Tội Phạm Luận (P4)

(luận tội ác, xét tội trạng, nêu tội phạm, xử tội nhân)

GRASBERGER

Tội phạm học được xem như một quần thể học thuật tụ hợp nhiều chuyên ngành, trong đó có sự hiện diện của ba trung tâm tại quần thể này: Nghiên cứu về hiện thực của tội ác với sự liên kết của tâm lý học, xã hội học, hiện tượng học; nghiên cứu về quá trình khám tội, nêu tội và xử tội với sự hỗ trợ của luật học; nghiên cứu về phương pháp chống tội ác với sự có mặt của luật học song hành cùng chính trị học.

Truy sát nguyên khí quốc gia: “Thí lính”, “nướng quân”

Trong cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn giữa hai miền (1954-1975), xuất hiện một chuỗi hệ luận của tội ác mà những kẻ cầm quyền đã tự cho phép chúng gây tội ác mà không ai được buộc tội chúng là tội phạm. Tư duy tội ác của bọn lãnh đạo này là: “thí lính”, “nướng quân” trong các chiến dịch, trên các mặt trận mà sinh mạng đồng bào của chúng bị đặt thấp hơn chiến thắng trên chiến trường để phục vụ chiến sách của chúng, từ đó mọi chiến thắng phải phục vụ ý đồ dùng tử lộ của lính, của quân như các con cờ để chúng đấu giá, mặc cả, thương lượng cho quyền lực và quyền lợi của chúng.

Tội phạm học khi nghiên cứu các tội ác do các lãnh đạo chính trị gây ra trong cả thế kỷ XX thì không ngừng lại trong khuôn khổ của cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn, giữa hai miền (1954-1975), mà phải đi trở lên thượng nguồn từ khi có ĐCSVN dẫn tới chiêu bài Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp. Chính trong thời điểm này đã có nhiều sự cố xác nhận quá trình “thí lính”, “nướng quân”, nơi mà mạng sống của các thế hệ thanh niên đã bị sử dụng trong tham vọng “phải giành chiến thắng bằng mọi giá”, vận dụng trong ý đồ “phải tới toàn thắng bằng mọi giá”.

Trong cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn, giữa hai miền (1954-1975), quy luật độc đảng trong toàn trị, thì bọn lãnh đạo tự cho phép mình độc đoán trong quyết định, mặc cho hậu quả độc hại đến với đồng bào, dân tộc, đất nước. Nơi đây, hằng số “quyết chiến” song hành cùng hàm số “quyết thắng” cho xuất hiện một ẩn số trong tư duy (bất nhân) của kẻ lãnh đạo là: “tử chiến”- với mạng sống của lính, của quân, chớ không phải của chúng.

Tội phạm học phải công bằng trên dữ kiện, công minh trên chứng từ, công lý trên chứng nhân, để có phân tích đa chiều, giải thích đa diện, cụ thể là trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa của miền Nam, cũng có sự kiện làm nên sự cố: “Thí lính”, “nướng quân”. Không những ở những mặt trận lớn trong giai đoạn phản công Tết Mậu Thân, chiến dịch Nam Lào, Mùa Hè đỏ lửa…mà còn qua các mặt trận, các chiến dịch cấp vùng, cấp tỉnh.

Tội phạm học khi khảo sát các sự cố “thí lính”, “nướng quân” tới từ các tướng bất tài, từ các quyết đoán hồ đồ tới bất nhân của lãnh đạo, các tiên đoán sai lầm của việc dùng quân. Hậu quả của “thí lính”, “nướng quân” tiếp tục xẩy ra trên chiến trường Tây Nam chống bọn diệt chủng Khmers đỏ sau 1977, và bọn Tàu tặc 1979. Không được quên sự hy sinh làm bia đỡ đạn cho quân thù Tàu tặc tại Gạc Ma, nơi mà tên Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng lúc đó đã cấm các chiến sĩ giữ đảo được nổ súng để tự bảo vệ, nếu tên này trực tiếp tạo ra tội ác, thì phải sử hóa hành động phản bội của nó như một tội đồ.

Thống kê hóa để định lượng là vai trò của tội phạm học phân tích, không ngừng ở hình sự hóa cá nhân, mà phải đi xa, rộng, dài, sâu hơn nữa để tới một phân tích định lượng về thiệt hại nhân mạng quá lớn lên số phận của Việt tộc cả thế kỷ XX. Từ đây lập nên một đồ hình so sánh (typologie) của các quốc gia phải nhận chịu chiến tranh, và mất mát nhiều sinh mạng nhất với các thương phế binh để thấy và thấu hậu quả của chiến tranh, đây chính là hậu nạn của tội ác.

