Phát Minh và Thịnh Vượng

Nói đến những phát minh (Invention) của loài người thì phải nói đến Leonardo da Vinci (1452-1519) tại Ý. Ông đã nghĩ ra, vẽ kiểu và thực hiện tuy không thành công trên lãnh vực thương mại hay kinh tế nhưng đã để lại cho hậu thế noi gương về phát kiến những gì có lợi ích cho xã hội, con người và do đó thu lợi nhuận khởi đầu cho nền kinh tế tư bản.

Cuộc cách mạng kỹ nghệ của Âu Châu khởi đi từ 1760 đến 1820-1840 làm thay đổi bộ mặt của thế giới.

Riêng tại nước Mỹ, 1790 đã bắt đầu xác nhận bản quyền về phát minh và dấu hiệu thương mại (trademark). Nhà phát minh phải nộp đơn tại cơ quan USPTO qua luật sư chuyên môn về ngành phát minh bao gồm mục đích của phát minh, sự thiết lập, thành hình, sử dụng cùng hình vẽ mô tả mà bất cứ một người thợ bình thường (an ordinary skill in the art) nào cũng có thể thực hiện. Nếu được cấp bằng phát minh thì nhà phát minh sẽ được hưởng quyền lợi trong vòng 20 năm từ bất cứ ai, hãng, công ty nào sử dụng phát minh đó. Sau 20 năm, phát minh đó sẽ trở thành sở hữu của công (public) và ai cũng có thể áp dụng mà không phải trả tiền cho nhà phát minh nữa.

Thế nhưng không phải phát minh nào cũng hái ra tiền. Thông thường các phát minh dựa trên những sản phẩm, ý kiến đã có sẵn nhưng chưa có giá trị hay còn thô sơ. Những người đi sau phải cố gắng hoàn chỉnh và cải tiến vượt bực (big improvement) để đem ích lợi cho quần chúng thì mới có hy vọng được chấp nhận là phát minh.

Các nhân viên khảo sát (examiner) đều là công chức liên bang có trình độ đại học trở lên và được huấn luyện thêm về luật. Vì công việc liên quan giữa luật (art) là nghệ thuật lý luận, mơ hồ và uyển chuyển trong khi khoa học, kỹ thuật (science) thì phải chính xác. Đó là nỗi khó khăn của các nhân viên khảo sát khi cứu xét hồ sơ phát minh.

Rất ít khi có những phát minh độc đáo, chưa hề có trước, chưa có ai nghĩ ra như vậy…và con số đó dưới 1%. Theo những người làm việc tại USPTO lâu năm thì chỉ có 5% các phát minh là có giá trị kinh tế (làm ra tiền) còn đa số chỉ là treo tường.

Vì sao?

Vì luật sư.

Khi luật sư thay mặt nhà phát minh (luật sư thường là kỹ sư có học thêm luật và lấy bằng luật) nộp đơn tại USPTO. Các chuyên viên khảo sát của USPTO sẽ tra cứu xem có ai làm sản phẩm (giống hay gần giống) như vậy chưa. Nếu chưa thì sẽ cấp bằng sáng chế. Nếu đã có người làm gần giống như vậy mà chỉ cần một nhân viên kỹ thuật trong nghề (có thể sửa đổi chút đỉnh) thì chưa đủ điều kiện là một phát minh và sẽ bị từ chối.

Thế nhưng vị luật sư của nhà phát minh sẽ kèo nài, năn nỉ ỉ ôi để “vui lòng khách đến” (và dĩ nhiên lấy tiền từ nhà phát minh) khiến nhân viên khảo sát lâm vào thế kẹt: vì là công chức liên bang (phục vụ nhân dân) họ sẽ phải đối phó ra sao?

Có những trường hợp, họ nhất quyết từ chối cấp bằng “dỏm” vì nếu cho thì chẳng có giá trị gì mà lại sợ nhà phát minh “dỏm” vác bằng sáng chế đi kiện thiên hạ kiếm tiền (sẽ nói sau). Khi các nạn nhân khám phá ra “bằng sáng chế” vô giá trị vì đã có người làm rồi thì USPTO sẽ bị chửi. Nạn nhân sẽ kiện ngược lại nhà phát minh “dỏm” và tòa và Quốc Hội sẽ khiển trách toàn bộ cơ quan USPTO.

Nhưng khi vị luật sư “cố đấm ăn xôi” bằng cách kêu nài lên thượng cấp của USPTO thì cấp trên gõ xuống nhân viên “mày phải làm vui lòng khách hàng” (vì khách hàng có trả tiền dịch vụ cho USPTO và cơ quan này sống tự túc không phải nhờ vào tiền thuế của nhân dân như các cơ quan liên bang khác). Lúc đó nhân viên khảo sát chỉ có cách nhắm mắt “đóng dấu” cấp bằng sáng chế cho nhà phát minh “dỏm”.

