Nền Giáo Dục Đích Thực (P4)

(Education & Significance of Life. Krishnamurti. Chapter 2: The Right Kind of Education).

Người dịch: Trần Công Lân

61.Theo đuổi quyền uy có nhiều tiến bộ nếu người ta suy nghĩ trong nhiều giới hạn nguyên cớ cá nhân và lợi lộc; nhưng giáo dục dựa trên sự tiến bộ cá nhân và lợi lộc chỉ có thể xây dựng một cơ cấu xã hội cạnh tranh, chống đối lẫn nhau và phi nhân mà thôi. Đây là cái thứ xã hội mà chúng ta được nuôi nấng, và lòng cừu hận, sự hỗn loạn, xao xuyến của chúng ta là điều hiển nhiên rồi.

62.Chúng ta được dạy dỗ là đúng theo quyền uy của thầy giáo, của sách vở, của đảng phái, bởi vì nó có lợi lộc như thế. Những nhà chuyên môn trong mọi lãnh vực của cuộc sống, từ tu sĩ cho đến quan lại, đều túm lấy quyền uy và chế ngự đàn áp chúng ta, nhưng bất cứ chánh quyền hay thầy giáo nào sử dụng sự cưỡng bách có thể chẳng bao giờ tạo nên sự hợp tác trong tương giao mà nó là điều tối cần thiết cho sự an lạc xã hội.

63.Nếu chúng ta có mối tương giao chính đáng giữa con người thì sẽ không cần đến cưỡng bách hoặc ngay cả sự thuyết phục. Làm sao có thể có cảm tình và sự hợp tác chân thành giữa những người có quyền uy ấy? Bởi việc xem xét vô tư vấn đề quyền uy ấy và những liên quan của nó, bởi việc nhìn thấy khát vọng mạnh mẽ về quyền uy trong bản chất của nó là sự hủy diệt, lúc bấy giờ mới đi đến chỗ hiểu biết tự phát toàn thể tiến trình quyền uy ấy. Giây phút chúng ta truất phế quyền uy là giây phút chúng ta ở trong sự liên hợp và chỉ giây phút ấy mới có sự hợp tác cảm tình.

64.Vấn đề thực sự của giáo dục là nhà giáo dục. Ngay cả một nhóm nhỏ học  sinh cũng trở nên dụng cụ cho sự quan trọng cá nhân nếu ông ta dùng quyền uy như một phương tiện cho sự xả hơi của mình, nếu việc dạy học đối với ông ta chỉ là một thành tựu bành trướng. Nhưng chỉ thuần trí năng hay thỏa ước bằng lời liên quan đến những hiệu quả bấp bênh của quyền uy thì là ngu xuẩn và rỗng tuếch.

65.Cần phải có sự sáng suốt vô cùng trong nguyên cớ uẩn khúc của quyền uy và sự thống trị. Nếu chúng ta thấy rằng sự thông minh chẳng bao giờ có thể đánh thức qua sự cưỡng bách thì trực thức rốt ráo của sự kiện ấy sẽ thiêu hủy những sợ hãi hốt hoảng của chúng ta, và lúc bấy giờ chúng ta sẽ bắt đầu triển khai một hoàn cảnh mới mà nó sẽ tuơng phản và siêu việt với trật tự xã hội hiện thời.

66.Để hiểu biết ý nghĩa cuộc sống với những chấp tranh và đớn đau của nó, chúng ta cần phải suy tưởng độc lập với bất cứ quyền uy nào, kể cả quyền uy của tổ chức tôn giáo, nhưng nếu trong khát vọng của chúng ta là giúp đứa bé mà chúng ta đặt trước  nó những khát vọng của quyền uy, chúng ta sẽ chỉ khuyến khích sợ hãi, mô phỏng bắt chước các hình thức mê tín khác mà thôi.