Khi thống kê hóa để định lượng hoàn thành, thì giải luận về tội ác để hiểu động cơ ban đầu của tội phạm phải dẫn tới các diễn luận từ đạo lý tới công lý, từ sinh mạng tới tòa án, từ thống kê hóa tới sử hóa một cách khách quan nhất. Đối với Việt tộc, các kết luận sau đây vẫn chưa được minh bạch hóa:

Các lãnh đạo gây tội ác vẫn chưa có tòa án công minh để xử chúng.

Các lãnh đạo gây tội ác vẫn chưa có sử luận khách quan về chúng.

Các lãnh đạo gây tội ác vẫn chưa có công pháp quốc tế nhận diện chúng.

Trên các nhận định này, lý luận của tội phạm học tổng quan, đề nghị nghiên cứu, điều tra phải tới các nhận định khác:

Định lượng thiệt hại về tính mạng quá lớn trong chiến tranh so với số phận nghèo nàn trong nheo nhóc hiện tại của Việt tộc.

Định lượng thiệt hại về tính mạng quá nhiều trong thời chiến so với các điều kiện vật chất và tinh thần hiện tại mà Việt tộc đang có.

Định lượng thiệt hại về tính mạng quá dài trong chiến sự so với chế độ độc tài nhưng bất tài hiện nay, ngày ngày đẩy Việt tộc vào ngu dân trong tuyên truyền. Chế độ độc tài hiện nay không hề có ý thức về sự thật của tội ác, để sáng suốt ra, không hề có nhận thức về tội phạm đang cầm quyền, để làm rõ lịch sử.

Nên tội ác vẫn đang nối đường cho tội ác, để tội ác tự nối dài trên số phận của Việt tộc!

Tội phạm học bạo trị: Tội ác của công an

Tội phạm học phân tích phải biết đường đi nước bước để tìm tới tội phạm học định hướng nhân bản, mà rõ các định đề của nhân quyền, biết lấy nhân vị của tự do để bảo vệ nhân bản và nhân văn; có nhân tri của dân chủ để bảo đảm nhân lý và nhân tính; nhận nhân đạo của bác ái để bảo hành nhân tâm và nhân từ, tất cả hệ nhân này phải trực tiếp phục vụ cho: nhân phẩm để chống lại tội ác, vô hiệu hóa tội nhân, vô dụng hóa tội đồ, cô lập hóa toàn bộ liên kết tội ác-tội nhân-tội đồ.

Hành hung-hành sát: Giết người trong đồn công an

Với hàng trăm nạn nhân hàng năm bị hành hung, tra tấn cho tới mất mạng trong các đồn công an, và xã hội sẽ không tính được bao nhiêu nạn nhân khác bị tra tấn đến trọng thương, khi về lại được gia đình chỉ vài ngày là tử thương. Việt Nam hiện nay là một trong những quốc gia có thống kê tử xuất trong các đồn công an cao nhất. Đây là một thực tế với các chứng tích về một loại tội ác chỉ có trong các chế độ độc đảng-toàn trị, nơi mà pháp luật của dân chủ, công lý của nhân quyền không sao tới được để bảo vệ các nạn nhân nằm trong bàn tay giết người của cả một hệ thống công an trị, bất chấp công lý. Tội ác giết người trong các đồn công an, phải được tội phạm học khảo sát và điều tra qua ít nhất là ba định hướng đã làm nên tầm vóc của chuyên ngành này, khi nó nghiên cứu về các chế độ độc đảng-toàn trị, kiểu Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba và Việt Nam:

Nạn nhân tràn lan, nơi mà tội ác tới từ công an trị luôn được bảo kê và bao che bởi độc đảng-toàn trị, nơi mà chính các thủ phạm là công an có đầy đủ ý thức khi giết hại dân chúng với khẩu hiệu của bảo hộ độc đảng-toàn trị: “Còn đảng, còn công an”.

Hậu nạn không tư pháp, nơi mà tòa án cùng công lý không có các điều kiện bình thường để điều tra về thực cảnh của tội ác, hành vi của tội phạm, từ đó kiểm tra về bản chất của cái ác trong tay các công an khi cái ác quyết định cái độc “đòn thù” của công an đã dẫn đến cái chết.

