Duy Dân Cơ Năng cũng thuộc bộ 5 Kiến Quốc. Như vậy, khi Lý Đông A (LĐA) viết bộ 5 Kiến Quốc gồm Duy Nhân Cương Thường và Duy Dân Cơ Năng là 2 phần đóng góp vào nền tảng của sự kiến quốc. Cương thường là ranh giới, trật tự để từ đó các hoạt động (cơ năng) xây dựng đất nước thành hình. Do đó Cơ Năng phải dựa trên Cương Thường hay nói cách khác loài người phải có sự đồng ý trên mặt hiến pháp, luật pháp, nguyên tắc trước khi bắt tay vào việc làm, công việc.
Mở đầu Duy Dân Cơ Năng, LĐA nói đến ngày một mới (progressive) với khẩu hiệu quốc gia là: vào lẽ (lý lẽ, lý luận) ra việc. Tức là sự đổi mới phải có lý luận, suy nghĩ chứ không phải mù quáng, bắt chước. Sự Duy Tân đó phải dựa vào Hiến Pháp. Như vậy Hiến Pháp (tự nó) cũng phải đổi mới khi con người thay đổi thì toàn dân mới có thể dựa vào đó để đổi mới mà không vi phạm cái cương thường đã đặt ra từ đầu. Đó cũng là lý do LĐA đặt ra:
- Tiểu biến pháp: 10 năm một lần tu chỉnh các hiện hành pháp.
- Đại biến pháp: 30 năm một lần kiểm thảo các căn bản pháp.
[Ở đây chúng ta thấy sự khác biệt giữa hiến pháp của LĐA và hiến pháp Mỹ. Hiến pháp LĐA dựa vào cương thường làm chuẩn để duy trì trật tự xã hội, giữa người và người chứ không dựa trên lòng tôn sùng tiền nhân hay hãnh diện là hiến pháp dân chủ nhất thế giới để bám víu, cố chấp, chống đối mọi sự thay đổi của con người và thời đại như hiến pháp Mỹ mà chúng ta thấy bây giờ đang gặp khủng hoảng].
Vậy Cơ Năng mà LĐA muốn nói tới có liên hệ gì giữa Duy Dân Cơ Năng và Cơ Năng Hiến Pháp? Và Cơ Năng Hiến Pháp sẽ thành hình như thế nào, hoạt động ra sao?
Đó là sự kết hợp của Triết Học của công việc và Khoa Học quản lý.
Triết học của công việc trong Cơ Năng Hiến Pháp và Khoa Học quản lý của Cơ Năng Hiến Pháp.
Công việc (việc làm) của con người giống như sự vận hành của vũ trụ (thiên nhiên) và xã hội qua sự tiếp xúc của các yếu tố tạo nên vũ trụ và xã hội. Như vậy việc làm của con người trong cuộc sống là lý lẽ tất nhiên cho sự sống còn, tiến hóa của loài người qua các thời đại. Con người làm việc như một biểu hiệu, nhu cầu của đời sống để thực hiện một công trình (công việc) mà tư tưởng con người xếp đặt hay xác định như là mục tiêu hay trung tâm. Như vậy cho dù con người (hay loài người) có đủ ăn, đủ mặc không phải kiếm ăn như là sinh kế thì vẫn có ý định làm một công việc gì đó (hội họa, âm nhạc, nghiên cứu….) bởi vì có trí óc để suy nghĩ và suy nghĩ đưa đến hành động: việc làm hay công việc.
Cho nên tất cả việc làm sẽ do tư tưởng con người quyết định. Để suy nghĩ cho tận cùng thì đó là Triết Học. Để cho có kết quả hữu hiệu thì đó là khoa học. Các chế độ, tổ chức của loài người phải được quản lý, vận dụng theo khoa học trên nền tảng chắc chắn của các nguyên lý triết học (học lý).
- Triết học của công việc
a. Bản thể luận của công việc
Cũng như đã trình bày trong tài liệu “Chìa Khóa Thắng Nghĩa”, triết học có 3 bộ phận cần yếu: “Bản thể luận. Nhận thức luận. Phương pháp luận” phải được thống nhất trên nền tảng của tự nhiên, tư tưởng và xã hội.
- Vật-Tâm-Sức
Là 3 yếu tố tạo thành các hiện tượng kinh tế, chính trị, xã hội của loài người. Vật chất gồm cơ thể con người và đối tượng muốn thực hiện (công việc). Tâm là sự suy nghĩ, ý muốn, kế hoạch của con người trước khi bắt tay vào việc. Sức là khả năng làm việc của con người. Sự khác biệt của 3 yếu tố này sẽ quyết định kết quả công việc. Đó là mặt hình nhi hạ, con người có thể quyết định trong phạm vi hiểu biết của mình.
