Xóa Thông Minh Việt (P3)

Các người đã diệt

Minh sư quân mưu của mô thức Trương Hán Siêu

Trương Hán Siêu tài giỏi, vì chung quanh Ngài ai cũng biết là Ngài thâm nho, thâm giáo, trong một triều đại vừa trọng Nho, vừa sùng Phật. Là minh sư cận kề Hưng Đạo Vương, quân mưu của Ngài được Trần tướng quân sử dụng, Ngài phạm trù hóa chiến thuật “vườn không nhà trống”, tức là đốn cỏ ngay dưới chân bọn Nguyên Mông, tới cướp nước ta, vô hiệu hóa chúng ngay trên cái trò trộm, cắp, cướp, giựt của chúng là vừa cướp của dân, vừa giết dân. Những chiến thuật quân sự khác: lấy ít đánh nhiều, lấy không đánh có,

Ngài luôn được sự lắng nghe của Hưng Đạo Vương, đứa con tin yêu của Việt tộc. Những bài học mà Ngài để lại phải vào giáo trình quân mưu cho các tướng tá hiện nay, vì làm tướng tá để đánh giặc, để đuổi giặc, để quét giặc ra khỏi biển, đảo, giữ trọn bờ cõi, giữ vững sơn hà của tổ tiên, chớ không phải để đi buôn bất động sản, đi khai thác ngân hàng, lòn lách bằng các đường dây độc quyền để chuyên quyền, cường quyền để lạm quyền, tham quyền để tham nhũng.

Trương Hán Siêu liêm chính, thế nên bọn nịnh thần, tham quan, gây bao thối nát cho triều đình thời đó, luôn tránh Ngài, chúng tránh Ngài vì chúng sợ Ngài, gian sợ ngay, sợ chính là chuyện dễ hiểu, nhưng không dễ diệt bọn “sâu dân, mọt nước” này. Và, như Mạc Đĩnh Chi, như Chu Văn An, Ngài tởm bọn nịnh thần, tham quan tới “lợm giọng”, vậy mà hiện nay trên đất nước Việt loại này không ít, qua các đường dây “quan hệ-hậu duệ-tiền tệ”, chúng “ăn trên, ngồi trốc”, và chúng vẫn thói “cướp ngày là quan”. Ngài sáng suốt luôn cả trong ngoại giao, gả các con gái gần xa của hoàng tộc cho tù trưởng để giữ liên minh với các bộ lạc chung quanh đất Việt, để che chở nhau trước bọn bá quyền phương Bắc, không bao giờ bỏ mộng xâm lăng các nước nhỏ. Ngài còn để lại các bài thi phú ca tụng đất nước mình, nhất là các bài về quê hương Ninh Bình, văn phong, thi từ của Ngài thật và đẹp.

Trương Hán Siêu còn có một cái đẹp khác chính là lòng chân chính của Ngài trong và sáng, nên Ngài không biết nhắm mắt trước các suy đồi của xã hội, nhất là suy đồi của tín ngưỡng, của đạo giáo, trong đó có Phật giáo thời đó với bọn ký sinh trùng mà Ngài phê phán là: “bọn áo thâm, áo vàng”… “không cày mà ăn”… “không dệt mà mặc”. Bọn này bây giờ đầy dẫy, trùm phủ lên cả nước, chúng xây chùa, mượn áo thầy tu, để gạt dân, qua mê tín, dị đoan, chúng chuyên “khẩu phật, tâm xà”, chúng mặc tu nhưng đi “buôn thần, bán thánh” ngay tại các chùa, các nơi tôn nghiêm nhất.

Chúng quên thiền nghiệp, chúng lợi dụng công quả, chúng thích đếm tiền hơn học đạo, chúng quên lời Phật dạy: “yêu muôn loài như yêu chính mình”, “mang tình thương xóa nỗi khổ niềm đau của chúng sinh”, giữa lòng dân tộc hiện nay thì đầy nỗi khổ niềm đau của dân đen, dân oan, nhưng chúng ngoảnh mặt làm ngơ để tiếp tục vơ vét, chúng không phải là hòa thượng, không phải chân tu, chúng chính là các tham quan giả Phật để giết Phật! Trong đường đi nẻo về của độc đảng toàn trị, thanh trừng để truy diệt nhau trong nội bộ, thì làm sao các người có được nhân cách của Trương Hán Siêu: tâm phật-mưu sư-tỉnh trí!

