Định luận của công lý
Công lý không hiển hiện trong nhân sinh, mà là kết quả của một quá trình đấu tranh chống bất công, mà bất công có thượng nguồn là bất bình đẳng và bất công có hạ nguồn là bất nhân thất đức. Công lý có rễ là công tâm, có nguồn là công bằng, có gốc là công luật, có cội là công pháp. Mà liên hợp công lý-công tâm-công bằng-công luật-công pháp sẽ hình thành liên minh vì trí tuệ của nhân sinh, để trở thành liên hiệp vì tuệ giác của nhân loại. Tính liên kết công lý-công tâm-công bằng-công luật-công pháp vừa là hành lý để dấn thân, vừa là hành trang để đấu tranh, sẽ lập nên hành vi, dựng lên hành động, tạo ra hành tác của chủ thể công lý. Nghiên cứu để phân tích, điều tra để phân giải, khảo sát để phân minh phạm trù công lý không hề bị giới hạn để bị đóng khung trong lãnh thổ học thuật của luật học, mà phạm trù công lý đòi hỏi một phương pháp luận liên ngành. Tại đây, các điền dã thực địa của nhân học và xã hội học sẽ trợ lực cho sử học, để sử học sẽ trợ duyên cho triết học, và tất cả sẽ trợ lý cho luật học phải đúng trong phán quyết để trúng trong trong phán xử.
Hành luận của chủ thể công lý
Chủ thể công lý Việt phải bắt đầu đọc lại Việt sử, để thấy hành trình của Việt tộc luôn là hình trình đi tìm công lý trước ngoại xâm và nội xâm. Khi chủ thể công lý Việt này đã nhận ra công lý thì sẽ bảo vệ toàn vẹn đất nước, bảo đảm đạo lý dân tộc, bảo hành đạo đức giống nòi tới cùng trước mọi ngoại xâm và nội xâm. Vì chủ thể công lý Việt đã nhận ra độc lập đất nước, nhân phẩm dân tộc và tương lai giống nòi chỉ là một. Chủ thể công lý Việt phải trực diện trước thử thách về vận mệnh của Việt tộc ngàn cân treo sợi tóc, với một tà quyền độc đảng toàn trị hèn với giặc, ác với dân, ngày ngày truy cùng diệt tận các đứa con tin yêu của Việt tộc đấu tranh vì công pháp của dân chủ, vì công lý của nhân quyền.
Đi tìm cái công bằng cái lý
Con người nhận ra công lý qua cái bất công có mặt trong cuộc sống, khi con người thét lên: «bất công quá!», «bất bình quá!», «bất nhân quá!», thì con người đã bước vào nhân lộ để đi tìm nhân lý cho nhân sinh. Thấy bất công rồi tìm công lý bằng chính cái lý làm nên nhân tri, dựng lên nhân trí trong có cái công được chế tác ra bằng cái lý, để công lý biết bồng cái đúng của nhân bản, để cõng cái trúng của nhân vị.
Trong học thuật cũng vậy, ngay trên thượng nguồn của cổ triết từ Platon tới Aristote, chính họ đã giật mình rồi sửng sốt trước cái bất công, và các triết gia này đã nhập nội để nghiên ngẩm phạm trù công lý. Họ đã thấy đường đi nẻo về từ công lý tới công luật, để làm chỗ dựa cho luật pháp, họ mở ra con đường triết: muốn thấy được cái luật thì phải có cái pháp, mà muốn có cái pháp phải bắt đầu bằng cái triết.
Triết học về luật pháp sẽ trợ lực cho lý trí công luật, cho trí tuệ công pháp, trên tuệ giác của công bằng. Các tư tưởng gia thế kỷ thời ánh sáng cũng vậy từ Kant tới Montesquieu, từ Rousseau tới Voltaire, họ chỉ là vài tư tưởng gia của nhân loại nhưng họ đã đưa nhân loại vào quỹ đạo của công lý để chống bất công bằng tam quyền phân lập của dân chủ để bảo vệ nhân quyền. Họ đã phân tích để giải thích là nhân phẩm không chấp nhận bất công, nên nhân quyền phải vận dụng nhân lý để nhân trí bảo vệ cho bằng được công lý.
Khi đi tìm cái công bằng cái lý, để bồng cái đúng, để cõng cái trúng, thì không gian của công lý đã bắt đầu hiện hình với sự hiện diện của chính lý, nơi mà chính tâm làm nên chính luật, cụ thể là không có chính trị vì công lý nếu không có đạo lý vì nhân lý. Chính nhân lý với mắt thấy tai nghe về các bất công trong xã hội, đã làm nên cái bất nhẫn trong nhân sinh, từ đây đạo lý đóng vai trò chủ lực giữa nhân tri là: không thể chấp nhận bất công, chỉ vì bất công không chấp nhận được!