- Nhân-Duyên-Quả
Nhưng có những yếu tố mà con người không thể định đoạt được là phạm trù của hình nhi thượng: Nhân-Duyên-Quả. Theo triết lý nhà Phật thì khi Duyên đến thì sinh: tác thành, kết hợp. Khi Duyên tan thì diệt. Mỗi con người có nguyên nhân (qua tự kỷ) bên trong để (Tâm) khởi khi có Duyên đến. Nhưng cũng có người Duyên đến mà Tâm không khởi thì cũng không thành việc. Cũng theo luật Nhân-Quả của nhà Phật thì con người tạo nên Nhân (nghiệp) trong suốt quá trình sống, làm việc và hành động đó sẽ đem lại Quả (hậu quả). Nhưng khác với hình nhi hạ là con người có thể thấy đo lường kết quả của công việc mình làm, trong hình nhi thượng thì Quả đến bất chợt, con người không thể biết được vì Quả đến nhanh, chậm, nặng nhẹ là tùy Nghiệp và Duyên. Khi Nghiệp đã chín mùi (mãn) và Duyên hội đủ điều kiện thì Quả xuất hiện.
- Biết-Làm-Nghiệm
LĐA kêu gọi con người Tu dưỡng (Sinh Mệnh Tâm Lý) để biết mình, người. Phải “Biết” để làm chủ (tự giác, dân chủ) và “Làm” là làm tới đâu: nhiều, ít, cao, thấp, nặng, nhẹ…. Và khi làm thì phải “Nghiệm”: suy xét các đầu mối liên quan đến công việc làm, các yếu tố có thể làm thay đổi, ảnh hưởng đến công việc để tạo nghiệp tốt trên căn bản đạo đức giữa con người và xã hội.
- Chủ thể-Trung gian-Khách thể
Trong tài liệu “Chìa Khóa Thắng Nghĩa”, LĐA đưa ra xã hội biện chứng pháp để lý luận khi làm việc. Khi thực hiện công việc trong thiên nhiên hay xã hội, con người đối diện với: Chủ thể (bản thân)- Trung gian: các yếu tố môi giới giữa chủ và khách-Khách thể: người làm việc, khách hàng, đối tượng tiếp xúc, vật chất mà công việc tác động đến. (xem thêm Chìa Khóa Thắng Nghĩa: 4 tiền đề và 5 đầu mối bản thể).
b. Nhận thức luận của công việc
Đứng trước một công việc (công tác) con người phải dùng biện chứng pháp để lý luận về sự diễn biến của công việc trong các phạm trù sẽ gặp phải. Đặc biệt là những điểm nối kết (nút hội thông) là mấu chốt có thể làm thay đổi cục diện hay gây ra biến cố ngoài dự tính.
Tâm và Duyên là những điều kiện xuất hiện cho mỗi cá nhân tham dự công việc sẽ ảnh hưởng đến sự tiến hành và thành quả công việc. Duyên còn là yếu tố thời gian và không gian ảnh hưởng đến mỗi người trong số người, vật làm việc. Do đó người chủ sự (lãnh đạo công việc) phải có tầm nhìn về Hiện tại, Quá khứ, Vị lai cũng như Bối cảnh, Tiềm cảnh, Viễn cảnh của công việc.
Trong một công việc lâu dài (như thực hiện cuộc cách mạng) thì nhân số sẽ thay đổi vì nhiều yếu tố. Như vậy người tham dự công việc phải nhìn suốt tiến trình công việc để biết Hư-Thực như mức độ chịu đựng khi gặp tai biến hay lúc khó khăn của từng cá nhân.
Do đó mức độ Sáng ý-Quyết đoán-Thực hành của từng cá nhân sẽ có tác động rất lớn vào công việc chung mà chỉ xảy ra trong trường hợp khó khăn, nguy hiểm thì tài năng mới bộc lộ.
Tuy con người thực hiện công việc nhưng nếu có chuẩn bị Nguyên liệu, Tài liệu và Động lực để yểm trợ cho nhân sự thi hành thì sẽ có kết quả hơn là không có hay thiếu chuẩn bị.
c. Phương pháp luận của công việc
Biết được tâm lý con người thì sẽ biết được khả năng đối phó với công việc: khi nào cần kích thích để gây hứng khởi cho nhân công; yếu tố nào sẽ gây phản ứng vô ý thức và nếu trường hợp bất ngờ thì nhân công sẽ phản ứng ra sao. Do đó sự nghiên cứu, chuẩn bị các giao điểm có thể gây xáo trộn trong tiến trình công việc để hoạch định sự đối phó. Có kế hoạch thì cũng phải thực tập để biết sự hiệu nghiệm và khả năng đối phó của từng cá nhân khi biến cố xảy ra. Trung tâm của hết thảy sự việc là đời sống dân chúng (dân sinh) sẽ tạo thành yếu tố lịch sử (sử quan).
d. Giá trị luận của công việc
Đánh giá thành quả của công việc dựa trên Hiệu quả (bản thân của công việc). Hiệu suất là tỷ lệ thành bại của công việc so với nhân sự về mặt tinh thần và năng lực. Hiệu dụng là so hiệu quả với hiệu suất của công việc có ích lợi thực tế cho xã hội, thời đại, văn hóa dựa trên 3 tiêu chuẩn của cá nhân, xã hội và dân tộc. Đó là nền tảng kiến thiết của Duy Dân qua sinh mệnh triết học (biết=học) và triết học công việc (làm) để thành hình Dân Sinh Thực Hiện Sử Quan.
