vô tri trước mọi bất công, vì dân chủ biết dâng cái luật cho cái nhân để cùng nhau làm ra nhân vị vì nhân quyền . Dân chủ là thể chế được hình thành từ phong trào qua các giai đoạn lịch sử nơi mà nhân lý luôn thắng cái bất nhân của tà quyền, nơi mà xã hội dân sự có chỗ đứng, có tiếng nói để không những gạt bỏ cái bạo, mà còn xóa luôn cái bất, của bất tài trong quản lý luôn luồn lách trong cái bất tín với dân tộc, cái bất trung với tổ tiên. Dân chủ là thể chế luôn tập hợp được cái đa, nơi mà đa đảng là thông minh tập thể chống là cái độc của độc đảng luôn tìm cách vô tri hóa dân tộc, vô cảm hóa giống nòi, chỉ vì đảng vị và đảng lợi của nó, đây chính là nhà tù của nó, vì nó không đa dụng trong đa trí, không đa năng trong đa hiệu, không đa tài trong đa lực… Dân chủ là thể chế tổng hợp được các phong trào của xã hội để thăng hoa tự do của tập thể, của cộng đồng và nhất là của cá nhân, nó còn biến cá nhân này thành công dân có chủ quyền quốc gia, để trở thành chủ thể có sáng kiến để sáng tạo ra các đường đi nước bước cho nhân trí.
Chủ thể dân chủ của phát triển, tiến bộ, văn minh đấu tranh để tập hợp được một tổng lực của những lực đối kháng nhau trong lịch sử nhưng hợp tác được với nhau qua đồ hình sinh hoạt dân chủ; lấy bình đẳng để giáo dưỡng công bằng, nhưng không truy diệt quyền tự do cạnh tranh, mà lại còn biết lập được liên đới giữa công bằng và tự do để chế tác ra bác ái, luôn là liên minh bền bỉ của công bằng và tự do trên lộ trình dân chủ.
Chủ thể dân chủ của phát triển, tiến bộ, văn minh dấn thân bằng sự thông minh có thông hiểu về sự giao lưu linh động của xã hội dân sự, trong đó các phong trào xã hội lấy sáng kiến qua sinh hoạt xã hội, có sáng tạo ngay trên quan hệ xã hội, để làm mới và làm tốt, để làm hay và làm đẹp nhân vị; dân chủ luôn ngược dòng với độc đảng luôn giữ độc quyền để kiểm soát các phòng trào xã hội, để kiểm tra các quan hệ xã hội. Nên, dân chủ mở, độc đảng đóng.
Chủ thể dân chủ của phát triển, tiến bộ, văn minh đi tìm thể chế có hợp đồng xã hội dựa trên hợp tác của công dân qua hợp ước giữa các cộng đồng khác nhau của một dân tộc, trên tinh thần của công ước được tam quyền phân lập công nhận và tuân thủ, nó ngược chiều với với độc đảng không nhận hợp tác với nhân dân, nên không có hợp đồng với xã hội, không có chỗ dựa là hợp ước được kiểm định bằng đầu phiếu, để trở thành công ước luôn có gốc, rễ, cội nguồn của công lý.
Chủ thể dân chủ của phát triển, tiến bộ, văn minh đi tìm một nhân lộ trong đó các thể chế của xã hội biết đặt quyền lợi cá nhân qua chủ quyền của dân tộc, nơi mà luật pháp bảo vệ cá nhân, pháp quyền kiểm định chính quyền, có thương tôn pháp luật làm căn bản cho mọi chính sách của chính phủ, nó ngược vị với độc đảng tự tung, tự tác và luôn ngồi trên lưng hiến pháp, trên vai pháp quyền.
Chủ thể dân chủ của phát triển, tiến bộ, văn minh luôn đi cùng nhân sinh lên đường đi tìm nhân cách, qua nẻo của nhân tri, bằng ánh sáng của nhân lý và nhân tâm, tất cả theo lối của nhân đạo để đưa nhân loại về chân trời của nhân phẩm, để nhận nhân vị một cách xứng đáng nhất trong thể chế thực sự dân chủ.
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).