Tu Dưỡng Thắng Nhân: Làm Như Thế Nào

Khi đã hiểu tu dưỡng thắng nhân là gì và tại sao phải tu dưỡng thì vấn đề kế đến là làm như thế nào. Đây không phải là câu hỏi dễ trả lời bởi nếu có nhiều cách (đường) đến thành La Mã thì cũng có nhiều cách để thực hiện tu dưỡng thắng nhân.

Dù có nhiều cách khác nhau nhưng tất cả đều có một mục tiêu cho nên sẽ có một số điểm căn bản giống nhau mà mỗi cá nhân trong xã hội muốn thực hiện chuyện tu dưỡng bản thân đều phải trải nghiệm qua.

Đối với những trẻ ở trường, tu dưỡng bản thân phải là một trong những chương trình giảng dạy để trẻ thấy được tầm quan trọng tu dưỡng con người của chính mình và cách thức để chính mình thực hiện tu dưỡng trong suốt quá trình của đời sống con người. Chương trình giảng dạy này dành cho trẻ từ lớp 6 đến hết chương trình đại học, được giảng dạy theo từng cấp khác nhau trong việc tu dưỡng hoặc tiếp tục huấn luyện trong lãnh vực tu dưỡng con người. Dĩ nhiên đây là trường hợp áp dụng cho một Việt Nam mới hậu cộng sản.

Đối với số đông hiện giờ, trên 18 tuổi thì phải làm như thế nào trong việc tu dưỡng con người của chính mình, đặc biệt là ở Việt Nam cũng như những người Việt còn quan tâm với đất nước Việt đang sống trên thế giới?

Khởi đầu công việc tu dưỡng con người là mỗi người trong chúng ta nhìn lại chính mình, tự mình soi gương nhìn lại chính mình để thành thực đánh giá ưu điểm và khuyết điểm của mình. Cần phải đặt cái thành thật ở chính mình thì lúc đó chúng ta mới nhìn ra được ưu và khuyết điểm của mình. Nên nhớ rằng ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm, cho dù một người hoàn hảo nhất.

Sau khi tự mình nhìn ra ưu khuyết điểm của mình thì phải thay đổi vị trí nhận định ưu khuyết điểm đó. Có nghĩa là khi mình đối diện với một cá nhân khác, và cá nhân đó mang những ưu khuyết điểm của chính mình thì mình nghĩ thế nào về ưu khuyết điểm của cá nhân đó.

Để cho các bạn dễ hiểu hơn, xin đưa ra một thí dụ rất thực tế như sau. Cá nhân A có khuyết điểm dễ nóng giận khi nói chuyện với bất cứ cá nhân nào mà người đó dùng lý luận cùn, không có cơ sở chứng minh. Khi gặp trường hợp đó, cá nhân A hay nóng giận, nói chuyện lớn tiếng với người đối diện. Khi cá nhân A nhận ra khuyết điểm đó của chính mình và khi cá nhân A đổi vai vế, có nghĩa là đang nói chuyện với người có bản tính nóng giận như cá nhân A. Lúc đó thì cá nhân A sẽ thấy sự lớn tiếng của người bên kia làm cho mình khó chịu và cho rằng người bên kia không có nhân cách ứng xử. Khi chính mình đặt ngược vai trò thì đó là lúc tự chính mình sửa cái khuyết điểm của mình bởi mình sẽ cảm thấy khó chịu với người lớn tiếng với mình. Từ sự thay đổi vị trí nhìn vấn đề sẽ đưa đến quyết định là cá nhân A, thay vì giận dữ lên tiếng trong lúc nói chuyện thì mình sẽ cố gắng giữ bình tĩnh để giải thích cái vô lý, lối lý luận cùn của người đối diện và chấm dứt cuộc nói chuyện nếu người đối diện vẫn tiếp tục lý luận cùn. Đây chính là điểm khởi đầu để tự mình tìm phương cách tu dưỡng con người của mình, giải quyết những khuyết điểm của mình để không cho những khuyết điểm đó có cơ hội bộc ra bên ngoài.

Ngoài chuyện nhìn ra ưu khuyết điểm của chính mình, chúng ta cần phải hỏi những người bạn thân của mình để nhờ họ đánh giá ưu khuyết điểm của mình. Qua sự đánh giá đó, tự chính mình kiểm điểm lại xem sự đánh giá đó đúng hay sai. Nếu đúng thì đúng chỗ nào và nếu sai là sai chỗ nào. Thông thường những đánh giá của những người bạn thân sẽ chỉ ra được khuyết điểm của mình mà chính mình không nhìn thấy hoặc nhìn thấy nhưng cố gắng chạy trốn cái khuyết điểm đó.

Sau khi tự mình đánh giá ưu khuyết điểm của mình thì bước kế đến là chúng ta tự đặt câu hỏi cho chính mình, cái gì quan trọng trong cuộc sống? Mình có thực sự sống như là một con người hay chỉ sống như là con vật người? Mình có sống Biết hay chỉ sống để mà sống? Mình đã làm gì cho những người chung quanh hoặc đã phá hoại những gì chung quanh trong cuộc sống hiện tại? Mình có sống thật với chính mình hay sống giả như lối sống giả dối của xã hội mình đang sống? Kết quả của sống giả dối đó ra sao? Phải chăng sự băng hoại của xã hội hiện tại chính mình đã góp một phần trong sự băng hoại đó? Trên lãnh vực giải quyết nhu cầu nhu yếu (ăn, ngủ, cư trú) cho mình và gia đình thì mình đã làm ảnh hưởng đến môi trường, đến cuộc sống của người khác ra sao?

Tất cả những câu hỏi bên trên phải do chính tự mình trả lời. Vừa đóng vai trò tự mình tìm giải pháp cho vấn đề và ngược lại đặt mình vào vị trí người bên ngoài để có suy nghĩ gì về thái độ, những suy nghĩ đã nằm trong tiềm thức của chính mình, do những kinh nghiệm bản thân đã hình thành trong tư duy thức của mình. Nếu chúng ta nhìn ra được vấn đề thì câu hỏi cho chính chúng ta là: chúng ta có sẵn sàng loại bỏ những tư duy hoàn toàn sai lầm để chấp nhận một tư duy mới hợp với nhân đạo (đường sống của con người), sẵn sàng đứng lên để sống thật, sống biết chứ không cúi đầu làm nô lệ cho chính những tư duy sai lầm của mình?

Tu dưỡng thắng nhân là một quá lâu dài, không phải một sớm một chiều mà đạt được. Và ngay cả hai người cùng thực hiện tu dưỡng trong cùng một thời gian, cách làm cũng như kết quả đạt được đều khác nhau bởi sự khác biệt giữa những cá nhân về mặt tư duy thức, kinh nghiệm sống và sự tiếp cận với thực tế khác nhau. Cái mục đích quan trọng trong việc tu dưỡng bản thân là cố gắng để chúng ta đạt được lối sống, lối suy nghĩ, lối hành xử như là Con Người chứ không phải lối hành xử là Con Vật Người.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 10 năm 2020 (Việt Lịch 4899)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s