Tâm Lý Con Người

Trong danh sách bạn Facebook, cuối năm 2019, một bạn chia sẻ câu nói sau đây từ FB Suy Ngẫm:

Nhà toán học Ả Rập vĩ đại Al Khawarizmi khi được hỏi về giá trị của con người, ông đã trả lời:

Nền tảng con người là đạo đức. Nếu có đạo đức, thì giá trị của bạn là 1.

Nếu cũng thông minh, thêm một số 0 và giá trị của bạn sẽ là 10.

Nếu cũng giàu có, thêm một số 0 nữa và giá trị của bạn sẽ là 100.

Nếu trên tất cả bạn lại còn xinh đẹp, lại thêm một số 0 và giá trị tổng sẽ là 1000.

Nhưng nếu bạn bị mất số 1, tương ứng với mất đạo đức, bạn sẽ mất tất cả giá trị và giá trị của bạn chỉ còn là số 0.”

Câu nói bên trên nhấn mạnh đến giá trị đạo đức của con người. Người chia sẻ câu nói này không biết có hiểu và nhìn vào chính mình hay không, khi mà cá nhân mình ủng hộ một cá nhân làm chính trị thiếu đạo đức của một Con Người. Hay phải chăng tâm lý của Con Người, cái mình muốn nghe và cái mình muốn làm hoàn toàn khác nhau? Phải chăng tâm lý của con người chỉ tin những nguồn truyền thông mình muốn tin và những nguồn truyền thông khác, dù nói lên đúng sự thật, nhưng vẫn không tin bởi họ nói những điều mình không muốn tin?

Khi nói đến tâm lý con người, cái khó nhất là chính mình hiểu được tâm lý của mình. Chính vì số đông không hiểu được tâm lý của mình, không hiểu khả năng của chính mình hoặc hiểu nhưng vì tham vọng, nhận những chức vụ ngoài khả năng của chính mình. Điều đó giải thích tại sao đảng csvn, anh thiến lợn trở thành tổng bí thư; anh y tá trở thành thủ tướng; và nhiều quan chức giữ chức vụ quan trọng có bằng giả, bằng ma để mua quan bán chức. Khi mà nhận nhiệm vụ mà mình không có khả năng, không có đủ tri thức lẫn nhận thức, tài năng để hoàn thành nhiệm vụ thì kết quả Việt Nam là một đất nước được cai trị bởi một tập đoàn mafia, buôn dân bán nước để làm giàu cho chính bản thân chứ chăng phải vì dân, vì nước như họ tuyên truyền.

Cũng chính vì hiểu rõ đa số cá nhân sống trong xã hội không nắm được tâm sinh lý của chính mình cho nên các công ty, các nhà chính trị, sử dụng các nhà tâm lý học để nghiên cứu cách nói chuyện, cách quảng cáo nhằm điều khiển tâm lý của những con người khác để phục vụ quyền lợi của công ty hay quyền lợi của các chính trị gia.

Hãy nhìn hai câu nói hoàn toàn sai sự thật nhưng được rất nhiều người cho là đúng, gồm cả người Việt. “Xây bức tường và chính quyền Mễ sẽ trả tiền cho bức tường đó” hoặc “Đánh thuế nhập khẩu và Tàu sẽ trả tiền cho số thuế đó”. Đây là câu nói thuộc dạng tuyên truyền theo kiểu cộng sản. Nói sai sự thật nhưng cứ nói mãi thì sẽ có người tin bởi số đông không làm chủ được tâm sinh lý của chính mình.

Thực tế của câu nói đó là gì? Tiền của quân đội Mỹ được chuyển qua để xây bức tường biên giới Mỹ-Mễ. Còn thuế nhập cảng (import tariff) thì có hai trường hợp: Thuế đánh vào người mua và thuế đánh vào người bán. Dù ở trường hợp nào, người mua và người bán sẽ chuyển số thuế này qua người tiêu thụ chứ không dại gì công ty mua – bán lãnh thứ thuế này. Hầu hết tất cả các loại thuế, người tiêu thụ là người trực tiếp hay gián tiếp trả thuế qua giá thành của sản phẩm. Đó chính là thực tế nhưng số đông không dám nhìn vào thực tế mà bị các chính trị gia dùng tâm lý để số đông tin rằng bức tường do Mễ trả và Tàu phải trả tiền thuế nhập cảng để làm kinh tế của Tàu sập.

