C. Xã hội biện chứng pháp
Lý Đông A (LĐA) dựa vào 3 thành phần Duy Nhiên, Duy Nhân và Duy Dân để đưa ra biện chứng pháp với các luật tắc:
Duy Nhiên
- Đối lập thống nhất.
- Chất lượng hỗ biến.
- Phủ định phủ định.
Duy Nhân
- Đạo Kỷ là Tự Kỷ nguyên nhân.
- Tinh Thần và Vật Chất là hỗ tương nguyên nhân.
- Vận Động và Kết Hợp là hỗ tương nguyên nhân.
- Bản Vị và Cơ Năng là hỗ tương nguyên nhân.
- Hỗ tương nguyên nhân là Tự kỷ nguyên nhân.
Duy Dân
- Toàn bộ liên quan nhận xét.
- Đối lập thống nhất nhận xét.
- Lưu biến phát triển nhận xét.
- Cụ thể hoàn cảnh nhận xét.
Bản vị học thuyết (xem Bản Vị Học Thuyết)
- Nhân loại bản vị.
- Dân tộc bản vị.
D. Duy Dân kiến thiết
- Tán Dục
Nếu nói theo ngôn ngữ của 2000s thì đây là vấn đề môi sinh. LĐA đã nhìn thấy loài người chỉ có trái đất để sống chung. Khai thác kinh tế (nông nghiệp, khai mỏ, rừng, biển…) sẽ làm thay đổi môi sinh, khí hậu và ảnh hưởng ngược lại đời sống con người. Nếu loài người nhờ có trái đất mà sinh sống thì đừng vì quá tham mà hủy diệt trái đất. Cũng như nước Mỹ tạo sinh hoạt dân chủ thì người dân cũng đừng vì lạm dụng quyền dân chủ (theo Hiến Pháp) để phá hoại nền dân chủ (như Trump).
- Kiến chế
Cũng theo ngôn ngữ thời đại thì đây là chủ trương điều hòa (hay cân bằng của Âm-Dương) thì mới lâu bền. Khi con người phát triển kinh tế, kỹ nghệ thì mọi người sẽ đổ xô về thành phố hay khu vực kinh tế để kiếm sống và làm giàu. Tranh chấp và xung đột sẽ xảy ra về mọi mặt: xã hội, văn hóa, chính trị… cuối cùng sự chênh lệch giàu-nghèo sẽ dẫn đến chiến tranh, cách mạng và tất cả sẽ phải làm lại từ đầu. Vấn đề giai cấp phải được giải quyết tận gốc rễ thì mới chấm dứt xung đột và hủy hoại môi sinh. LĐA đã nhìn thấy con người sinh ra giống nhau nhưng Sinh Mệnh Tâm lý làm cho con người phát triển khác nhau. Từ đó gây ra xung đột. Vì chấp nhận đời sống xã hội, hiến pháp, quốc gia nên con người phải tìm cách giải quyết những chênh lệch bất công trong đời sống thì loài người mới có hạnh phúc, hòa bình. Muốn vậy thì con người phải quay về bản thân tu dưỡng.
Các nước phương Tây dồn sản xuất vào một vài thành phố để rồi tạo ra đông đúc dân cư ở vài thành phố với đời sống cao, tạo nhiều áp lực về tài chính. Nếu biết đưa sản xuất tập trung ở tất cả thành phố hoặc gồm cả thôn quê thì người dân sẽ sống thoải mái hơn thay vì chen chúc sống tại vài thành phố lớn. Cần phải có chính sách để khuyến khích các công ty không tập trung vào các đô thị, khu kỷ nghệ mà rải rác ở toàn lãnh thổ để vừa phát triển đồng điều ở các nơi, đồng thời tạo ra chỗ ở thoái mái thay vì đông đúc như các thành phố lớn của các nước dân chủ tiến bộ.
