Ghi Chú NL: Qua bài viết này chúng ta thấy được không có bao nhiêu người thực sự thức tỉnh trước thực tế của miền Nam mà người miền Bắc nhận ra sau ngày 30-4. Sự tuyên truyền, bưng bít thông tin đã làm cả thế hệ trẻ miền Bắc lúc bây giờ không thấy rõ thực hư ra sao. Ngay cả đến thời đại internet hôm nay, người Việt vẫn chưa nhìn rõ ra thực tế và thực chất của ngày 30-4 là gì. Vẫn có người ăn mừng ngày “chiến thắng” trong khi thực tế là cả đất nước bị nhuộm đỏ bằng lá cờ máu cộng sản, quyền con người bị tước đoạt trắng trợn và tài sản của người dân bị đánh cấp không thương tiếc, biển đảo đã không còn nằm trong chủ quyền của người Việt, môi trường đang bị đe dọa cuộc sống. Làm gì có độc lập khi chính cái đảng cs đem chủ nghĩa ngoại lai áp dụng vào đất nước. Làm gì có độc lập khi đảng csvn luôn luôn nhờ sự viện trợ từ đàn anh Trung Quốc và sẵn sàng nhường biển đảo để được Trung Quốc cung cấp tiền bạc kéo dài chế độ thái thời đại hôm nay. Hãy đọc để hiểu tâm trạng của những người trẻ của hơn 43 năm trước.
Tôi đang học những tiết học cuối cùng của lớp 10, hệ pt 10/10, đang ôn thi tốt nghiệp.
Một số bạn đồng học đã được tổng động viên lên đường từ đầu học kỳ hai, có xét đặc cách tốt nghiệp
Từ trong kia, tin “chiến thắng” dồn dập bay về, qua đài phát thanh TNVN, được truyền tiếp trên đài truyền thanh thị trấn phố huyện.
Trên đường phố thị trấn, ngay trên trục đường chính đặt môt tấm pa nô lớn vẽ bản đồ Việt Nam màu trắng, địa giới các tỉnh màu nâu. Mỗi khi tỉnh thành nào được “giải phóng” thì nhân viên thông tin huyện lập tức đi tô đỏ tỉnh thành đó, đương nhiên miền Bắc và tỉnh Phước Long đã được tô đỏ sẵn.
Đầu tiên là Buôn Mê Thuột, sau đến Pleiku, Kontum…toàn Tây Nguyên được “tô đỏ”, niềm tin “giải phóng” hoàn toàn miền Nam bắt đẩu. Niềm tin đó càng đươc tăng lên khi cứ “tô đỏ” dần về phía Nam: Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn…cho đến Biên Hòa thì chắc chắn, chỉ còn trận tổng công kích cuối cùng, là chiếm được “sào huyệt” của “bọn tay sai bán nước”.
Hồi đó, trên đài TNVN thường có dạy hát, mỗi tuần một bài. “Bước chân trên đỉnh Trường Sơn”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Hành quân đêm”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Cô gái mở đường”… nghe mà chỉ muốn xếp bút nghiên, lên đường ra mặt trận, vui như đi vào ngày hội.
Tuần giáp ngày 30-4-1975, đài đang dạy bài “Như có bác Hồ trong ngày vui đai thắng” của Phạm Tuyên.
Mỗi ngày dạy 30 phút buổi trưa.
Ngày đầu là nghe bài hát tổng thể do văn công nhà đài (đơn ca, tốp ca hay đồng ca) hát. Sau đến chép nhạc. “Luyến lên, la móc đơn, gạch nhịp. Đố móc kép, gạch nhịp. Dấu lặng đơn…”, đại loại như vậy chứ tôi có hiểu gì đâu, đến giờ vẫn vậy.
Ngày thứ hai là chép lời, người dạy đọc chậm, nhắc lại 3 lần cho người tối dạ nhất cũng ghi kịp. Sau đó dò lại lần nữa, rồi nhà đài lại hát.
Rồi những ngày sau cho đến hết tuần là tập hát. Người dạy hát mẫu từng câu và bắt nhịp cho người nhà đài hát, chủ yếu cho thính giả hát theo. “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, hai ba… cứ thế tập đi tập lại cho đến cuối bài, cuối tuần.
Tôi không nhớ 30-4 năm ấy là thứ mấy, chỉ nhớ là chương trình day hát tuần đó chưa kết thúc thì buổi chiều hôm đó “mời các bạn nghe bản tin đặc biệt”, thông báo tin chiếm được Dinh Độc Lập và Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng lúc 11g30′.
Niềm vui vỡ òa…
Cả thị trấn người đông nghịt đổ ra đường, nam phụ lão ấu, tự phát thành cuộc tuần hành, không cần ban tổ chức.
Đoàn người đi qua các đường phố, cờ đỏ tung bay, và, lần đầu tiên bài hát “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng” vang lên cực kỳ đúng nhịp, như bật ra từ lồng ngực mỗi người.
Đoàn người đến trước tấm bản đồ VN , đã thấy nhân viên thông tin huyện đang tô đỏ thêm địa danh mới: Sài Gòn- Gia Định.
Phải ngày hôm sau mới tô hết mấy tỉnh miền Tây sau khi đài đưa tin “tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh Quân đoàn 4 “ngụy, đã hèn nhát tự sát”.
Việt Nam đã hoàn toàn được “tô đỏ” từ đây.
43 năm đã trôi qua, dưới ánh sáng của thông tin đa chiều Intenet, nhiều hồ sơ đã được giải mật, nhiều giá trị đã được đánh giá lại đúng bản chất của nó.
Tôi không biết, trong những người xuống đường “vỡ òa niềm vui” cùng tôi ngày 30-4-1975 đó, trong đó có hầu hết bạn học, có mấy người biết định nghĩa lại cụm từ “giải phóng miền Nam?
Tôi không biết có mấy người hiểu được sĩ khí người làm tướng, khi không giữ được thành, được nước thì chết theo nước, theo thành, đó là tuẫn tiết chứ không “hèn nhát”.
Tôi không biết trong đó có bao người nhận ra mảnh đất hình chữ S nước nhà chuyển màu xám xịt từ lúc được “tô đỏ” hoàn toàn?
Tôi không biết linh hồn hai bạn đồng môn 9A, Vĩnh và Huỳnh, đã kịp góp xương máu trong trận chiến cuối cùng trên đường phố SG, để “Tổ Quốc ghi công”, các bạn đã được siêu thoát, hay vẫn còn là những oan hồn vất vưởng? Liệu các bạn có tự hào vì đã góp xương máu “giải phóng miền Nam” hay ngậm ngùi vì máu mình đã “tuôn chảy đúc ngai vàng”?
Tôi không biết, có mấy người biết được tác giả bài “Như có…” kia là một tên nghịch tử, bất hiếu?
Tôi không biết, không biết…
Tân Trân
Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1956721414642715&id=100009146257730