Ghi Chú NL: Bài viết dưới đây rất là thú vị. Nó nói lên được cái Nhân Cách Con Người đặc biệt là những Con Người sống trong một cái ấp rất là nhỏ bé, nghèo nàn, sẵn sàng từ chối những đồng tiền khoe khoan của người không có Nhân Cách. Người ta thường cho rằng có tiền mua tiên cũng được. Câu nói này chỉ đúng một phần nào đó thôi chứ gặp tiên có nhân cách thì đừng hòng mua được tiên. Người dân bình thường ở cái ấp nhỏ xíu trong bài viết này, chẳng phải là tiên, không giàu có nhưng giàu có về Nhân Cách cho nên không chấp nhận đồng tiền khoe khoan của một vị đại tá tiến sĩ. Trang mạng Ngàn Lau cũng đã có bài viết nói về Nhân Cách và Chức Vụ, đăng trong tháng 10 năm 2018. Nay thấy một bài nói về Nhân Cách của cả ấp, muốn chia sẻ với người đọc trên trang mạng này.
Tôi có một anh bạn ở vùng sâu thuộc một tỉnh ĐBSCL (đồng bằng sông cửu long)
Ở đó, đường đi lại, ngoài đường chính đi dọc huyện là đường mới được đổ nhựa dăm năm nay, còn đường liên thôn chủ yếu vẫn là đường đất và cầu khỉ qua kênh rạch.
Một lần tôi đến chơi, dự đám cưới con gái ảnh. Tôi ngạc nhiên khi đến gần nhà ảnh có đi qua một cây cầu xi măng, có lan can hẳn hoi (thật hiếm có ở đây). Cầu mới, có gắn biển “Cầu Anh Tèo Sài Gòn”.
Tôi chưa kịp tìm hiểu thì ngay buổi nhóm họ tối hôm trước đám cưới, chuyện cây cầu lại là chủ đề chính râm ran trong đám họ, hơn cả chuyện đám cưới.
Thì ra là thế này:
Lần đó, cách mấy tháng trước, có một anh người Sài Gòn xuống đây đi làm gì không rõ, ít ngày sau quay lại, gặp ấp trưởng và bà con, anh nhã ý tặng ấp 1 tỷ đồng đề làm cây cầu bê tông thay cây cầu khỉ bằng cây dừa vào trường PTCS trong ấp.
Có tiền, bà con trong ấp tổ chức làm cầu. Chỉ tốn tiền mua vật liệu, còn nhân công thì bà con tự nguyện đóng góp, cả khoản nước uống và ăn nhẹ giữa buổi luôn, lại không bị “rút ruột”, nên số tiền dư ra khá nhiều, bà con quyết định làm bê tông hết con đường đó luôn, nếu thiếu thì đóng góp thêm. Mấy hôm nữa họp ấp sẽ bàn chuyện đó, mà hôm nay câu chuyện đã xem ra cực ky ̀hào hứng.
Hôm khánh thành cầu, bà con bàn nhau phải có gì kỷ niệm vị “Mạnh Thường Quân” mới đươc. Muốn đặt cây cầu mang tên anh, nhưng hỏi ra chẳng ai biết, chỉ nhớ là anh chỉ nói “gọi tôi là Tèo được rồi” khi có ai hỏi. Trời đất, ở miền Nam, không, ở đất nước này, đàn ông ai không là Tý, là Tèo được?.
Vậy là hôm sau, một tấm biển được gắn lên thành cầu: “Cầu Anh Tèo Sài Gòn”, trang trọng.
Chuyện không chỉ có vậy, một anh ngồi cạnh tôi trong bàn rượu, kể:
“Hồi năm ngoái, thằng Đoàn con ông Thoan, nhà đầu ấp, ngoài đường, làm to trên phố, cưỡi cái ô tô về, quân phục đại tá, giày da bóng lộn, tóc xịt keo, nước hoa thơm lừng, đến gặp ông trưởng ấp. Nó đề nghị cho nó làm cây cầu và con đường đó, ngoài ra nó còn xây cho ấp một nhà văn hóa thật hoành tráng, không kể gì tiền bạc. Nó chỉ yêu cầu cả cây cầu và con đường đều mang tên nó, tiến sĩ đại tá Trương Khắc Đoàn. Nó còn yêu cầu cho nó được tổ chức một đám rước biển “tiến sĩ Trương Khắc Đoàn” từ trên phố về trưng ở nhà văn hóa ấp, thành phần là đại diện dân trong ấp và một số ca sĩ, người mẫu chân dài nó tuyển.
Trưởng ấp tập họp dân đột xuất, có nó tham dự. Cả ấp này còn lạ gì nó. Học dốt, nó nghỉ học sớm, nhưng phải thừa nhận nó giỏi cái môn câu cá, đặt lờ, bẫy chim, bắt rắn, bắt ong…
Rồi số phận nó bỗng đột ngột thay đổi.
Hôm ấy, lúc nó mới mười tám tuổi, có một cái xe con biển xanh từ trên thành phố xuống đậu trước nhà nó. Tía nó gọi nó đang đi câu cá về gấp. Thì ra đó là chú Tư, vốn hồi hoạt động trong kháng chiến được tía nó nuôi giấu trong hầm bí mật. Nay chú làm chức to lắm trên thành phố. Cảm cái ơn ấy, chú về bàn với tía nó mang nó theo để bảo bọc. Chú gửi nó nhập ngũ tại quân khu, sau đi học btvh rồi học trường sĩ quan, ra trường được ở lại làm giảng viên.
Hơn hai chục năm, hơn 40 tuổi, nó đã là đại tá và nghe nói nó vừa lấy bằng tiến sĩ. Chẳng ai rõ nó học hành sao mà thần tốc vậy?
Cả ấp chẳng ai lạ gì nó, lại thấy thái độ ngông nghênh, phách lối của nó, ai mà ưa được. Nên nghe ông trưởng ấp trình bày ý định và yêu cầu của nó, mọi người phản đối rầm rầm. Người miền tây vốn bộc trực, nghĩ sao nói vậy, không quanh co gì.
Nó mất mặt, bỏ đi một nước, tháng sau tía nó bán rẻ nhà, đi theo nó luôn, chẳng thèm chào chia tay ai một câu. Đấy, anh thấy cái nhà đầu tiên đường rẽ vô đây, nhà hai tầng duy nhất ở ấp này, vốn là nhà nó đấy”.
Ra về, tôi cứ suy nghĩ mãi về hai con người mà tôi chưa hề gặp mặt, nhưng họ đã “gặp” nhau ở cái ấp nhỏ này. Một người xa lạ, chẳng ai biết tên thật, lại được dân chúng nhớ ghi lòng tạc dạ- anh Tèo. Một người con của dân ấp thì chẳng ai thèm nhớ, hoặc có nhớ tới cũng chỉ với thái độ mỉa mai, khinh bỉ- thằng Đoàn.
Không biết ai giàu hơn ai, nhưng họ khác hẳn nhau về nhân cách!
Tan Tran
Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2107216776259844&id=100009146257730