Nền Giáo Dục Đích Thực (P6)

(Education & Significance of Life. Krishnamurti. Chapter 2: The Right Kind of Education).

Người dịch: Trần Công Lân

101.Điều này có vẻ giản dị, nhưng thực sự nó là cả một cuộc cách mạng sâu xa. Nếu chúng ta suy nghĩ về nó chúng ta có thể thấy nó sẽ có kết quả lạ thường trên xã hội. Ở thời hiện tại phần đông chúng ta vào tuổi bốn mươi lăm hay năm mươi đã tàn tạ bởi việc nô lệ cho thói quen; qua sự khuất phục, qua sợ hãi và chấp nhận, chúng ta đã chấm dứt, mặc dù chúng ta vẫn tiếp tục tranh đấu trong một xã hội mà nó có rất ít ý nghĩa ngoại trừ cho kẻ thống trị nó và được an toàn. Nếu thầy giáo thấy điều này và chính ông ta thực sự hiện nghiệm; thì lúc bấy giờ có thể là bất cứ khí chất và khả năng của ông ta là gì đi nữa, việc dạy học của ông ta sẽ không là vấn đề thói quen nhưng sẽ thành một dụng cụ giúp đỡ.

102.Để hiểu biết đứa bé chúng ta phải theo dõi lúc nó nô đùa, chú ý đến những tâm tánh khác nhau của nó; chúng ta không thể phong chiếu lên nó những thiên kiến, hy vọng và sợ hãi của chúng ta, hay bắt ép nó thích ứng với khuôn mẫu của dục vọng từ chúng ta. Nếu chúng ta không ngớt phán đoán đứa bé tuỳ theo những cái thích và không thích của chúng ta thì chắc chắn chúng ta sẽ tạo ra hàng rào và chướng ngại trong việc tiếp xúc giữa chúng ta với nó, và trong các tương giao của nó với thế giới. Bất hạnh thay, hầu hết chúng ta đều khao khát uốn nắn đứa bé trong một lề lối để làm thỏa mãn cho những mộng ảo và những khí chất của chúng ta; chúng ta tìm ra nhiều đẳng cấp biến đổi của sự an lạc và thỏa mãn trong quyền sở hữu độc đoán và ngự trị.

103.Chắc chắn rằng quá trình này không phải là tương giao nhưng chỉ là sự đánh lừa và vì thế điều thiết yếu là hiểu biết sự khó khăn và khát vọng phức tạp để khuất phục nó. Việc đó có nhiều hình thức tinh diệu; và trong phương diện tự hợp lý của nó, thì nó rất bướng bỉnh. Cái khát vọng phụng sự với ham muốn thống trị từ vô thức thì khó lòng hiểu được. Có thể nào có được tình yêu nơi có sự chiếm hữu? Có thể nào chúng ta giao thiệp với kẻ mà chúng ta tìm kiếm sự chi phối được không? Thống trị chế ngự là sử dụng đến một cái gì khác cho sự tự thỏa mãn, và nơi nào có sự sử dụng cái gì khác ấy thì nơi ấy không hề có tình yêu.

104.Có tình yêu khi có sự đắn đo, cân nhắc không chỉ với các đứa bé nhưng cho mỗi con người. Trừ phi chúng ta bị va chạm một cách sâu xa bởi vấn đề, còn nếu không chúng ta sẽ không bao giờ tìm ra phương thức giáo dục thích đáng được cả. Chỉ thuần huấn luyện kỹ thuật không thôi không thể tránh được sự phi nhân và để giáo dục đứa bé, chúng ta phải nhạy cảm đối với toàn bộ vận hành của cuộc sống. Những gì mà chúng ta đang suy nghĩ, đang làm, đang nói là những đề mục vô hạn bởi vì nó tạo ra hoàn cảnh và hoàn cảnh hoặc giúp đỡ hoặc là ngăn trở đứa bé.