67.Những người có khuynh hướng tôn giáo đã cố du nhập vào đứa bé tín ngưỡng hy vọng và sợ hãi mà ngược lại những điều ấy chúng cũng đã nhận được ở cha mẹ chúng rồi; và những người chống tôn giáo thì cũng sốt sắng ngang nhau để ảnh hưởng đứa bé chấp nhận các thức suy tưởng đặc biệt mà họ ngẫu nhiên theo đuổi. Tất cả chúng ta đều muốn con em chúng ta chấp nhận hình thức tôn sùng hay ghi nằm lòng ý thức hệ chọn lọc của chúng ta. Việc vướng mắc vào những hình ảnh hay định thức thật là dễ dàng dù nó đã được tạo ra bởi chính chúng ta hay những kẻ khác, và vì lẽ ấy cần thiết phải để ý và cẩn thận hơn bao giờ hết.

68.Những gì mà chúng ta gọi là tôn giáo chỉ là tín ngưỡng đã được tổ chức với những tín điều, nghi lễ, huyền thoại và mê tín của nó mà thôi. Mỗi tôn giáo có kinh sách thiêng liêng riêng, những người làm môi giới, những tu sĩ và những cách thức đe dọa cầm giữ dân chúng của nó. Hầu hết chúng ta đã bị tất cả những thứ nói trên  quy định, đóng khuôn mà nó gọi là giáo dục tôn giáo; nhưng sự quy định này đặt con người chống lại con người, nó tạo nên sự tương phản, không chỉ giữa các tín đồ nhưng cũng là giữa những người có tín ngưỡng khác nhau. Mặc dù tất cả tôn giáo đều quả quyết rằng họ thờ phượng thượng đế và nói rằng chúng ta phải yêu thương, các tôn giáo đã thâm nhiễm sợ hãi qua những giáo lý thưởng phạt và qua những tín điều cạnh tranh của họ, họ mãi mãi ngờ vực và chống đối lẫn nhau.

69.Tín điều, huyền thoại, nghi lễ không đưa đến một cuộc sống tâm linh. Giáo dục tôn giáo trong ý nghĩa đích thực của nó là khuyến khích đứa bé hiểu biết mối tương giao của nó với người, sự việc và thiên nhiên tạo vật. Không có sự hiện hữu nào mà không có tương giao, và không có sự tự hiểu biết, tất cả tương giao, với một hay nhiều người, đem đến chấp tranh và phiền muộn. Dĩ nhiên giải thích đầy đủ điều này cho một đứa bé là điều không thể được; nhưng nếu nhà giáo dục và cha mẹ hiểu biết sâu xa, hoàn toàn ý nghĩa tương giao thì lúc bấy giờ bằng thái độ của họ, hạnh kiểm và lời nói chắc chắn sẽ truyền đạt cho đứa bé mà không cần phải quá nhiều lời và những điều giải thích ý nghĩa của cuộc sống tâm linh.

70.Cái gọi là giáo huấn tôn giáo của chúng ta không tán đồng việc đặt vấn nạn và ngờ vực, song le, chỉ khi nào chúng ta tìm tòi ý nghĩa của những giá trị mà xã hội và tôn giáo đã đặt xung quanh chúng ta thì khi ấy chúng ta mới bắt đầu tìm ra những cái gì thực thụ là chân lý. Quan sát một cách sâu xa những ý nghĩ và những cảm xúc của mình thì đấy chính là sứ mạng của nhà giáo dục để đặt sang một bên những giá trị đã cho ông ta điều bảo đảm và an lạc, bởi vì chỉ lúc ấy ông ta mới có thể giúp các học sinh của ông tự nhận thức và hiểu biết những thôi thúc và sợ hãi của chúng.

71.Thời gian không nghĩa gì khi một người còn trẻ; và đối với những kẻ lớn tuổi hơn, nếu chúng ta có sự hiểu biết, giúp tuổi trẻ tự do với những chướng ngại mà xã hội đã cưỡng bức trên chúng, cũng như từ những điều mà chính chúng đã phóng chiếu. Nếu đầu óc và trái tim đứa bé không bị đóng khuôn bởi những dự tưởng và những thành kiến tôn giáo thì lúc bấy giờ nó sẽ tự do khám phá qua sự tự hiểu biết những gì đã nói trên và vượt quá bản thân nó.

