“Từ rất xa xưa, cha bác có dạy rằng, tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi giòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào học làm người, Người Tử Tế, trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm ”.
Vâng. Đúng như thế. Đấy là những lời mở đầu của phim truyện “Chuyện Tử Tế”. Đây là cuốn phim rất Con Người, gặp nhiều trở ngại để có thể trình làng trước chế độ độc tài, vô nhân đức của đảng CSVN. Phim được làm năm 1985 nhưng mãi đến 1987, dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Văn Linh, trong phong trào cởi mở, phim truyện này được trình làng.
Hơn 35 năm kể từ khi cuốn phim này ra đời, bao nhiêu người Việt học được cái tử tế ở chính mình? Khi mà người Việt ủng hộ Trump, một người thiếu Nhân Cách, Nhân Phẩm thì xem ra người Việt không được tử tế lắm.
Mà tử tế là gì? Theo tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ thì tử tế là “kỹ càng, đàng hoàng, đâu ra đấy”. Thực sự tử tế mà giải thích như thế thì vẫn thiếu và không được rõ nghĩa.
Tử tế thực sự hiện diện trong đời sống cho dù xã hội là một xã hội loạn. Người tử tế là người không làm những tin tức giả, những clip giả để bôi nhọ ai đó hoặc ủng hộ ai đó. Người tử tế là người khi dùng mạng xã hội để chia sẻ tin tức thì phải kiểm chứng, phải loại bỏ cảm tính của mình để nói lên cái sự thật qua lăng kính sự thật. Người tử tế là người không xem thường người khác chỉ bởi vì địa vị xã hội thấp hoặc bị tàn tật, nghèo khó. Người tử tế là người sẵn sàng đứng lên chống lại cái ác, chống lại sự giả dối cho dù người làm chuyện ác, chuyện giả dối là người thân hay bạn bè của chính mình.
Người tử tế là người biết sự yếu kém của chính mình và lắng nghe tiếng nói khác biệt trong một tinh thần học hỏi cùng nhau tiến bộ. Người tử tế là người không lợi dụng quyền thế về tiền bạc, quyền hành để thủ lợi cho chính mình, gia đình mình hầu đè bẹp người yếu kém hơn mình. Người tử tế là người biết sử dụng quyền tự do ngôn luận trong một tinh thần trách nhiệm chứ không phải lạm dụng quyền tự do ngôn luận để khuyến khích bạo động trong một cơ chế dân chủ. Người tử tế là người không dùng sức mạnh tri thức của chính mình để bắt người khác phục vụ quyền lợi của chính mình được bao bọc với cái mã yêu nước, thương dân. Người tử tế là người giữ lời hứa chứ không phải trên mạng xã hội tuyên bố tôi sẽ rút lui ra khỏi mạng xã hội nếu ngày 4 tháng 3 Biden vẫn còn làm tổng thống bởi vì tin những nguồn tin hoang tưởng và ngày đó chẳng có gì xảy ra và cá nhân đó lấy lại lời nói của mình như một người nhổ nước miếng ra rồi liếm lại nước miếng của mình.
Bạn có phải là người tử tế? Hãy tự tìm câu trả lời cho mình và phải thành thật với chính mình. Thành thật với người đã khó nhưng thành thật với chính mình thì khó hơn ngàn lần.
Xin gửi đến các bạn quan tâm về Con Người xem lại bộ phim “Chuyện Tử Tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 12 năm 2020 (Việt lịch 4899)