Một vấn đề nữa mà người Việt không dám nhìn vào sự thật là chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Tàu — mục đích không phải là làm nền kinh tế Tàu sập mà mục đích chính là để phục vụ quyền lợi của các công ty Mỹ, đặc biệt là các công ty lớn có nhà sản xuất tại Tàu trong việc bảo vệ sản phẩm trí tuệ. Đó là lý do để giải thích tại sao nhiều người Việt, trong nước lẫn ngoài nước, gồm cả những nhà đấu tranh dân chủ đã từng bị đi tù, tin rằng cuộc chiến giữa Trump và Tập sẽ làm cho Tàu chết. Phải chăng chính người Việt không nhìn rõ đâu là ngọn, đâu là gốc của vấn đề cho nên tương kế, tựu kế, đảng csvn tiếp tục truyên truyền giả dối để ăn trên ngồi trước, buôn dân bán nước? Phải chăng chính người Việt không nhìn rõ đâu là ngọn, đâu là gốc cho nên Nguyễn Thanh Tú và Hoàng Duy Hùng về VN để cho nhà cầm quyền VN lợi dụng nhằm tuyên truyền và tiếp tục rủ ngủ người Việt, đánh phá cộng đồng người Việt?

Chính vì không hiểu tâm sinh lý của chính mình, người Việt, đặc biệt những người có bằng cấp, cứ nghĩ rằng trình độ hiểu biết của mình hơn người khác và dùng ngụy luận để chứng minh những suy nghĩ của mình mà không lắng nghe lời của người khác chỉ ra cái sai của chính mình bằng những con số, bằng những thực tế chứng minh sự sai trái. Bằng cấp, tù tội, địa vị xã hội, giàu-nghèo không chứng minh được cái tri thức có sẵn của mỗi người. Có nhiều người có bằng cấp cao nhưng tri thức hiểu biết chỉ là những con vẹt, lập đi lập lại những cái đã học mà không vượt ra ngoài cái lý, trên cái lý đã học hỏi.

Một người hiểu tâm sinh lý của chính mình biết sự giới hạn của chính bản thân từ nhận thức, tri thức, kinh nghiệm bản thân. Cái mình giỏi sẽ có người giỏi hơn. Cái mình biết sẽ có người biết hơn. Thành ra người hiểu rõ tâm lý của chính mình luôn lắng nghe và ghi nhận đồng thời loại bỏ những cái không còn hợp thời ở chính bản thân mình. Người hiểu tâm lý của chính mình luôn luôn học hỏi và sự học hỏi đó chỉ chấm dứt khi trái tim ngừng đập. Sự học hỏi luôn luôn là vô hạn và không biết khi nào gọi là đủ. Có những cái học hỏi người hiểu tâm lý của mình biết là đủ nhưng có những cái học hỏi người hiểu tâm lý mình sẽ thấy không bao giờ đủ. Thí dụ: người hiểu tâm lý của chính mình sẽ biết thế nào gọi là đủ trong tiền tài mà không để Ma Tiền điều khiển cuộc sống của họ. Và sự học hỏi để toi luyện tri thức, nhận thức thì sẽ không bao giờ đủ mà vẫn tiếp tục cho đến khi trái tim ngừng đập.

Tiếc rằng con số người hiểu rõ tâm sinh lý, khả năng của chính mình rất ít, rất là ít.  Cho nên số đông vẫn bị các chính trị gia, các công ty dùng tâm lý để điều khiển số đông và họ thành công cho dù ở một chế độ dân chủ hay độc tài.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 1 năm 2020 (Việt lịch 4899)

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s