Làm Vườn

Bạn thân

Bạn hỏi tôi làm vườn có dễ hay không. Thực sự câu hỏi này, cũng như bao nhiêu câu hỏi khác, câu trả lời cũng hơi giống nhau đó là dễ mà khó, khó mà dễ. Có bạn khó tính sẽ cho rằng tôi nói chuyện ba phải. Thực ra không là ba phải mà là đúng với thực tế.

Làm vườn dễ nếu bạn là người thích trồng trọt, châm sóc cây cối. Còn làm vườn khó nếu bạn là người ngược lại. Mùa xuân đã đến cho nên lá thư hôm nay, tôi muốn chia sẻ với các bạn chuyện làm vườn.

Làm vườn thực là ra là một thú vui, tốn nhiều thời gian bởi bạn phải tưới cây vào mỗi chiều với cái nắng từ 90 đến 100 độ F vào mùa hè ở phía bắc Texas. Làm vườn tốn tiền hơn là ra chợ mua những món rau, trái cây đã được trồng trọt theo dạng công nghiệp. Tuy nhiên, khi làm vườn và ăn những món mình trồng, bạn sẽ thấy sự khác biệt rất xa giữa những thứ bạn trồng so với những thứ bán ngoài chợ.

Sau đây là những thứ rau hoặc rau thơm rất dễ trồng: rau húng quế, tía tô, ngò gai, mồng tơi, hẹ, bạc hà. Khi bạn trồng những loại rau này, vào cuối hè hoặc giữa hè, những loại rau này sẽ ra bông và thành hột (ngoại trừ bạc hà). Hột sẽ rụng xuống và mùa xuân năm sau, rau sẽ mọc lên mà bạn không cần phải làm chuyện mua giống về trồng. Bạc hà là loại củ thành ra sẽ chết mùa đông nhưng lên lại vào mùa hè. Dĩ nhiên vì hột quá nhiều, rau mọc lên như “rừng”, cho nên bạn phải nhổ bớt đi để rau có chỗ mọc to ra. Còn bạn vẫn cứ để như thế thì rau sẽ rậm, không tốt. Ngò gai thích thời tiết lạnh hơn là nóng. Nếu bạn trồng ngò gai, và hành lá thì vào mùa đông, nên tìm cách đậy lại vào lúc trời đông lạnh và mở ra vào lúc thời tiết trên 32 độ F. Hành lá khi mua hành từ chợ về, bạn cắt lấy khoảng 1 inch từ rể hành lá và đặt xuống đất, hành sẽ tiếp tục lên và khi ăn, bạn cứ cắt ngang từ dưới gốc (hẹ cũng thế) để hành (hoặc hẹ) tiếp tục mọc lên mà bạn không cần làm gì hết. Đến mùa hè, hành (hoặc hẹ) sẽ lên bông và rụng xuống. Bạn nên cắt bỏ bông bởi không, bông sẽ lên thành hột và rụng xuống mọc lên như “rừng”.

Những thứ sau đây cần phải trồng mỗi năm từ hột giống của năm trước đó: Đậu bắp, bí đao, dưa lưới (cantaloupe), mướp. Ngoại trừ mướp cần phải làm dàn, bí đao và dưa lưới thì không cần phải làm dàn. Dưa lưới trời càng nắng thì dưa càng ngọt. Thành ra khi trời mưa vài ngày và dưa của bạn chín, phải hái vào thì lúc đó dưa ăn không ngọt lắm. Còn lúc trời nắng mấy ngày, dưa chín, hái vào ăn rất ngọt. Khi mà bạn ăn dưa lưới trồng ở nhà thì bạn sẽ không thích ăn dưa lưới bán từ chợ nữa, bởi hai vị ngọt khác nhau rất nhiều. Đậu bắp trước khi trồng cần phải ủ nước bằng khăn giấy để ra mọng, trước khi bỏ xuống đất. Như thế thì đậu bắp ra lẹ hơn và phần trăm được mọc lên rất cao, so với bỏ hột xuống đất để tưới nước mà không ngâm.

Khoai lang trắng của Đại Hàn cũng có thể trồng để ăn rau lang hay ăn củ. Tuy nhiên trồng khoai lang phải nhớ một điều: trồng củ ăn dây, trồng dây ăn củ. Có nghĩa là khi bạn mua củ khoai từ chợ Đại Hàn, bạn đặt xuống đất, dây lang sẽ ra. Nếu bạn muốn có củ khoai để ăn thì khi dây lang ra, bạn phải cắt dây và đặt xuống hoặc cắt sự dung dưỡng của dây từ củ thì lúc đó bạn mới có khoai để ăn. Trồng khoai lang có điểm lợi là bạn trồng chung quanh nhà, chiều tưới dây lang vừa bảo vệ nền nhà, vừa có củ khoai để ăn vào tháng 11. Khi bạn đào khoai (một công việc không dễ, cần phải kiên nhẫn) thì chắc chắn một số củ khoai còn sót lại. Đến mùa xuân năm sau, dây khoai sẽ mọc lên từ củ sót lại đó. Và để muốn có củ ăn, bạn phải cắt dây để đặt xuống đất hoặc cắt sự nuôi dưỡng của củ cho dây.

Những loại rau cải sau đây bạn có thể để tủ đá mà ăn vào mùa đông: bạc hà, đậu bắp, và mồng tơi. Bạc hà trước khi để vào tủ đá, bạn cần phải bóp muối, vừa làm cho bạc hà nhỏ lại, để nhiều hơn trong một bao nilong, vừa ăn giòn hơn khi nấu canh chua. Đậu bắp thì cắt mỏng như để nấu canh chua, mồng tơi cắt nhỏ như lúc nấu canh, tất cả bỏ vào bị nilong và để trong tủ đá. Khi nấu thì lúc nước đang sôi, bỏ những thứ rau vào. Đừng để rau hết tan đá và bỏ vào thì ăn không ngon. Khi rau lấy từ tủ đá ra, nước sôi, bạn bỏ vào thì người ăn sẽ không bao biết rằng đó là rau từ tủ đông đá.

Làm vườn là một thú vui ở Mỹ nhưng làm vườn, làm ruộng như luật sư Võ An Đôn là để đáp ứng nhu cầu ăn của gia đình qua sức lao động của luật sư Đôn. Trong khi đó, luật sư Đôn dùng trí của mình giúp dân oan mà không sợ mất tiền bạc lo cho cái ăn. Tiếc rằng luật sư Đôn đã bị rút bằng hành nghề. Buồn thay cho những người có lòng giúp dân nhưng bị bạo quyền, bị thái thú thời đại của Tàu ngăn cản.

Bài viết này gửi đến các bạn nói chung và gửi riêng đến luật sư Võ An Đôn, như là một chia sẻ nho nhỏ về kinh nghiệm làm vườn. Dĩ nhiên không dám “múa riều qua mắt thợ” đối với luật sư Đôn. Tuy nhiên, người viết lá thư này đã từng làm vườn (gia đình có một công đất ở VN) ngày xưa, lúc còn trẻ, cho nên đến ngày hôm nay vẫn xem làm vườn là một công việc rất thích.

Trần Thị Lan Anh

Tháng 4 đen 2019 (Việt Lịch 4898)

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s