Hành luận 1 của chủ thể công lý phải là chủ thể của nhân loại luôn muốn bảo vệ nhân bản trong nhân gian, nhân vị trong nhân thế, chủ thể công lý phải đấu tranh cho công lý, vì công lý, để được sinh tồn bằng công lý. Và chính công lý sẽ là gốc, rễ, cội, nguồn của mọi định nghĩa về nhân lý, định đề về nhân tri, định luận về nhân trí, tất cả sẽ làm nên nội dung của nhân phẩm.
Cầm công lý để chặn cái ác
Khi lập luận trên không gian của công lý bằng đầu hiện hình với sự hiện diện của chính lý, nơi mà chính tâm làm nên chính luật, thì chúng ta phải cẩn thận với chính trị luôn đi tìm quyền lực, với chính giới là tác nhân của quyền lực, với chính khách là chủ thể của quyền lực. Qua lịch sử của nhân loại thì quyền năng của phương trình chính trị-chính giới-chính khách chỉ tồn tại được qua quyền lực, bằng quyền lực, rồi biến quyền lực thành chính quyền để quản lý xã hội, thậm chí để quản thúc nhân sinh. Bi kịch của nhân loại là có rất nhiều quyền lực tới từ bạo lực, bạo lực của chính quyền được mạo danh là cách mạng, với bạo hành chống dân tộc với mạo danh là đấu tranh giai cấp, với bạo động chống xã hội cũng với mạo danh là chuyên chính vô sản.
Hệ bạo (bạo lực, bạo hành, bạo động) làm nên bạo quyền không bao giờ chấp nhận «đội trời chung» với hệ công (công bằng, công lý, công luật, công pháp). Đây cũng chính là bi nạn của Việt tộc, từ khi có ĐCSVN-Đảng cộng sản Việt Nam 1930, từ khi ĐCSVN cướp được chính quyền 1945, từ khi ĐCSVN áp đặt nội chiến huynh đệ tương tàn 1954-1975, cho tới nay đã gần một thế kỷ. Bi nạn làm nên thảm nạn, vì hệ bạo không làm nên chuyện thay đời đổi kiếp của Việt tộc theo hướng thăng hoa, mà ngược lại đã tạo lập ra một chế độ dựa trên cái ác: thanh trừng trị nội bộ song cặp cùng công an trị trên toàn dân, đặc quyền trị trong chính trị song lứa cùng tham nhũng trị trong xã hội…
Phạm trù của công lý là hành động bằng công luật, hành tác bằng công pháp luôn song hành với hành vi bằng công bằng, thì công lý không sao «ngồi cùng mâm, ăn cùng chiếu» với hệ thanh (thanh lọc, thanh toán, thanh trừng), với hệ tham (tham quyền, tham ô, tham nhũng), với hệ đặc (đặc quyền, đặc lợi, đặc ân). Hệ hành (hành vi, hành động, hành tác) của công lý đứng về phía ánh sáng, còn hệ bạo (bạo lực, bạo hành, bạo động) của bạo quyền đứng về phía bóng tối của cái ác! Mà các nạn nhân từ thảm án Nhân Văn Giai Phẩm tới thảm kịch của các tù nhân lương tâm hiện nay, mà tất cả đều là những đứa con tin yêu của Việt tộc, họ đã đặt tên cho cái ác của loại bạo quyền này chỉ là: «bọn chém sau lưng».
Hành luận 2 của chủ thể công lý là trực tiếp chống bạo quyền, hành sát những kẻ lương thiện trong bóng tối bằng tà quyền thì không thể nào chung lưng đấu cật với công lý, vì công lý đã đòi hỏi ngay trong thượng nguồn một nhân đạo mà bạo quyền không sao có được, đó là chính nghĩa! Và khi công lý đã nhập nội vào chính nghĩa rồi thì chính cái ác sẽ chung mồ một mã với cái bất công.
Bồng công lý để ngăn cái bạo
Khi nghiên cứu về cái ác, thì ta thấy nó sẵn sàng giết người để cướp quyền, hại nhân để cướp của, mà ta còn phải thấy cho thấu là cái ác luôn làm ra những cái xấu, tồi, tục, dở tới từ những toan tính làm nên những tính toán thâm, độc, ác, hiểm của nó. Khi nó chưa sát hại được người thì nó vận dụng tuyên huấn, tận dụng tuyên giáo để thao túng, để giật dây, và khi nó chưa ám hại được người thì nó sẽ sử dụng bọn dư luận viên để quy chụp, để bôi nhọ các chủ thể yêu nước thương nòi mang nhân quan của công lý.
Nếu bạo quyền là «bọn chém sau lưng», thì đám dư luận viên đã mang một mạt hiệu mà nhân gian Việt gọi tên là «bọn chó cắn trộm». Hãy tìm hiểu bằng xã hội học thực nghiệm qua xã hội học thực địa để xây dựng nên xã hội học nhận thức, là giữa «bọn chém sau lưng» và «bọn chó cắn trộm», chủ thể công lý phải nhận ra thành phần âm binh thứ ba là đám ký nô, bút nô, văn nô. Chúng thuộc loại gà què ăn quẩn cối xay sống với thói ngậm máu phun người, có tên gọi mới là «bọn rắn gầm giường» lút nhút trong gần một ngàn cơ quan báo chí của bạo quyền với cốt lõi của tà quyền, vì tham quyền để cực quyền trong cuồng quyền.