105.Thế thì điều hiển nhiên là người nào nào để tâm sâu xa đến vấn đề này sẽ phải bắt đầu hiểu biết mình và do đấy giúp vào việc chuyển hóa xã hội; chúng ta sẽ nhận ra trách nhiệm trực tiếp của chúng ta để tạo ra một tiến bộ mới mẻ cho giáo dục. Nếu chúng ta yêu thương con em chúng ta, chúng ta sẽ không tìm ra phương thức chấm dứt chiến tranh hay sao? Song nếu chúng ta chỉ dùng danh từ “yêu thương” không có bản chất, rồi thì toàn bộ vấn đề rắc rối thống khổ của con người vẫn y nguyên. Con đường thoát khỏi vấn đề này đi qua chính bản thân chúng ta. Chúng ta phải bắt đầu hiểu biết tương giao của chúng ta với những người lân cận của chúng ta, với tạo vật, với những ý tưởng và sự việc, bởi vì nếu không có sự hiểu biết thì không có hy vọng tìm ra lối thoát khỏi những chấp tranh và thống khổ.

106.Việc nuôi nấng dạy dỗ một đứa trẻ đòi hỏi sự quan sát thông minh và thận trọng. Những người lảo luyện và kiến thức của họ có thể chẳng bao giờ thay thế được tình yêu thương của cha mẹ, nhưng hầu hết các bậc làm cha mẹ đã phá hỏng tình yêu thương ấy bởi những hốt hoảng và dục vọng của họ, điều này quy định và làm sai lạc nhân sinh quan của đứa bé. Có ít người chúng ta liên quan với tình yêu đến thế, nhưng chúng ta chiếm chỗ lớn lao với sự xuất hiện của tình yêu.

107.Giáo dục hiện thời và cơ cấu xã hội không giúp chi cho đứa bé hướng đến tự do và sự hợp nhất toàn vẹn cả; và nếu cha mẹ ít nhất mong mỏi và ao ước đứa bé sẽ lớn lên với khả năng toàn vẹn đầy đủ nhất, thì họ phải bắt đầu sửa đổi ảnh hưởng ở nhà và khởi sự tạo ra những học đường với hạng thầy giáo đích thực.

108.Sự ảnh hưởng ở nhà và trường học dù bất cứ cách nào phải không được mâu thuẫn nhau, vậy nên cả cha mẹ lẫn thầy giáo phải giáo dục lại bản thân họ. Sự mâu thuẫn thường tồn tại giữa cuộc riêng tư của cá nhân và cuộc sống của đương sự như một phần tử của đoàn nhóm đã tạo ra một cuộc tranh đấu không ngừng trong bản thân đương sự và trong các tương giao của đương sự.

109.Sự tranh chấp này đã được cổ võ và chống đỡ qua các loại giáo dục sai lầm và cả chánh quyền lẫn các tổ chức tôn giáo lại thêm vào sự rối loạn bởi những giáo điều tương phản nhau của chúng. Đứa bé đã bị chia lià trong bản thân nó ngay từ lúc bắt đầu, mà kết quả là những tai họa trong cá nhân và ngoài xã hội.

110.Nếu chúng ta là những người yêu thuơng con em chúng ta và nhìn thấy sự khẩn thiết của vấn đề này sẽ hướng cả trí óc  và tâm hồn chúng ta về nó, rồi thì, tuy có thể chúng ta chỉ có một ít người thôi, qua sự giáo dục thích đáng và một hoàn cảnh gia đình thông minh chúng ta có thể giúp đỡ việc đào tạo nên những con người toàn diện; nhưng nếu, giống như đa số những người khác, chúng ta chất đầy tâm hồn  chúng ta với những kỹ xảo của tâm thức, rồi chúng ta tiếp tục nhìn thấy con em chúng ta bị hủy diệt trong các cuộc chiến tranh, nạn đói, và những cuộc tranh chấp tâm lý của riêng chúng.

111.Giáo dục đích thực đến với sự chuyển hóa bản thân chúng ta. Chúng ta phải giáo dục lại bản thân chúng ta không phải giết kẻ khác vì bất kỳ nguyên nhân nào, dù là chân lý, dù là bất cứ ý hệ nào, dù là sự hứa hẹn việc có thể xuất hiện một thế giới hạnh phúc tương lai nào. Chúng ta phải học hỏi để có lòng trắc ẩn, để bằng lòng với cái nhỏ nhoi, khiêm tốn, và để tìm kiếm cái tối thượng, vì chỉ lúc bấy giờ mới có việc thực sự giải thoát nhân loại mà thôi.

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s