Ghi Chú NL: Cụ Lý Đông A cho rằng “Nhân Cách tức là nguyên tắc nhân sinh tiêu chuẩn” và “Nhân cách như thế còn là nguyên tắc của nhân đạo quan hệ và là nguyên tắc của lý tưởng văn minh”. Bài viết của Châu Ngọc Đáo nói lên một vấn đề rất là quan trọng phát xuất từ chính bản thân của mỗi người trong chúng ta đó là nhân cách. Nhiều người lý luận “gần mực thì đen gần đèn thì sáng” cho nên mặc nhiên xem chuyện thiếu nhân cách vì xã hội tạo ra cái thiếu nhân cách của chính mình. Thực tế thì cái thiếu nhân cách là ở ngay chính mình, rồi cái thiếu nhân cách đó tác động đến xã hội và cuối cùng xã hội tác động ngược lại với chính mình — để bản thân mình nghĩ rằng lối ứng xử thiếu nhân cách của mình là bình thường, không cần phải thắc mắc, đặt câu hỏi. Thay vì tự mình phải vượt lên những cái xấu của xã hội, thay vì dựa vào câu “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” để sống, để tạo ứng xử có nhân cách thì chúng ta mặc nhiên bỏ cuộc ở ngay chính trong bản thân của mình. Khi mà tự chính mình không làm chủ được nhân cách (gồm cả suy tư từ bên trong) của mình mà để môi trường bên ngoài tác động vào — thì lối sống như thế rất là đáng quan ngại nếu không muốn nói là nguy hiểm.
Nhân cách. Nói dễ hiểu là “tư cách làm người của mỗi chúng ta”. Khác với nhân tính (*), nhân cách hình thành và phát triển trong toàn bộ quá trình sống, từ quá khứ đến hiện tại lẫn tương lai. Được đánh giá bởi các mối quan hệ của mỗi người với bản thân, gia đình, xã hội và với môi trường tự nhiên, có thể thay đổi theo từng thời điểm.
Nhân cách không phụ thuộc hoàn toàn vào trình độ hiểu biết, đôi khi bạn là người học cao hiểu rộng nhưng nhân cách thấp kém, ngược lại người không học hành bao nhiêu vẫn có được một nhân cách tốt đẹp, nó phụ thuộc nhiều vào khả năng nhận thức. Nói như vậy không có nghĩa là xem nhẹ học vấn vì học vấn quyết định không ít trong quá trình hình thành nhân cách, vấn đề là học từ ai, từ đâu và hiểu như thế nào nữa.
Con Người là yếu tố quyết định của bất kỳ xã hội hay đất nước nào, một xã hội mà số đông có nhận thức lệch lạc, méo mó thì xã hội ấy sẽ ra sao? Có phải là nơi mà người ta sẵn sàng chà đạp danh dự, nhân phẩm của nhau chỉ vì những bất đồng vô cùng nhỏ, có phải là nơi người ta sống với nhau bằng thủ đoạn, lọc lừa và dối trá, có phải là nơi người ta sẵn sàng hy sinh mạng sống đồng loại để đạt được cái lợi ngắn ngủi trong kiếp người cũng quá ngắn ngủi của mình không???
Tôi từng nói với một người bạn rằng trong quá trình hình thành nhân cách của con người, 10% đến từ nhà trường, 10% đến từ gia đình, 10% đến từ xã hội và 70% là do chính bản thân họ tạo ra. Đó là lý do vì sao trong cùng một gia đình, cùng cha cùng mẹ, cùng học chung một trường, cùng sống ở một nơi nhưng 2 anh em ruột trong nhà vẫn hoàn toàn khác nhau về tính cách.
“Gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Đổ thừa là bản tính của trẻ con, khi xã hội trở nên tồi tệ, quá nhiều người đổ “tất cả” tại chế độ, chế độ lại đổ ngược lại tại nhân dân. Rốt cuộc là đất nước chưa bao giờ chịu lớn khôn, tất cả là tại chúng ta, tại tôi và tại bạn, tại lãnh đạo tại cả nhân dân…nhưng…ai chấp nhận điều này!?
Con Người có thể là sinh vật ưu việt nhất trên hành tinh, nhưng chắc chắn không phải là sinh vật tiến hóa nhất. Chúng ta thua cả loài kiến, sức mạnh cộng đồng của chúng ta chỉ là trò hề nếu đem loài kiến ra so sánh. Mô hình xã hội vô cùng phức tạp của con người hiện tại chỉ để dành cho việc cai trị của “một số kẻ” dành cho đồng loại mình. Tôi có thể hình dung nó giống như của loài kiến vài trăm triệu năm về trước. Mô hình xã hội của loài kiến hiện tại phức tạp không kém con người nhưng là để bảo vệ và phát triển giống nòi chứ chẳng phải tiến đến diệt vong. Liệu con người có thể tồn tại thêm vài triệu năm nữa được không?
Lãnh đạo đất nước là một công việc, cô công nhân trong nhà máy dệt may cũng là một công việc, chàng thợ sơn, anh quét rác, chị lao công…tất cả đều cùng hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ đời sống của chính mình song song với việc bảo vệ và phát triển xã hội. Để đạt được điều đó, chúng ta phải giữ được nhân cách của mình, không để méo nó trong nhận thức. Ai cũng muốn làm quan thì ai sẽ làm dân, ai cũng sợ làm “quan” thì ai sẽ lãnh đạo xã hội?
Con người chúng ta chỉ mới chập chững vài mươi nghìn năm trên con đường tiến hóa, nhưng chỉ bấy nhiêu thôi họ đã chứng minh sự ưu việt của mình bằng hàng trăm triệu người vô tội chết vì chiến tranh đói khát, bằng môi trường ô nhiễm một cách kinh khủng, bằng nguy cơ diệt vong bởi những loại vũ khí hủy diệt mà họ tạo ra…Loài người sẽ về đâu nếu nhân cách không còn?
Châu Ngọc Đáo