Đại công ty và người tiêu thụ
Khi hãng Comcast quyết định tăng giá tiền sử dụng Internet nếu người sử dụng quá mức ấn định (1.5 tetrabit). Tuy tỷ lệ người sử dụng như vậy chỉ là 1-2 % nhưng cũng đưa đến tranh chấp là: kỳ thị, mất tự do thông tin…
Đồng thời mặt khác của vấn đề lộ ra:
Nếu công ty Comcast được thầu (độc quyền) để cung cấp Internet cho một khu vực địa lý nào đó (tỉnh, quận, tiểu bang…) là do chính quyền (đại diện dân) chấp thuận để phục vụ nhu cầu của người dân. Nhưng Comcast chỉ cung cấp dịch vụ cho khu vực dân có tiền trả. Có những khu vực dân nghèo không bao giờ biết internet là gì. Đến khi đại dịch xảy ra, học sinh phải học tại nhà thì lại không có internet thông tin với nhà trường. Nhà nước và các cơ sở từ thiện phải đứng ra cung cấp cả máy điện toán (computer) lẫn internet cho dân nghèo.
Vậy thì khi Comcast lấy cớ là có một thiểu số người dùng nhiều sẽ cản trở đa số người dùng ít và như vậy cần hạn chế người dùng nhiều bằng cách tăng giá vào thành phần này có hợp lý không?
Giả sử nếu một gia đình 4 người dùng 4 máy điện toán để làm việc, học hành ban ngày 8 tiếng. Ban đêm thì họp mặt bạn qua chat room, Zoom… hay chơi game. Cuối tuần thì coi phim qua “streamline”. Sử dụng internet như vậy theo Comcast thì vượt mức 1.5 tetrabit và làm nghẽn băng tần (bandwidth) gây cản trở cho những người ít dùng nhưng khi cần thì không liên lạc được vì băng tần bị nghẽn. Nếu đóng tiền như nhau thì người dùng ít bị thiệt hại. Còn nếu bắt người dùng nhiều đóng thêm tiền thì bị coi là kỳ thị (thí dụ: xe chạy trên xa lộ, bạn chạy nhiều, tôi chạy ít thì lý do là bạn có việc nên phải chạy, còn tôi không cần thì không dùng xa lộ nhưng đến khi dùng xa lộ thì bị kẹt xe. Có ai đòi đóng thuế kẻ chạy xe trên xa lộ nhiều giờ?
Vậy khi công ty Comcast tăng giá tiền đối với kẻ dùng nhiều (nhà giàu: giàu mới làm việc ở nhà, tán gẫu và xem phim…) để hy vọng giảm bớt “sự kẹt xe trên xa lộ internet” và như vậy giúp người khác có cơ hội dùng internet. Câu hỏi đặt ra là nếu kẻ dùng nhiều như một người nhà giàu (vì có tiền trả) chứ người nghèo làm đầu tắt mặt tối, 2-3 việc vẫn không đủ sống thì đâu còn thời gian cho internet, trừ khi là cho con trẻ có cơ hội tìm hiểu; và nếu vậy thì có tăng giá mà nhà giàu vẫn xài túi bụi thì nhà nghèo làm sao vào internet? Rồi chủ hãng Comcast sẽ trả lời sao với nhà nước?
Chưa hết, đại công ty sống vì lợi nhuận, nếu lỗ lã đi đến phá sản thì nhà nước lại phải cứu chuộc, cũng là tiền dân đóng thuế. Lý do của đại công ty nếu phá sản là người dân (nghèo) sẽ mất công ăn việc làm, quay trở lại ăn hại nhà nước. Vậy thì cứu nhà giàu để nhà giàu cứu nhà nghèo, chính quyền làm 1 công 2 chuyện.
Kiểu mẫu này xảy ra trong nhiều kỹ nghệ: ngân hàng, xe hơi, dầu hỏa. Sự kiện chính quyền Biden xóa sổ chương trình ống dẫn dầu (Keyston XL pipeline) từ Canada về Texas cũng bị phê phán là làm dân mất việc.
Nhưng có những mặt cần xét lại. Trường hợp của Comcast thì vai trò của Comcast có cần thiết không? Khi các nước như Pháp và các nước Âu Châu, Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan… thì làm gì có Comcast? Như vậy dân sẽ phải kiếm việc làm khác.
Cũng như ống dẫn dầu Keystone XL có cung cấp việc làm vững bền hay chỉ là theo mùa, hết mùa thì lại cho nhân công nghỉ việc và như vậy dân nghèo lại phải đi tìm việc làm khác.
