Gia Nhập Vào Dòng Chính: Người Việt Ủng Hộ Người Việt

Hơn 70 năm về trước, cụ Lý Đông A nói đến nền dân chủ đảng tranh. Nhìn lại sự sinh hoạt dân chủ của Mỹ hiện giờ cho chúng ta thấy nền dân chủ đảng tranh ra sao. Trong cái nền dân chủ đó, có Hiến Pháp phân chia ba quyền rõ ràng và người dân có quyền chọn người vào Quốc Hội để đại diện mình mà đưa ra những bộ luật phục vụ người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, các đại diện được dân bầu, bàn thảo luật dựa trên quan điểm của đảng và người dân hoàn toàn không có quyền lên tiếng trong các bộ luật được bàn thảo. Một thực tế khác thì các công ty, qua những nhóm vận động hành lang, có nhiều cơ hội để ảnh hưởng đến những luật mà Quốc Hội đưa ra.  Nhóm vận động hành lang đã áp lực được cả hai đảng lớn của Mỹ (Dân Chủ và Cộng Hòa) trong tất cả những bộ luật được đưa ra Quốc Hội bàn thảo trong khi tiếng nói của người dân hoàn toàn không có giá trị ngoại trừ đi bỏ phiếu.

Cộng đồng Việt tại Mỹ gia tăng sau ngày đau thương tháng 4 năm 1975. Hơn 40 năm qua, cộng đồng người Việt đã thấy rằng cần phải gia nhập vào dòng chính, tức là gia nhập vào chiến trường chính trị của Mỹ nếu muốn tạo ảnh hưởng và tiếng nói của người Việt vào các chính sách của Mỹ tại địa phương. Thông thường chính các vị dân cử ở địa phương có nhiều điều kiện và cơ hội để có thể phục vụ cho cộng đồng Mỹ nói chung và cộng đồng Việt nói riêng.  Thấy được vấn đề phải tham gia vào dòng chính, người Việt ở tại khắp tiểu bang Hoa Kỳ đã bắt đầu ra ứng cử những chức vụ tại địa phương, tiểu bang, và liên bang.  Sự gia nhập của người Việt vào dòng chính thành công hay không chúng ta cần phải đánh giá lại sức mạnh cũng như những điểm yếu của cộng đồng người Việt, để từ đó chúng ta biết sử dụng sức mạnh của mình và tìm cách giải quyết những khuyết điểm để biến thành ưu điểm.

Điểm Mạnh Của Cộng Đồng

Khi nói về điểm mạnh của cộng đồng thì cần phải xác định người Việt sống ở thành phố nào để từ đó lá phiếu người Việt sẽ có giá trị cho ứng cử viên người Việt. Theo Wikimedia dựa vào thống kê của American Community Survey năm 2010-2015 thì người Việt sống tại các thành phố sau đây có con số trên 10 ngàn người: San Jose 106K, Garden Grove 52K, San Diego 37K, Westminster và Houston 36K cho mỗi thành phố, Santa Ana 23K, Los Angeles 21K, Anaheim 17K, Arlington (TX) và Philadelphia (PA) 16K cho mỗi thành phố, San Francisco 15K, New York (NY) 14K, Portland (OR) 12K, Seattle (WA) Boston (MA) Garland (TX) 12K cho mỗi thành phố, Fountain Valley và Oklahoma City (OK) 11K cho mỗi thành phố, Milpitas 10K. (1)

Dĩ nhiên với con số người Việt sống tại những thành phố trên không có nghĩa là tất cả đều có điều kiện đi bỏ phiếu vào những dịp tranh cử. Tuy nhiên, ứng cử viên người Việt nào tại thành phố đó ra tranh cử thì cơ hội thắng cử có thể xảy ra nếu khu vực đó đa số là người Việt. Chưa kể khi ra tranh cử, ứng cử viên người Việt không chỉ dựa vào lá phiếu của người Việt mà dựa vào những lá phiếu của các giống dân khác gồm cả người Mỹ bản xứ.  Nếu tất cả người Việt chịu đi bỏ phiếu thì cơ hội ứng cử viên người Việt thắng cử rất cao ở những nơi có trên 10 ngàn người Việt sinh sống. Sự sống tập trung của người Việt tại những thành phố lớn là điểm mạnh của người Việt đối với các ứng cử viên người Việt.

Điểm Yếu Của Người Việt

Không quan tâm đến chính trị là tâm lý chung của người Việt dù sống trong nước hay ngoài người. Nhiều người Việt là công dân Mỹ nhưng không ghi danh đi bầu. Thực sự thì khi ghi danh, nếu bạn ở một địa chỉ duy nhất thì bạn chỉ ghi danh một lần thôi. Sau đó cứ mỗi lần có bầu cử, bạn sẽ nhận một phiếu thông báo địa điểm để đi bầu. Địa điểm để đi bầu thường là cố định mặc dù thỉnh thoảng có sự thay đổi địa điểm nhưng bạn luôn luôn biết điều này vài ba tháng. Một số khác ghi danh nhưng lại không đi bầu với lý do là lá phiếu của chính mình sẽ không thay đổi được gì ở một tiểu bang quá Cộng Hòa hoặc quá Dân Chủ. Có người tuyên bố là lần nào cũng đi bầu nhưng bỏ phiếu trắng.

