Bạn thân
Giữa tháng 9 năm 2019, tin tức trên mạng thông báo là một người phụ nữ tại Ấn Độ, đã lập gia đình 57 năm, không có con. Thế nhưng hai vợ chồng già này, quyết định muốn có con ở cái tuổi mà bà này 73 tuổi và ông chồng 77 tuổi.
Vì bà này đã hết kinh, cho nên bác sĩ phải dùng trứng của người phụ nữ khác và dùng tinh trùng của ông chồng, cấy vào tử cung của bà này. Cuối cùng thì bà thụ thai, sanh ra hai đứa con gái, mỗi bé nặng gần 4 pounds (khoảng 1 ký 8). Bà này không phải sanh tự nhiên mà phải mổ. Bản tin cho biết là sau khi sanh thì bà này phải nằm trong phòng khẩn cấp để xem sức khỏe như thế nào.
Đây là phụ nữ đầu tiên có con với số tuổi quá lớn. Câu hỏi đặt ra là: đạo đức của ngành y khoa của người Á Châu ra sao? Cách đây vài năm, một vị bác sĩ ở Tàu, còn trẻ, đã làm chuyện thay đổi gene của hai bé gái trước khi sinh ra. Câu chuyện này đã làm cho giới khoa học gia của thế giới đặt câu hỏi về đạo đức của người khoa học gia trong ngành y khoa nói riêng, và đạo đức của các vị bác sĩ làm trong ngành y khoa nói chung.
Trở lại câu chuyện của lá thư này, một người phụ nữ đã hết kinh thì chuyện sanh đẻ đã chấm dứt. Ngay cả phụ nữ sanh đẻ ở cái tuổi 40 là điều mà nhiều bác sĩ rất là quan tâm bởi lý do sức khỏe của người mẹ đồng thời sự nguy hiểm cho bào thai mà đứa bé sinh ra có thể không bình thường với những người phụ nữ trên 40. Đây là điều những ai làm trong ngành y khoa đều biết.
Thế nhưng trong trường hợp này, những người bác sĩ ở Ấn Độ, chẳng hiểu vì lý do nào (có thể vì tiền) mà sẵn sàng làm chuyện dùng trứng của người phụ nữ khác, cộng với tinh trùng của ông chồng 77 tuổi, cấy vào trong phòng thí nghiệm để cho thụ thai trước khi đưa vào tử cung của người vợ 73 tuổi. Đây là một hành động vô đạo đức với nhiều lý do.
Thứ nhất, ở vào cái tuổi trên 70 thì chẳng còn sức lực để mà nuôi đứa trẻ khi lớn lên. Chưa kể thời gian sống của người trên 70 đã rút dần thành ra chưa chắc có đủ thời gian để nuôi đứa bé đến lúc học xong đại học. Sinh con phải kèm theo trách nhiệm nuôi dưỡng, dạy dỗ đứa con cho đến tuổi trưởng thành chứ không phải sinh con để sinh con còn trách nhiệm thì giao cho người khác. Chưa kể bào thai được hình thành trong bụng của người phụ nữ trên 70 có thể tạo ra đứa trẻ không được bình thường mà cơ hội này xảy ra rất cao, chính về thế mà các bác sĩ Tây Phương luôn luôn theo dõi bào thai rất kỹ với những người phụ nữ có thai trên 40 tuổi.
Thứ hai, ở vào cái tuổi trên 70, về mặt sức khỏe, một nhà y khoa có đạo đức sẽ không bao giờ làm chuyện thụ thai qua phòng thí nghiệm để đưa vào tử cung của một phụ nữ trên 70 bởi lý do thứ nhất.
Tiếc rằng hai điều trên, một sự hiểu biết cần thiết kèm theo đạo đức nghề nghiệp lẫn đạo đức của bản thân đã không xảy ra trong trường hợp này, để lần đầu tiên trên thế giới, một phụ nữ sanh con ở cái tuổi 74 xảy ra tại đất nước Ấn Độ.
Giới khoa học trong ngành y phải luôn luôn quan tâm đến vấn đề đạo đức, đặc biệt những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng đến gene của con người. Không thể nào nhân danh khoa học để thực hiện những chuyện nhằm biến đổi tự nhiên. Khi mà cái tự nhiên bị biến đổi, đặc biệt là cái tự nhiên trong đời sống của con người, thì vấn đề đạo đức luôn luôn đặt ra hàng đầu và khoa học chỉ để phục vụ cái đạo đức đó. Không thể đặt khoa học lên trên đạo đức bởi như thế thì xã hội sẽ loạn khi mà các nhà khoa học, ngay chính bản thân không nắm rõ đạo đức là gì. Khi mà không hiểu rõ đạo đức là gì thì cái khoa học sẽ tạo ra nguy hiểm hơn là phục vụ đời sống của con người.
Trần Thị Lan Anh
Tháng 9 năm 2019 (Việt Lịch 4898)