Sự kiện anh CEO hãng Gravity Payment Processing, anh Dan Price, sẵn sàng hy sinh tiền lương 1.1 triệu mỗi năm để nhận đồng lương 70 ngàn mỗi năm và chia số tiền lương của anh cho nhân viên với mục đích là nhân viên của hãng phải nhận đồng lương tối thiểu mỗi năm là 70 ngàn để đủ sống tại thành phố Seattle. Hành động này của anh làm cho một số đài truyền thanh ở Mỹ cho rằng đây là xã hội chủ nghĩa.
Từ ngữ xã hội chủ nghĩa (socialism) được giới truyền thông bảo thủ, giới chính trị Mỹ thường hay đem ra hù dọa người khác mà chính những người này hoàn toàn không biết xã hội chủ nghĩa là gì, ra sao. Ngay cả chính người Việt, đã từng sống dưới chế độ cộng sản, vẫn không phân biệt được thế nào gọi là xã hội chủ nghĩa và từ đó sử dụng từ ngữ này không đúng chỗ. Bài viết này sẽ mổ xẻ Xã Hội Chủ Nghĩa trên một cái nhìn rất bình dân, có trách nhiệm với cá nhân và xã hội.
Bất cứ lý thuyết nào, bất cứ quyền tự do nào cũng phải đi kèm với trách nhiệm. Nếu không có trách nhiệm thì lý thuyết là bình phong; tự do mang tính hoang dã như thời kỳ tiền sử của loại người, một loại tự do nguy hiểm cho cá nhân và xã hội.
Trước hết cần phải hiểu xã hội chủ nghĩa là gì? Theo cái nhìn nhân bản thì xã hội chủ nghĩa là một chính sách kinh tế để mang lại lợi ích cho toàn thể xã hội mà người có khả năng kinh tế sẵn sàng đóng góp tiền bạc qua nhiều hình thức (thuế hay thành lập tổ chức thiện nguyện) để giúp những người yếu kém về khả năng kinh tế hầu cùng nhau tiến hóa. Chính sách kinh tế đó không những mang lại lợi ích cho toàn thể xã hội nhưng đồng thời quan tâm đến ảnh hưởng của môi trường bởi chúng ta chỉ có một trái đất để sống chung. Vì quyền lợi kinh tế của xã hội để hủy hoại môi trường sống thì chính là hành động tự sát.
Xã hội chủ nghĩa thiếu trách nhiệm
Ở những nước cộng sản, họ tuyên truyền về một xã hội chủ nghĩa mà người lao động làm việc theo sức lực nhưng được hưởng theo nhu cầu. Nghe rất là hay, rất là nhân bản nhưng thực tế, giới lãnh đạo ở các nước cộng sản chỉ lợi dụng cái gọi là xã hội chủ nghĩa để làm giàu, bóc lột, cướp giựt tài sản của người dân nhằm mục đích làm giàu cho bản thân, cho đảng cầm quyền. Họ đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi của dân tộc. Họ xem sinh mạng của đảng viên quan trọng hơn sinh mạng của quần chúng. Ngay cả chính đảng viên với nhau, họ sẵn sàng thủ tiêu, tiêu diệt nhau nếu phần “ăn” (tiền và quyền) của họ bị đảng viên khác giành giựt.
Tại sao họ có lối ứng xử như thế? Bởi vì họ không đặt trách nhiệm của họ đối với người dân, đối với xã hội. Cái tôi của họ, của đảng họ đặt lên trên tất cả những quyền lợi của tập thể. Xã hội chủ nghĩa chỉ là cái bánh vẽ to tổ bố để ru ngu thành phần bị trị và tiếp tục đàn áp thành phần bị trị để giữ quyền lực (tiền và quyền). Họ sẵn sàng bôi nhọ sự thật, đưa ra những chính sách, từ ngữ để hù dọa mọi người nhằm mục đích bôi nhọ cái sự thật mà họ không muốn mọi người biết đến bởi nó có thể ảnh hưởng đến sự sống còn của họ. Đây chính là xã hội chủ nghĩa thiếu trách nhiệm ở những nước cộng sản.
