Kỳ Thị và Bạo Động

Gần cuối tháng 5 năm 2020, một clip youtube được đưa lên với hình ảnh người cảnh sát da trắng, tại thành phố Minneapolis thuộc tiểu bang Minnesota, lấy chân đè trên cổ người Mỹ đen, anh George Floyd. Người Mỹ đen lên tiếng là tôi khó thở nhưng người Mỹ trắng vẫn mặc kệ, tiếp tục đè và kêu người Mỹ đen đứng dậy để vào xe. Làm sao người Mỹ đen có thể đứng dậy để vào xe cảnh sát khi mà người Mỹ trắng này tiếp tục lấy chân đè trên cổ người Mỹ đen?

Qua clip trên, người quay đã lên tiếng là anh cảnh sát da trắng đang vui vẻ thưởng thức cái chuyện của anh làm là đè trên cổ của anh Mỹ đen trong lúc anh Mỹ đen lên tiếng là khó thở. Kết quả cuối cùng là anh Mỹ đen chết và 4 người cảnh sát tại hiện trường, trong đó có một người cảnh sát gốc Á Châu, bị đuổi việc và đang bị điều tra của tiểu bang lẫn liên bang.

Không cần biết người Mỹ đen trước đó đã làm gì, vi phạm luật gì để phải bị bắt và bị đè bằng đầu gối, với sức nặng của cả thân người. Khi một người lên tiếng là khó thở và người kia cứ làm ngơ, tiếp tục đè chân xuống cổ người đang van xin để được thở thì hành động này là vô nhân. Không thể nào lấy một hành động sai (cái sai của người Mỹ đen, nếu có) bằng một hành động sai khác (hành động làm chết người của anh cảnh sát Mỹ trắng) để gọi là đúng.

Hình ảnh George Floyd làm cho toàn thế giới đứng lên chống đối lại sự kỳ thị chủng tộc. Nhiều người Việt thắc mắc, tại sao toàn thế giới biểu tình chỉ vì hình ảnh ông Floyd tại Mỹ? Những người Việt ủng hộ ông Trump thì cho rằng quá khứ của anh Floyd chẳng ra gì. Đúng. Quá khứ của anh Floyd có thể chẳng ra gì nhưng phải chăng vì cái quá khứ đó, vì chuyện sử dụng 20 đồng tiền giả (nếu điều này có thật) thì anh ta xứng đáng để người cảnh sát đè trên cổ để cái chết xảy ra?

Rồi những cuộc biểu tình đưa đến chuyện đập phá, cướp bóc trên các thành phố của Hoa Kỳ. Đây là chuyện sớm muộn cũng phải xảy ra bởi nền giáo dục của Hoa Kỳ không dạy trách nhiệm của một công dân đối với xã hội mình đang sống. Nền giáo dục của Hoa Kỳ dạy cái quyền tự do, thực hiện giấc mơ nhưng hoàn toàn không dạy về công dân đức dục mà nền giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa đã có. Tại sao khi có thiên tai ở Nhật, người Nhật không làm chuyện chen lấn, hôi của như ở Mỹ? Vấn đề chính ở nền giáo dục để mỗi người dân thấy được trách nhiệm và bổn phận của mình với xã hội và đất nước của mình.

Khi mà những người được người dân bầu vào hệ thống chính quyền, họ làm luật cho người giàu, cho các đại công ty bỏ tiền vào quỹ vận động tranh cử của họ qua các nhóm vận động hành lang thì những người nghèo khổ nhất ở Mỹ còn có gì ngoài chuyện thực hiện giấc mơ hôi của cho dục vọng của chính mình? Hai năm trước, cá nhân viết bài này có một tivi 65 inchs và đăng lên mạng để cho thay vì bán. Một gia đình người Mỹ đen đến lấy, đem theo chiếc xe cũ để cố nhét cái TV to đó vào phía sau cóp xe (xe loại cũ nên cóp xe rất lớn). Đối với người Việt chuyện có TV 65 inchs là chuyện rất thường tình nhưng đối với những giống dân khác, đặc biệt là người Mỹ đen, chuyện có một TV to là chuyện không phải dễ cho nên ai cho thì cố gắng đem về xài thay vì phải mua.