Trong những năm gần đây, dân nghèo khôn hơn. Họ đòi hỏi việc làm có ý nghĩa (meaningful jobs) quy định quyền lợi cho nhân viên làm việc lâu dài chứ không phải chỉ trả lương mà không có bảo hiểm sức khỏe, nghỉ bệnh, nghỉ hè hay tiền hưu.
Tương tự là chuyện thuốc men (medicine). Ai cũng biết giá thuốc ở Mỹ cao vọt vì các hãng bào chế (Pharma) lấy cớ là nghiên cứu lâu, tốn tiền. Thế nhưng tại sao cùng một loại thuốc, cùng một hãng sản xuất mà thuốc lại bán ở Canada , Âu Châu rẻ hơn tại Mỹ? Khi Quốc Hội gọi các chủ tịch điều hành của các công ty dược phẩm ra đàn hạch thì dĩ nhiên họ phản đối chuyện chính quyền quy định giá cả và đòi tự quản (self-regulation) và hứa sẽ cung cấp phương tiện giúp dân nghèo mua thuốc khi cần bằng cách cấp tem phiếu (coupon). Nhưng không thấy nói tem phiếu sẽ phát hành ra sao. Xem quảng cáo qua truyền hình thì chỉ khi nào bệnh nhân (người tiêu thụ) bỏ cuộc, không mua thuốc thì bác sĩ, dược sĩ mới xì ra tem phiếu. Rồi bệnh nhân sẽ có tem phiếu trong bao lâu? Chắc chắn không kéo dài cho đến khi hết bệnh. Vậy thì trò chơi tem phiếu chỉ là để qua mặt chính quyền, còn dân đen thì chỉ có nước nhịn ăn, mua thuốc; hay ăn và chờ chết vì không có thuốc mặc dù bệnh có thể trị dứt. Ai nói đại công ty không giết người? Chỉ vì người tiêu thụ chết dần mòn trong bóng tối. Phải chăng đó là hậu quả của tự do làm giàu?
Nhà giàu và nhà nghèo
Nhìn ở góc cạnh khác thì chuyện nhà giàu xài internet quá độ cũng giống như các đại công ty thu tóm 99% các tài nguyên trong một quốc gia tuy chỉ là 1-2% và để lại đa số dân còn lại với 1% lợi tức quốc gia. Giới nhà giàu có thể biện minh là vì chúng tôi khôn ngoan, có tài năng nên mới làm giàu. Còn quí vị có thể là không chịu cố gắng, kiên nhẫn… nên mới rơi rớt phía sau. Tuy nhiên chính phủ sẽ tìm cách giúp đỡ quí vị, ráng chờ đợi? Mặt khác giới nhà giàu có tiền vận động Quốc Hội cắt giảm ngân sách về an sinh xã hội để gọi là ngăn ngừa sự lạm dụng của dân nghèo, ép buộc họ phải làm những công việc với đồng lương rẻ mạt (thì các cơ sở thương mại của tiểu thương mới làm giàu). Và khi dân Mỹ nghèo (da màu, thiểu số) phải làm việc như vậy tại các thành phố thì tại thôn quê các nông trại tha hồ lợi dụng sức lao động của người di dân bất hợp pháp.
Vậy thì chính phủ có nên giới hạn mức độ thu tóm tài nguyên của nhà giàu để dành lại cho nhà nghèo sử dụng thì hợp lý không? Hay phí công vô ích vì khả năng của người nghèo có giới hạn? Một khi chính phủ can thiệp vào tranh chấp giàu – nghèo thì giới nhà giàu sẽ kêu gào “xã hội chủ nghĩa” (socialism) để chụp mũ tất cả chương trình giúp dân nghèo. Hay là kêu than “để nợ cho con cháu” (debt to our children) mặc dù con cái họ có dư tiền để sống mà không phải đi làm hay đóng thuế trong khi con cháu dân nghèo tiếp tục đi làm và đóng thuế như cha ông chúng đã làm vì không biết cách trốn thuế như dân nhà giàu. Màn cải lương này được diễn nhiều lần trong các mùa bầu cử.
Nhưng bạn tính sao khi nhà giàu làm quá mức và đổ nợ? Như khi các chủ tịch điều hành (CEO) của các ngân hàng, hãng máy bay…vung tay quá trán và vỡ nợ hay gian lận (thí dụ: Enron, USA, 2001) thì chính phủ phải gánh (vì các chủ hãng, qua luật sư, đe dọa dân nghèo sẽ mất việc làm và kinh tế đình trệ). Khi chính phủ dùng tiền thuế của dân để chuộc (bail out) nợ cho các công ty phá sản này thì tiền đó là ai chịu? Là bạn và tôi, là những người dân tầm thường phải hy sinh cho kẻ làm giàu ẩu tả.
Trần Công Lân
Tháng 1 năm 2021 (Việt lịch 4900)