Tôn trọng tiếng Anh gọi là respect. Người Việt thường hay hiểu lầm về chữ tôn trọng này. Tôn trọng là con đường hai chiều chứ không phải là một chiều. Có nghĩa là nếu bạn không tôn trọng người khác thì tại sao bạn bắt người khác phải tôn trọng bạn? Một hiểu lầm khác nữa là người lớn tuổi bắt người trẻ tuổi phải tôn trọng mình mà sự tôn trọng đó có nghĩa là không được quyền nói lên những cái sai của người lớn tuổi. Đây cũng chỉ là hình thức cả vú lấp miệng em và lạm dụng từ ngữ tôn trọng.
Theo tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ định nghĩa tôn trọng là tôn kính và quý trọng. Nhưng thế nào gọi là tôn kính và quý trọng? Nói đúng ra tôn trọng phải được hiểu theo một nghĩa bình dân, tạm gọi đó là lối ứng xử văn hóa giữa người đối với người. Ứng xử văn hóa được được thể hiện bằng chữ nghĩa và hành động để đối với một người khác trong xã hội.
Tôn trọng qua chữ nghĩa
Chữ nghĩa sẽ chứng minh được một phần văn hóa của bản thân. Sự tôn trọng người khác được thể hiện qua chữ nghĩa dùng cho cá nhân đó. Sự tôn trọng này phải được dành cho mọi người bất kể cá nhân đó là giống dân nào, thiện-ác ra sao, ứng xử với bạn ra sao. Cái ác của cá nhân đó không cho phép chúng ta có quyền dùng từ ngữ thô lỗ cho cá nhân đó nếu chúng ta là người có văn hóa. Dĩ nhiên sẽ có người không đồng ý nhận định này bởi họ cho rằng những người ác, xấu trong xã hội không đáng để được tôn trọng cho nên chúng ta có thể dùng những từ ngữ thiếu văn hóa cho họ bởi họ không xứng đáng. Đây chỉ là hành động ăn miếng trả miếng và cá nhân nào nghĩ đến chuyện này cũng chẳng phải là người tốt đúng nghĩa.
Hãy đưa ra thí dụ để hiểu vấn đề rõ ràng hơn. Bạn sinh hoạt trong một tập thể. Một vị lớn tuổi mà bạn gọi là anh xưng em. Cách xưng hô thể hiện rõ sự thân tình và kính trọng trong sự thân tình đó. Nhưng sau một thời gian, bạn thấy người lớn tuổi này xài “bạc giả” (gian dối), không thành thật và độc tài nhưng miệng nói dân chủ. Thế là bạn đổi cách xưng hô tôi và ông. Cách xưng hô này vẫn là tôn trọng chứ bạn không dùng từ ngữ “mày, tao” bởi từ ngữ đó không nên dùng trong bất cứ trường hợp nào (dù rằng thực tế bạn bè thân, thường hay dùng từ ngữ này). Trong trường hợp này bạn tôn trọng cá nhân lớn tuổi đó nhưng bạn không kính trọng bởi người xài “bạc giả” thì chẳng có gì để kính trọng. Sự kính trọng chỉ dành cho những người xứng đáng có tư cách, đạo đức tốt, có sự tu dưỡng ở bản thân. Sự kính trọng phải được xứng đáng (earn) chứ không phải là một sự bố thí từ người khác hoặc từ hình ảnh quá khứ của tù tội cộng sản. Bạn có thể ở tù cộng sản vì sự đấu tranh của bạn. Nhưng đó là quá khứ. Cái hiện tại của bạn ra sao, có thực sự sống, ứng xử là người có tu dưỡng hay không thì sự kính trọng từ đó mà ra chứ không phải vì cái quá khứ. Ai không xứng đáng thì sự đối xử trong thân thiện của những người sinh hoạt sẽ chấm dứt mà thay vào đó sự đối xử không còn thân thiện nhưng vẫn giữ sự tôn trọng giữa những con người.
Người Việt, đặc biệt qua sinh hoạt của mạng xã hội, thường hay dùng từ “ngu, mày, tao, thằng, nó” dành cho những người khác chính kiến với mình. Tại sao có sự ứng xử thiếu văn hóa như thế? Bởi vì người Việt thiếu sự giáo dục hiểu theo nghĩa rộng lớn (xin xem bài Tu Dưỡng Thắng Nhân: Giáo Dục). Chính vì thiếu giáo dục để rồi từ ngữ dùng thể hiện tính thiếu văn hóa của người Việt.
