Ai cũng biết giới truyền thông Mỹ do các đại công ty nắm tuy có thiên vị đôi chút nhưng vẫn là độc lập vì còn tòa án và các cơ chế khác kiểm soát (đại học, viện nghiên cứu…). Vì sống nhờ quảng cáo nên các nhà bình luận, phân tích thời cuộc cũng chỉ phổ biến tin tức trong thời hạn. Cũng vì để lôi cuốn khán, thính giả nên cần tin sốt dẻo nên đôi khi để cho các chính trị gia gây sóng gió mỗi khi xuất hiện trước công chúng. Đó là lý do Trump đã gây chú ý trong kỳ tranh cử 2016 qua những lời nói gây chấn động dư luận.
Đặc biệt lối phỏng vấn, đặt câu hỏi của giới truyền thông Mỹ cũng khác thường, họ không đặt vào mục tiêu tìm sự thật mà chỉ khơi dậy những cơ hội gây sóng gió hơn là chận đứng lối nói tránh né, vòng vo của người được hỏi (cho hết giờ hay có cơ hội đăng quảng cáo). Khi tự do ngôn luận bị lạm dụng để tung tin giả và thách đố sự thưa kiện của nạn nhân (chỉ xảy ra cho giới nhà giàu có tiền mướn luật sư). Giới chính trị và truyền thông đã dung túng cho “tin giả” (fake news) xuất hiện và chúng ta có mục kiểm soát sự thật (fact check).
Đạo đức là giá trị rẻ như bèo trong xã hội Mỹ khi viên chức chính quyền tuyên thệ nhậm chức trên Thánh Kinh (oath) với niềm tin Thượng đế (in the God we trust) sau đó mạnh ai nói láo tiếp mỗi ngày. Vậy thì giá trị đạo đức, cương thường của xã hội Mỹ nằm ở đâu?
Phải chăng đó là sự cố tình để giáo dục quần chúng? Bắt buộc người dân phải tìm hiểu nhiều hơn, chú ý nhiều hơn những biến chuyển của xã hội và kèm theo đó là nhét vào đầu người dân những món hàng quảng cáo xen kẽ qua các tin tức.
Sự xuất hiện của mạng xã hội (social media) đã khiến sự hỗn loạn trong giới truyền thông tăng lên mức độ gần như không kiểm soát được. Mới đầu ai cũng tưởng đó là phương tiện giúp cá nhân thông tin nhanh chóng và giúp xã hội tiến hóa nhanh hơn. Nhưng kỹ thuật đi nhanh không có nghĩa là đạo đức, tự chủ, nhân cách của con người cũng sẽ tiến lên mức độ đủ để chế ngự sức mạnh kỹ thuật. Và đó là thảm họa.
Khi các công ty muốn phổ biến sản phẩm của mình đến người tiêu thụ nên trả tiền quảng cáo cho các cá nhân loan tin trên mạng có nhiều người theo dõi. Vì tham lợi nên có những cá nhân sẵn sàng loan tin thất thiệt, nóng hổi để thu hút người theo dõi và kiếm tiền quảng cáo.
Trong khi các cơ quan truyền thông chịu trách nhiệm trước pháp luật và tòa án nếu bị kiện nên các vị chủ nhiệm, chủ bút phải kiểm soát các phóng viên, ký giả khi săn tin, đăng tin. Ngược lại, khi nhận tin trên mạng xã hội bạn sẽ không bao giờ biết người loan tin là ai, họ lấy tin từ đâu, trình độ hiểu biết và lý luận của họ ra sao để chọn và phổ biến các nguồn tin như vậy. Chính vì thế, các quốc gia thù địch của Mỹ đã xen vào gây rối loạn xã hội và các cuộc bầu cử.
Sự phân hóa trong các đảng chính trị qua các thủ đoạn phân chia địa hạt bầu cử, bổ nhiệm các quan tòa các cấp, cách thức vận động quốc hội, luật đóng góp tiền tranh cử… đã dẫn đến sự phân hóa trong giới truyền thông. Khi sự thiên lệch xảy ra trong tam quyền phân lập và đệ tứ quyền (truyền thông) thì nền dân chủ Mỹ bắt đầu lung lay. Chỉ còn các viện nghiên cứu (foundation, institution), đại học, các viên chức hồi hưu, quân đội là còn cố gắng duy trì sự trung thực để xây dựng dân chủ.
Khi sự nói láo, đe dọa, khiêu khích, phân chia, chụp mũ xảy ra nhiều hơn bao giờ trong sinh hoạt xã hội Mỹ mà sự khác biệt giàu nghèo lên cực độ sẽ dẫn đến các phản ứng quá khích.