Các người đã diệt

Tâm thức của nhân vị Mạc Đĩnh Chi

Mạc Đĩnh Chi để lại hậu thế nhiều bài học, trong đó chữ thức (kiến thức, tri thức, trí thức, nhận thức) của Ngài, muôn chiều, muôn dạng, khiến cả đám triều thần nhà Nguyên, cứ vỗ ngực là thiên triều, từ vua tới quan phải biết thế nào thông minh Việt, vừa sắc, vừa nhọn. Phong độ đại thần của Ngài làm nên từ ý thức tự chủ đó, biết mình là ai rồi, thì không bao giờ mặc cảm với đồng loại, run hoảng trước vua chúa, nhất là không bao giờ bị khuất phục trước đối phương, dù nó lớn tới đâu đi nữa.

-Bài học thứ nhất khi học thì phải học tới cùng, sử truyền thời thơ ấu của Ngài, nhà thì nghèo mà hình thể của Ngài thì xấu, bị người đời xa lánh. Ngài mê học nhưng phải “học lóm”, đứng ngoài lớp mà nghe thầy giảng bài để… học, đó chính là bài học: học thì phải học tới cùng, học cho bằng được, học cho ra kiến thức. Đây là bài học rất hiện đại cho tất cả học sinh, sinh viên, kể cả những kẻ đã vỗ ngực là “đã thành tài rồi” trên đất Việt hiện nay, trong một bối cảnh trường học và đại học mọc lên như nấm, trên một đất nước đang chịu cảnh bi-kịch-học: học giả-thi giả-bằng giả; học vị và có học hàm trên giấy, mà không có học lực.

-Bài học thứ hai là tri thức, là với hình thể bị chê là xấu xí, mới hơn 20 tuổi, Ngài đậu Trạng nguyên, mà ngay cả vua Trần Anh Tông, khi thấy bề ngoài của Ngài không đẹp, không hợp, không muốn ngài có chức Trạng Nguyên. Ngài phải “dụng tri để trị vua” với bài thơ Ngọc tịnh liên (Hoa sen trong giếng ngọc), để khai thị, để khai minh, rồi khai trí cho ông vua này là: đừng chỉ nhìn bề ngoài, đừng nhìn dáng ông thấp, da ông đen, mà không nhận ra não bộ của Ngài, tấm vóc của Ngài, mà kết cục Ngài đã là thầy của vua. Thời đó, người ta còn biết Ngài giỏi cả cầm, kỳ, thi, họa.

-Bài học thứ ba là trí thức, Ngài chấp nhận đấu trí với đám đám quan của thiên triều, Ngài nhận ứng đối luôn với cả vua nhà Nguyên. Tri của Ngài vững, trí của Ngài nhanh, Ngài trả lời các câu đố của chúng vừa chính sát, vừa chỉnh chu, vừa toàn diện, vừa sắc nhọn. Ngài để lại không biết bao nhiêu là bài học về đối đáp (về đốp chác!) trước đối phương tự vỗ ngực cho mình là thiên triều. Mà chính vua Nguyên vì khâm phục Ngài mà tặng Ngài chức Lưỡng Quốc Trạng Nguyên.

Có chuyện lạ là dưới (độc) quyền của ĐCSVN, các lãnh đạo, các cán bộ của Bộ Ngoại Giao, khi ta thể nghiệm hệ thức của họ về Mạc Đĩnh Chi, thì ta thấy họ không có kiến thức gì về Ngài, tức là trường, lớp của Bộ Ngoại Giao không có giáo khoa, giáo trình, giáo án về Ngài, lạ thật! Vì Ngài chính là tri thức luận ngoại giao Việt.