3. Cương Thường
a. Nhân bản: LĐA nhìn thấy nơi loài người có cùng bản chất: không muốn bị chèn ép, áp bức bởi người khác nhưng vì khác biệt màu da, ngôn ngữ nên có khác biệt bên ngoài. Đó là căn bản của nhân quyền trước khi đòi hỏi các quyền của con người. Sự tranh cãi về tự do, dân chủ của Đông (Trung Cộng) hay Tây (Âu Mỹ) chỉ là mặt nổi. Cũng vì con người không Sống biết, Sống Đúng, Sống Thực nên mới phân biệt chủng tộc qua màu da, ngôn ngữ… để phân hóa và lợi dụng nhau.
b. Nhân Tính: LĐA ghi nhận 3 tính nơi con người: xã hội tính (Hòa), nhu yếu tính (Bình) và sắc tính (Trinh) cần được giải quyết qua Trinh-Bình-Hòa bằng Nhân đạo, Nhân sinh, Nhân cách.
c. Nhân chủ: là tự mình phải điều khiển lấy mình bằng chỉ đạo của mình. Vì con người sống không thể thiếu xã hội nên phải có chính quyền. Chính quyền như một người lính gác: tới phiên bạn phải canh gác thì bạn phải thực hiện nhiệm vụ của mình rồi tới phiên người khác. Nếu mọi người đều hiểu việc phải làm, việc gì không nên làm thì sẽ không còn nhà tù, cảnh sát. Tự giác (tự kỷ) là yếu tố căn bản để có Nhân chủ.
4. Bộ Mẹng hôn nhân (hôn nhân tự do và trong sạch)
Vì xã hội thành lập do nam-nữ kết hợp thành gia đình. Rối loạn của xã hội cũng từ do gia đình mà ra. Vậy LĐA đã thiết lập căn bản trật tự từ gốc qua hôn nhân:
a. Giao thiệp giữa nam- nữ được bảo đảm.
b. Đạo đức được bảo đảm. Đây cũng là lòng tin giữa 2 cá nhân chưa hề biết nhau. Nếu giữa người và người tin được nhau thì đâu cần phải dựa vào Thần, Thánh, Thượng đế đứng giữa.
c. Tự do kết hôn được bảo đảm. Khi nam nữ tin nhau để sống chung thì cần gì phải có sự can thiệp của đệ tam nhân hay sự phán quyết của cơ cấu bên ngoài?
d. Căn bản của kết hôn là thiết lập đơn vị gia đình, cuộc sống của Nam Nữ lâu bền thì xã hội mới vững vàng. Do đó cảm tình giữa 2 người là quan trọng chứ không phải quyền lợi vật chất hay địa vị xã hội.
e. Chữ TRINH được bảo đảm nghĩa là lòng tin giữa con người được thiết lập trực tiếp, không che dấu (Transparency) và như vậy không quyền lực nào có thể xóa bỏ hay ngụy tạo được.
5. Tiểu gia đình: LĐA nhìn tiểu gia đình như là đơn vị (bản vị) tế bào của xã hội trong quốc dân kiến trúc để thực hiện nhiệm vụ Phân Mệnh (hôn nhân- dân luân?), Phân Công (dân ngạch), Phân lợi (bình sản). Mọi sinh hoạt quốc dân, văn hóa nhân loại, vận mệnh quốc gia đều dựa vào sinh hoạt của tiểu gia đình. Như vậy LĐA như một kiến trúc sư nhìn vào sự hình thành của một quốc gia với quốc dân, xã hội như một cơ thể con người mà tiểu gia đình là tế bào kết hợp theo Cơ năng-Bản vị và thực hiện sự hoạt động theo Phân Công-Phân Lợi-Phân Mệnh. Và đó là nền tảng của Bình Sản Kinh Tế mà LĐA đưa ra dựa trên nhu cầu của đơn vị xã hội: tiểu gia đình chứ không mang ý nghĩa “chia đều” tài sản như một số người đã nghĩ về Bình sản. Đây cũng là yếu tố quan trọng của Duy Dân. Hòa bình chỉ đến khi con người thôi tranh chấp sự sở hữu các tài nguyên, tài sản của trái đất để bảo đảm cuộc sống. LĐA đã đi từ bảo đảm cuộc sống của tiểu gia đình để chấm dứt lòng tham quá độ mà vẫn duy trì được cuộc sống bình thường cho con người một cách hợp lý cho từng cá nhân.
6. Bình sản kinh tế (sẽ diễn giải ở tương lai)
7. Cơ năng hiến pháp (xem Cơ Năng Hiến Pháp Một Góc Nhìn trong tháng 11 và 12)
8. Kiện khang giáo pháp
Giáo dục Duy Dân là giáo dục về con người (cá nhân) để có những điều kiện căn bản: Óc sáng, tim trong, mình nhẹ, tay mạnh, thận vững. Có như vậy người thanh niên mới sẵn sàng để thực hiện đạo đức, trí thức, tài năng cho mình và phục vụ xã hội.
