Các người đã:
Oan hóa nhân sinh Việt
Hệ lương (lương thiện, lương tâm, lương tri) trong câu chuyện lương tri trí thức, hãy nhớ lời dặn dò của Thomas Mann, sau ngày bọn giết người Đức quốc xã xụp đổ là: khi nhìn thì phải thấy! Nhìn mà không thấy thì khác gì mù lòa. Ông trách dân tộc Đức ông là bọn giết người Đức quốc xã không phải trên trời rơi xuống để gây ra thế chiến thứ hai (1939-1945), cùng lúc thảm sát người Do Thái trong chương trình diệt chủng của chúng. Bọn này đã xuất hiện rồi thắng cử trước sự cúi đầu và nhắm mắt của dân tộc Đức, từ những năm 1930.
Nhìn mà không thấy hệ bất (bất chính, bất lương, bất nhân) thì chắc chắn là có lỗi, đừng để lỗi biến thành tội với đồng bào và tổ quốc! Việt kiều đặt chân tới Hà Nội là thấy dân oan nằm ngồi la liệt tại cơ quan tiếp dân của Trung Ương, đường Ngô Thị Nhậm, Việt kiều đặt chân tới Sài Gòn là thấy dân oan vật vờ qua lại khu Thủ Thiêm; vậy mà các lãnh đạo của ĐCSVN sống hằng ngày trên đất nước lại không thấy, coi dân oan như không có, vì nhìn mà không thấy. Không thấy dân oan ngoài đường giữa phố đã là chuyện lạ! Lại không thấy dân oan đòi công lý qua mạng xã hội thì càng lạ!
Bạo quyền lãnh đạo, tà quyền tham quan, ma quyền tham đất lấy cái man trá để chế tác luật rừng man rợ của chúng: đất đai là sở hữu của toàn dân, do chính phủ quản lý, đảng chỉ đạo… Nên muốn hiểu về định lượng của bất công trong chế độ có lãnh đạo bất nhân tại Việt Nam hiện nay, không được quên phân tích vĩ mô! Theo nghiên cứu hiện nay thì Việt Nam hiện nay là đất nước «phá kỷ lục về dân oan», không phải hàng trăm ngàn mà đã là hàng triệu trên ba miền của đất nước.
Nếu chính quyền độc đảng hiện nay mà liêm chính thì hãy làm thống kê liêm sỉ về con số này, chính quyền chỉ cần lấy chỉ báo qua các đơn kiện, thì mọi việc sẽ rất rõ ràng. Tự do nghiên cứu, điều tra, khảo sát, điền dã… qua định lượng và định chất để biết thực chất của chuyện oan khiên này, là phạm trù của khoa học xã hội nhân văn nhưng không hề có trong một chế độ độc đảng toàn trị.
Các người đã:
Bẩn thỉu hóa tuệ giác Việt
Tuệ giác của công bằng là dân oan họ đã thưa kiện mọi nơi, họ đã đi “cùng trời cuối đất” để “kêu oan”; mọi cơ quan có thẩm quyền đã thông đồng với nhau là không xử lý nổi oan của họ bằng công lý, mà nhắm mắt làm ngơ để họ tiếp tục sống trong “màn trời chiếu đất”, sáng chiều “đầu đường xó chợ”. Họ kêu gào rồi lang thang từ hành pháp tới tư pháp, họ thét gọi các lãnh đạo ĐCSVN phải cứu họ, nhưng“tứ bề im ngặt” nên họ phải tới quốc hội rồi trần truồng và gào thét công bằng giữa phố thị.
Vì tại đây thì họ tin là có thể gặp để gọi được các đại biểu do họ bầu ra để bảo vệ họ mà! Nhưng buồn thay“nồi nào úp vung nấy”, họ chỉ gặp các đại biểu mà tuyệt dại đa số là đảng viên lấy “kịch trường” Quốc hội để diễn “hài kịch” là cúi đầu-cong lưng-bấm nút, để bật đèn xanh cho các âm mưu của bạo quyền lãnh đạo ở cấp bộ chính trị. Nhưng “kịch trường” Quốc hội của các “hài kịch” lại chính là “bi kịch” của Việt tộc, trong Quốc hội có một lực lượng đại biểu “hao tiền tốn của” cho thuế dân, lại âm mưu bằng thỏa hiệp âm binh với độc đảng: xảo nghiệp trong điếm trường!