Nếu nhìn vấn đề ở dạng địa phương thì lá phiếu của người Việt luôn luôn có giá trị bởi số người tại địa phương đi bầu rất ít cho nên nếu người Việt cùng nhau đi bỏ phiếu cho ứng cử viên người Việt thì cơ hội ứng cử viên người Việt thắng rất cao. Tuy nhiên, điều này lại không xảy ra cho ứng cử viên người Việt bởi người Việt chia làm hai phe theo đảng tính như người Mỹ. Có nghĩa là nếu ứng cử viên người Việt đại diện cho đảng Cộng Hòa thì người Việt ủng hộ đảng Dân Chủ sẽ không bỏ phiếu cho ứng cử viên người Việt. Ngược lại nếu người ứng cử viên Việt đại diện cho Dân Chủ thì sẽ không được sự ủng hộ của người Việt thuộc đảng Cộng Hòa. Tinh thần bỏ phiếu theo đảng tính của người Việt cũng giống như người Mỹ và là trở ngại làm cho ứng cử viên người Việt không được thắng.

Ngay cả khi một người Việt đã vào dòng chính mà bằng chứng là vị commissioner của địa hạt Tarrant County (TX), ông Andy Nguyễn Xuân Hùng ra tái tranh cử lần nữa thì người Việt đặt câu hỏi trong thời gian qua, ông Andy đã làm gì cho cộng đồng người Việt? Chưa kể vụ ông Andy vận động những đồng nghiệp của ông để ngăn cản việc thành phố Arlington cho đất để xây dựng một đài tưởng niệm làm cho một số người đặt câu hỏi là ông Andy phá hoại chứ không giúp đỡ cộng đồng.  Người Việt đã không nhìn vấn đề ở dạng tổng thể mà chỉ nhìn vấn đề cho chính cộng đồng của mình mà thôi. Ông Andy Nguyễn Xuân Hùng hay bất cứ người commissioner nào là đại diện cho toàn thể các cộng đồng sinh sống tại địa hạt Tarrant. Những chuyện ông Andy làm trong thời gian tại chức là để phục vụ tất cả dân chúng tại Tarrant County.  Nếu cộng đồng không có nhu cầu, không có đòi hỏi gì thì không có nghĩa là ông Andy đã không phục vụ cộng đồng. Những dự án về đường xá, cầu cống, kế hoạch cung cấp nước ở tương lai, hay tất cả những công việc điều hành bộ máy hoạt động của chính quyền địa hạt Tarrant tức là đã phục vụ cộng đồng người Việt qua cái nhìn tổng thể. Còn chuyện tại sao ông Andy vận động đồng nghiệp của ông trong việc đình hoản cung cấp đất đai trong việc xây dựng tượng đài là do chính cộng đồng người Việt chia ra làm hai phe để rồi đặt ông Andy vào thế phải lựa chọn đình hoản việc cho đất đến khi cộng đồng người Việt đồng ý với nhau, vượt lên những khác biệt nhỏ mọn để cùng nhau thực hiện tượng đài. Câu chuyện tượng đài cuối cùng cũng được giải quyết và tượng đài được khánh thành vào tháng 10 năm 2015.

Ngoài chuyện người Việt không tham gia vào cuộc bỏ phiếu, người Việt lại không tham gia vào các buổi họp của hội đồng thành phố để theo dõi những sinh hoạt tại địa phương mình ra sao. Có lẽ vì không tham gia, cho nên nhiều người Việt đặt câu hỏi là cá nhân người Việt ra tái tranh cử đã làm gì cho cộng đồng. Nếu bạn không tham gia thì làm sao bạn biết người Việt đó đã không làm gì cho cộng đồng? Nếu cái cộng đồng của bạn chỉ nghĩ đến người Việt thôi thì chính người Việt đã tự cô lập mình và sự cô lập này đã làm cho cộng đồng người Việt không lớn mạnh theo đúng với sức mạnh của cộng đồng.

Vượt lên tinh thần đảng tính bằng suy tư người Việt ủng hộ người Việt

Tại sao phải vượt lên tinh thần đảng tính? Bởi vì đó là thế yếu của người Việt. Mà muốn sửa đổi thế yếu thì chúng ta phải vượt lên tinh thần đảng tính. Mỗi ứng cử viên người Việt phải chọn một đảng để ra tranh cử. Nếu không chọn đảng mà chỉ là ứng cử viên độc lập thì không có bộ máy vận động tranh cử của đảng giúp đỡ. Cho nên bắt buộc ứng cử viên người Việt phải chọn đảng để ra tranh cử. Sự lựa chọn này là quan điểm cá nhân, cử tri người Việt nên tôn trọng. Cần phải hiểu thực tế là hai đảng, Cộng Hòa (CH) hay Dân Chủ (DC), chính sách của liên bang đưa ra là do các công ty vận động hành lang vận động và không quan tâm đến quyền lợi của số đông. Ngày nào hai đảng CH hay DC vẫn nhận tiền từ bên ngoài thì đừng mong tiếng nói của quần chúng được lắng nghe khi mà số đông quần chúng thụ động và chỉ đi bỏ phiếu mà thôi. Tuy nhiên, ở chức vụ địa phương, người dân có thể có tiếng nói nếu số đông cùng nhau liên kết để đưa ý kiến vào những buổi họp công cộng của thành phố hoặc huyện. Nhiều người lên tiếng thì các vị đại diện địa phương sẽ lắng nghe.