Có điều là LĐA đã không đi vào chi tiết “làm như thế nào”. Đây là một sự lúng túng cho những người đi sau. Những ai tìm đọc LĐA thường là ở tuổi trung niên và quá trễ để tu dưỡng theo khuôn mẫu Duy Dân.
Làm sao có “óc sáng” khi bạn bận sinh kế, gia đình? Tâm trí bạn chỉ sáng suốt khi bạn từ bỏ những ham muốn vụn vặt, tranh chấp thường tình. Tập luyện cho Tâm bạn không còn sợ hãi để sống giản dị, để tự chủ, tự giác thì những rơm rác của đời sống sẽ không còn bám vào tâm trí của bạn. Và như vậy óc bạn sẽ sáng sủa để suy nghĩ những gì ích lợi cho xã hội, dân tộc. Còn nếu bảo rằng “thông minh, minh mẫn” thì đó là “tất năng” của một số người bẩm sinh đã có được chứ người thường đã không được thông minh thì làm sao để có thông minh?
Thế nào là sự sáng suốt? Bạn có thể nào suy nghĩ, phán đoán, lý luận mà không rơi vào thiên kiến, cố chấp, ganh tỵ, kỳ thị…. Giữ cho trí minh mẫn để không khuynh Tả hay Hữu. Đó là con đường nhà Phật gọi là Trung Đạo, là Giả danh, là Duyên khởi, là Tánh không. Sáng suốt không phải là tài giỏi có sáng kiến hơn người. Óc sáng chỉ là sự vô tư để nhìn thấu suốt con đường chúng ta (nhân loại) phải trải qua và đâu là cứu cánh và đâu là phương tiện.
Làm sao có “tim trong” khi cuộc sống vướng mắc quá nhiều tình cảm? Tim còn là tượng trưng cho tình cảm con người. Nếu bạn không vướng mắc những tình cảm vụn vặt của cuộc đời thì sẽ tránh được những luyến ái trong lòng làm cản trở khi hành động. Theo nhà Phật thì Tim, còn gọi là Tâm. Tâm khởi thì Tánh (tướng) khởi. Vì Vô minh mà Thập Nhị Nhân duyên thành hình và con người rơi vào vòng nhân quả, luân hồi. Làm sao phân biệt Tánh khởi (sự kiện phát xuất từ bản thân ta) và thế nào là Duyên khởi (sự kiện đến với ta từ bên ngoài) trong cuộc sống hằng ngày? Chúng ta đã thấy biết bao cuộc cách mạng thất bại chỉ vì con người đi làm cách mạng rơi vào tình cảm lãng mạn trong đấu tranh hoặc biến chất từ lòng ái quốc trở thành độc tài. Tim trong để không bị vẩn đục bởi những dục vọng, vô minh.
Làm sao mình nhẹ khi bạn phải vất vả lao động kiếm miếng ăn. Ăn rồi ngủ, rồi đi làm: cuộc sống với Tứ khoái (Ăn, ngủ, tình dục và bài tiết) rồi đến Tửu-Sắc-Khí-Tài. Vòng quay đó có giúp thân thể bạn “nhẹ” (lanh lẹ) được chút nào không? Bạn có thể nào tu dưỡng Tâm (như đã nói ở trên) và Thân như thế nào để “nhẹ”? Bạn chỉ hiểu khi đi vào dưỡng sinh: ăn, uống, ngủ, bài tiết, thở… như thế nào để biết là “mình nhẹ”. Hãy thử uống thuốc sổ thì bạn sẽ biết cảm giác của mình nhẹ như thế nào. Nhưng đó chỉ là về mặt vật chất mà Tinh thần và Vật chất cần đối lập thống nhất (như LĐA đã nói). Thì mặt tinh thần là gì? Là coi nhẹ Thân mình, là sự hy sinh bản thân phải được thông suốt: hy sinh cho cách mạng, cho dân tộc, cho tổ quốc là điều mà công dân phải nắm vững không điên cuồng, ngông nghênh để làm điều càn rỡ mà gọi đó là hy sinh.
