Nền Giáo Dục Đích Thực (P3)

(Education & Significance of Life. Krishnamurti. Chapter 2: The Right Kind of Education).

Người dịch: Trần Công Lân

41.Nhà giáo dục xứng đáng nhìn thấy bên trong bản chất của tự do, giúp đỡ mỗi cá nhân học trò quan sát và hiểu biết những giá trị tự phóng chiếu và những cưỡng bách của nó; ông ta giúp đỡ nó trở nên ý thức đến những ảnh hưởng quy định xung quanh nó, và những khát vọng của nó, cả hai điều này giới hạn tâm trí nó và phát sinh sợ hãi; ông ta giúp đỡ nó, khi nó thành nhân, quan sát và hiểu biết  mình trong sự giao thiệp với tất cả sự vật, vì chính cái khao khát mãnh liệt cho sự thành tựu đó mang đến chấp tranh và phiền muộn vô hạn.

42.Chắc chắn rằng có thể giúp đỡ cá nhân nhận thức giá trị muôn đời của cuộc sống, mà không bị đặt điều kiện. Một số người có thể nói rằng sự phát triển cá nhân toàn vẹn sẽ dẫn đến hỗn loạn; nhưng nó sẽ có như vậy không? Sự hỗn loạn đã tồn tại trên thế giới rồi, và nó đã nổi lên bởi vì cá nhân không được giáo dục để tự biết mình. Trong khi đó thì đương sự được ban tặng một vài tự do hời hợt, đương sự cũng được dạy để làm đúng theo, để chấp nhận những giá trị hiện hữu.

43.Chống đối lại mối ràng buộc này, nhiều người đã nổi loạn; nhưng bất hạnh thay sự nổi loạn của họ chỉ là sự phản ứng tự tìm kiếm, nó chỉ làm đen tối thêm cuộc sinh tồn của chúng ta mà thôi. Nhà giáo dục xứng đáng, nhận thức xu hướng phản ứng của tâm thức, giúp đỡ các học trò sửa đổi những giá trị hiện tại, không phải vượt ra ngoài sự phản ứng chung, nhưng qua sự hiểu biết toàn bộ tiến trình cuộc sống.  Sự hợp tác đầy đủ giữa người và người không thể nào không có sự hợp nhất mà nền giáo dục đích thực có thể giúp đánh thức ở mỗi cá nhân.

44.Tại sao chúng ta không thể quả quyết rằng, hoặc chúng ta hay thế hệ sau, qua một nền giáo dục thích đáng, có thể làm thay đổi nền tảng tương giao của con người? Chúng ta không bao giờ cố gắng làm việc ấy cả; và hầu hết chúng ta có vẻ sợ sệt thứ giáo dục thích đáng. Không thực sự dò xét tìm tòi trong vấn đề này, chúng ta lại khẳng quyết rằng bản chất của con người là không thể thay đổi được, chúng ta chấp nhận những sự việc như nó là vậy và khuyến khích đứa bé thích hợp với xã hội hiện tại, và mơ ước đến điều tuyệt nhất. Nhưng có thể nào sự mô phỏng làm đúng theo những giá trị hiện tại, mà nó dẫn đến chiến tranh và hủy hoại, lại được coi là giáo dục chăng?

45.Chúng ta đừng đánh lừa chính mình là điều quy định này sẽ dẫn đến thông minh và hạnh phúc. Nếu chúng ta vẫn cứ sợ hãi, không có cá tính, lãnh đạm một cách vô vọng, có nghĩa là chúng ta không thực sự chú tâm đến việc khuyến khích cá nhân một cách trọng yếu để làm nở hoa tình yêu và thiện tâm, nhưng thích hơn để đương sự tiếp tục trong nỗi thống khổ mà chúng ta chồng chất lên bản thân chúng ta mà đương sự cũng là một phần.

