Chính quyền, thuế và người dân
Chính quyền là dân hay Dân là chính quyền? Dân bầu ra nhà nước nhưng các ông bà đại diện dân cử có làm việc cho dân không? Dĩ nhiên là có vì nếu không họ sẽ mất việc vào kỳ bầu cử kế tiếp. Thế nhưng tại sao khi làm luật thì luôn luôn có lỗ hổng để các công ty trốn tránh pháp luật, trách nhiệm?
Phải chăng vì các tổ chức vận động hành lang (lobbyist) đã mớm mồi cho các nhà làm luật bằng các đạo luật làm sẵn (thí dụ: tổ chức ALEC). Vì một khi Quốc Hội chuẩn bị một dự luật thì các tổ chức vận động đã chuẩn bị làm sẵn từ A đến Z. Đến khi các đại diện dân đồng ý thì thay vì phải để nhân viên thuộc quyền (staff) làm thì sẽ mất nhiều thì giờ. Nay có người làm sẵn thì tại sao không dùng? Nếu có chỗ khác biệt thì sửa lại cũng dễ và mau thôi (thường chỉ là thay đổi vài dòng chữ, đoạn văn). Nhưng ai đã làm về luật thì biết, thay đổi một vài chữ là có thể khiến bộ luật như con cọp không nanh vuốt. Đó là cả một công trình tuyệt diệu của giới vận động hành lang mà giới Lập Pháp Hoa Kỳ không bỏ qua được.
Cũng như chuyện thuế.
Chính phủ cần thâu thuế để điều hành việc nước. Việc đánh thuế do Quốc Hội phụ trách. Sở thuế do Hành Pháp điều động. Đảng A chủ trương cắt giảm chính phủ, để các công ty tự quản (self regulate), giảm thuế, gia tăng chi phí quốc phòng để bảo vệ quyền lợi đất nước…. Đảng B chủ trương công bằng xã hội, giúp đỡ người nghèo, giáo dục, y tế … và như vậy phải tăng thuế.
Đảng A cho rằng giảm (cắt) thuế thì giới nhà giàu mới có tiền đầu tư và như vậy tạo công ăn việc làm cho nhà nghèo mà họ gọi là nhỏ giọt (trickle down). Vì vậy chúng ta thấy khi một công ty lớn (hãng máy bay, dầu hỏa, sản xuất xe hay hội thể thao … dời căn cứ đến một thành phố hay tiểu bang thì chính quyền địa phương hứa hẹn sẽ giảm hay miễn thuế trong vòng X năm, lại còn trợ cấp WZY… cho công ty.
Có người hỏi tại sao nó (công ty) đã giàu còn giúp nó giàu thêm?
Trả lời là nếu không dụ nó thì nơi khác sẽ dụ và nó bỏ đi thì mất mối lợi cho địa phương, mà dân nghèo là thiệt hại nhất.
Có người lý luận nó (công ty) làm giàu là nhờ có điện, nước, nhà cửa, đường xá, nhà hàng, khách sạn… đã có sẵn cho nhà giàu làm giàu. Nếu không có như vậy thì nhà giàu không thể làm lại từ A đến Z. Vậy sao còn cắt thuế cho nó? Nó có mở hãng, tạo công ăn việc làm hay lại bỏ tiền mua chứng khoán, cũng làm ra tiền mà đỡ mất công tìm cơ sở, đối phó với nghiệp đoàn…
Bạn sẽ trả lời sao?
Hãy nhìn lại mỗi lần đảng A (được giới nhà giàu ủng hộ) cầm quyền hay nắm đa số tại Quốc Hội và thực hiện cuộc chiến X (đối ngoại) hay chương trình kinh tế Y (cắt thuế cho nhà giàu từ 35% xuống 21% vĩnh viễn; trong khi giảm thuế cho nhà nghèo (lương 10K-38K) từ 15% xuống 12% trong vòng 5 năm thôi.
Thế nhưng khi đại họa xảy ra vì thiên tai (Katrina), khủng khoảng tài chánh (2008), bệnh dịch toàn cầu (2020) thì nhà nước phải cứu trợ khẩn cấp cả ngàn tỷ (trillions) thì toàn dân hưởng nhưng nhà giàu biết lỗ hổng để xin nhiều hơn (vì có cơ sở làm ăn) nên âm thầm thu tiền vô (cho dù các công ty chẳng thu lợi) trong khi dân nghèo, có kẻ không có gì vì không biết khai, người khai không đúng thủ tục, thiếu giấy tờ chứng minh…. Do đó giàu nghèo lại càng chênh lệch sau những cơn đại họa.
Cũng như vậy nhưng nếu là đảng B cầm quyền thì đảng A sẽ kêu gào: cần phải thảo luận nhiều hơn (kéo dài), số tiền trợ cấp 1,400 là quá nhiều, cần kiểm soát lỗ hổng, ngân sách thiếu nợ quá nhiều (khi đảng A chấp thuận ngân sách thì không thấy than thở vì nợ). Khẩu hiệu “thắng thì lợi về phần tôi, còn thua thì nợ về phần anh” mà chúng ta thường thấy xảy ra tại Quốc Hội.
