Theo Wikimedia thì “Nhân Cách là hệ thống phẩm giá của một người, được đánh giá từ mối quan hệ giữa người đó với bản thân và với môi trường. Cũng có thể hiểu, nhân cách là tư cách làm người”.
Làm người, một con người chính thực là Người rất khó. Sự khác biệt giữa con người với con vật là ở nhân cách. Nhưng nhân cách con người có phải chỉ là một khuôn mẫu của mỗi người hay có một nhân cách chung mà đã là con người, ai cũng có?
Thực tế thì nhân cách của mỗi người đều khác nhau, tùy theo nhận thức ở trong tâm thức của mình để rồi từ đó tạo ra hành động ứng xử của mình đối với bản thân, với người khác, với xã hội cũng như với môi trường thiên nhiên. Tâm thức của chính mình được toi luyện ở trong chính tìm thức của mình, kinh nghiệm sống của bản thân và trong trường học, xã hội mình sinh sống. Tất cả những thứ đó tác động để hình thành nhân cách của một con người.
Theo quan điểm của cụ Lý Đông A thì nhân cách tức là nguyên tắc nhân sinh tiêu chuẩn. Mà nhân sinh tức là những nguyên tắc về ăn, ở, mặc, đi, nhân chủng, tư tưởng, hôn nhân, giáo dục, nhân tính, tiến trình đời sống người (sinh, lão, bệnh, tử), ứng xử với những trường hợp phi thường thái (ngoài sự bình thường). Nói một cách ngắn gọn là nhân cách là quan niệm sống, quan niệm ứng xử của chính mỗi người trong đời sống của xã hội loài người.
Bài viết này không mổ xẻ sâu về Nhân Cách trái lại đặt vấn đề là những người không có nhân cách thì có xứng đáng để nhận lãnh những chức vụ trong xã hội, trong cơ cấu cầm quyền hay không?
Thực tế thì với những diễn biến của thế giới xảy ra hôm nay, hình như nhân cách của con người đã không phải là điều quan trọng trong việc bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng trong hệ thống cầm quyền của đất nước.
Vụ một nhà báo (quốc tịch Saudi, thường trú nhân Hoa Kỳ) bất đồng chính kiến với chính quyền Saudi, khi vào sứ quán của Saudi tại Thổ Nhị Kỳ và bị giết chết trong sứ quán, nhưng các nhà lãnh đạo Saudi cho rằng chuyện đó không hề xảy ra, rồi sau đó thú nhận là chuyện đó xảy ra nhưng người lãnh đạo chính quyền hoàn toàn không biết — để rồi cuối cùng 18 người có dính dáng về chuyện giết người này tại Saudi bị bắt, như là một hình thức dê tế thần để làm dịu sự nóng giận của thế giới về chuyện giết người này. Một câu chuyện thật là hy hữu nếu không muốn nói là vô lý khi công dân của nước mình, vào sứ quán của mình và bị chết nhưng những người trong bộ máy cầm quyền hoàn toàn không biết và tìm đủ mọi cách để che giấu sự thật này.
Cũng trong tháng 10 này, ông Trần Quốc Khánh, tại buổi điều trần ở Châu Âu về hiệp ước thương mại mà một số nước đặt vấn đề nhân quyền thì ông cho rằng ông chỉ là người đi thỏa thuận kinh tế chứ ông ta không chuyên về nhân quyền. Những người bình thường không chuyên về nhân quyền vẫn biết rằng chế độ cộng sản xem nhân quyền chẳng ra gì nên sẵn sàng đàn áp. Thế mà ông Khánh nói ông ta không biết về chuyện nhân quyền ở VN thì rõ ràng là một sự nói dối mà những người có hiểu biết của quốc tế hiểu rõ, còn ông Khánh thì da mặt quá dày nên nói dối không biết ngượng, không cần biết người khác đánh giá nhân cách của mình ra sao.
Cũng trong cùng một hội nghị đó, một quan chức khác của VN cho rằng chuyện nhân quyền tại VN không dính dáng gì đến chuyện các hiệp ước thương mại và ngay cả hiệp ước thương mại trong tổ chức WTA không có nói về nhân quyền. Các quan chức VN luôn luôn tìm cách lẫn trốn hoặc nói sai sự thực về nhân quyền ở VN. Đối với họ, cái bản tính nói láo đã trở thành truyền thống cho nên cái truyền thống đó áp dụng cho người Việt đồng thời áp dụng cho cả thế giới, dù rằng họ biết rằng thế giới thấy rõ sự vi phạm nhân quyền nhưng do cái bản tính nói dối không biết ngượng, không có liêm sĩ, không có nhân cách — nên họ thoải mái nói sai sự thật.
Nhìn về nước Mỹ, gọi là cường quốc nhưng chuyện nói láo trước quần chúng của nhà lãnh đạo trở thành một chuyện bình thường. Ông Trump nói nhiều vấn đề hoàn toàn sai sự thật (báo chí đưa ra dẫn chứng của những sự sai này) nhưng những người ủng hộ ông Trump không quan tâm đến những sự sai trái đó. Có lẽ họ quan niệm vấn đề nhân cách không quan trọng bằng việc ông Trump làm cho đất nước Mỹ hùng mạnh.
Đây là chuyện thực tế đang xảy ra ở trên thế giới. Câu hỏi dành cho người Việt, những ai quan tâm đến chuyện Nhân Cách Con Người thì liệu chúng ta có thể chấp nhận những con người lãnh đạo không có nhân cách, sẵn sàng nói dối để đạt cái mục đích của mình (cá nhân hay quốc gia)? Nếu quan niệm “vì mục đích bất chấp thủ đoạn” thì việc phê phán cái nói dối cũng như sự tàn bạo của cộng sản sẽ giải thích ra sao nếu — chúng ta, người Việt yêu chuộng tự do, yêu chuộng sự thật nhưng lại chấp nhận ủng hộ những con người không có nhân cách (nói dối) ở Phương Tây hay nơi quốc gia dân chủ mình đang sống chỉ bởi vì người đó làm được cái việc mình mong muốn? Khi mà chúng ta xem thường nhân cách con người thì chính chúng ta đã tự mình giết đi nhân cách của mình. Vậy thì giữa chúng ta và cộng sản, lấy cái gì để phân biệt hai bên khác nhau khi mà cái nhân cách con người đã bị loại bỏ trong tiến trình suy tư của chúng ta?
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 10 năm 2019 (lịch Việt 4897)
Carrollton, TX