Bạn thân
Cuối năm 2019, ông Nguyễn Ngọc Ngạn, người dẫn chương trình của Thúy Nga Paris by Night, bị mạng xã hội chửi và khen không biết đường đâu mà mò. Có người chơi trò cũ, chụp cái mũ cộng sản cho ông Ngạn. Trò này xảy ra lâu lắm rồi, tưởng đã chấm dứt nhưng người Việt hải ngoại, chắc ai cũng có sẵn mũ cộng sản nên vẫn tiếp tục chụp lên cho nhau để làm trò cười cho những người đang cầm quyền ở VN. Họ (đảng csvn) vui mừng khi cộng đồng người Việt thay phiên nhau chụp mũ cộng sản mà họ không cần phải làm chuyện đó. Người Việt hải ngoại, vô tình không biết chuyện chụp mũ là cái lợi cho đảng csvn, hoặc biết nhưng họ không quan tâm bởi cái mục đích chính là phải đánh những ai có quan điểm khác mình (cái này có lẽ do ảnh hưởng từ chế độ cs). Và cái đánh tốt nhất, hữu hiệu nhất là chụp cho nhau cái mũ cộng sản (csvn thì chụp cho cái mũ phản động dành cho những ai khác ý họ ở trong nước hoặc ngoài nước).
Vị thế của ông Ngạn là người của công chúng. Khi đã là người của công chúng thì cái quyền tự do ngôn luận đã bị giới hạn. Sự giới hạn này là do sự lựa chọn của cá nhân. Nếu giữa công ăn việc làm và quyền tự do ngôn luận thì ông Ngạn chọn cái nào? Nếu ông chọn quyền tự do ngôn luận như là của một người không phải là công chúng (dù vị thế của ông không phải như thế) thì cái giá trả rất là khá cao. Có nghĩa là người chủ Thúy Nga sẽ đuổi ông vì hình ảnh của ông không có lợi cho việc làm ăn của Thúy Nga. Những người Mỹ là người của công chúng, có người sẵn sàng chọn bị đuổi việc để phát biểu cái mình nghĩ là đúng, là sự thật. Thành ra quyền tự do của ông Ngạn, nếu sử dụng như là một thường dân thì giá trả có thể là bị đuổi việc.
Vấn đề đặt ra là ông Ngạn chọn thái độ nào? Nói lên cái sự thật hay im lặng để có việc làm, có tiền để sống? Ở cái tuổi của ông Ngạn thuộc về dạng về hưu. Mà về hưu ở Mỹ hay ở Canada, những người thuộc thế hệ của ông Ngạn phải nói là thành công, cho nên tiền về hưu chắc sống rất thoải mái nếu biết chọn cách sống đơn giản. Cho nên chuyện làm vì tiền để sống đối với ông Ngạn, chắc không phải làm vì tiền mà vì muốn đóng góp tài năng mình, đem lại nụ cười cho người khác. Cho nên ông không ngần ngại phát biểu ý kiến của mình cho một sự thật mà ông biết chắc — bởi Canada là đất nước thứ hai của ông, ông hiểu rõ hơn người sống ở Mỹ.
Câu chuyện ông Ngạn nói là 50 ngàn người từ Mỹ tỵ nạn qua Canada làm cho một số người Việt ủng hộ Trump lên tiếng chống đối là ông Ngạn nói sai. Những người chống đối này không đưa ra dẫn chứng để cho rằng ông Ngạn nói sai. Vậy thì để tìm hiểu xem ông Ngạn nói đúng hay sai, hãy nhìn vào con số của sở di trú Canada trong quá khứ xem sao.
Dựa vào dữ kiện của sở di trú Canada thì con số dưới đây là người vượt biên giới bằng đường bộ (từ Mỹ qua Canada):
Năm 2017 là 11635 người. Năm 2018 là 20655 người. Năm 2019 là 18555. Năm 2016 là 7375 người, và năm 2011-2015 trung bình mỗi năm là 3785 (18925/5) người vào Canada từ Mỹ.
