Não Luận 4 (P1)

Chuyển biến não bộ, chuyển hóa não trạng

Tạo não bộ chủ tri, xóa não trạng bị trị

TƯƠNG LAI LUẬN VỊ VIỆT TỘC

LÊ HỮU KHÓA

THÔNG

Thông minh biết trưởng thành * Thông thái biết văn minh

Thông thạo để tiến bộ

***

Thông minh biết trưởng thành

Khi bạo quyền độc đảng toàn trị ra đi, Việt tộc phải xây dựng một cơ chế có văn minh dân chủ và có văn hiến nhân quyền nơi mà sự thông minh của công dân, của hội đoàn, của đảng phái trong đa nguyên được sử dụng, vận dụng, tận dụng. Nhưng một loạt các hậu quả cùng các hệ quả của bạo quyền độc đảng toàn trị phải được giải quyết và phải mất thời gian cùng năng lượng để tẩy, xóa, bứng, nhổ đi các hậu nạn mà nó để lại, nhất là trong phản xạ của não bộ, phản ứng của não trạng mỗi người dân già, trẻ, lớn, bé. Đây là một thử thách lớn sẽ sinh ra nhiều thử thách khác khi não bộ cùng não trạng đã bị điều kiện qua nhiều thế hệ bởi tuyên truyền, nơi mà tuyên giáo mang bản chất man trá, nơi mà tuyên huấn mang nội chất gian xảo.

Trong giai đoạn chuyển biến này, một chính quyền có tỉnh táo trong quyết sách, sẽ sáng suốt trong chính sách, nhưng vẫn phải là thêm một giáo khoa luận xã hội để thuyết phục hai loại tâm lý tập thể. Tâm lý thứ nhất là của một cộng đồng đầy bi quan: “tình hình hỗn loạn quá!”, “không thay đổi gì được đâu!”, “tương lai sao tối tăm thế!” … Tâm lý thứ nhì là của một cộng đồng quá lạc quan: “tình hình chắc chắn sẽ khá hơn”, “nhiều chuyện sẽ thay đổi theo hướng tốt”, “tương lai sẽ đẹp hơn nhiều so với hiện nay”. Cả hai loại tâm lý đều xa lạ với một chính quyền có bản lĩnh dân chủ, có tầm vóc nhân quyền, vì tâm lý bi quan hay khách quan là tâm trạng của những kẻ đứng bên lề, bên ngoại, không muốn dự cuộc, nên sẽ bị loại ra khỏi cuộc thay đời đổi kiếp trước chân trời dân chủ.

Các chủ thể lãnh đạo dân chủ không phải là kẻ đứng bên lề, cũng chẳng phải là người để bên ngoài tác động và ảnh hưởng với hai loại tâm lý ngoại cuộc, bi quan hoặc khách quan. Mà các chủ thể lãnh đạo dân chủ, khi dân bầu với chương trình của mình, thì quyết tâm tạo nên quyết sách của người trong cuộc, chủ động trước hậu quả và hậu nạn mà bạo quyền độc đảng toàn trị đã để lại. Các chủ thể lãnh đạo dân chủ này, tự chính quyền tới chính phủ phải là kẻ ở trong cuộc, thấy giòng nước đen đầy nhiễm ô của hậu quả và hậu nạn mà bạo quyền độc đảng toàn trị đã để lại, thì không đứng trên bờ, mà than vãn bi quan hoặc hô hào lạc quan. Mà phải nhảy xuống giòng nước đen này để bơi qua bờ bên kia.

Khi qua được bờ bên kia, sau khi vượt thoát hậu quả, thì phải tính tới chuyện vượt thắng hậu nạn, cụ thể là không rời giòng nước đen nhiễm ô này, mà phải tổng kết tất cả các kinh nghiệm cụ thể khi vượt giòng nước bẩn này, để tự đó sạch hóa giòng nước này. Trong sạch hóa một thảm kịch của đất nước, trong lành hóa một thảm trạng của một dân tộc bằng tri thức luận của dân chủ, luôn dựa trên tri thức học của nhân quyền. Nơi mà chỉ kiến thức về sự thật mới thoát được những tư tưởng bi quan “bàn lùi”, nơi mà chỉ tri thức về chân lý mới thắng được những tư tưởng lạc quan “quá đáng”, để cùng nhau đi về phía lẽ phải mà nhận nhân quyền một cách xứng đáng nhất của những kẻ trong cuộc, vì sự thật, chân lý và lẽ phải.