46.Việc quy định một học sinh chấp nhận hoàn cảnh hiện tại hiển nhiên là hoàn toàn ngu xuẩn. Trừ phi chúng ta tình nguyện gây ra một vài thay đổi giáo dục tận căn gốc,  còn thì mãi mãi chúng ta có trách nhiệm trực tiếp cho những hỗn loạn và thống khổ, và sau cùng một vài cuộc cách mạng khổng lồ và tàn bạo xảy đến, nó sẽ chỉ đem đến cơ hội cho một nhóm người khác lợi dụng và hành động vô nhân đạo mà thôi. Mỗi nhóm quyền uy có những phương tiện đàn áp riêng của nó, dù là qua sự thuyết phục tâm lý hay sức mạnh tàn bạo.

47.Vì những lý do chính trị và kỹ nghệ, kỷ luật đã trở nên động lực quan trọng trong cơ cấu xã hội hiện nay, bởi khát vọng của chúng ta là sự an toàn tâm lý nên chúng ta chấp nhận và thực thi nhiều hình thức kỷ luật khác biệt nhau, kỷ luật bảo đảm kết quả, và đối với chúng ta thì cứu cánh quan trọng hơn phương tiện; nhưng phương tiện lại xác định cứu cánh.

48.Một trong những hiểm nguy của kỷ luật là hệ thống trở nên quan trọng hơn là những con người  bị bao bọc bởi những hệ thống ấy. Rồi thì kỷ luật trở nên thay thế cho tình yêu và vì trong tâm hồn chúng ta trống rỗng nên chúng ta đeo bám vào kỷ luật. Tự do có thể chẳng bao giờ đến qua kỷ luật, qua sự đề kháng cả; tự do không phải là một tiêu đích, mục tiêu để đạt đến. Tự do là ở lúc đầu tiên không phải ở cuối cùng, tự do không phải tìm kiếm được ở một vài lý tưởng xa vời.

49.Tự do không có nghĩa là cơ hội cho sự tự thỏa mãn hay đặt qua một bên sự lưu tâm đến những kẻ khác. Thầy giáo nào chưa thành sẽ che chở cho những em nhỏ và giúp chúng trong mỗi phương thức có thể được nhắm hướng tới nền giáo dục đích thực; nhưng nó sẽ không thể giúp ông ta làm được việc này  nếu chính  ông ta đã bị vướng mắc vào một ý hệ nào đó, dù sao ông cũng là người võ đoán và tự kỷ.

50.Tính mẫn cảm có thể không bao giờ đánh thức được qua sự cưỡng bách. Người ta có thể ép buộc một đứa bé im lặng bề ngoài, nhưng người ta không đối diện với điều làm cho nó bướng bĩnh, trơ trẽn và vân vân. Sự cưỡng bách tạo ra chống đối, sợ hãi. Việc tưởng thưởng và trừng phạt trong bất cứ hình thức nào chỉ làm cho đầu óc khép nép và khô khan; và nếu điều này là những gì ta ao ước, rồi thì giáo dục qua cưỡng bách là một đường lối tuyệt diệu để tiến tới. Song nền giáo dục như vậy không thể nào giúp chúng ta hiểu đứa bé, cũng chẳng thể nào xây dựng một hoàn cảnh xã hội thích đáng mà ở đấy chủ nghĩa phân ly, thù hận sẽ tồn tại. Trong sự yêu thương đứa bé đã tiềm ẩn giáo dục rồi. Song hầu hết chúng ta không yêu thương con em chúng ta; chúng ta là những tham vọng cho chính chúng ta, bất hạnh thay chúng ta quá bận rộn cho những hoạt động đầu óc nên chúng ta ít có thì giờ dành cho giáo dục của trái tim. Dù sao, kỹ luật bao hàm sự đề kháng, và có bao giờ sự đề kháng sẽ mang đến tình yêu chăng?  Kỷ luật chỉ đem đến những bức tường bao quanh chúng ta mà thôi; nó luôn luôn đưa đến đoán, đưa đến chấp tranh hơn bao giờ hết. Kỷ luật không góp phần vào việc hiểu biết; bởi vì hiểu biết đến với sự quan sát, với tra vấn, tìm tòi mà trong ấy tất cả thiên kiến đều đặt qua một bên.