Hệ lụy của tử nạn, thân nhân của nạn nhân muốn biết sự thật trong các đồn công an đã gây ra cái chết, thì họ sẽ bị một hệ thống tư pháp là công cụ đã bị thuần hóa bởi cơ chế độc đảng-toàn trị, ngăn cản không cho tiếp nhận sự thật về tội ác. Thủ phạm chính là công an, những kẻ nhận nhiệm vụ phải bảo vệ công dân, nhưng làm chuyện ngược lại là giết dân.

Từ tội phạm học khảo sát và điều tra tới tội phạm học phân tích và giải thích, thì kết luận của tội phạm học giải luận và diễn luận sẽ cho xuất hiện các định đề để các định luận sau đây là ánh sáng của chân lý, để công lý nhận định được:

Tội ác công an trị và tội ác độc đảng-toàn trị chỉ là một; nơi mà tội ác công an trị là hạ nguồn của tội ác độc đảng-toàn trị là thượng nguồn, chính cái ác của lãnh đạo làm ra tội ác của công an để bảo vệ nó.

Tội ác công an trị và tội ác độc đảng-toàn trị chỉ là một; nơi mà tội ác công an trị là hạ tầng của tội ác độc đảng-toàn trị là thượng tầng, nơi mà chính sách của độc đảng-toàn trị đã mở cửa, đặt nền, dựng tường, che mái cho các tội ác của kẻ giữ cửa, giữ nhà, giữ đất, giữ quyền cho độc đảng-toàn trị.

Tội ác công an trị và tội ác độc đảng-toàn trị chỉ là một; nơi mà tội ác công an trị là hành động của tội ác độc đảng-toàn trị là ý đồ, nơi mà tội ác đóng đầy đủ vai của nó là lấy cái ác để gieo sợ hãi, diệt đối kháng.

Tra tấn-tra khảo: Cực hình và nhục hình

Khi Hội Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) nghiên cứu, khảo sát, điều tra về các tội ác do công an gây ra hằng ngày, trên nhiều đối tượng, thành phần khác nhau, nơi mà cả xã hội dân sự bị trùm phủ bởi nỗi lo sợ một lực lượng được ĐCSVN bảo kê trong mọi tội ác. Trong các công bố, các thông báo qua truyền thông, qua báo chí cũng như qua hội nghị, hội thảo, hội luận… rất nhiều cơ quan nhân quyền quốc tế có đầy đủ các chứng từ, chứng tích, chứng nhân về một chế độ độc đảng-toàn trị của ĐCSVN và một hệ thống công an trị ngày ngày gây ra tội ác. ĐCSVN đã dùng công an để khủng bố, bắt bớ, truy sát… với mức độ và mật độ khốc liệt, nơi mà tội ác đi từ tra tấn bằng cực hình, bằng nhục hình cho tới tổ chức bức tử hay thủ tiêu, những tội ác ngang hàng với những quốc gia độc tài tàn ác bất nhân nhất hiện nay. Tại đây, khi nghiên cứu về các tội ác của ĐCSVN đang độc quyền trong độc tài của độc trị, đi từ hành hạ tới hành sát chính nhân dân của mình, nhất là các chủ thể yêu công bằng để quý tự do, trọng dân chủ để nâng nhân quyền, thì tội phạm học phải theo các quy trình khách quan của nghiên cứu:

Tội phạm học khảo sát và điều tra, nơi mà định chất song hành cùng định lượng, có nền là sự kiện để hiểu sự cố, có gốc là chứng từ tới từ chứng nhân và chứng tích.

Tội phạm học phân tích và giải thích, nơi mà phân tích khách quan các sự kiện, sự cố với chứng từ, chứng nhân, chứng tích được đặt trong thực tế của độc đảng, thực trạng của độc tài, thực cảnh của độc trị.

Tội phạm học giải luận và diễn luận, chỉ có thể lý luận và lập luận để thấu cái độc hại của tội ác khi hiểu được gốc, rễ, cội, nguồn của hệ độc (độc đảng, độc quyền, độc tài, độc trị, độc tôn) làm nên cái độc đoán của tội phạm.

Tội phạm học giết người để diệt nhân, nơi mà các chuyên gia của tội phạm học chỉ có thể am tường và thấu hiểu cái độc có trong cái ác khi nó quyết định sát nhân (giết người để diệt nhân). Đây là hành động song đôi làm nên hậu quả song lứa của tội ác; trước hết là giết người tức là diệt sinh mạng để thủ tiêu: thể lực, trí lực, tâm lực của một cá thể không tuân theo hoặc chống đối lại bạo quyền lãnh đạo, tà quyền tham quan, ma quyền tham tiền. Diệt nhân là diệt toàn bộ hệ nhân có trong một cá thể, từ nhân tính tới nhân lý, từ nhân tâm tới nhân từ, từ nhân trí tới nhân trí, từ nhân bản tới nhân văn, từ nhân đạo tới nhân nghĩa, từ nhân vị tới nhân phẩm.