Hệ công (công bằng, công lý, công tâm, công pháp, công luật) luôn đứng về phía ánh sáng, nên phải tránh âm giới của hệ quyền (bạo quyền, tà quyền, ma quyền, cực quyền, cuồng quyền). Vì công lý không chỉ là công lý, mà phạm trù công lý đại diện không những cho các giá trị của cộng hòa (tự do, công bằng, bác ái) mà còn đại diện cho các giá trị của dân chủ (đa nguyên, đa đảng, nhân quyền).
Hành luận 3 của chủ thể công lý là hiểu luật chơi của công pháp, thấy trò chơi của công luật, thấu sân chơi của công lý luôn công bằng, nơi mà nhân loại biết dựa vào công lý để khai thác rồi khai sáng hệ đa (đa trí, đa tài, đa năng, đa hiệu…) chính là gốc, rễ, cội, nguồn của đa nguyên, làm nên nhân tri để phục vụ cho nhân lý.
Nắm công lý để cầm công luật
Khi ta nghiên cứu về phạm trù của công lý, ta không được quên hàm số của lịch sử, hằng số của văn hóa, cả hai đã làm nên ẩn số ngay trong giáo dục; đó là câu chuyện ân đền oán trả. Mà ân đền thì không nguy hiểm vì không có liên can gì tới cái ác, nhưng oán trả trong quy luật răng đổi răng, mắt đổi mắt, bất chấp luật mà giải quyết các vấn đề nhân sinh bằng ân oán giang hồ, thì đây là nơi mà cái ác sẽ chủ trì quan hệ giữa người với người! Đó là không gian bạo động của oán thù, luật pháp bị vất đi, để cái oán được bạo hành, được truy diệt đối phương, truy sát đối thủ, truy cùng diệt tận đối thù bằng bạo lực. Nơi mà chỉ lấy oán tạo ra oán, nơi mà công tâm không được có phân tích, công luật không được có phân xét, công pháp không được có phân xử. Nếu bất chấp luật pháp, mà chỉ biết lấy oán tạo oán không những là một hành vi vắng từ bi, một hành tác trống khoan dung, một hành động rỗng vị tha, mà còn thể hiện một nhân sinh không nhân bản, một nhân gian không nhân vị.
Tại đây công lý không được rời công luật, không được xa công pháp, không được bỏ công tâm để xây nền đắp mái cho phạm trù bất bạo động ngay trong pháp lý, vì pháp lý không hề là pháp trường. Nên chủ thể công lý phải biết loại bỏ bạo động mà không sa vào man lộ lấy oán trả oán. Chính công lý có mặt là để ngăn, chặn, rào, chắn hệ bạo (bạo lực, bạo hành, bạo động, bạo quyền). Từ đây, chủ thể công lý phải vô cùng cẩn trọng với các án tử hình, vì kết án giết người chống thủ phạm giết người lại bằng án hành sát giết thủ phạm, mà không tạo cơ hội cho thủ phạm lấy lại nhân tính, để nhận lại nhân tri bằng nhân đạo; thì kẻ kết án tử hình vẫn chưa đi trên con đường nhân đạo bằng chính nhân tâm của mình.
Vết thương của nạn nhân thường dẫn tới tâm lý báo thù, tự giải quyết oán thù, thay công lý để tự xử một mình chuyện ăn miếng trả miếng, trong khi đó công lý biết đề nghị sự xuất hiện một đệ tam nhân, và người thứ ba này có phân tích khách quan hơn, vì có phân xử không bị điều kiện hóa bởi «đòn thù». Từ điều tra tới tòa án, từ tuyên án tới kháng án, đệ tam nhân chính là pháp lý sẽ bảo vệ pháp luật, cùng lúc bảo vệ nạn nhân và không để nạn nhân tự xử bằng bạo lực của lấy oán trả oán. Tại đây, chính khả năng loại bỏ bạo động của công lý sẽ tránh được chuyện răng đổi răng, mắt đổi mắt. Chính chủ trương bất bạo động của Ghandi đã hóa giải luận chuyện lấy bạo lực trị bạo lực: «Nếu lấy mắt đổi mắt, thì nhân loại sẽ bị mù lòa vì bạo lực của oán thù!».
Hành luận 4 của chủ thể công lý là khả năng tạo khoảng cách với tội ác, để có sự sáng suốt trước tội nhân, rồi tìm hiểu về nội chất của tội đồ, cùng lúc giữ tỉnh táo trước mọi hành động trả thù của nạn nhân, bất chấp công lý để leo thang trong bạo động lấy oán trả oán. Chính khả năng giữ khoảng cách để ngăn bạo động giữa hai bên thủ phạm và nạn nhân sẽ làm nên công tâm của chủ thể công lý.
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học* Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới. Các công trình nghiên cứu việt nam học của Lê Hữu Khóa có thể tham khảo qua facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).