Kant ngay trong thế kỷ ánh sáng là thế kỷ XVIII là nhìn dân chủ và nhân quyền qua những thử thách của sự thật, chân lý và lẽ phải, khi triết gia này phân tích là luôn có hai tâm trạng rất khác nhau khi con người nhận lãnh chính số phận của mình và quyết định từ sinh mệnh tới tương lai của mình. Hai tâm trạng đó là: tâm trạng thứ nhất là lo âu, tâm trạng thứ nhì là giận dữ, hai tâm trạng thật khác nhau, xa lạ nhau, nhưng những kẻ lãnh đạo có thông minh của dân chủ, có thông thái của nhân quyền sẽ thấy đây là hai hùng lực có thể khai thác và khi khai thác được chúng thì nhân sinh sẽ khá lên.

Tâm trạng thứ nhất là lo âu sẽ giúp cho người ta cẩn thận hơn trong nhân thế, cẩn trọng hơn trong nhân gian, và sẽ phòng xa để phòng ngừa các biến nạn cho nhân sinh. Tâm trạng thứ nhì là giận dữ trước các bất công xã hội còn tồn tại, khi người ta bất nhẫn bằng giận dữ trước các hậu quả xấu còn tồn đọng trong xã hội, thì người ta phải chọn thái độ tích cực tham gia để loại bỏ các bất công còn tồn tại, các hậu quả xấu còn tồn đọng. Trực diện để chống lại với cái xấu, tồi, tục, dở, là bản chất của dân chủ, hoàn toàn khác với bạo quyền độc đảng toàn trị là luồn lách để bao che cho những cái cái xấu, tồi, tục, dở, để tiếp tục lũng đoạn xã hội, thao túng quyền lực.

Tocqueville, khi nghiên cứu đặc biệt về sự vận hành của dân chủ thì nhận ra hai giai đoạn của nhân loại: giai đoạn thứ nhất là phải sống dưới bạo quyền độc tài, và giai đoạn thứ nhì là được sống trong cơ chế dân chủ. Giai đoạn thứ nhất trong bạo quyền độc tài được xem như là giai đoạn bị ngu dại hóa bởi bạo quyền, và chính sách ngu dân của bạo quyền là sử dụng bạo lực lẫn tuyên truyền để ngây ngô hóa não bộ của một dân tộc, chính đây là giai đoạn mà bạo quyền độc tài cũng là tà quyền độc trị, với ý đồ tạo ra não trạng không cho phép một dân tộc trưởng thành, không cho phép một giống nòi lớn lên, không cho phép một đất nước phát triển một cách bình thường.

Và giai đoạn thứ nhì là dân chủ thì hoàn toàn ngược lại, dân tộc được ít nhất bốn cơ chế bảo đảm sự trưởng thành của một dân tộc. Một là kiến thức về cộng hòa có tự do, công bằng, bác ái làm dàn phóng giúp một dân tộc trưởng thành từ não bộ tới não trạng. Hai là tri thức về dân chủ, có dân làm chủ từ giáo dục kiến thức tới giáo dục luật pháp; tự văn hóa tới văn minh. Ba là ý thức về đa nguyên, có đa đảng nên có đa tài, đa trí, đa năng, đa hiệu, đa dụng… bốn là nhận thức về nhân quyền, không chấp nhận bất công để bảo vệ nhân phẩm, không chấp nhận bạo quyền để bảo vệ nhân vị, không chấp nhận tà quyền để bảo vệ nhân bản.