Các chuyên gia của tội phạm học không chỉ nhìn tội ác đơn lẻ qua hành vi đơn phương của tội phạm, mà phải hiểu để thấu tới nơi tới chốn tội ác của một chế độ độc đảng-toàn trị là tội ác diệt cả một hệ nhân (nhân tính, nhân lý, nhân tâm, nhân từ, nhân tri, nhân trí, nhân bản, nhân văn, nhân đạo, nhân nghĩa, nhân vị, nhân phẩm) trên cả một mạng chằng chịt, dầy đặc: Giết người để diệt nhân.

Ám hại-ám diệt: Truy diệt các nhà hoạt động vì dân chủ và nhân quyền.

Các nhà hoạt động vì dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam hiện nay là những chủ thể yêu nước thương nòi, những đứa con tin yêu của Việt tộc, cũng chính là những nạn nhân trực tiếp bị hành hung, khủng bố, bắt bớ, tù đày… từ ám hại tới ám diệt. Dưới chế độ độc đảng-toàn trị của ĐCSVN thì hệ thống ám hại-ám diệt trùm phủ lên toàn bộ lên đời sống xã hội, sinh hoạt xã hội, quan hệ xã hội không những của các nhân tố đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền, vì công bằng và tự do, mà còn trên cả thân quyến, bạn bè, đồng nghiệp của họ. ĐCSVN đã tổ chức hệ thống ám hại-ám diệt các chủ thể đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam hiện nay bằng:

Các thủ đoạn bất nhân để bảo vệ cái bất chính của nó, vì dân tộc Việt không hề chính thức bầu cho ĐCSVN lãnh đạo dân tộc và đất nước Việt Nam.

Các hành xử bạo động để bảo hành bạo quyền bất lương của nó, vì nó rất lo sợ trước dân chủ và nhân quyền sẽ dẫn tới đa nguyên, đa đảng.

Các ý đồ tà gian để bảo kê tà quyền thâm độc của nó, vì nó muốn giữ đặc quyền âm binh của nó qua tham quyền để tham ô, tham nhũng vì tham tiền.

Từ đây, tội phạm học khảo sát và điều tra phải lập được liên đới, từ phân tích tới giải thích, để tìm tới được tội phạm học giải luận và diễn luận:

Bạo quyền độc đảng-tà quyền tham quan-ma quyền tham tiền không phải chỉ là ngữ pháp để hiểu thực tế của tội phạm mà còn là mô thức giải thích về nguồn cội của cái ác, làm nên tội ác mà nạn nhân vĩ mô chính là dân tộc và đất nước.

Độc tài bất tài-độc quyền lạm quyền-độc trị bất trị không phải chỉ là ngữ pháp để nêu rõ thực trạng của đất nước Việt là ĐCSVN độc tài mà còn bất tài trong quá trình phát triển đất nước, để đưa dân tộc tới văn minh. Độc quyền trong lãnh đạo nên lạm quyền để toàn quyền trong hành pháp, để thao túng lập pháp, để thuần hóa tư pháp. Độc trị nhưng không biết quản trị dân tộc bằng công bằng, tự do, bác ái, và bất trị khi sẵn sàng nhúng tay vào tội ác giết người, diệt nhân, hại đồng bào, hủy đất nước.

Khi tội phạm học khảo sát và điều tra liên đới được với tội phạm học giải luận và diễn luận, thì các chuyên gia của tội phạm học hình sự sẽ thấy và thấu: Không thể cô lập một tội phạm riêng lẻ trước tội ác của nó, mà quên đi tội phạm là cả một hệ thống, mà tội ác là động cơ và động lực để điều khiển bạo quyền-tà quyền-ma quyền.

Trù dập-trù diệt: Đàn áp các phong trào xã hội.

Các phong trào xã hội sau đây đã là nạn nhân của tội ác do công an tổ chức, do các lãnh đạo của ĐCSVN chỉ đạo, nơi mà tội ác đã có mặt và tội phạm là công an luôn được chế độ độc đảng-toàn trị bao che, bảo kê:

Phong trào yêu nước qua các cuộc biểu tình chống Tầu tặc cướp đất, biển, đảo, trong đó các người tham dự biểu tình bị đàn áp thẳng tay.

