Tự Do Có Trách Nhiệm

Bạn thân

Tháng 8 năm 2017, quan tòa xử án cô Michelle Carters về tội gián tiếp giết người bạn trai của cô ta và cô này phải bị đi tù 15 tháng và 15 tháng tù treo, tổng cộng là 2 năm rưởi. Luật sư của cô Michelle chống án lên đến tòa án tối cao của tiểu bang Massachusetts và tòa án tối cao đã đồng ý với bản án mà tòa án bên dưới đưa ra.

Bạn trai của cô này là Conrad Roy, 18 tuổi bị khủng hoảng tinh thần và đã nhiều lần nói với cô Michelle về chuyện tự tử. Cô Michelle đã nhiều lần khuyên bảo bạn trai hãy tìm sự giúp đỡ của những nơi chuyên môn giúp người bị khủng hoảng tinh thần. Tuy nhiên, sau bao nhiêu lần khuyên bảo, cô Michelle đổi ý định không tiếp tục khuyên mà thách thức người bạn trai hãy thực hiện chuyện này thay vì chỉ là nói. Không những thế mà cô Michelle tìm cách giúp người bạn tìm ra phương cách tốt nhất để dẫn khói độc CO vào trong xe. Những ngày cuối cùng trước khi người bạn trai thực hiện chuyện tự tử, cô Michelle đã luôn luôn khích, thách đố để hành động này xảy ra càng sớm càng tốt. Thế là một ngày trong ngày 12 tháng 7 năm 2014, anh chàng Roy dẫn ống nhả khói từ máy phát điện vào trong xe của mình và kéo cửa kín xe lên.

Toàn bộ vụ án này chỉ dựa vào sự trao đổi qua dạng TXT giữa điện thoại của anh Roy và cô Michelle. Trong ngày cuối cùng của anh Roy, nhiều lần anh ta nói với cô Michelle là anh ta sợ làm chuyện tự tử này. Nhưng rồi cô Michelle đốc thúc anh Roy hãy làm chuyện tự tử này, ngay tối hôm đó chứ không thể để nói mà không làm, không thể nào tiếp tục dời ngày mà hãy làm ngay. Cuối cùng với sự thách đố và khuyến khích, anh Roy đã thực hiện chuyện tự tử vào tối ngày 12 tháng 7 năm 2014. Cũng trong tối ngày hôm đó, Roy bước ra khỏi xe và gọi điện thoại cho cô Michelle sau khi hít khí độc CO nhưng cô Michelle bảo Roy phải bước trở vào lại trong xe bởi khí độc thực sự hiệu quả. Roy trong lúc yếu mềm trong tinh thần, đã nghe lời cô Michelle, trở lại trong xe, đóng cửa lại để cái chết đến với Roy.

Phải chăng cô Michelle thực hiện quyền tự do ngôn luận của chính mình hay cô Michelle đã thực hiện quyền này mà không nghĩ đến hậu quả của từng trường hợp trong việc thực hiện quyền tự do ngôn luận? Thực ra câu chuyện này nói lên hai cá nhân đang sống trong thời đại kỹ thuật điện thoại thông minh với mạng xã hội điều khiển đời sống, lối suy nghĩ của mỗi cá nhân. Cả hai người trẻ này tâm sinh lý đang bị hỗn loạn, có thể gọi là bệnh tâm thần nhẹ.

Với thời đại của mạng xã hội, với sự kiện trao đổi qua txt để người nhận và người gửi không cảm nhận được với nhau qua tiếng nói, và vì sự không cảm nhận đó, người gửi txt sẵn sàng sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình một cách vô tội vạ và để rồi cuối cùng dẫn đến cái chết của một người khác.  Những txt của cô Michelle gửi cho người bạn trai của mình, sau khi bạn trai mình đã chết và không trả lời những cái txt của cô, cho thấy cô đã hối hận trước việc làm của chính mình. Cô ta tiếp tục gửi txt vào điện thoại của người bạn trai sau khi đã biết người bạn trai chết và những lời txt cho thấy sự hối hận và mất mát ở chính bản thân của cô trước cái chết của người bạn trai mà cô đã có một phần lỗi trong đó.

