Tu Dưỡng Bản Thân: Con Người

Một loạt bài nói về Ma Quyền, Ma Tiền, Ma Dâm cho chúng ta thấy sự phức tạp của Con Người ra sao. Sự phức tạp đó cần phải nhìn ở chính tri thức của mình. Nhưng để có một tri thức sâu sắc, mỗi cá nhân bắt buộc phải làm chuyện tu dưỡng ở chính bản thân mình.

Không một trường sở nào dạy chúng ta phát triển tri thức. Trường chỉ dạy kiến thức. Qua kiến thức học hỏi, cộng với quan niệm sống, kinh nghiệm của bản thân, chúng ta hình thành tri thức của chính mình.  Mà quan niệm sống, kinh nghiệm sống của mỗi người khác nhau cho nên sự tôi luyện tri thức của mỗi người cũng khác nhau.

Đã là con người thì không bao giờ hoàn hảo. Ai cũng đều có những quyết định sai lầm. Sự khác biệt giữa người có tri thức và không có tri thức chính là sự nhìn ra sai lầm của mình để điều chỉnh cho bản thân mình tốt hơn. Càng có chức vị cao trong xã hội thì tiêu chuẩn nhân cách, đạo đức phải cao hơn đối với những người bình thường trong xã hội. Mà để có nhân cách, đạo đức cao thì mỗi cá nhân phải tự mình tu dưỡng bản thân mình, loại bỏ những tham-sân-si để sống hòa mình vào xã hội, cùng nhau nâng đỡ để cùng nhau tiến bộ chứ không phải chỉ lo cho bản thân mình mà không quan tâm đến xã hội.

Thắng với chính bản thân mình khó ngàn lần so với thắng với địch thủ của mình. Khó bởi vì với chính bản thân mình, tính chủ quan làm cho cá nhân không thấy được yếu kém của mình. Tính tự ti, mặc cảm, tự cao, tự đại sẽ làm cho cá nhân tự chối bỏ khả năng yếu kém của mình để chứng minh với mọi người là mình có khả năng, đạo đức, dân chủ nhưng thực tế những điều đó chỉ là sự hoang tưởng của tính tự ti, mặc cảm, tự cao, tự đại.

Tu dưỡng bản thân phải khởi đầu từ nhỏ và phải khởi đầu từ những suy tư về xã hội, con người. Thực tế thì con số này rất ít. Chưa kể nếu sự tu dưỡng bản thân đã khởi đầu từ nhỏ thì sự tu dưỡng này vẫn phải tiếp tục suốt cuộc đời còn lại của cá nhân đó. Chỉ có sự tu dưỡng này thì chúng ta sẽ thấy được vàng thật, vàng giả đối với những người không có tu dưỡng nhưng luôn luôn nghĩ rằng mình có đạo đức, minh bạch.

Cần phải nhìn vấn đề thực tế là một con người “tốt” bề ngoài chưa chắc có sự tu dưỡng bên trong. Cho nên đừng bao giờ nhìn con người ở bề ngoài của họ mà phải nhìn ở bên trong của họ. Chỉ khi nào làm việc chung, va chạm về thảo luận thì con người bên trong của cá nhân đó sẽ hiện rõ bởi bản chất của con người sớm hay muộn cũng sẽ hiện lên trong sự va chạm đó. Cần phải phân biệt giữa sự khác biệt giải quyết công việc với bản chất của con người. Hai người có sự khác biệt giải quyết công việc cho một vấn đề rất là bình thường. Nhưng khi một trong hai người đó, đem “trình độ” của mình ra để so sánh với người đối diện khi cả hai có sự khác biệt trong giải quyết vấn đề — thì người đem “trình độ” ra so sánh — hiện rõ bản chất là người đó xem bằng cấp của mình quan trọng hơn và vì mình có bằng cấp nên cách giải quyết của mình tốt hơn. Bản chất này xem thường người đối diện chỉ bởi vì mình có bằng cấp cao mà cái bằng cấp đó chẳng nói lên được cái tri thức bên trong của con người.

Duy Dân đặt trọng tâm về tu dưỡng bản thân. Ông Lý Đông A (LĐA), cha đẻ của thuyết Duy Dân, biết rằng khởi đầu sự tu dưỡng là ở chính bản thân của mỗi cá nhân. Tuy nhiên ông LĐA cũng hiểu là điều này rất khó, chính vì thế mà ông đặt sự giáo dưỡng (trong học đường và ngoài xã hội) là quan trọng để có một con người Duy Dân, tự chính bản thân người Duy Dân làm chủ lấy sinh mệnh của mình. Từ sự làm chủ đó, con người Duy Dân mới có thể tham dự tiến trình Nhân Chủ Dân Chủ. “Giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị”. Mà giáo dục chính là tu dưỡng bản thân của mỗi cá nhân sống trong xã hội để sống biết, sống thật, và sống đúng.

Con người Việt hôm nay phá sản hoàn toàn cho dù là người Việt sống tại Việt Nam nay tại hải ngoại. Người Việt hải ngoại hòa nhập vào sinh hoạt dân chủ ở Tây Phương nhưng vì không làm chủ được chính mình để rồi bị các nhà chính trị dùng tâm lý, để người Việt hải ngoại sinh hoạt dân chủ theo tinh thần đảng tranh, bỏ phiếu theo tinh thần đảng mà không cần quan tâm đến tư cách, nhân cách của một cá nhân.

Liệu vấn đề tu dưỡng bản thân là chuyện khả thi? Hãy nhìn về lối ứng xử của người Nhật khi thiên tai đến với xã hội của họ. Những người trong vùng bị thiên tai, nhờ có sự tu dưỡng bản thân trong học đường lẫn xã hội, họ không tranh giành, không cướp giựt tài sản mà họ đứng sắp hàng để chờ sự trợ giúp từ chính quyền. Đó chính là sự tu dưỡng bản thân để tạo ra tri thức của mỗi người hầu có lối ứng xử rất là văn hóa của xã hội Nhật.

Một nước Việt tương lai phải đặt tu dưỡng bản thân là hàng đầu trong chính sách đào tạo con người. Khi nào có một nước Việt mới là chuyện ở tương lai, tùy thuộc vào nhiều hoàn cảnh. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, mỗi cá nhân phải tự mình thực hiện chuyện tu dưỡng cho chính mình để từ đó trau dồi tri thức của mình hầu có thể truyền đạt kinh nghiệm tu dưỡng cho thế hệ sau.

Trong thời gian tới, chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận về nhiều đề tài trên lãnh vực tu dưỡng. Qua sự thảo luận đó, chúng ta sẽ rút ra được bài học cho chính mình để từ đó có lối ứng xử tốt hơn, người hơn chứ không phải là lối ứng xử mạnh được yếu thua.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 4 năm 2020 (Việt Lịch 4899)

 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s