Phong trào yêu nước qua các cuộc biểu tình chống ô nhiễm môi trường qua sự cố Formosa đã truy diệt môi sinh của nhiều tỉnh miền Trung, trong đó các người tham dự biểu tình từ phụ nữ tới trẻ em đều bị hành hung.

Phong trào tôn giáo để bảo vệ tín ngưỡng thiêng liêng của mình, trong đó các người lãnh đạo tôn giáo bị truy cùng diệt tận ngay trong nơi tu hành của họ.

Tội phạm học phân tích các chứng từ, chứng tích, chứng nhân phải song hành cùng tội phạm học tổng luận để nhận ra nội chất của từng phong trào yêu nước, nhưng không quên tính liên kết giữa các phong trào này; từ đây phân tích nội dung dẫn tới vị phân tích tương đồng (analyse des correspondances). Tương đồng dẫn tới hội tụ: Khi các phong trào này có các hành tác tương đồng, sẽ cùng hội tụ với nhau về một tâm điểm, giúp các chuyên gia đi tới với phân tích hội tụ (analyse des convergences):

Phong trào thiên chúa giáo chống ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra, cũng là phong trào chống Tàu tặc xâm lược, có cùng tâm điểm và cùng có hội tụ với các phong trào đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền.

Phong trào đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền cũng là phong trào chống ô nhiễm môi trường, chống hủy diệt môi sinh, cũng là phong trào chống đàn áp tôn giáo, có cùng tâm điểm và cùng có hội tụ với các phong trào về tự do tín ngưỡng.

Phong trào Thiên chúa giáo chống ô nhiễm môi trường, phong trào đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền, có cùng tâm điểm để hội tụ với các phong trào tín ngưỡng địa phương Cao Đài, Hoà Hảo, tất cả cùng nhau chống bạo quyền lãnh đạo, tà quyền tham quan, ma quyền tham tiền, tất cả đấu tranh vì công bằng, tự do, bác ái.

Chính phân tích đôi: Phân tích tương đồng song hành cùng phân tích hội tụ, sẽ giúp các chuyên gia của tội phạm học hiểu và thấu tại sao:

Độc đảng toàn trị rất lo âu về tính liên kết dẫn tới tính liên minh của các phong trào có mặt trong toàn xã hội dân sự hiện nay tại Việt Nam.

Độc đảng toàn trị đã đàn áp tàn nhẫn, khủng bố khốc liệt, bắt bớ tràn làn, tù đày dài hạn, hãm hại với các thủ đoạn bất nhân nhất các phong trào này.

Truy hiếp-truy nã: Gian thông công an-côn đồ.

Hiện nay với độc đảng-toàn trị, dân tộc Việt khám phá ra một bộ mặt mà không sao tưởng tượng được, là đáy sâu cái ác của chế độ là: Công an dùng côn đồ, lưu manh, xã hội đen, lẫn cả tù hình sự đã và đang lãnh án để khủng bố, truy hiếp, sát hại dân lành, mà các kinh nghiệm giờ đây đã thành chứng tích, có chứng từ với chứng nhân:

Công an sử dụng côn đồ để hiếp đáp, đánh đập dân oan bị cướp đất, khi họ quyết tâm bảo vệ mảnh đất, mái nhà của họ.

Công an phối hợp côn đồ để đàn áp, hành hung các công nhân đình công tại các nhà máy, trong các khu công nghiệp.

Công an sử dụng côn đồ để đàn áp, đánh đập các công dân biểu tình vì yêu nước, chống ô nhiễm môi trường.

Công an cùng côn đồ khủng bố các nhà đấu tranh vì nhân quyền và dân chủ ngoài đường phố; hành hung họ trước gia đình ngay trong nhà của họ.

Công an mua chuộc và chỉ huy côn đồ để đàn áp, đánh đập các công dân đấu tranh chống các trạm thu phí trái phép.

Công an bao thầu và chỉ đạo côn đồ để khủng bố, đáp áp các tu sĩ và tín đồ của các tôn giáo (Thiên chúa giáo, Phật giáo, Cao Đài, Tin Lành…).

Công an chỉ huy và phối hợp với côn đồ để trấn lột, bắt cóc, hành hung các công dân xuống đường chống Tàu tặc, chống ô nhiễm môi trường.