Còn ở những nước tư bản thì sao? Phải chăng có xã hội chủ nghĩa thiếu tinh thần trách nhiệm? Có đấy. Theo nhận định của anh CEO Dan Price “Tàu không lấy công việc của bạn. Chính các anh CEO, lương 30 triệu một năm, dời việc làm qua Tàu để có lợi nhuận từ đó lương của họ sẽ được tăng 40 triệu một năm”. Đây chính là bản chất xã hội chủ nghĩa thiếu tinh thần trách nhiệm với xã hội mình đang sống. Khi đài Fox và Rush Limbaugh cho rằng hành động chấp nhận hạ mức lương của anh CEO Dan Price từ 1.1 triệu một năm xuống 70 ngàn một năm và chuyển số tiền đó đến nhân viên bên dưới là xã hội chủ nghĩa – thì sự tuyên truyền, bẻ cong sự thật của xã hội chủ nghĩa để hù dọa mọi người về xã hội chủ nghĩa chính là bản chất của xã hội chủ nghĩa thiếu tinh thần trách nhiệm.
Xã hội chủ nghĩa có trách nhiệm
Nếu dựa trên định nghĩa xã hội chủ nghĩa bên trên thì các nước ở Châu Âu, Canada, và chương trình phúc lợi giúp người già, người nghèo tại Mỹ chính là xã hội chủ nghĩa có trách nhiệm. Người Việt đang hưởng trợ cấp tiền cho thức ăn (food stamps), sức khỏe cho trẻ em qua chương trình CHIP, chương trình giúp đỡ người tàn tật, quỹ về hưu gồm cả bảo hiểm sức khỏe khi ở tuổi 65. Đây chính là những chương trình lợi ích xã hội có thể định nghĩa là xã hội chủ nghĩa có trách nhiệm.
Ở Canada, các nước Âu Châu, mọi người đều có bảo hiểm sức khỏe dù đi làm hay không đi làm. Đây chính là quyền được bảo vệ trong y tế mà các nước quan tâm đến người dân sẽ tìm đủ mọi cách để trang trải chuyện này. Trong khi ở Mỹ, chính quyền Mỹ không quan tâm đến chuyện này nên để dân tự lo, cho dù chương trình bảo hiểm sức khỏe của Obama vẫn không giải quyết được giá cả bảo hiểm sức khỏe quá đắt cho những người không đủ tiêu chuẩn để hưởng trợ cấp chương trình bảo hiểm sức khỏe do Obama thành lập. Người viết bài này, bảo hiểm sức khỏe của gia đình tốn mỗi năm trên 25 ngàn và cứ tiếp tục lên mỗi năm, với tiền trả loại deductible càng ngày càng gia tăng mỗi khi đi bác sĩ. Cũng may là 80% số tiền này do chính phủ tiểu bang trả chứ không thì cũng là một quyết định khó khăn nên hay không nên mua bảo hiểm.
Một số nước ở Âu Châu không cần trả tiền học phí ở trường đại học công cộng hoặc trả học phí rất thấp so với học phí đại học ở Mỹ. Một số nước bước xa hơn nữa là chương trình này dành luôn cho những học sinh ở nước ngoài nếu đạt đủ điều kiện tiếng nói địa phương hoặc chương trình học hoàn toàn là tiếng Anh mà không cần biết tiếng nói địa phương mà Đức là thí dụ điển hình. Dĩ nhiên học sinh nước ngoài phải tự túc lo chuyện ăn uống trong lúc học tại quốc gia sở tại. Đây chính là xã hội chủ nghĩa có trách nhiệm.
Cũng tại Âu Châu, khi nhân viên đi làm và bị thất nghiệp, tiền thất nghiệp được cung cấp (tối đa là 3 năm) cho đến lúc nhân viên tìm được việc làm chứ không phải ở Mỹ là sau 6 tháng thì sẽ bị cắt tiền thất nghiệp nếu vẫn chưa tìm được việc làm. Còn nếu sau 3 năm vẫn chưa tìm được việc làm thì sẽ chuyển qua phần trợ cấp xã hội.