Hãy “kiểm chứng thực địa” là ra đường vào dịp Tết gần nơi bạn đang cư trú để nhìn-và-thấy có hàng trăm dân oan vẫn ra Hà Nội, dù biết các cơ quan lãnh đạo đã đóng cửa nghỉ Tết! Dân oan nằm lăn lóc trên đường Ngô Thì Nhậm, với khí trời lạnh mùa đông miền Bắc. Tại sao vậy? Tại vì họ không còn đất, còn nhà, họ mất hết, họ tới thủ đô để kêu oan, để đòi công lý, mà lãnh đạo chính quyền phải trả lại công lý cho họ, ĐCSVN đừng lẻo miệng là “đầy tớ của dân” nữa! Lãnh đạo đừng lẻo lưỡi “phục vụ dân”, hãy thật sự phục vụ nhân dân, bằng cách chống bất công, chống bạo quyền, hãy bảo vệ dân bằng tuệ giác của công bằng.
Trí tuệ của lãnh đạo bắt đầu bằng trực diện để trực quan: các cơ quan có những toà nhà đắt tiền, rộng lớn, cũng từ tiền thuế của dân mà ra; chính các cơ quan đó, từ địa điểm của các hội đoàn tới các địa danh của của chính quyền, thì tất cả cửa nẻo đóng im ỉm ngay cả ngày hành chính bình thường, nơi mà chung quanh dân oan đứng, ngồi, nằm la liệt, họ đang đi ăn xin công lý đấy! Họ trực diện với một chính quyền vô phép trước công pháp đấy!
Hiện nay, dân chúng có kinh nghiệm với một chính quyền đi bắt cóc các nhà vận động dân chủ, tuyên bố xử họ công khai nhưng chặn công dân đi dự ngay trước cổng tòa, bỏ tù các nhà vận động dân chủ nhưng khi thả họ ra thì không có chứng thư giam giữ và phóng thích, cùng lúc chối leo lẻo trước quốc tế là Việt Nam: không có tù nhân lương tâm.
Một chính quyền bắt cóc dân-xử đóng cửa tòa-nhốt bừa bãi-thả thô tục, đó là một chính quyền: xảo tri trong nhục lộ. Nietzsche, chỉ hai bài học: bài học thứ nhất: “Sự thật rất xấu, con người có một “nghệ thuật” gạt sự thật để sự thật đừng giết con người”, cụ thể có rất nhiều người sợ sự thật, vì khi họ đi tìm sự thực, khi gặp sự thực, rồi đào sâu sự thực thì họ sẽ phải đối mặt với bạo quyền lãnh đạo, tà quyền tham quan, ma quyền tham tiền như hoàn cảnh nước Việt hiện nay.
Bài học thứ nhì: “Nếu bạn nhìn vực thẳm quá lâu, thì chính vực thẳm sẽ vào sâu trong bạn để nhìn bạn”, đây là hậu quả của câu thứ nhất, đối với những ai sống quá lâu trong vực thẳm, bị cầm tù trong vực thẳm mà không thấy vực thẳm đang vùi, đang lấp, đang chôn, trước tiên là con mắt của mình, sau đó là thể xác của chính mình. Vì, vực thẳm vừa sâu lại vừa hẹp, cái tối tăm của nó làm ta bị lòa mắt; nên bọn âm binh sống trong vực thẳm luôn có ý đồ làm cho Việt tộc lòa mắt vì tối; mà âm binh thì sống nhờ bóng tối nên âm binh thấy người, mà chưa chắc người thấy được âm binh!
Các người đã:
Đày ải hóa thiện tính Việt
Mang tâm trạng bi quan trước nhân tình thế thái, Baudelaire có hai tâm sự; hai tâm sự nhưng thật ra là hai bài học thật “khiếp hồn” cho kiếp người: bài học thứ nhất:” Đừng tìm trái tim tôi các dã thú đã ăn nó rồi!”, đây chính là câu chuyện “cận hồn, sát vía” của Việt tộc hiện nay. Vì Việt tộc đang sống với các con dã thú: khi dân chúng cúi đầu trước bạo quyền tạo ra bao bất công làm mọi người sẽ mất luôn cả nhân phẩm; khi nhân dân khoanh tay trước tà quyền tham quan sinh ra bao khốn cùng làm chúng ta mất luôn cả nhân tri, khi dân chúng quỳ gối trước ma quyền tham tiền tạo ra bao điều bất lương làm Việt tộc mất luôn cả nhân tính; tức là dân tộc ta đã bị dã thú ăn thịt rồi! Bài học thứ nhì: “Cuộc sống rồi sẽ dứt nhưng hối tiếc thì không”. Không nhắm mắt trước bất công của bạo quyền, không cong lưng trước cái bất chính của tà quyền, trước cái bất nhân của ma quyền để không hối tiếc trước khi rời cuộc sống này.