Bài học thứ tư chính là cuộc sống liêm khiết, đạm bạc của Ngài, không nhận quà cáp gì của vua, chọn cái đẹp của thanh đạm, cái cao của thanh bạch, mà không sợ thanh bần, cho nên cuộc đời của Ngài tự nó thanh cao.

Các người là lãnh đạo độc đảng toàn trị với tham nhũng trị sinh đôi cùng tham tiền trị trong vô học trị sinh ra vô hậu trị thì làm sao các người có tâm để có tầm của Mạc Đĩnh Chi mà lo được chuyện đất nước

Các người đã diệt

Minh tri của mô thức Nguyễn Bỉnh Khiêm

Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà tiên tri đại tài được cả nước trân quý, các câu sấm của Trạng Trình mà cho tới giờ đây dân Việt vẫn thường lấy ra nghiệm, ra ngẫm để biết các chuyện “vật đổi sao dời” trong nhân sinh, mà kẻ hậu thế này sống bằng khoa học duy lý thì không sao giải thích được. Vì duy lý, nên hậu thế này xin được xem và được gọi Ngài là nhà tiên đoán chính trị vạn năng của Việt tộc, vì tiên tri thì hậu thế này không tìm ra được cái để lập ra cái luận. Còn tiên đoán thì cái ở trong cái đoán, dựa trên dữ kiện, trên chứng từ để lần tìm ra sự thật, để dọ dẫm ra chân lý, để phỏng đoán được tương lai.

Và, trên cơ sở tiên đoán này thì Nguyễn Bỉnh Khiêm là đứa con tin yêu của Việt tộc. Các bằng chứng: Ngài là thầy bói giỏi trong sử liệu chưa thuyết phục được hậu thế này, chớ riêng về chuyện Ngài sáng dạ, chăm chỉ, thông minh trên con đường học vấn thì chứng cớ rất rõ, rất đầy, nên hậu thế này xin tiếp tục gọi Ngài là nhà tiên đoán, và cũng không quên Ngài là một người thầy giáo mà ai cũng khâm phục, kính yêu!

Cứu cái đã suy, đây là kỳ tài của Ngài, có một không hai trên đất Việt, chính học thức gốc hoa hiểu biết sử nước Nam ta họ cũng phục Ngài. Ngài cứu Nguyễn Hoàng, khi khuyên nên vào Nam, Tướng này nghe lời vào Nam, không những sống sót trước đe dọa của chúa Trịnh, mà còn trị vì và phát huy được hàng trăm năm. Ngài cũng cứu luôn cả chúa Trịnh, khi khuyên Trịnh Kiểm, không nên diệt nhà Lê mà phải thờ nhà Lê, nhờ thế mà các chúa Trịnh cũng tồn tại cũng hàng trăm năm. Chưa hết, Ngài còn cứu luôn cả nhà Mạc, khuyên họ rút về Cao Bằng để có đất sống, để dung thân, nghe lời Ngài nhà Mạc cũng được “yên thân” trong nhiều năm.

Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà tiên đoán đúng thời cuộc, trúng tình thế, thì không những là minh sư mà là đại sư, luôn ở thế “đi guốc ở trong bụng các biến thiên”, qua các bối cảnh chính trị vô cùng phức tạp. Ngày hôm nay trước họa Tầu tặc không bao giờ từ bỏ ý đồ thôn tính đất Việt, đồng hóa dân Việt, mọi người đang chờ có vài (hoặc có nhiều thì càng hay) Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để khai thị, khai minh, khai trí các nhà lãnh đạo của ĐCSVN đang bị nhân dân gắn cho một “chính trị hiệu” thấp và xấu: “Hèn với giặc, ác với dân!”.