Khi ta đi đào sâu hai tâm trạng lo âu và giận dữ mà Kant, cũng như khi ta khơi rộng hai giai đoạn trẻ dại và trưởng thành do Tocqueville, thì ta phải thấy buổi giao thời tranh tối, tranh sáng trong xã hội. Vì khi dân chủ thể thay thế bạo quyền độc đảng toàn trị, thì luôn còn lại những tàn tích của chế độ cũ, mà bọn bạo quyền, tà quyền, ma quyền giờ đã là âm binh trong thế giới người, chúng sẽ tìm mọi cách khai thác triệt để các bất an của xã hội, “chọc gậy bánh xe” trong mọi thời cơ để khuấy phá dân chủ, để lũng đoạn đa nguyên, để lật ngược nhân quyền.

Trong kinh nghiệm của ba thế kỷ vừa qua tại Tây Âu và Bắc Mỹ với văn minh dân chủ và văn hiến nhân quyền được trợ duyên và trợ lực bởi đa nguyên, thì các phe nhóm cực đoan, cùng các đảng phái quá khích luôn khai thác cái rộng của dân chủ, cái cao của nhân quyền và cái sâu của đa nguyên để quấy rối dân chủ, xáo trộn nhân quyền, lật ngược đa nguyên. Hiện nay, các chủ thể dân chủ cùng các chuyên gia chuyên nghiên cứu về dân chủ luôn xem chế độ, cơ chế, định chế của dân chủ là một bước tiến chủ đạo của nhân loại, nhưng lại luôn bị kéo lùi, giật lùi bởi các lực lượng độc đảng, độc tài, đã bị mất quyền lực lẫn quyền lợi trước dân chủ, cùng lúc mất luôn các đặc lợi, đặc quyền, đặc ân trong chế độ dân chủ. Thì não trạng bịnh hoạn trầm kha của chúng là: “ăn không được thì khuấy cho hôi”.

Đâu là lối ra? Đâu là chính sách liêm chính của dân chủ? Đâu là quyết sách của nhân quyền? Đâu là thượng sách của đa nguyên? Lối ra có tên gọi là: chính sách tích cực tham gia vì tiến bộ trường kỳ nhân sinh! Một cấu trúc luận có hai phần:

– Phần thứ nhất là chính sách tích cực tham gia với kinh tế tham dự lấy hợp tác là chất xúc tác để có thật nhiều về số lượng với mọi thành phần xã hội của một quốc gia, mà không quên chất lượng là phải quy tụ mọi nguyên khí, mọi tiềm năng để đóng góp cho tiến bộ và văn minh, bằng trí lực, tâm lực, thể lực, với não bộ tỉnh táo, với não trạng sáng suốt, tất cả đồng tình, đồng lực bảo vệ nhân phẩm của nhân quyền. Từ quốc nội tới quốc tế lấy nhiệt tình tham gia để tạo đoàn kết quốc tế, với hiệu năng của đoàn kết quốc tế là tránh được chiến tranh, chung-chia từ thành quả các tiến bộ với chia-chung mọi bước tiến của văn minh, trên cơ sở của cộng hòa: tự do, công bằng, bác ái.

– Phần thứ nhì là tiến bộ trường kỳ vì nhân quyền, rời xa loại chính quyền bản năng đói ăn khát uống, như chính quyền độc đảng toàn trị hiện nay, tiêu xài tức khắc để đất nước phải lãnh nợ công tức thì rồi không có phương án giải quyết lại đẩy qua các thế hệ trẻ mai hậu phải trả nợ cho phản xạ hư ăn tục uống của loại chính quyền bản năng này. Rời xa luôn các phản xạ của các cơ chế chỉ biết xài ngay, xài liền mà không biết bao giờ mới trả được nợ công. Một chính quyền yêu dân chủ, quý nhân quyền, sẽ tỉnh táo khi có các quyết sách đường dài, các chính sách trường kỳ, nhìn xa trông rộng nhưng đi đường dài thì phải đi cho tới nơi, về cho tới chốn.

Não Luận 4 (P2)

Lê Hữu Khóa

Giáo sư Đại học * Tiến sĩ quốc gia trường gia Cao học khoa học xã hội Paris * Tiến sĩ xã hội học Đại học Nice-Sophia Antipolis * Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa. Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Thành viên Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s