Tôn trọng qua hành động
Thông thường khi ai đó không tôn trọng người khác qua chữ nghĩa thì cũng khó mà tôn trọng qua hành động. Hành động thường thể hiện qua lời nói hay việc làm.
Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người ta thường hay liên lạc qua email. Và email thì lại có tình trạng thành lập email của nhóm. Nơi làm việc thì thành lập email của nhóm là chuyện tiện lợi và người trong nhóm không có sự lựa chọn khi email của nhóm được hình thành. Tuy nhiên trong sinh hoạt của người Việt thuộc dạng xã hội, từ thiện thì hay có chuyện email của nhóm do ai đó thành lập mà không hỏi ý kiến người khác có muốn nằm trong email nhóm hay không. Một hình thức bắt cóc bỏ đĩa. Và khi cần thì loại bỏ cá nhân đó mà cá nhân bị loại bỏ hoàn toàn không có ý kiến gì về chuyện bỏ vào hay bỏ ra. Đây là lối sinh hoạt thiếu sự tôn trọng qua hành động bỏ vào hay bỏ ra khỏi email của nhóm mà không hỏi ý kiến của cá nhân đó.
Việc làm trong một tổ chức sinh hoạt thuộc dạng xã hội thì mọi người phải tôn trọng lẫn nhau chứ không thể dựa vào cái mục tiêu là sinh hoạt cho lợi ích xã hội để người lãnh đạo tổ chức có quyền lợi dụng người khác, xem thường người khác bằng những chức vụ bù nhìn còn mình thì độc tài, muốn làm gì thì làm mà không hỏi ý kiến của người trong tổ chức. Đây là hành động không những là không tôn trọng mà xem thường người khác, lợi dụng lòng tốt của người khác.
Hành động tôn trọng đôi khi chỉ lắng nghe và không trả lời khi cá nhân đặt vấn đề không hề có tinh thần lắng nghe. Đây là sự tôn trọng ở chính bản thân và tôn trọng sự tranh luận không cần thiết với những người không biết tranh luận. Trên mạng xã hội chúng ta sẽ thấy có một số ít người hoàn toàn không đối đáp lại những cá nhân hoàn toàn không có tinh thần lắng nghe mà chỉ muốn người khác nghe ý kiến của mình dù rằng ý kiến đó hoàn toàn sai với sự thật và thiếu dẫn chứng để thuyết phục người có tri thức.
Hành động tôn trọng đôi khi phải dứt khoát không hợp tác, làm việc với người không có tinh thần tôn trọng người khác; hoặc những người không có sự tu dưỡng bản thân. Người Việt có một căn bệnh rất lớn với quan niệm là chúng ta thiếu người thôi thì xí xóa nhau để cùng nhau làm việc bởi không ai hoàn hảo. Đây là một ngụy biện rất nguy hiểm để che đậy cái xấu lẫn nhau. Đồng ý rằng không ai hoàn hảo nhưng trong sinh hoạt với nhau mà thiếu sự tôn trọng, xài “bạc giả”, lợi dụng người khác thì người có sự tự trọng sẽ rút ra khỏi sinh hoạt bởi ít nhất chính bản thân mình phải tôn trọng lấy chính mình là không hợp tác với những người xài “bạc giả”.
Tôn trọng đối với sự thật cho dù sự thật xấu hay tốt. Tôn trọng sự thật xấu để rút kinh nghiệm từ cái xấu đó mà không phải phạm lỗi lầm ở tương lai. Tôn trọng sự thật tốt để cố gắng làm cho tốt hơn chứ không phải vì cái tốt đó để rồi ỷ lại, tạo ra hành động không tốt về tương lai. Chỉ có những người tôn trọng sự thật thì mới trưởng thành trong tâm, tri thức của bản thân.
Tôn trọng đối với thiên nhiên bởi thiên nhiên nuôi dưỡng con người và ngược lại con người phải tôn trọng thiên nhiên: không khai thác quá độ, không phí phạm thiên nhiên, không làm thiên nhiên bị ô nhiễm bởi quyền lợi ngắn hạn.
Một Việt Nam mới phải có những con người hiểu và biết ứng xử trong một tinh thần tôn trọng và sẵn sàng lên tiếng tố cáo, bất hợp tác với những cá nhân không có sự tu dưỡng, mượn đầu heo nấu cháo và lợi dụng người khác cho chủ đích cá nhân được bao bọc viên đường gọi là “yêu nước”.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 5 năm 2021 (Việt lịch 4900)