Thật lạ là năm thế kỷ sau, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn còn cận kề cùng nỗi lo với bao người Việt yêu nước với một câu tiên tri-tiên đoán rất chính xác, chứng tỏ tư tưởng chiến lược siêu phàm của Ngài: “…Biển đông vạn dặm ra tay giữ/ Đất Việt muôn năm giữ trị bình…”. Các người là lãnh đạo độc đảng toàn quyền mà không một nhân vật nào có liêm sỉ để có liêm minh mà bình cho đúng, nghiệm cho trúng, để đưa dân tộc ra khỏi họa Tàu nạn hiện nay, vì các người hoàn toàn vô tri trước mô thức Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Các người đã diệt

Nhân sĩ của mô thức Ngô Thì Nhậm

Ngô Thì Nhậm (Ngô Thời Nhiệm) để lại cho hậu thế thật nhiều bài học thật sâu, đi sâu để đào sâu nhân cách trí thức yêu nước của Việt tộc. Bài học đầu tiên là sống và làm việc vì dân, vì nước, Ngài phục vụ đất nước không ngừng nghỉ, Ngài ra làm quan cho triều Lê-chúa Trịnh, khi vận nước lâm nguy, phải cứu nước thì Ngài tận sức, tận công phò Quang Trung đánh giặc Thanh. Vì đối với Ngài cứu nước- cứu dân là chuyện chính còn chuyện triều này, triều kia là chuyện phụ, từ thái độ tới hành vi, từ quyết định tới hành động, tâm-trí-lực của Ngài luôn sống trong quyết đoán.

Chúa Trịnh vừa nhận ra sức thông minh của ngài vừa biết cá tính tự chủ của Ngài, gọi Ngài là tuấn mã, để xếp ngài trên cao, ở bên ngoài lũ ngựa “ăn không ngồi rồi” là bọn tham quan, ăn bám-sống nhờ lộc vua, tiền dân, bọn “sâu dân, mọt nước” này mà chúa Trịnh hiểu là bọn “tốn thóc, tốn cỏ”. Bọn này có rất nhiều trong hệ thống chính quyền độc đảng hiện nay, mà chúng thì tốn kém hơn nhiều: chúng bán tài nguyên đất nước, chúng biển lận quỹ công, chúng “rút ruột” các công trình, để các công trình phải dẫy chết mà chúng đặt tên là đang bị: “đắp chiếu”. Trong lúc chờ đợi một chế độ thật dân chủ, Việt tộc đang cần ngay một minh chủ hoặc minh chúa để “đắp chiếu”, càng sớm càng hay bọn tham quan này.

Ngài viết sách rất sớm, năm 16 tuổi viết Nhị thập nhất sử toát yếu, năm 20 tuổi viết Tứ thư thuyết ước, và cả đời Ngài viết sách, lấy học thức phục vụ kiến thức, viết đạo đức vì đạo lý. Ngài đổ Trạng Nguyên, sau cha 9 năm là Ngô Thì Sĩ. Là một tác giả lớn, Ngài còn là văn hóa lớn, viết ra nhiều văn bản, luật lệ về giáo dục, văn hóa… khi Ngài được Quang Trung hoàng đế mời vào Phú Xuân để lo việc nước thuở thanh bình sau khi chiến thắng giặc Thanh. Minh chúa tin minh sư, vì minh sư học thật-giỏi thật, ngược lại với thời đại tham nhũng hiện nay, với không ít lãnh đạo với sự nghiệp giả trong học giả-thi giả-bằng giả; không có học lực mà lại đòi học vị-học hàm chức giáo sư, mà không bao giờ nghiên cứu và giảng dạy tại đại học.

Quang Trung hoàng đế, khi gặp được Ngô Thì Nhậm, đã biết ngay tầm vóc dũng cao-trí dày của Ngài, hoàng đế luôn xem Ngài là tri âm, mà người biết chuyện thời đó gọi là “cặp bày trùng”, song hành bên nhau, vì cả hai đều đem tài-trí-lực để bảo vệ quê hương. Khi Ngài quyết định rút quân về Núi Đèo, Tam Điệp để bảo toàn lực lượng, tạo ra bối cảnh để trống thành Thăng Long, làm tăng lên sức chủ quan khinh địch của quân Thanh, để khi ta thần tốc tấn công với chiến công mùa xuân năm Kỷ Dậu, thì chúng phải bỏ cả cờ mà chạy, manh giáp cũng chẳng còn. Nguyễn Huệ minh tướng lúc đó còn ở Phú Xuân, khi được nghe kể chuyện quân ta rời Thăng Long rút quân về Núi Đèo, Tam Điệp, thì biết ngay đây là mưu cao- trí sâu của Ngài, tâm giao nên đắc khí, vì minh tướng đã gặp được minh sư.