Trong một xã hội Việt Nam hiện nay với hàng trăm triệu đồng bào sống trong vô cảm vì vô giác trước nỗi khổ của dân đen, trước nỗi oán của dân oan, triệu triệu người vô cảm này, sống say trong vô minh để chết mộng trong vô tri, từ ô nhiễm môi trường tới thực phẩm bị đầu độc; cả một dân tộc đang đánh mất định hướng lương tri, tìm tới mê tín dị đoan trong chuyện cầu vong, cầu hồn để rồi bị loạn tâm trong mê tín, mà còn gọi đó là tâm linh!
Mỗi lần có những nỗi buồn lo ập đến trong tâm hồn, mang theo bao độc chất của tà quyền đang biến thành ám chất trong cõi lương tri, với loại câu hỏi như sau, làm hỗn loạn tư duy: Tại sao Việt tộc ra nông nổi này? Người Việt hiện nay chọn vô cảm làm phản xạ trước các nỗi khổ niềm đau với chính đồng bào mình. Tại sao Việt tộc lại đánh để mất đời sống tâm linh của nhân tâm như vậy? Rồi gọi tên mê tín, dị đoan là tâm linh, biến cõi tín ngưỡng, từ chùa chiền tới lăng miếu, thành nơi buôn thần bán thánh có vụ lợi, để phục vụ cho tư lợi. Tại sao Việt tộc lại cúi đầu, khoanh tay, quỳ gối trước bạo quyền độc tài, trước tà quyền tham quan, trước ma quyền buôn người bán tình? Mà không vận dụng chiều sâu tâm linh của tổ tiên, để biến nó thành chiều cao cho chính nhân phẩm của mình; là đứng dậy, là thẳng lưng, là ngẩng đầu, để gạt đi cái bạo, xóa đi cái tà, vất đi cái ma, để lấy lại cái người (vì cõi người).
Các người đã:
Nghiện ngập hóa tinh chất Việt
Quốc hội lại bỏ phiếu (theo đa số) là chống lại chuyện soạn ra luật nghiêm túc có liêm sỉ để chặn chuyện nghiện ngập rượu bia, ma túy đang là một ung thư vĩ mô trong đời sống xã hội, sinh hoạt xã hội, quan hệ xã hội; một loại ung thư của “thói hư tật xấu” không những có lỗi mà còn có tội với dân tộc. Tại sao là tội? Đó chính là tội đầu độc cả một dân tộc vào chuyện nghiện ngập, để truy diệt sinh khí của đồng bào, để vùi dập sinh lực của bao thế hệ thanh niên, lẽ ra phải là nguyên khí của quốc gia, đây không phải là tội thì là gì?
Chuyện sống còn của dân oan, là chuyện thuộc về phân phẩm của Việt tộc. Camus trả lời các câu hỏi lớn của nhân sinh bằng nhân tính, các câu hỏi lớn của nhân thế bằng nhân tri, các câu hỏi lớn của nhân loại bằng nhân phẩm, qua ba luận điểm: Lòng rộng lượng chân thành nhất của chúng ta đối với tương lai là dâng hiến tất cả ngay bây giờ cho hiện tại. Nếu kẻ chủ không sống được nếu không có kẻ hầu, thì một trong hai kẻ này ai là người thực sự có tự do?