Chúng ta đã thấy đảng A ít nhất hai lần gây đại họa (2007 và 2020) và mất đa số qua bầu cử. Khi đảng B lên nắm quyền và dọn dẹp đống rác do đảng A để lại thì phe B hô hào bỏ qua (move on) và quay ra chỉ trích các biện pháp đảng B đang làm. Câu hỏi đặt ra là nếu không truy tố kẻ gây tai họa (thuộc đảng A) thì kẻ gây tai họa sẽ cứ tái diễn hay sao? Câu hỏi khác là khi bạn (đảng A) nắm đa số tại Quốc Hội và Hành Pháp thì tại sao không làm? Nhưng khi người khác (đảng B) làm thì phá đám, cù cưa, than nợ, chê bai không cần thiết … rồi lấy cớ “đoàn kết” để ép phe đa số phải thương lượng?
Khi lãnh đạo đã dở mà dân chúng (những người ủng hộ đảng A) không tin người trong đảng, lại đi tin kẻ lường gạt (con man) hứa là sẽ dọn sạch vũng lầy (swamp). Thật là mất trí khi quên đi đại diện đảng A cũng là do bạn chọn, nếu không làm được việc thì chọn kẻ khác, nếu vẫn tiếp tục xảy ra là do nội bộ thối nát, phải sửa đổi…. Chỉ vì lười và ngu, muốn ăn sẵn nên chạy theo lời đường mật của kẻ gian chọn hắn làm tổng thống khiến cả nước lâm nạn. Nếu bảo rằng dân chủ mà chọn kẻ độc tài (đòi hỏi sự trung thành để phục vụ lợi ích cá nhân lãnh đạo thay vì là người phục vụ quốc gia) là phá hoại cơ chế dân chủ: Quốc Hội. Bạn quấn cờ vào người kêu gọi lòng ái quốc, đòi lật đổ chính quyền do dân bầu, được đại cử tri đoàn phê chuẩn? Bạn kiện cáo không bằng chứng và bị các tòa bác bỏ. Cuối cùng bạn đòi bạo loạn rồi đeo súng để tự vệ? Ai gây loạn? Ai tấn công ai rồi đòi mang súng tự vệ? Đó là dân chủ 1776 của bạn đó sao?
Chính trị và kinh tế: Tư sản, Cộng sản hay Bình sản
Chúng ta đã sống với cộng sản để thấy kinh tế của cộng sản như thế nào và ngày nay kinh tế cộng sản đang “hòa hợp, hòa giải” với kinh tế tư bản trong một tình thế “diễn biến hòa bình” mà đôi bên cùng có lợi như Trung Cộng đang ve vãn Hoa Kỳ để tránh thương chiến và cùng nhau bóc lột các nước nghèo.
Ngày nay chúng ta đang sống với nền kinh tế tư bản, dưới nền dân chủ lưỡng đảng đang đi vào khủng hoảng vì khi con người phân hóa, biến chất thì đảng chính trị, tôn giáo cũng suy thoái theo — trong khi kỹ thuật khoa học tiến quá nhanh để con người có thể theo đuổi và kiềm chế được bản thân (điện thoại cá nhân, trò chơi trên mạng). Trong khi kinh tế tiến tới mức độ toàn cầu nhưng cơ cấu chính quyền và luật lệ không bắt kịp đà tiến nhanh như vậy. Khủng khoảng chính trị và kinh tế tại các nước nhỏ, nghèo, chiến tranh… gây nên làn sóng di dân đến các nước giàu. Sự giao thương giữa tư bản và cộng sản (nay là độc tài chuyên chính tư sản) gây nên sự tranh đua làm giàu. Vì muốn tiến nhanh, Trung Cộng vi phạm các quy luật an toàn và gây nên bệnh dịch toàn cầu (pandemic). Trong khi tại Mỹ nạn di dân gây nên tỷ lệ dân số trắng và da màu chênh lệch khiến nạn kỳ thị bộc phát qua các nhóm quá khích gây bạo động khắp nơi.
Các nhà chính trị hầu như bó tay hay chỉ giải quyết theo ưu tiên hơn là toàn bộ hệ thống, cơ cấu.
Bạn có cách nào khác hơn không?
Có một người Việt từ 100 năm trước có đưa ra đề nghị về kinh tế: Bình sản kinh tế (BSKT). Để hiểu nền tảng của BSKT, bạn phải đi từ cội gốc của nó: Tu dưỡng cá nhân rồi tìm hiểu Sinh Mệnh Tâm Lý để có những Cơ Năng và Bản Vị trong xã hội. Từ đó thiết lập một Duy Nhân Cương Thường cho một (hay nhiều) nước để đưa ra Cơ Năng Hiến Pháp điều chỉnh theo từng giai đoạn tiến hóa của con người và xã hội. Tất cả để điều hòa sinh hoạt chính trị. Một khi con người tự giác, hiểu nhau thì mới nói chuyện chia sẻ tài nguyên của thiên nhiên để sống chung trong hoà bình và như vậy con người phải tự giới hạn nhu cầu sống mà bình sản là bước đầu. Bạn có quyền làm giàu nhưng không lấy cái giàu ra đè bẹp thiên hạ để chiếm hữu tài nguyên, để ép buộc những người thiếu may mắn phải sống trong cảnh khốn cùng còn nếu để lòng Tham hoành hành trong mỗi con người thì cuối cùng chỉ là sự hủy diệt.
Trần Công Lân
Tháng 1 năm 2021 (Việt lịch 4900)