Trước họa Tàu tặc hiện nay đang đe dọa đất nước, Việt tộc đang rất cần nhiều minh tướngminh sư đây! Hãy khám phá bản lĩnh “nhìn xa trông rộng” của Ngài: “Đánh giặc phải lượng thế giặc rồi mới đánh. Lượng phần thắng rồi mới hành động. Như đánh cờ, nhịn trước một bước, để thắng nước cờ sau, thế mới là tay cờ cao!”.

Bài học này hữu ích cho các lãnh đạo, các tướng lĩnh hiện nay trước họa của Tàu tặc. Chánh Sứ là chức vụ ngoại giao lớn nhất mà Quang Trung hoàng đế giao cho Ngô Thì Nhậm để lập lại ngoại giao với nhà Thanh, Ngài còn biết biến các chuyến công du qua Trung Quốc thành những chuyến mà Ngài còn gọi là tráng du, Ngài để lại tác phẩm lớn Hoàng Hoa Đồ Phả.

Tâm khảm của Ngô Thì Nhậm được thấy rõ trong các chuyến đi này, khi Ngài chú tâm tìm lại các dấu vết của các danh nhân Việt trên đất Trung Hoa, hậu thế rất khâm phục tâm nghĩa của Ngài. Khi Ngô Thì Nhậm từ quan trước sự vô minh của triều đình sau khi Quang Trung hoàng đế qua đời, Ngài đi vào tu học, mài sắc nhọn thêm lý luận Phật học của Việt tộc, Ngài được phong là người thứ tư đã tiếp nối sự nghiệp của phái Trúc Lâm Yên Tử sau ba vị tổ đời Trần của phái này: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang.

Ai cũng biết mối thù “ngất trời” giữa Quang Trung và Nguyễn Ánh, thuộc loại “không đội trời chung”, đào mồ, bới mả lẫn nhau. Nhưng khi Nguyễn Ánh giết một cách máy móc các quan quân của Quang Trung, thuộc loại thảm sát vừa tràn lan, vừa đầy hận thù, mà không phân biệt các công thần, dưới trướng Quang Trung, trong bối cảnh đó họ chỉ vì dân-vì nước. Nhưng Nguyễn Ánh đã mù quáng trong hận thù, khi Nguyễn Ánh cho người đánh đập Ngô Thì Nhậm đến chết, nên người đời thấy rất rõ: Ngô Thì Nhậm vĩnh viễn là minh sư, và Nguyễn Ánh thì không bao giờ là minh quân!

Trong nội giới lãnh đạo của các người là ĐCSVN, tướng thì cờ gian bạc lận, chính phủ thì mua chức bán quyền, đại biểu quốc hội thì cúi đầu-khoanh tay-quỳ gối trước các bạo lệnh của Bộ Chính trị. Nơi mà, tam quyền phân lập đã là tam quyền đảng lập kiểu cực quyền trong cuồng quyền từ khi các người cướp được chính quyền thì làm sao mà một Ngô Thì Nhậm thứ hai có thể xuất hiện để ngồi cùng chiếu, ăn cùng mâm với các người được!

Lê Hữu Khóa

Giáo sư Đại học * Tiến sĩ quốc gia trường gia Cao học khoa học xã hội Paris * Tiến sĩ xã hội học Đại học Nice-Sophia Antipolis * Giám đốc Ban Cao học châu Á * Giám đốc biên tập Anthropol-Asie * Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á * Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa  Paris * Cố vấn thẩm định giáo dục và nghiên cứu đại học Bourgone-Franche-Comté * Biên tập viên tập chí Hommes&Migrations * Thành viên Hội đồng khoa học bảo tàng lịch sử nhập cư * Thành viên Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á * Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Xóa Thông Minh Việt (P4)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s