Công an chỉ đạo và bao thầu ngay cả các tù hình sự đang tại án để hành hung, khủng bố, đánh đập các thân nhân đi thăm các tù nhân lương tâm.

Công an trực tiếp hướng dẫn côn đồ đàn áp, hành hung, trấn lột các chủ thể thiện nguyện của các hội đoàn từ thiện và các phong trào nhân đạo trên đường cứu trợ các đồng bào nạn nhân của thiên tai, của nghèo đói tại các vùng sâu, vùng xa.

Đây chính là hành vi và hành động của tội ác, được tổ chức bởi các lãnh đạo công an từ cấp địa phương tới cấp trung ương, dưới sự chỉ đạo cao nhất là trong Bộ Chính Trị. Với ý đồ của một chính quyền độc tài trong toàn trị dùng khủng bố vừa để trừng trị các nạn nhân ở cấp điếm nhục nhất, vừa để gieo nỗi sợ hãi lên toàn xã hội. Tại đây thì chính các chủ thể của xã hội dân sự, mọi thành phần nghề nghiệp, mọi tín ngưỡng… có cùng một nguyện vọng dân quyền trong dân chủ, công bằng trong công lý, nhân phẩm trong nhân quyền phải thực hiện được, nơi mà tội phạm học gọi là quá trình xây dựng pháp lý:

Tập hợp và tổng kết tất cả các chứng nhân, chứng tích, chứng từ về các nạn nhân của liên minh âm binh công an-côn đồ đã gây ra những tội ác.

Nghiên cứu và điều tra để tiếp nhận từ dữ kiện tới sự kiện… từ định chất tới định lượng về tất cả các sự cố mà tội ác đã có mặt qua cách hành xử của tội phạm.

Thâu thập rồi tư liệu hóa mọi sự kiện của tội ác đã làm nên sự cố về các thiệt hại: Thể lực, tâm lực, trí lực từ cá nhân tới gia đình, từ tập thể tới cộng đồng.

Quốc tế hóa qua mạng xã hội cùng lúc công pháp hóa trên bình diện quốc tế để các hội đoàn, các tổ chức, các quốc gia, mà không quên Liên Hiệp Quốc để có tin tức, nắm sự kiện, hiểu sự cố, thấu bản chất của tội ác lẫn hành vi của tội phạm.

Tin tức hóa về tội ác với các chứng từ, chứng thư qua mạng xã hội để nhận diện vừa nạn nhân, vừa tội phạm, mà không quên các đồng lõa, đồng phạm đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra tội ác. Tin tức hóa tức là tư liệu hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa mọi sự cố về tội ác, giúp các cơ quan cùng các định chế quốc tế nhận diện ra tội ác, luôn được độc đảng-toàn trị bao che từ bảo kê tới bảo chứng.

Đây là bổn phận của công dân quốc gia có đạo lý của nhân bản, có luân lý của nhân phẩm, mà đây cũng là trách nhiệm của công dân toàn cầu biết bảo vệ không những đồng bào mà tất cả đồng loại, đều là nạn nhân của tội ác.

Chống lại tội ác, vạch mặt tội phạm gây tội ác, chỉ tên các tội đồ lãnh đạo chủ trương, chỉ đạo qua quyền lực của chính sách, qua quyền lệnh của lời nói để tội phạm gây ra tội ác và chúng luôn tin là được bảo kê bởi chính quyền-đây là quy trình thượng nguồn làm nên tiền đề của tội phạm học phân tích.

Nhưng tội phạm học phân tích phải biết đường đi nước bước để tìm tới tội phạm học định hướng nhân bản, mà rõ các định đề của nhân quyền, biết lấy nhân vị của tự do để bảo vệ nhân bản và nhân văn; có nhân tri của dân chủ để bảo đảm nhân lý và nhân tính; nhận nhân đạo của bác ái để bảo hành nhân tâm và nhân từ, tất cả hệ nhân này phải trực tiếp phục vụ cho: Nhân phẩm để chống lại tội ác, vô hiệu hóa tội nhân, vô dụng hóa tội đồ, cô lập hóa toàn bộ liên kết tội ác-tội nhân-tội đồ.

Lê Hữu Khóa

Vài nét về tác giả Lê Hữu Khóa : Giáo sư Đại họcLille *Giám đốc Anthropol-Asie *Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á *Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO–Liên Hiệp Quốc *Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á*Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.
Các công trình nghiên cứu Việt Nam học của giáo sư Lê Hữu Khóa, bạn đọc có thể đọc và tải qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN – trang thầy Khóa.

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s