- Khoa học quản lý
Nếu triết học dựa vào con người, có nhiều thay đổi bất ngờ khó đoán thì khoa học là sự tính toán chính xác để giúp con người giới hạn những yếu tố bất ngờ, mơ hồ.
a. Bản chất của quản lý
Khi con người muốn thực hiện một công việc tất phải suy nghĩ, tổ chức cho hợp lý đối với hoàn cảnh hiện tại của bản thân. Con người phải biết giới hạn của đời sống (24 giờ/ngày: ăn ngủ, đi lại…) và khả năng để thiết lập các nguyên tắc, phương thức làm việc với số đông (phân chia nhiệm vụ). Tổ chức và phân công hợp lý sẽ đem lại kết quả (hiệu suất, hiệu dụng). Trong mỗi lãnh vực của khoa học sẽ đòi hỏi những phương thức, kế hoạch khác nhau: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…. Đó là “Chính (trị)-Chiến (tranh)-Thế (thời thế)-Luận (suy luận, lý giải)” .
Trong thời hiện đại các ngành chuyên môn sẽ có liên quan, liên hệ đến lẫn nhau khiến sự tổ chức công việc sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên đối với xã hội biện chứng pháp là trung tâm vận động phát sinh từ con người (tự thân) đối với công việc về mọi mặt (trong, ngoài, trên dưới…). Đó là lẽ thắng và số thắng của sự quản lý công việc. (nên nhớ con người -theo LĐA- ở đây là có tu dưỡng).
b. Nguyên tắc của quản lý
Có những công việc xảy ra liên tục cho nên một khi đã khởi sự thì sẽ không có cơ hội để hoãn lại để mà đổi ý. Do đó quản lý công việc phải dựa trên nguyên tắc theo các giai đoạn: trước việc (trước khi làm), đang việc (trong khi làm) và sau việc (sau khi làm hay chuyển sang giai đoạn khác) phải tính toán trên một hệ thống phân bố, có thống kê toàn bộ (tung hoành) theo thời gian để có trình tự thi hành kế hoạch và kiểm soát.
Phân chia theo Sự (sự việc)-Quyền (khả năng tham dự)-Trách (trách nhiệm) là 3 phạm trù của nhân sự theo 3 nguyên tắc lãnh đạo (thống lý)-phân công- hợp tác.
Lãnh đạo phải có khả năng chỉ huy công việc, nhìn (nhận xét) người và giao việc. Muốn có tiến bộ, phát triển thì phải đạt Tung-Hợp trong đó sự phân công (chia ra) và hợp tác (kết hợp lại) có điều hòa thì mới có kết quả (hợp=hàng ngang) trước khi tiến lên (tung=hàng dọc). Lãnh đạo (hay chỉ huy) phải xuyên suốt các tầng lớp nhân sự trong công việc để đạt thống nhất (tầng cấp chế), phân chia việc (trách ủy chế) và phối hợp (chỉnh lý chế) thì hoạt động (cơ năng) mới hợp lý theo xã hội biện chứng pháp của Duy Dân.
Đã phân công thì phải phân lợi: Thưởng-phạt. Lãnh đạo phải biết dùng người, nhìn người và đặt người đúng chỗ, với công việc qua khảo hạch. Người làm được việc và có khả năng phải được thăng tiến (thưởng) để phát huy hiệu năng. Trong khi sự chỉnh lý là để sửa đổi cho thích hợp trước khi sai lầm, thất bại xảy ra (phạt chỉ là pháp tắc để răn đe kẻ thi hành thiếu quyết tâm trong công việc).
Lãnh đạo cũng có trách nhiệm thiết lập tiêu chuẩn cho công việc để mọi sự thay đổi, thưởng phạt được công minh chứ không phải thiên vị, bè phái. Đặc biệt là khi có rắc rối về nhân sự và chính sách thì cấp lãnh đạo phải có ý kiến, biện pháp để đả thông bế tắc chứ không phải cứ để xung đột tiếp diễn để đứng làm trung gian hòa giải (thí dụ: chuyện cảnh sát thi hành nhiệm vụ mà làm quá tay gây chết người. Cấp lãnh đạo phải thấy phía cảnh sát luôn luôn bị đe dọa bởi thủ phạm có vũ khí nên phải phản ứng. Trong khi phía nạn nhân lại có khuynh hướng kháng cự vì nghĩ rằng vô tội hay cảnh sát áp bức quá mức. Một khi nạn nhân chết thì sẽ đi đến kiện tụng và cuối cùng là chính quyền phải đứng ra trả tiền cho nạn nhân và đó là tiền thuế nhân dân. Rồi cảnh sát tiếp tục thi hành phận sự, người tiếp tục chết, toàn dân tiếp tục trả tiền. Như vậy lãnh đạo để làm gì?)
Duy Dân Cơ Năng Diễn Giải (P2)
Trần Công Lân
Tháng 2 năm 2021