51.Kỷ luật là một phương pháp dễ dàng để kiểm soát đứa bé, nhưng không giúp nó hiểu biết những vấn đề liên quan đến cuộc sống. Một vài hình thức cuỡng bách, kỷ luật trừng phạt và tưởng thưởng có thể cần thiết để duy trì trật tự và im lặng giữa một số đông học sinh trong một lớp học, nhưng nhà giáo dục đích với số học sinh ít hơn sẽ có bất cứ điều chế phục nào mà mọi cách lịch sự gọi là kỷ luật có cần dùng đến không? Nếu các lớp học nhỏ và thầy giáo có sự chú ý đầy đủ đến mọi đứa trẻ, quan sát và giúp đỡ nó thì sự cưỡng bách, chế ngự dưới bất cứ hình  thức nào hiển nhiên là không cần thiết. Nếu trong một nhóm như vậy, có một học sinh cứ một mực làm mất trật tự, hay tinh nghịch không hợp lý, thì nhà giáo dục phải dò xét nguyên nhân phẩm hạnh xấu xa của nó, có thể do sự ăn uống sai lầm, thiếu nghỉ ngơi, cãi vả trong gia đình hay một vài sợ hãi che khuất.

52.Điều tiềm ẩn trong nền giáo dục thích đáng là trau dồi tự do và thông minh, điều này không thể có được nếu có bất kỳ hình thức cưỡng bách nào với sự sợ hãi của nó. Dù sao, mối quan tâm của nhà giáo dục là giúp đỡ học sinh hiểu biết những sự phức tạp của toàn thể con người của nó. Để dò xét tìm hiểu nó triệt tiêu một phần trong bản tính của nó cho ích lợi của một vài phần khác là tạo ra trong con người nó một cuộc tranh chấp không dứt mà kết quả là sự chống đối nhau trong xã hội. Chính trí thông minh mang đến trật tự chứ không phải kỷ luật.

53.Sự tương hợp và vâng lời không có chỗ trong nền giáo dục đích thực. Sự hợp tác giữa thầy giáo và học trò không thể có được nếu không có tin thần tương thân tương ái, tôn kính lẫn nhau. Khi sự bày tỏ lòng tôn kính với người lớn hơn đòi hỏi nơi đứa bé, thường thường nó trở thành thói quen, chỉ là sự phô diễn bên ngoài, và sợ hãi chiếm lấy cái hình thức của lòng tôn kính. Không thể nào có được mối tương giao thiết yếu, đặc biệt khi thầy giáo chỉ là một dụng cụ cho kiến thức của ông ta.

54.Nếu thầy giáo đòi hỏi lòng tôn kính từ các học sinh của ông ta trong khi lại có rất ít điều ấy đối với chúng, thì hiển nhiên sự đòi hỏi ấy sẽ là nguyên nhân lãnh đạm và không tôn kính về phần chúng.  Không kính trọng sự sống của con người, kiến thức chỉ  dẫn đến hủy hoại và khốn khổ mà thôi. Việc trau dồi tôn kính với người khác là một phần thiết yếu của nền giáo dục đích thực, song nếu chính nhà giáo dục không có phẩm hạnh này, ông ta không thể giúp đỡ cho các học trò của ông tiến tới một cuộc sống toàn diện cả.

55.Thông minh là sự biện biệt của cái cốt yếu, và để nhận rõ cốt yếu ấy thì cần phải có tự do với những chướng ngại vật mà tâm thức phóng chiếu trong sự tìm kiếm điều bảo đảm và an lạc của nó. Sợ hãi không thể tránh được bao lâu mà tâm thức còn tìm kiếm sự bảo đảm an toàn; và dù sao khi con người đã tổ chức thành đoàn nhóm thì sự hiểu biết rốt ráo và thông minh đã bị hủy hoại rồi.