Rất may mắn là luật pháp cho phép nhân viên khảo sát hết trách nhiệm khi bằng sáng chế được trao cho khách hàng. Nếu sau này có kiện tụng vì nhà phát minh “dỏm” đi kiện công ty khác (có phát minh giống như vậy) để lấy tiền thì hai bên sẽ đem nhau ra tòa xử chứ không còn liên can gì đến nhân viện khảo sát của USPTO.

Sự kiện trên xảy ra tương tự tại FDA (Food & Drug Admin), FAA (Federal Aviation Admin), SEC (Securities and Exchange Commission), EPA (Environment Protection Agency)…. Các cơ quan này được lập ra để bảo vệ phẩm chất các dịch vụ, sản phẩm cho người dân tiêu thụ. Nhưng vì các đại công ty vận động Quốc Hội để tạo ra những lỗ hổng (loophole) trong luật lệ bên trong. Còn bên ngoài là áp lực: có mặt hàng mới, sáng chế mới thì mới tạo công ăn việc làm, thuế…. Rồi các đại công ty bỏ tiền tài trợ các nghiên cứu, huấn luyện cho nhân viên của các cơ quan trên. Nếu các công ty rút, cắt ngân khoản thì cơ quan sẽ yếu và không đủ điều kiện phục vụ nhân dân. Mặt khác, các công ty sẽ la lối qua giới truyền thông là các nhà nghiên cứu, phát minh của họ là có bằng tiến sĩ với hàng chục năm kinh nghiệm tất nhiên phải giỏi hơn các chuyên viên khảo sát của USPTO (đa số là kỹ sư với 4 năm đại học). Vậy thì tại sao mày chê tao dở? Không cấp bằng sáng chế cho tao?

Thực tế là các nhà khảo sát của chính phủ không thể nào thử nghiệm tất cả những gì kê khai trong phát minh trong một thời hạn rất ngắn. Nếu kéo dài thời gian khảo sát sẽ bị chửi vì làm mất tiềm năng kinh tế (lợi nhuận nếu sản phẩm được tung ra thị trường sớm hơn).

Khi hồ sơ bị chất đống (back log) vì nhân viên làm không kịp (cho dù có làm thêm giờ, overtime, và tiền thưởng cuối năm, bonus) thì xếp lớn sẽ họp và chửi từ trên xuống dưới như hàng tôm, hàng cá.

Ai từng làm việc cho các cơ quan liên bang đều nói rằng sướng nhưng tại USPTO thì khác: đã có năm (năm 201X) 45 nhân viên chết vì nhiệm vụ: trên đường đi làm, trong phòng làm việc, trong thang máy, tại nhà… vì công việc quá căng thẳng. Coi như 45 người chết/52 tuần là trung bình mỗi tuần có một người chết vì nhiệm vụ. Dĩ nhiên chẳng có thống kê chính thức nào cả.

Đa số cho rằng vì có phát minh nên nước Mỹ tiến bộ nhanh và vì thế phải là kinh tế thị trường thì tư bản mới đầu tư vào những phát minh mới để thay đổi bộ mặt kinh tế.

Nhưng còn 5% thực chất so với 95% “dỏm” thì sao? Những vụ kiện tụng giữa các công ty kỹ thuật (Apple vs SamSung, Google vs Apple) cho thấy rối loạn và phí phạm nhiều hơn là thực chất giá trị. Chưa kể các công ty lớn chơi ép các nhà phát minh nhỏ (small entity) qua các vụ kiện và mua lại bằng sáng chế.

Đó là chưa kể những thiệt hại do các công ty ăn cắp phát minh, tạo ra các sản phẩm thiếu an toàn. Vậy thì có nên xiết chặt luật lệ để tránh những tệ hại kể trên hay không?

Phe chống đối cho rằng sẽ cản trở sự phát minh và tiềm năng kinh tế. Nhưng nhìn qua Âu Châu, Nhật, Hàn… thì hệ thống của họ rất chặt chẽ. Do đó họ không có những phát minh “dỏm” nhưng các nhà phát minh thực sự vẫn tiếp tục. Vì đó khả năng trí tuệ, nhu cầu của bộ óc con người tò mò muốn thực hiện nhưng điều mới lạ.

Kết

Vậy thì nhu cầu phát minh của con người là tự nhiên (tất năng) chứ không phải vì nhu cầu kinh tế (tư bản, làm giàu) vì ông tổ Leonard da Vinci có phát minh mà có làm giàu đâu?

Làm giàu chỉ là chiêu bài của tư bản để khiến con người lăn xả vào công việc mà bỏ quên nhân bản, nhân tính, nhân cách…. Đừng bảo chỉ có tư bản mới có phát minh còn xã hội chủ nghĩa (socialist) thì chẳng có thể giàu nên sẽ không có phát minh?

Phát minh là kết quả của trí óc, của sự tò mò, thử thách của bộ óc con người. Làm được điều gì mới lạ chính là phần thưởng lớn nhất của con người mà bằng sáng chế hay giải thưởng (Nobel prize) chỉ là phụ.

Trần Công Lân

Tháng 11 năm 2020 (Việt lịch 4899)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s