Khi Người Mỹ Tranh Luận (P5)

Để nợ cho con cháu trong tương lai
Cứ mỗi mùa tranh cử hay quyết định ngân sách là chúng ta lại nghe các nhà chính trị ca bài “để nợ cho con cháu” và nhiều người cũng đã tin theo. Nợ của chính phủ có từ thời… lập quốc. Hệ thống tài chính của Mỹ cho phép chính phủ vay tiền chứ không in tiền mặc dù quyền in tiền thuộc về nhà nước. Cơ quan Federal Reserve có 12 chi nhánh trên toàn quốc là ngân hàng trung ương kiểm soát các hoạt động tài chính, tiền tệ…. Nhưng quyết định tăng số nợ là từ Quốc Hội. Và khi hai đảng tranh chấp thì thường đe dọa cắt ngân sách và đóng của nhà nước (tạm thời).
Chúng ta đã thấy từ 45 năm kể từ khi người Việt định cư trên đất Mỹ thì trò hề đóng cửa nhà nước đã xảy ra nhiều lần.
Vậy thì sự thực ra sao?
Khi chi tiêu nhiều hơn thu vào thì ngân sách thiếu hụt. Thiếu hụt mà vẫn tiêu xài vì có người tiếp tục cho vay nợ. Cũng chỉ vì đảng A nắm đa số tại Quốc Hội muốn chi tiêu XYZ vì ABC bất kể những hứa hẹn cân bằng ngân sách (hàng năm) khi tranh cử. Đến khi đảng B nắm đa số thì sẽ chi tiêu abc vì lý do xzy bởi vì nếu A không quan tâm đến thiếu hụt thì tại sao B phải lo lắng? Và từ đó chuyện “để nợ cho con cháu” là bài ca của mỗi mùa bầu cử.
Đó không phải là không giải quyết được mà là con người (chính trị gia) không muốn giải quyết.
Cái nợ thực sự để lại cho con cháu không phải là số tiền nợ mà là khí hậu thay đổi, ô nhiễm môi sinh, bệnh dịch… những mối hại này có thể tiêu diệt loài người nhanh chóng.
Nếu thực sự người lớn (chúng ta) lo cho con cháu thì phải giải quyết những vấn nạn trên. Vì con cháu chúng ta có thể làm để trả nợ (nếu nhìn ra nguyên do của cha ông để lại) nhưng nếu chúng lớn lên trong môi trường bị hủy diệt thì làm sao mà sống, làm việc để trả nợ cha ông để lại?
Khi những nhà đại tư bản dư tiền nghĩ chuyện chạy lên không gian hay đến một hành tinh khác để sống… vì họ nghĩ như vậy là cứu nhân loại (thực sự chỉ là cứu bản thân) và giới nhà giàu vẫn tiếp tục sống bằng nền kinh tế phá hoại môi sinh, duy trì đầu mối bệnh dịch, chiến tranh nguyên tử và chuyện khí hậu thay đổi để mặc chính quyền lo. Dĩ nhiên chính quyền sẽ không giải quyết được khi giới nhà giàu, các đại công ty vận động chính quyền hành động theo hướng khác.
Khi các nhà tỷ-triệu phú sống trong một xã hội, làm giàu được thì rõ ràng không phải hạng “tay làm hàm nhai” nhờ trí khôn. Nhờ khôn ngoan mà họ sử dụng được những tài nguyên sẵn có (nhân lực, vật lực) mà xã hội (hay chính quyền) đã xây dựng từ bao lâu (như giao thông, tài chính, điện nước, cơ sở kinh doanh). Vậy khi thành công thì cái “công” phải có giới hạn theo một số điều kiện nào đó chứ không thể nào hoàn toàn phủi tay, tìm cách trốn thuế và đổ lỗi cho chính quyền hay người nghèo.
Khi nạn đại dịch xảy ra và kinh tế đình trệ, một nhà tỷ phú đã đề nghị nhà nước trả tiền để khuyến khích công nhân đi làm?
Công nhân đi làm việc trở lại thì có lợi cho giới chủ nhân, nhà giàu. Vậy sao giới chủ nhân không trả tiền (hay tăng lương) để khuyến khích công nhân đi làm? Mà lại đẩy cho nhà nước phải gánh? Nhà nước gánh bằng tiền thuế có nghĩa là mọi người dân phải chịu trong khi các nhà giàu vẫn trốn thuế và không trả đồng xu nào cả cho việc khuyến khích công nhân đi làm! Đó là một sự biển lận.
Vậy nguồn gốc để giải quyết vấn nạn trên là khởi đi từ con người. Nếu mọi người (nhất là giới nhà giàu) đóng thuế một cách công bằng; giới hạn sự tiêu thụ (thực phẩm, đồ dùng, nhà cửa, tài sản) quá trớn; quyết tâm bảo vệ môi sinh, hạn chế việc xả rác (chất nhựa, hóa học)… thì cái nợ cho con cháu sẽ từ từ giảm và biến mất vì một khi con cháu có cơ hội sống sót sẽ làm ra tiền và trả nợ cho cha ông chúng để lại.