Tại Dallas trong năm nay có hai ứng cử viên người Việt ra tranh cử chức vụ commissioner của địa hạt Tarrant và Collin. Hai vị này không có xung đột (vì ở hai địa hạt khác nhau) giữa hai ứng cử viên người Việt — cho nên chúng ta không phải khó khăn trong vấn đề bỏ phiếu cho hai người này mà không cần nhìn về đảng tính của hai người này. Tại sao thế? Tại vì cả hai là người Việt. Và nếu họ vào được vào trong cơ cấu chính quyền, tiếng nói của họ sẽ mạnh hơn khi chúng ta cần đến họ cho một vấn đề nào đó của cộng đồng. Khi vào cơ cấu chính quyền thì họ làm việc toàn thời gian, với lương bổng hẳn hoi và từ đó họ sẽ có ảnh hưởng đến chính sách của địa phương, nơi chúng ta sinh sống. Tuy nhiên, đi bầu chỉ là một và muốn có ảnh hưởng về chính sách ở địa phương, bắt buộc chúng ta phải tham gia vào những cuộc thảo luận công cộng mà các vị dân cử địa phương mở ra cho sự đóng góp ý kiến của bên ngoài.

Vượt lên đảng tính có nghĩa là chúng ta không nhìn ứng cử viên người Việt thuộc đảng nào. Nếu không có sự tranh chấp quyền lực giữa hai ứng cử viên Việt thì cử tri Việt nên bỏ phiếu cho ứng cử Việt nếu cá nhân đó có nhân cách của Con Người. Cần phải nhấn mạnh là phải có nhân cách của Con Người. Nếu người đó không có nhân cách thì cho dù là ứng cử viên người Việt, chúng ta cũng sẽ không bỏ phiếu cho họ. Lấy một thí dụ là một cá nhân tại Dallas – Fort Worth này, che giấu sự sách nhiễu tình dục trẻ em dưới 18 tuổi của một vị thầy tu 20 năm và sau khi vị thầy tu đuổi cá nhân đó ra khỏi chùa thì cá nhân đó tố cáo vị sư (đồng thời công nhận mình ngậm bồ hòn 20 năm qua). Chưa kể cá nhân này nằm trong ngành cảnh sát và sự che giấu chuyện sách nhiễu tình dục của trẻ em thì chính cá nhân này mang tội nặng hơn vị thầy tu (nếu đây là chuyện có thật. Và nếu không có thật mà vẫn tố cáo thì mang tội vu khống, không có nhân cách). Vậy thì rõ ràng cá nhân này hoàn toàn không có nhân cách mà sẵn sàng che giấu tội phạm nếu sự che giấu đó có lợi cho mình. Trong trường hợp này, người Việt ủng hộ người Việt cần phải xét lại bởi ứng cử viên người Việt không có đủ nhân cách.

Lá phiếu của người Việt đối với các chức vụ địa phương rất là quan trọng, đặc biệt lá phiếu người Việt dành cho ứng cử viên người Việt.  Chỉ khi nào chúng ta vượt lên tinh thần đảng tính (khi không có sự xung đột quyền lợi của hai ứng cử viên người Việt) thì lúc đó người Việt mới có cơ hội cao để gia nhập vào dòng chính và luôn luôn chuẩn bị tư thế giúp đỡ cộng đồng người Việt khi cộng đồng người Việt có nhu cầu. Đừng đòi hỏi ứng cử viên đó làm điều gì đó cho cộng đồng khi mà chính cộng đồng không biết mình muốn gì và điều mình muốn có thực tế hay không. Cộng đồng người Việt chỉ lớn mạnh khi chính chúng ta nhìn được vấn đề ở dạng tổng thế chứ không nhìn vấn đề ở dạng cục bộ, đảng tính.

Hy vọng rằng bài viết này có thể đóng góp một cái nhìn cởi mở cho cộng đồng người Việt ở tương lai trong vấn đề ủng hộ các ửng cử viên người Việt. Tuy nhiên để làm điều này, các cơ quan truyền thông Việt cũng phải vượt lên tinh thần đảng tính. Nhiều cơ quan truyền thông vẫn nhìn vấn đề ở cục bộ, ở quan điểm đảng mà không nhìn ở góc nhìn của người Việt gia nhập vào dòng chính để có tiếng nói mạnh cho cộng đồng người Việt.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương

Tháng 5 năm 2018 (Lịch Việt 4897)

Dallas, TX

  1. https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_U.S._cities_with_large_Vietnamese-American_populations

 

 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s