Luận điểm thứ nhất trong tình hình của Việt tộc hiện nay là chúng ta phải đấu tranh cho công bằng, tự do, bác ái qua đường đi nẻo về của nhân quyền, dân chủ và đa nguyên. Luận điểm thứ nhì trong hiện trạng của xã hội Việt là kẻ chủ (ĐCSVN lãnh đạo bằng bạo quyền nhưng “hèn với giặc, ác với dân”) và người tớ (dân đen bị áp chế, dân oan bị áp bức) cả hai đều không có tự do, đây là bi kịch làm nên thảm kịch của đất nước hiện nay. Luận điểm thứ ba trong thực trạng của bi nạn bộ ba (nội xâm tiếp tay cho ngoại xâm):
ĐCSVN lấy độc đảng để độc quyền, độc tài, độc tôn, độc trị trong bất tài và bất trị. Tham quan của ĐCSVN lấy tham quyền để tham ô, tham nhũng, đang làm suy kiệt tới dân tộc, môi trường, đạo lý… tới cùng cực. Tàu tặc cướp đất, biển, đảo song hành cùng Tàu họa gây ô nhiễm môi trường để diệt môi sinh, song đôi với Tàu hoạn qua thực phẩm bẩn đi cùng với hóa chất độc tạo nguồn cho ung thư vĩ mô trên số phận của Việt tộc, làm nên Tàu nạn với bao công trình có quy mô từ cấp quốc gia tới cấp địa phương rơi vào tay Tàu tà.
Các người đã:
Ngu dân hóa lương tri Việt
Trước thảm kịch này của đất nước, hãy tìm lại các nẻo đường của lương tri qua các trí thức của các nước được xem là có văn hóa cao, có văn minh rộng, có văn hiến đẹp, chỉ để nhìn lại cho rõ lương tri của mỗi chúng ta. Những tư tưởng gia như St Augustin, Plotin, Montaigne… hay các triết gia Kant, Pascal, Ricoeur… khi họ từ đi tìm con đường của lương tri thì họ có sẵn hai nhân lộ. Con đường thứ nhất bằng định hướng thần học, chóng chầy họ sẽ tìm tới thượng đế, đấng sinh thành của muôn loài và vạn vật; con đường thứ hai bằng định hướng của luân lý, đi tìm nhân tính bằng nhân phẩm. Nhưng dù đi trên hai đường khác nhau, nhưng họ thường tâm sự là họ đã gặp nhau trên: cái tôi tỉnh thức để tin yêu.
Chính cái tôi tỉnh thức để tin yêu này là một định luận có nhiều định đề khác nhau, và khi được hội tụ lại thì các giá trị của lương tri hiện rõ trong cấu trúc của định luận này. Cái tôi tỉnh thức có hành trình của tỉnh táo để sáng suốt của thức, lấy kiến thức để lập tri thức, có ý thức để tạo nhận thức. Đây là định nghĩa thông minh về chữ hiền, làm nên hiền triết, dựng lên minh triết lấy hiền mà xoa dịu mọi điều hung, bạo, ác, dữ đang phùng mang trợn mắt giữa nhân thế. Từ đây, cái tôi của chủ nghĩa trung tâm được nuôi nấng bởi cái ích kỷ đã được trút rũ khỏi não trạng, để trưởng thành mà nhận ra cái tôi tỉnh thức, đã tỉnh thức trước thân phận con người, trong đó cái tôi vị kỷ thuở nào có số phận thật nhỏ bé của cát bụi (theo ca từ của Trịnh Công Sơn), cát bụi những biết thức để biết: «Tôi là ai mà yêu quá đời này?».
Montaigne, tư tưởng gia thế kỷ thứ XVI, đứa con tin yêu của thể loại tùy bút khuyên chúng ta nếu muốn đi tìm lương tri, hãy ghé qua: chủ thể trong tự do, tại đây, bạn cứ đào thật sâu tâm hồn của mình để nhận ra các giá trị của lương tri, vì con đường tự do đang sâu lắng, đang hiện diện trong mỗi chúng ta. Như vậy, muốn đi tìm lương tri thì hãy tìm ra con đường đi tới cõi đó; muốn nhận ra các giá trị của lương tri thì phải để đầy đủ thời gian để đi tìm ra các giá trị ấy. Và, trên các nẻo đường này, ta đã có niềm tin vui sống để nuôi hy vọng sống vui, với tâm hồn rộng mở, chỉ cần thêm sự nhạy cảm với nỗi khổ niềm đau của nhân thế, với nỗi vui mang điềm phúc của nhân sinh, lấy sự cảm thông để cõng, bồng, bế, nâng cái nhạy cảm này.
