Bạn thân
Ở Mỹ có những bộ luật kỳ thị được lập ra mà tạm gọi là kỳ thị được luật chấp thuận (legally discrimination). Ngay cả chuyện trốn thuế thì có hai loại trốn thuế. Loại trốn thuế bất hợp pháp (illegal) và loại trốn thuế hợp pháp (legal). Loại trốn thuế hợp pháp là được luật đặt ra và người ta lợi dụng vào luật để trốn thuế, nhằm mục đích đóng thuế ít hơn. Loại trốn thuế bất hợp pháp là khai gian, đi làm tiền mặt để trốn thuế.
Trong lãnh vực bầu cử thì luật được đặt ra, nhằm mục đích kỳ thị những cử tri độc lập (independent voters). Có những vụ thưa kiện về sự kỳ thị này từ những cử tri độc lập và chưa có ai thắng kiện bởi luật bầu cử sơ bộ mục đích chỉ dành cho những cử tri chọn đảng phái của mình. Những cử tri độc lập thì nếu có tham dự thì phải chọn đảng, chứ không thể nào chọn người như trong kỳ bầu cử bình thường (general election).
Nhiều người hiểu rằng luật bầu cử sơ bộ ở Mỹ là do những cử tri trong đảng chọn người đại diện cho đảng mình. Thường những tiểu bang ở Mỹ có hai loại bầu cử sơ bộ. Loại đóng và mở.
Loại đóng có nghĩa là khi cử tri ghi danh bầu phiếu thì bắt buộc phải chọn đảng để ghi danh. Và khi bầu cử sơ bộ xảy ra thì cử tri chỉ được quyền bỏ phiếu cho đảng mà cử tri đã ghi danh. Nếu vào đúng ngày đi bỏ phiếu và cử tri đổi ý, muốn chuyển sang đảng khác thì cử tri không được quyền bầu cho đảng khác vì tên của cử tri không có trong danh sách của đảng kia.
Loại mở là khi cử tri ghi danh để đầu phiếu, cử tri không cần phải chọn đảng. Tuy nhiên, khi bầu cử sơ bộ xảy ra thì bắt buộc cử tri phải chọn đảng vì mỗi đảng có một danh sách ứng cử viên dành cho đảng mình mà thôi. Danh sách cử tri ghi danh của loại mở thì hai bên (Cộng Hòa hay Dân Chủ) đều có tên của cử tri ghi danh vì đây là danh sách mở, cho nên cử tri có thể chọn đảng nào vào giờ phút cuối cùng để vào phòng phiếu.
Tuy gọi là loại mở nhưng cử tri vẫn phải chọn đảng để bầu. Và loại mở này thực ra là để cử tri của đảng đối lập bỏ phiếu cho đảng kia để người yếu nhất của đảng kia thắng cử đại diện cho đảng thì đảng mình có cơ hội thắng cử hơn trong kỳ bầu cử chính thức (general election). Thí dụ tiểu bang nào thuộc loại mở thì cử tri đảng Cộng Hòa có thể chọn đảng Dân Chủ để tham dự bầu cử sơ bộ, nhằm mục đích chọn ứng cử viên yếu nhất trong đảng Dân Chủ, hy vọng họ được thắng cử thì kỳ bầu cử chính thức, đảng của mình có cơ hội thắng ứng cử viên yếu này. Và khi bầu cử chính thức xảy ra, cử tri Cộng Hòa đó sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng mình. Cử tri đảng Dân Chủ cũng có thể làm bên trên như đảng Cộng Hòa ở tiểu bang có hệ thống bầu cử sơ bộ mở.
Đối với các cử tri độc lập thì sao? Nếu đã gọi là độc lập thì cử tri đó có thể chọn bất cứ cá nhân nào trong hai đảng để đại diện cho lá phiếu của mình. Có nghĩa là nếu chức vị tổng thống thì họ có thể chọn người ở đảng Cộng Hòa nhưng chức vụ thượng nghị sĩ hoặc bất cứ chức vụ nào ở địa phương thì họ có quyền chọn người đảng Dân Chủ. Đây mới chính là tư cách độc lập của người cử tri độc lập. Tuy nhiên, luật bầu cử sơ bộ ở những tiểu bang thuộc loại mở, cử tri độc lập vẫn phải chọn đảng. Tức là đã hoàn toàn mất tính độc lập khi mà phải chọn đảng.
Những cử tri độc lập không chịu chọn đảng trong bầu cử sơ bộ thì họ chẳng thực hiện quyền đi bầu của mình ở vòng sơ bộ. Tức là chính sách kỳ thị đối với cử tri độc lập và bắt buộc họ phải chọn đảng trong bầu cử sơ bộ. Vậy thì ngoài tính kỳ thị cử tri độc lập, luật bầu cử sơ bộ mục đích bắt cử tri độc lập thực hiện đảng tính làm mất đi tinh thần độc lập của cử tri độc lập.
Tại sao cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ vẫn tiếp tục chính sách này? Bởi vì nó có lợi cho chính những người trong đảng của họ ra tranh cử và họ không muốn những cử tri độc lập tham gia vòng bỏ phiếu sơ bộ ngoại trừ cử tri độc lập đó chấp nhận trò chơi của hai đảng là phải chọn một trong hai đảng để thực hiện quyền tự do bỏ phiếu vòng sơ bộ của mình. Nếu không chọn thì đành phải đứng ngoài rìa của cuộc bầu cử sơ bộ. Và đó cũng là tại sao, tinh thần đảng tranh ở Mỹ càng ngày càng trở thành truyền thống trong tinh thần kỳ thị đối với những cử tri độc lập.
Ai bảo ở Mỹ không có kỳ thị thì cần phải suy nghĩ lại. Kỳ thị bởi luật pháp ấn định thì để tranh đấu cho sự kỳ thị này phải tốn tiền để mướn luật sư thưa kiện. Mà những cử tri độc lập làm gì có tiền để mướn luật sư làm chuyện này và chưa kể, có bao nhiêu cử tri độc lập nhìn và quan tâm về vấn đề kỳ thị này? Đa số cử tri độc lập chấp nhận sự kỳ thị này và chọn một trong hai: tức là tham dự bầu cử sơ bộ bằng cách chấp nhận chọn đảng hoặc là không tham dự, không thực hiện quyền tự do lựa chọn người trong vòng bầu cử sơ bộ.
Hy vọng một Việt Nam tương lai, thế hệ tương lai nhìn vấn đề này để đừng tạo ra một cơ chế đảng tranh mà mục đích là để phục vụ quyền lợi của đảng thay vì quyền lợi của người dân.
Trần Thị Lan Anh
Tháng 8 năm 2020 (Việt lịch 4899)