Khi nền tảng dân chủ là đa số thắng thiểu số thì khi thiểu số dùng xảo thuật để nắm quyền thì đó là bạo quyền đi đến độc tài. Mà khi dân số Mỹ chuyển từ đa số trắng sang đa số đa đen và gốc Châu Mỹ La Tinh thì sự kỳ thị bộc phát dữ dội. Khác với thời 1960s là giữa Trắng-Đen (khi trắng còn đa số) thời đại 2000s với khủng hoảng di dân cùng với khủng hoảng kinh tế 2008 khiến giới nghèo càng nghèo. Sự bất công xã hội dễ gây bạo động khi có những phán quyết chính trị hay tin tức gây căm phẫn trong lòng người dân ít hiểu biết.
Phải chăng đó là sự quá độ mà giới truyền thông phải chịu trách nhiệm?
Hay đó là do sự khiếm khuyết của một nền giáo dục không có triết học (lý luận) mà chỉ cổ võ giấc mơ làm giàu (American dream)?
Hay đó là lỗ hổng của hiến pháp Mỹ chỉ cổ võ tự do (dân chủ), hạnh phúc mà không đặt một nền tảng cương thường để dẫn dắt tự do như thế nào để đi đến hạnh phúc? Mà hạnh phúc là gì khi con người dễ sa ngã với những dục vọng hơn là tu dưỡng? Khi con người tranh sống trong xã hội đã quên đi nền tảng (hiến pháp) để chú trọng vào đời sống cá nhân. Vì lợi mà quên nghĩa là chuyện thường tình.
Phải chăng khi hiến pháp phân định chính quyền và giáo quyền đã bỏ ngỏ phần “đạo đức, cương thường” cho phía tôn giáo? Vậy khi tôn giáo biến chất thì chính quyền có thể làm gì được?
Rồi khi đó “niềm tin” (in the God we trust) sẽ không còn là giềng mối của quốc gia nữa. Lúc đó các nhà làm luật sẽ giải quyết ra sao?
Như vậy sự sụp đổ niềm tin tôn giáo sẽ chấm dứt nền dân chủ và dọn đường cho độc tài thống trị?
Có người cho là truyền thông Mỹ thiên vị cá nhân XYZ nhưng hãy nhìn giới truyền thông quốc tế nói gì về chính trị Mỹ? Chẳng có ai đủ thế lực để thống trị giới truyền thống quốc tế. Cũng như con số chết vì Covid-19, nếu bảo là các bệnh viện Mỹ khai quá sự thật thì hãy nhìn vào các nước khác: nơi nào dân không có kỷ luật, chống các biện pháp phòng ngừa thì số bệnh nhân tăng, số chết tăng. Nếu bảo là bác sĩ khai số người chết vì Covid-19 để lấy tiền tại sao các cơ quan điều tra không cứu xét? Biết bao bác sĩ ăn gian Medicare/Medicaid bị phạt tù vì tham tiền nhưng trong cơn đại dịch thì ai tham tiền khi chính bác sĩ, y tá còn lây bệnh chết?
Khi xã hội lâm cơn tai biến mà chính trị gia bất tài, gian lận, nói láo…. Các nhà lãnh đạo tôn giáo biến chất, hủ hóa. Giới truyền thông mất tự chủ thì người dân biết tin vào đâu? Nền dân chủ đòi hỏi người dân phải luôn thức tỉnh để làm chủ vận mệnh mình. Xã hội tư bản đã tha hóa con người theo dục vọng thì phải chăng dân chủ phát triển tư bản và nay tư bản quay lại tiêu diệt dân chủ cũng vì quyền lợi. Con người làm ra lợi nhuận chứ lợi nhuận chẳng sinh ra con người. Ai kêu ca biện pháp phong tỏa bệnh dịch (lockdown) sẽ làm suy sụp nền kinh tế sẽ trả lời ra sao khi tiếp tục sinh hoạt sẽ làm bệnh dịch lan tràn. Và khi khách hàng chết thì ai mua hàng tại các cửa tiệm? “Còn người, còn của” vì người làm ra của cải chứ của cải không làm ra con người.
Sự tệ hại phát sinh khi các chính trị gia kích động mâu thuẫn để thủ lợi và lôi kéo người dân mù quáng chạy theo. Trong khi biện pháp đơn giản là thử một quận “lockdown” trong 2 tuần, 3 tháng xem có chận đứng bệnh dịch hay không? Nếu đúng thì phải theo, có gì phải cãi “tự do chọn lựa”. Hãy nhìn các nước có kỷ luật như Đài Loan, Hàn Quốc, Tân Tây Lan… đã ngăn chận được bệnh dịch.
Vậy thì giới truyền thông Mỹ có thấy không? Thấy nhưng tại sao họ không nói lên?
Vì họ cũng như các chính trị gia đang chơi trò “ngư ông thủ lợi” và đó là mối đe dọa nền dân chủ Mỹ.
Trần Công Lân
Tháng 11 năm 2020 (Việt lịch 4899)