Liệu các nhà kinh tế thị trường có chấp nhận chuyện đó hay không? Hay lại chụp mũ là “xã hội chủ nghĩa”? (nhìn lại các nước Bắc Âu vẫn có công ty làm giàu, dân đóng thuế cao, người đông con được trợ cấp: đó là xã hội chủ nghĩa (socialism). Nhật cũng là nước có nhiều đại công ty, dân đóng thuế rất cao, chủ nhân lãnh lương có giới hạn… thì đó có phải “xã hội chủ nghĩa” hay không?).
Nhưng hãy xét về nguồn gốc của những “vấn nạn để lại cho con cháu” chứ không phải chỉ là nợ về tiền bạc. Tục ngữ có câu “cha ăn mặn, con khát nước”. Nếu kinh tế thị trường cố tình tạo ra những nhu cầu giả tạo để có “nhu cầu” và thi nhau khai thác thiên nhiên để “cung cấp” các “nhu cầu” giả tạo đó mục đích làm giàu. Như vậy giới nhà giàu và các đại công ty ngoài chuyện trốn thuế còn mang tội để lại đống rác ô nhiễm môi sinh, khí hậu thay đổi….
Bạn có thể đổ thừa cho chính quyền có trách nhiệm XZY… nhưng nếu các công ty, tỷ phú không vận động lèo lái các nhà làm luật đưa ra các dự luật có lợi cho bản thân (hay công ty) thay vì cho xã hội, nhân loại… thì câu chuyện hôm nay đã đổi khác rồi.
Tuy rẳng cũng có công ty, đại gia làm giàu sạch sẽ và giúp ích xã hội nhưng đó chỉ là số ít. Then chốt là sự cộng tác giữa kẻ có tiền (công ty, đại gia) cấu kết với kẻ có quyền (chính phủ, quốc hội) rồi từ đó phát sinh mối đe dọa “để nợ cho con cháu”. Nghe thì có vẻ nhân đạo lắm nhưng tìm hiểu ra thì đó là hôn quân vô đạo.
Còn nếu bảo là đi tìm giải pháp thì là do con người có “muốn” hay không?
Để giảm “nợ cho con cháu” thì trước hết là bớt ăn xài phung phí đi. Bớt đầu tư vào những kỹ nghệ ăn chơi, du lịch… nhưng quan trọng nhất là cải tổ giáo dục. Thay vì dạy tuổi trẻ ước mơ làm giàu, hưởng thụ… thì hãy giúp chúng hiểu về con người, đời sống, thế giới mà chúng ta chỉ có một trái đất. Chúng ta có nhiều chủng tộc, sắc tộc nhưng nếu không chung sống hoà bình mà đi tìm chiến tranh thì chỉ có hủy diệt. Chủ nghĩa nào, tôn giáo nào đi ngược lại mục đích trên thì phải vứt bỏ không luyến tiếc.
Nếu ai đó bảo là vô sản thì hết tranh chấp. Nhưng trước khi thử vô sản thì hãy thử bình (biết đủ) sản xem có sống nổi hay không? Nếu gọi đó là “bình sản kinh tế” thì các bạn nghĩ sao?
Không ai cấm bạn làm giàu nhưng làm giàu để rồi làm gì nữa? Bạn có tiền để ăn ngon. Ai chẳng muốn ăn ngon? Đó là đầu mối tranh chấp. Nếu làm giàu để mua 5,7 căn nhà hay ruộng đất cho mướn thì ai là người nghèo đi ở mướn, làm thuê? Để kinh doanh thì phải mướn người làm. Tranh chấp chủ-thợ sinh ra cộng sản, tư bản….
Vòng luẩn quẩn đó sẽ tiếp diễn nếu con người vẫn u mê chạy theo dục vọng. Để thức tỉnh và vượt ra khỏi cơn mê đó thì con người, mỗi cá nhân, phải tự chế. Bạn có thể làm được việc đó hay không?
Nếu bạn biết rằng vũ trụ phát sinh từ những không gian với những đám bụi kết thành thiên thể, ngôi sao, mặt trời…. Mặt trời tượng trưng cho sự sống là ngôi sao kết hợp bởi khí Hydro, Helium khi chúng đốt hết nhiên liệu thì sẽ tắt và sự sống của thái dương hệ chấm dứt. Như vậy đời sống của loài người dựa vào năng lực của thiên nhiên, nếu chúng ta phí phạm thì…chết sớm. Còn nếu tiết kiệm thì sẽ lâu dài hơn.
Có người sẽ hỏi A: Vậy sống lâu (dài hơn) để làm gì?
Cũng như câu hỏi B: Vậy làm giàu (bằng cách khai thác thiên nhiên) để rồi chết sớm thì có ích lợi gì?
Trước khi đi quá xa, chúng ta hãy trở về chủ đề “nợ cho con cháu” thì rõ ràng A sống tiết kiệm (vừa đủ) sẽ không gây nợ con cháu trong khi B làm giàu thì con cái họ không sợ mang nợ nhưng rồi sự giàu không cứu được khi tài nguyên thiên nhiên khô cạn, mặt trời sẽ tắt thì chạy đi đâu? Lý do “nợ cho con cháu” chỉ là trò hề rẻ tiền để đánh lừa kẻ thiếu sự hiểu biết và che dấu dã tâm của nhà giàu nhưng không có tình người.
Trần Công Lân
Tháng 11 năm 2021 (Việt lịch 4900)

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s