Con đường đi tìm cõi lương tri có kho tàng là các giá trị của lương tâm: Hãy làm hơn cái tôi đã có bằng cách vượt cái tôi đang có! Hãy tìm các lương tri mới, mà cũng chính là sự thông minh mới; một cái tôi mới để biến cái tôi nhỏ bé trở thành cái tôi mênh mang. Mà Plotin đặt tên cho nó là: một tâm hồn trọn vẹn biết ở trên cao! Nhưng không phải ở luôn trên cao, vì là tâm hồn rộng mở nên tâm hồn này lên xuống qua lại, để tiếp người, để nhận đời, để yêu cuộc sống hơn bằng cách bảo vệ lương tri việt.
Các người đã:
Ghẻ lạnh hóa tin yêu Việt
Có một phương trình Tin yêu-Hướng thiện-Nhận thức-Tâm nguyện được cấu trúc gẫy gọn qua lời Kiều của sư phụ Nguyễn Du: Nhớ lời nguyện ước ba sinh/ Xa xôi ai có biết tình chăng ai? Hãy tìm ngay trong chiều sâu lương tri mình để mời các ẩn số lương tâm sau đây lên tiếp sức: Tin yêu vừa là niềm tin vào cuộc sống, vào tình yêu, vào tình thương làm nên nỗi niềm sâu lắng, trầm kín trong nội tâm bạn, nó là người-bạn-sâu-bên-trong, nó thân thuộc trong thân quen trong tâm khảm của bạn, vì tin yêu này quá thân thương với bạn, nên bạn luôn tin vào nó. Hướng thiện được chế tác từ tin yêu làm nên quyền năng ngay trong không gian tâm linh của riêng bạn, nó yêu cầu bạn phải trả lời ba câu hỏi: Tôi là ai? Ý nghĩa cuộc sống của tôi là gì? Tôi muốn làm gì và có thể làm gì để đưa cuộc đời theo hướng thiện?
Nhận thức được chế tác từ hướng thiện của tin yêu này, làm nên từ ý thức về cuộc đời của bạn, nơi mà cuộc đời là không gian và thời gian luôn bị các biến cố xé tan nát, chính những sự cố này làm nên kinh nghiệm cho tâm thức phải luôn ở dạng tỉnh thức để nắm chính lương tri của mình ngay trong hiện tại, để bạn sáng suốt mà chuẩn bị cho tương lai. Tâm nguyện ngụ ngay trong tâm thức có chiều sâu của nội tâm ở dạng thức tỉnh nhất; sẽ tạo điều kiện để bạn khởi duyên, trợ lực bạn cho đời sống xã hội, trợ duyên bạn trong các quan hệ xã hội, trợ tâm bạn trong sinh hoạt xã hội, tha nhân và bạn sẽ gần nhau hơn trong các giá trị của tin yêu bằng tâm nguyện.
Các lãnh đạo của ĐCSVN đã xây dựng một chế độ sống bằng vô cảm (Ai chết mặc ai! Bây chết mặc bây!). Hãy trả lời với tà quyền lãnh đạo bằng một câu của Phạm Thiên Thư, mà Phạm Duy đã phổ nhạc: «Muôn loài như sương rơi. Xin làm hoa trắng đỡ…”. Hãy tới cõi lương tri của trí thức bằng chính tự do, bằng chính tâm hồn trong, linh hồn sáng của bạn, hãy đi trên con đường: nhân tính làm nên nhân tình; có nhân từ biết chở che cho nhân nghĩa. Từ đó mọi tuyên truyền ngu dân, mọi khẩu lịnh mỵ dân tự nhiên thành bọt bèo, rồi tự biến mất trong cõi sinh, cõi sống.
Sương thì yếu yểu, rơi là tan, mà hoa cũng vậy, rất mong manh, vậy mà hoa biết hứng đỡ sương, lấy chính thân mong manh của mình để hứng đỡ cái chóng chày, cái đang phôi pha giữa sự sống. Đây là một bài học quý về lương tri, nếu đang yếu lả, đang mong manh, vẫn có thể giúp, có thể cứu những ai yếu hơn mình, mong manh hơn mình. Lương tri thật cụ thể, vì nó không bỏ quên ai, dù kẻ cứu cũng đầy các khó khăn, ngập các thử thách, tràn các thăng trầm, nhưng phải giúp-cứu-nâng-đỡ kẻ yếu «trước đã», đây là chuyện mà các lãnh đạo của ĐCSVN không hiểu!