Chúng ta đang trực diện một thế giới mới mà khoa học kỹ thuật đã làm con người không tự chủ được chính mình và để mạng xã hội, để kỹ thuật điều khiển từng hành động và lời nói của chính mình. Chỉ một bản tin không có thật, nhưng nếu là những điều mà người nhận muốn nghe thì lập tức, bản tin đó đưa chia sẻ với người khác mà người chia sẻ không cần kiểm chứng là thật hay giả. Chỉ cần ai đó trích một câu nói phi lý và nói rằng ông A nói (dù thực tế là ông A không có nói câu đó) thì lập tức, trên mạng xã hội, người ta thi đua nhau chửi ông A một cách vô tội vạ. Đó không phải là tự do ngôn luận mà chính là tự do ngôn luận không có ý thức, một thứ tự do ngôn luận bừa bãi tạo ra hỗn loạn trong xã hội, trong đời sống của một cá nhân hay vài cá nhân.

Câu nói của người xưa “lời nói không mất lời mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hoặc “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” cho thấy rằng tự do ngôn luận của người Việt thời xa xưa đã đi kèm theo cái trách nhiệm chứ không phải đơn thuần là thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình mà không nghĩ đến những lời nói đó sẽ ảnh hưởng đến đời sống của một hay vài cá nhân trong xã hội ra sao. Câu chuyện kể trong lá thư này là một thí dụ điển hình cho chúng ta thấy cái quyền tự do ngôn luận của cô Michelle mà cơ quan American Civil Liberties Union of Massachusetts ủng hộ cô Michelle cho thấy người Mỹ nhìn vấn đề tự do ngôn luận một cách vô trật tự mà không chịu nhận lãnh trách nhiệm trước quyền tự do ngôn luận đó — khi mà chính cái lời nói của mình đã đưa đến cái chết của một người khác. Một người có trách nhiệm không bao giờ kêu người khác đi chết để rồi ngụy biện mình thực hiện quyền tự do ngôn luận của chính mình.

Bất cứ quyền tự do nào cũng đi kèm theo trách nhiệm. Những bộ luật lập ra cũng để bảo đảm cái trách nhiệm này được bảo vệ, không bị vi phạm. Thí dụ: quyền tự do lập gia đình có giấy hôn thú. Giấy hôn thú này chỉ dành cho hai cá nhân đồng ý sống chung trong một mái ấm gia đình gọi là vợ chồng (một nam, một nữ). Giấy hôn thú này không thể cấp cho một người đã có gia đình nay muốn lấy vợ hai, vợ ba cho nên luật của một số quốc gia không chấp nhận đa thê chỉ bởi vì muốn bảo vệ trách nhiệm của một người cha, người mẹ đối với đời sống gia đình trong xã hội.

Có người nghĩ rằng nói thế thì các nhà độc tài như csvn sẽ dựa vào đó để đàn áp các quyền tự do ngôn luận của người dân. Nếu ai đặt vấn đề này thì chính cá nhân đặt vấn đề đã hoàn toàn không hiểu rõ quyền tự do ngôn luận là gì và trách nhiệm của quyền tự do ngôn luận ra sao. Với hoàn cảnh của VN, người dân hoàn toàn không có quyền tự do ngôn luận trước những bộ luật rừng mà đảng cầm quyền đặt ra. Cho nên dù người dân Việt có thực hiện quyền tự do ngôn luận có trách nhiệm thì vẫn bị bắt bỏ tù bởi những luật rừng mà đảng csvn lập ra. Đừng bao giờ sa vào cái bẫy ngụy biện của đảng csvn bởi họ chưa bao giờ vì dân tộc, vì đất nước — mà họ chỉ vì sự sống còn của đảng, cho nên họ sẽ dùng mọi phương cách, mọi phương tiện để đàn áp, bẻ cong sự thật mà người dân muốn mọi người biết đến.

Cái quan trọng của tất cả mọi người khi sử dụng quyền tự do của chính mình phải luôn luôn đi kèm theo trách nhiệm của quyền tự do đó. Không thể nào ngụy biện cho rằng đó là quyền tự do của tôi nhưng lại chạy trốn trách nhiệm khi chính cái hành động tự do của mình làm thiệt hại đến xã hội, tạo ra cái chết hay làm thiệt hại danh dự một cá nhân. Sự khuyến khích bạo lực, nói những cái không có thật thì không thể gọi đó là quyền tự do ngôn luận trái lại đó là lạm dụng quyền tự do ngôn luận; hay một thứ tự do ngôn luận không có ý thức, vô trách nhiệm.

Trần Thị Lan Anh

Tháng 9 năm 2019 (Việt Lịch 4898)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s