Thực ra con số người từ Mỹ xin tỵ nạn ở Canada vẫn có từ thời trước Trump. Tuy rằng con số này ít hơn so với thời kỳ của Trump. Cũng cần nhấn mạnh là những người này đa số là những người ở Nam Mỹ, có thể vào Mỹ bất hợp pháp và qua Canada xin tỵ nạn. Chuyện vào Mỹ bất hợp pháp để qua Canada xin tỵ nạn thì cũng giống người Việt vượt biên để qua Thái, Mã, Nam Dương, Phi Luật Tân bất hợp pháp để được xin định cư ở các nước mà người Việt đang sinh sống hiện giờ. Và nếu dựa vào con số đó thì ông Ngạn nói là có khoảng 50 ngàn người cũng đúng nếu dựa vào ba năm dưới thời của Trump. Còn nếu ông Ngạn nói 50 ngàn người cho một năm thì ông Ngạn không biết làm con số và dựa vào tin tức giả để thông tin giả. Người viết lá thư này không có xem clip của ông Ngạn nên không hiểu rõ câu nói ông Ngạn là 50 ngàn như thế nào.
Mà hình như chuyện này thực sự không đáng nói bằng chuyện ông Ngạn và nhóm Thúy Nga về VN làm băng Paris by Night số 59 với chủ đề Cây Đa Bến Cũ thâu tại Việt Nam và Canada. Trong phần giới thiệu bài hát Người Đẹp Bình Dương nói lên sự tàn phá của Pháp và giết chết đi người tình của cô gái tên Lan. Hình như toàn bộ Thúy Nga Paris By Night hoàn toàn không nói về sự tàn phá khủng khiếp của chế độ cs đối với Việt tộc, tàn phá toàn bộ di sản văn hóa của Việt tộc với hơn 4 ngàn năm văn hiến. Phải chăng đây là sự cố ý hay tại người Việt thì có cái quyền tàn bạo với người Việt? Hay ông Ngạn và Paris By Night của Thúy Nga không quan tâm về chính trị mà chỉ làm văn hóa mà cái văn hóa đó hôm nay bị tàn phá nhưng họ không nói đến?
Hình như những người làm văn nghệ, họ đặt chuyện tiền bạc hoặc nghệ thuật cao hơn là chuyện chính trị và họ không có quan điểm chính trị nên họ sẵn sàng về VN, một chế độ độc tài cộng sản mà họ bỏ nước ra đi, để dựng lên một băng nhạc với cảnh đẹp của Việt Nam nhưng lại trong một cơ chế cướp đi hết quyền tự do của con người. Điều này đáng lẽ phải trách nhưng hình như cộng đồng im lặng và vẫn đón nhận Paris by Night của Thúy Nga mà không tẩy chay. Có lẽ chuyện ông Phạm Duy, ông Nguyễn Cao Kỳ về VN để sống là “tấm gương” để mọi người cho rằng VN đã có “dân chủ” nên ùn ùn về VN làm ăn để làm giàu. Chẳng biết bao nhiêu người thuộc dạng người Việt nước ngoài về VN làm giàu nhưng nếu nhìn vào thực tế của một cơ chế ở VN, làm giàu mà không hợp tác với tà quyền thì đừng hòng có chuyện đó. Chưa kể tà quyền nuôi cho mập rồi sẽ cướp lấy tài sản của người Việt ở nước ngoài, có ai nói lên điều này không nhỉ ngoài trừ trường hợp một ông Việt ở bên Âu Châu thưa kiện nhà cầm quyền VN và thắng kiện hai lần.
Chuyện ông Ngạn hay Paris By Night Thúy Nga về VN làm băng nhạc đã nói lên thái độ ông không có quan niệm về chính trị là gì. Vậy thì tại sao ông ta lại muốn lên tiếng về chính trị ở Mỹ? Rõ là ông Ngạn già nên lẫn thẩn. Mà nhiều người già, không biết lui về một bản vị lợi ích chung, vẫn xuất hiện ngoài cộng đồng hoặc muốn lãnh đạo cộng đồng hay một nhóm mà họ không phải là lãnh đạo, không có khả năng lãnh đạo. Có lẽ vì thế mà cộng đồng người Việt càng ngày càng teo.
Trần Thị Lan Anh
Tháng 1 năm 2020 (Việt Lịch 4899)