Các người đã:
Vô vị hóa minh triết Việt
Câu chuyện lương tri trí thức có thể ghé qua các công trình nghiên cứu của triết gia Jerphagnon khi ông nghiên cứu toàn bộ hệ thống tư tưởng Âu Châu để hiểu tại sao các minh sư triết học ngày càng đi sâu vào minh triết để hiểu các giá trị tâm linh. Nơi đây, minh triết là minh lộ để con người tới được các chân trời tâm linh, tại các chân trời này con người sẽ thấy các kinh nghiệm của nhân phẩm, luôn song hành cùng các trải nghiệm của nhân văn. Tại tụ điểm của lương tri này, con người sẽ nhận ra rồi nhận rõ các giá trị của cuộc sống, để hiểu tại sao lại có chuyện trễ, tại sao lại có chuyện chậm?
Platon khi được Jerphagnon soi rọi qua cấu trúc triết học của chính Platon, luôn đi tìm để phân tích quan hệ giữa con người, linh hồn và thượng đế; nơi mà mỗi con người sống trong cuộc đời như đi trên một con đường, và trên con đường đó con người gặp-nhận-hiểu-thấu nhân vị của linh hồn, nhân sinh qua thượng đế, mỗi lần gặp-nhận-hiểu-thấu như vậy con người luôn tự đặt cho mình câu hỏi tại sao ta gặp-nhận-hiểu-thấu trễ như vậy, chậm như vậy?
Augustin là trường hợp mà Jerphagnon ở lại thật lâu trong nghiên cứu của mình, trước hết St Augustin có tất cả các thành công trong xã hội, bằng tinh hoa của học thuật dựa trên tinh anh có trong sự thông minh của ông; nhưng năm 33 tuổi Augustin đã bỏ tất cả để đi tìm thượng đế, vì nếu nhận ra thượng đế thì sẽ hiểu linh hồn là gì? Cũng với sự thông minh xuất chúng của mình, Augustin không rơi vào chuyện mê tín, dị đoan, hoang tưởng, mà ông tổ chức một cuộc đối thoại với thượng đế với tấm lòng kính cẩn tuyệt đối. Nhưng khi ta đọc kỹ tác phẩm Xưng tội (Confessions) của ông, người ta nhận ra ông mượn chuyện xưng tội là để vinh danh nhân phẩm của nhân loại. Như vậy, chuyện ông tổ chức một cuộc đối thoại với thượng đế có thể chỉ là một cái cớ chăng? Cớ để ông biến đối thoại thành độc thoại, ông độc thoại với thượng đế để đốí thoại với đời, với người, với chính thân phận của mình.
Pascal là trường hợp mà Jerphagnon thấy được cái ý thức của con người luôn khiêm tốn để tĩnh táo, luôn khiêm cẩn để sáng suốt, để nhận ra tâm trạng trễ, tâm cảnh chậm khi con người đứng trước các chân lý của khoa học, các sự thật của nhân sinh, các lẽ phải của đạo đức. Pascal luôn tìm định nghĩa để giữ định đề, giữ định đề để không lạc đề khi phân tích và giải thích mọi giá trị, từ toán học tới triết học, từ ngôn ngữ tới nhân sinh. Và khi vào để phân tích và giải thích các giá trị tâm linh, con người sẽ có định hướng qua định nghĩa của ngữ vựng rồi từ đó mà đi tìm ngữ pháp rồi ngữ văn cho các chiều hướng của tâm linh.
Một cuộc đối thoại luôn muốn tìm con đường tâm linh để đi lên, lên cao, cao mãi để được ngang tầm với nhân vị là chuyện không hề có trong tư duy của các lãnh đạo ĐCSVN hiện nay. Như vậy sự thông minh làm nên nhân tri có thể hiểu được và thấu được sự thông minh của nhân quyền; làm nên các giá trị của lương tri, tự chúng là những con đường cao tốc, cho phép dân tộc đi nhanh để gặp các giá trị thiêng liêng không hề có trong chính sách của các lãnh đạo ĐCSVN tự trước đến nay, nên họ mới bị Việt tộc tặng cho biệt danh: “vô sản vì vô học”.
Những hành tác triệt diệt của các người (P5)
Lê Hữu Khóa
Giáo sư Đại học * Tiến sĩ quốc gia trường gia Cao học khoa học xã hội Paris * Tiến sĩ xã hội học Đại học Nice-Sophia Antipolis * Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Thành viên Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.