Ở một xã hội mà người giàu càng giàu thêm còn người nghèo thì tiếp tục nghèo. Một xã hội mà tạo ra phong trào 99% để chống lại 1% giàu có chỉ nghĩ đến mình thì xã hội đó sớm muộn cũng sẽ đi đến chuyện tức nước vỡ bờ. Khi bệnh dịch COVID-19 xảy ra, mọi người ở nhà, không việc làm, không tiền dù rằng được chính phủ giúp đỡ nhưng số tiền đó đủ để trả tiền mướn nhà, chi phí cần thiết trong việc ăn và ở; cộng với chuyện không cho ra khỏi đường, hình ảnh của ông Floyd tạo ra dầu thêm vào lửa. Những người biểu tình bất chấp đang có bệnh dịch, họ vẫn đi biểu tình để chống lại cái sai trái của cảnh sát. Mà đâu phải chỉ ở Minneapolis đâu. Toàn nước Mỹ đứng lên chống sự kỳ thị của cảnh sát đối với người da đen. Sự kỳ thị này có thật chứ chẳng phải theo lý luận của một số người Việt cho rằng không có bởi Mỹ trắng bầu ông Obama là tổng thống thì làm gì có chuyện kỳ thị.

Kỳ thị và bạo động có nhiều hình thức. Kỳ thị đôi khi không thể hiện ra ngoài nhưng có trong ý nghĩ thì cũng là kỳ thị. Kỳ thị được thực hiện qua chính sách được sự bảo kê của luật pháp mà chuyện dùng điểm tín dụng (credit score) để định giá bảo hiểm của người mua. Ai có điểm tín dụng thấp, mặc dù họ không mang nợ, thì phải trả tiền lời hoặc trả giá bảo hiểm cao hơn với những người có điểm tín dụng cao. Sự kỳ thị người trắng đối với đen, vàng, đỏ và ngược lại. Sự kỳ thị này đưa đến chuyện áp dụng hai khuôn mẫu (double standard) cho một trường hợp có lợi cho mình. Thí dụ người Mỹ đen có cái quyền hóa trang là người Mỹ trắng nhưng anh Mỹ trắng mà hóa trang là người Mỹ đen thì bị gọi là kỳ thị. Chẳng lẽ chuyện hóa trang trong một dạ tiệc hóa trang, không cho phép mọi người được quyền hóa trang bất cứ cá nhân nào mình thích hay ngưỡng mộ? Nếu một người Mỹ, yêu quý Trần Hưng Đạo và hóa trang là Trần Hưng Đạo thì phải chăng đó là hành động kỳ thị? Dĩ nhiên những ai có đầu óc không kỳ thị sẽ cho là không. Còn những người đã có sẵn đầu óc kỳ thị thì cho là kỳ thị người Việt.

Chuyện bạo động thì đâu phải là việc xách súng cướp giựt, bắn giết người là bạo động. Một lời nói của Trump cho rằng sẵn sàng trả tiền luật sư để kêu gọi người khác đánh người không ủng hộ Trump trong cuộc vận động tranh cử năm 2016 chính là bạo động khuyến khích. Chuyện hăm dọa người khác, hoặc cầm súng như muốn bắn giết người đối diện trong khi người đối diện chẳng có gì nguy hiểm đến tính mạng của mình thì hành động này là bạo động. Chuyện anh cảnh sát ở sân bay Miami đánh vào mặt người phụ nữ mà một người nằm trong vị thế phục vụ quần chúng không nên làm (dù hành động của cô phụ nữ Mỹ đen này hơi quá đáng khi đưa mặt sát vào mặt của người cảnh sát) thì hành động này là bạo động trong việc sử dụng sức mạnh không cần thiết. Chuyện dẹp người biểu tình ôn hòa bằng thuốc xịt cay nhằm mục đích cho Trump đi đến nhà thờ chụp hình phô trương sức mạnh của mình thì đây là hành động của bạo động. Có ai nhìn sự bạo động trên một cái nhìn tổng thể để chấm dứt những hành động bạo động không cần thiết này?

Kỳ thị và bạo động đôi khi đi song song; hoặc có kỳ thị nhưng không bạo động hay có bạo động nhưng không kỳ thị. Muốn chấm dứt hai vấn đề này cần phải có sự thảo luận mở rộng để cùng nhau tìm hiểu cái gốc của vấn đề hầu giải quyết từ cái gốc chứ không phải giải quyết vì sự kiện. Sự kiện là kết quả của cái gốc (nguyên nhân). Không thể nào quên lãng giáo dục bởi đây cũng là một trong những nguyên nhân để sự kỳ thị và bạo động tiếp tục xảy ra khi con người không được giáo dục tinh thần trách nhiệm với môi trường và xã hội mình đang sống.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 7 năm 2020 (Việt Lịch 4899)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s