56.Mục đích của giáo dục đích thực là rèn luyện trau dồi mối tương giao chính mình không chỉ giữa cá nhân mà cũng là giữa cá nhân với xã hội; và đấy là lý do nó là điểm tối cần mà giáo dục nên, trước hết, giúp cá nhân hiểu biết cái tiến trình tâm lý của mình. Thông minh nằm trong sự hiểu biết bản thân mình, nhưng không thể có thông minh chừng nào còn có sự sợ hãi. Sợ hãi làm lệch hướng thông minh và là một trong những nguyên nhân của hành động ái ngã. Kỷ luật có thể đàn áp sợ hãi nhưng không trừ tuyệt nó được, và sự hiểu biết hời hợt mà chúng ta nhận được trong giáo dục hiện tại chỉ làm nó thêm bưng bít mà thôi.

57.Khi chúng ta còn trẻ, sợ hãi đã nhiễm vào hầu hết trong chúng ta cả khi ở nhà và ở trường học.  Cha mẹ và thầy giáo cũng chẳng có ai kiên nhẫn, thì giờ hay khôn ngoan để làm cho tiêu diệt cái bản năng sợ hãi của tuổi ấu thơ mà, khi chúng ta trưởng thành, nó ngự trị trên các thái độ và sự phán đoán của chúng ta và tạo ra rất nhiều vấn đề. Nền giáo dục đích thực phải xem xét nghiên cứu vấn đề sợ hãi này, bởi vì sợ hãi làm bại hoại toàn bộ viễn ảnh cuộc sống của chúng ta. Làm thế nào để không sợ hãi là bắt đầu khôn ngoan, và chỉ có nền giáo dục thích đáng mới có thể gây nên tự do từ sự sợ hãi mà duy chỉ điều ấy cũng là sâu xa và tạo ra trí thông minh rồi.

58.Tưởng thưởng hay trừng phạt cho bất cứ hành vi nào chỉ duy trì hành động ái ngã, vị kỷ  mà thôi. Hành động cho cái khác, nhân danh xứ sở, thượng đế, đưa đến sợ hãi; và sợ hãi không thể là căn bản cho hành động đúng được. Nếu chúng ta muốn giúp một đứa trẻ lưu tâm đến người khác, thì chúng ta sẽ không sử dụng tình yêu như một mua chuộc quyến rũ, nhưng dùng thời gian và lòng kiên nhẫn để giải thích những  phương thức của sự lưu tâm ấy.

59.Không có sự tôn kính người khác khi có một giải thưởng về việc đó, sự mua chuộc hoặc trừng phạt trở nên quan trọng hơn là cảm giác của lòng tôn kính. Nếu chúng ta không lưu tâm đến đứa bé nhưng chỉ trao tặng cho nó một phần thưởng hoặc đe dọa trừng phạt nó, chúng ta khuyến khích lòng ham lợi và sợ hãi. Bởi vì chính chúng ta đã được nuôi nấng, hành động cho cái kết quả, chúng ta không thấy rằng còn có hành động tự do với ước vọng và thủ lợi nữa.

60.Nền giáo dục đích thực sẽ cổ vũ tính thận trọng và sự lưu tâm đến những kẻ khác mà không quyến rũ hoặc đe dọa bất cứ loại nào. Nếu chúng ta không còn tìm kiếm cái kết quả tức thì, chúng ta sẽ bắt đầu thấy điều quan trọng như thế nào khi cả thầy và trò sẽ được tự do từ sợ hãi bị trừng phạt và hy vọng tưởng thưởng, và từ một hình thức khác của sự cưỡng bách, nhưng cưỡng bách sẽ tiếp tục chừng nào mà quyền uy còn là một phần của tương giao.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s