Để có tiền trả cho những chi phí của phúc lợi xã hội phục vụ người dân, tiền thuế của mỗi người dân phải đóng vào tùy theo khả năng của mỗi người. Lương càng cao thì có khả năng đóng thuế và phần trăm thuế sẽ cao hơn so với người lương thấp. Đó là lý do tại sao thuế lợi tức cá nhân ở Âu Châu cao hơn thuế lợi tức cá nhân ở Mỹ. Phần trăm thuế lợi tức cá nhân ở Âu Châu từ 30 cho đến 50% cho những người có đồng lương cao. Trong khi ở Mỹ, luật thuế tạo ra lỗ hổng mà nhà tỷ phú Warren Buffett đánh giá là phần trăm thuế của ông thấp hơn phần trăm thuế của người thư ký làm việc cho công ty ông. Chính lỗ hổng của thuế giúp người giàu trả thuế thấp hơn người dân bình thường thành ra chuyện ông 45 đóng thuế 750 đô la chẳng có gì lạ.
Lỗ hổng của thuế không những cho cá nhân mà gồm cả công ty. Công ty Amazon năm 2017 và 2018 không trả một đồng thuế nào theo luật thuế dành cho công ty. Bao nhiêu công ty lớn ở Mỹ, thu lợi nhuận vào rất nhiều nhưng không đóng thuế? Con số này cao chứ không nhỏ bởi đơn giản công ty luôn luôn tìm cách vận động đảng Cộng Hòa giảm thuế và đảng Cộng Hòa luôn luôn chủ trương giảm thuế và cắt giảm trợ cấp chương trình phúc lợi xã hội để bù vào sự giảm thuế đó. Theo bản báo cáo của The Institute on Taxation and Economic Policy thì 500 công ty lớn ở Mỹ, có 60 công ty không đóng một đồng thuế nào trong năm 2018.
Kết luận
Xã hội chủ nghĩa là một lý tưởng tốt đẹp nhưng để thực hiện cái lý tưởng đó cần phải có những con người trách nhiệm trong xã hội lẫn trong bộ máy cầm quyền để tạo ra luật chơi nhằm mục đích phục vụ lợi ích của người dân, đặc biệt là thành phần nghèo, thiếu cơ hội vươn lên. Tinh thần trách nhiệm này là ở mọi người trong việc đóng thuế, biết thế nào gọi là đủ để không bóc lột nhân viên của mình.
Hình ảnh anh CEO Dan Price chính là người hiểu được trách nhiệm này. Quyết định gia tăng lương cho nhân viên tối thiểu 70 ngàn một năm và hạ lương của chính bản thân xuống để bù đắp phần lương đó đã tạo ra sự thành công của công ty trong việc phát triển thêm vài chi nhánh khác ngoài Seattle. Đây chính là xã hội chủ nghĩa có trách nhiệm, quan tâm đến con người chứ không phải loại xã hội chủ nghĩa vô trách nhiệm, chỉ nghĩ đến mình, đến công ty mình mà không quan tâm đến nhân viên và xã hội.
Hy vọng người Việt sẽ hiểu rõ hơn xã hội chủ nghĩa là gì để đừng nhập nhằng chương trình phúc lợi cho người dân rồi dán cái nhãn xã hội chủ nghĩa vô trách nhiệm ở các nước cộng sản cũng như ở các nước dân chủ tiến bộ. Đặt nhẹ phúc lợi cho người dân ở Mỹ qua hình ảnh đảng Cộng Hòa hoặc một số dân biểu (ở cả hai đảng) chống lại gia tăng lương, gia tăng thuế, và cắt giảm chương trình lợi ích xã hội thì đây chính là xã hội chủ nghĩa vô trách nhiệm.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 4 năm 2021 (Việt lịch 4900)