Còn “tay mạnh” không có nghĩa là bạn tập tạ để có bắp thịt cuồn cuộn nơi tay là “tay mạnh” đâu. Tay mạnh có nghĩa là khi bắt tay vào việc (cách mạng) thì không còn vướng mắc trong suy nghĩ (tư tưởng) để chần chừ trong công việc. “Tay mạnh” có nghĩa là quyết tâm thực hiện thì sáng kiến sẽ phát sinh, lòng hăng hái sẽ giúp công việc suôn sẻ hơn là chỉ thuần sức mạnh của bắp thịt. Tay mạnh cũng còn là ý nghĩa của sự dứt khoát không vướng mắc chuyện nhỏ nhen, lẩm cẩm, mánh mung, lươn lẹo… khi hoạt động, đóng góp cho công cuộc cách mạng.
Còn “Thận vững” không phải có thận tốt mà là sự cân bằng trong suy nghĩ, hành động vì Thận có Âm-Dương (theo Đông Y) thì sự cân bằng giúp cơ thể sinh hoạt điều hòa chống bệnh tật. Là con người khỏe mạnh, suy nghĩ và hành động chính chắn (trưởng thành) thì mới thực hiện công việc cho xã hội một cách tốt đẹp. Thận còn là tượng trưng cho sinh lý (tình dục) là đầu mối của của xung đột giữa giống đực khi giành sự chiếm hữu giống cái. Thận vững ám chỉ sự làm chủ sinh hoạt của Thận (sinh lý) để không còn vướng mắc vào những khuynh hướng cám dỗ tầm thường.
- Sinh hoạt giáo dục
Giáo dục theo LĐA không phải là đến trường lớp có người giảng dạy mà là đời sống. Trong khi sống, làm việc chung đã là giáo dục. Do đó “quan sát là khởi điểm và chung điểm của giáo dục” (Krishnamurti). Vì con người đã sinh ra trong xã hội và vô tình được “giáo dục” theo điều kiện của xã hội. Làm sao cá nhân có thể thoát ra khỏi khuôn mẫu đó? Sinh hoạt giáo dục chính là điều kiện đem lại cơ hội cho con người thoát ra để tìm một hướng đi mới: cuộc cách mạng bắt đầu.
Chương 3
Áp dụng chủ nghĩa Duy Dân vào Việt Nam
1.Lịch sử
2.Sinh hoạt thể hệ cho dân
3.Văn hóa thể hệ
4.Cách mạng để giải phóng tất cả các dân tộc.
5.Lập Đại Nam Hải Liên bang .
Chương 4
A. Chiếm lĩnh hành chính.
1.Nhân lực
2.Vật lực
3.Vận động quần chúng.
B. Chính sách của đảng
1.Đối nội
2.Đối ngoại
Xét vì muốn thực hiện Duy Dân thì phải có con người Duy Dân. Những người này có quyết định lập đảng Duy Dân hay hoạt động dưới hình thức nào khác thì chuyện áp dụng chủ nghĩa Duy Dân tại VN sẽ như thế nào là chuyện nội bộ. Chúng tôi thấy không cần thiết phải “vẽ đường cho hươu chạy”.
Trong chương 4, chúng tôi nghĩ không do LĐA viết vì cách mạng phải có quần chúng tham dự thì “vận động quần chúng” phải đi trước “chiếm lĩnh hành chính”. Có thể là sai lầm do người sau ghi chép lại chứ không thể do “Thái Dịch LĐA 4822 TV(1943)” như tài liệu đã ghi.
Kết luận
Như vậy chúng ta thấy LĐA đưa ra Mở quyển như là một dàn bài phác họa về các ý tưởng Duy Dân (giống như Mục lục tổng quát) mà sau này thành các tài liệu riêng biệt. Các tập Duy Nhân Cương Thường là do người sau làm ra sắp đặt lại, dựa vào các tài liệu khác. Chìa Khóa Công Việc, Chìa Khóa Thắng Nghĩa, Duy Dân Cơ Năng … có thể là tư tưởng LĐA do người sau chép lại nên có những trùng hợp: Bản vị học thuyết, bình sản kinh tế, xã hội biện chứng pháp. Như đã nói, chúng tôi cố gắng ghi nhận những ưu điểm của Duy Dân có thể thực hiện trong thời đại 2000s còn việc xác nhận những gì từ gốc LĐA hay do người sau sửa đổi thì hãy để cho các nhà nghiên cứu sử học phê phán.
Trần Công Lân
Tháng 2 năm 2021 (Việt lịch 4900)