72.Nếu tôn giáo đích thực thì không phải là một lô những tín ngưỡng và nghi lễ, những hy vọng và sợ hãi; và nếu chúng ta cho phép đứa bé trưởng thành không bị những chướng ngại này  ảnh hưởng, thì có lẽ khi nó già dặn, nó sẽ bắt đầu dò xét cái bản chất của thực tại, của Thượng đế. Đó là vì lẽ gì, trong việc dạy dỗ đứa trẻ, sự hiểu biết và sáng suốt là điều cần thiết.

73.Hầu hết những người có khuynh hướng tôn giáo, họ đều nói về Thượng đế  và sự bất tử, song từ căn để họ không tin vào sự tự do và toàn vẹn của cá thể, tuy rằng tôn giáo là sự trau dồi tự do trong việc tìm kiếm chân lý. Có thể là không hề có sự hòa giải với tự do. Tự do từng phần cho cá nhân thì đó không phải là tự do gì cả. Sự quy định đóng khuôn bất cứ loại nào, dù là chính trị hay tôn giáo đều không phải là tự do và nó sẽ chẳng bao giờ đem đến hòa bình.

74.Tôn giáo không phải là một hình thức quy định đóng khuôn. Đấy là một trạng thái tĩnh lặng mà trong ấy có thực tại, Thượng đế; song trạng thái sáng tạo ấy chỉ có thể hiển hiện khi có sự tự hiểu biết và tự do. Tự do mang đến đức hạnh, và không có đức hạnh là không có trạng thái tĩnh lặng ấy. Tâm thức tĩnh lặng an nhiên thư thái không phải là một tâm thức bị quy định đóng khuôn cũng chẳng phải kỷ luật hay huấn luyện mà có được sự tĩnh lặng ấy. Sự tĩnh lặng an nhiên chỉ đến khi tâm thức hiểu biết những vận hành của riêng nó, mà nó cũng là những hành vận của bản ngã.

75.Tổ chức tôn giáo đã đóng băng tư tưởng con người lại, mà ở bên ngoài y xây dựng đền chùa, nhà thờ; nó trở thành nguồn an ủi cho nỗi sợ hãi hoảng hốt, một chất nha phiến cho những kẻ sầu tư, phiền muộn. Song Thượng đế hay sự thật thì siêu việt quá bên kia tư tuởng và những đòi hỏi thuộc về tình cảm. Các bậc cha mẹ và thầy giáo nhận ra tiến trình tâm lý tạo ra sợ hãi và sầu tư sẽ có thể giúp đứa bé quan sát và hiểu biết những chấp tranh và điều khổ tâm của nó.

76.Nếu chúng ta là những người lớn hơn có thể giúp những đứa bé, khi chúng trưởng thành, để suy tưởng một cách điềm tĩnh và minh bạch, để yêu thương mà không sinh thù hận, thì còn điều gì đáng làm hơn nữa? Nhưng nếu chúng ta cứ không ngớt chận họng kẻ khác, nếu chúng ta không có khả năng tạo nên trật tự và hòa bình trên thế giới bằng cách thay đổi sâu xa chính con người của chúng ta thì đâu là giá trị của những kinh sách thiêng liêng và những huyền thoại của những tôn giáo khác nhau?

77.Giáo dục tôn giáo thực sự là giúp đỡ đứa bé nhận thức một cách thông minh, để tự mình phân biệt cái nhất thời và cái thực sự, và để có sự vô tư tiến đến cuộc sống; và điều đó sẽ không có nghĩa gì hơn là bắt đầu mỗi ngày ở nhà hay ở trường học với tư tuởng nghiêm trang đúng đắn hơn, hoặc đọc sách với một tinh thần trang trọng  và có chiều sâu, hơn là lầm bầm một vài chữ hay những câu thường lập lại?

78.Các thế hệ đã qua với những tham vọng, truyền thống và lý tưởng của họ đã mang đến thống khổ và hủy hoại cho thế giới; có lẽ những thế hệ tới, với một nền giáo dục thích đáng; nếu họ có thể chấm dứt sự xáo trộn này và xây dựng một xã hội trật tự hạnh phúc hơn. Nếu những người trẻ có tinh thần tìm tòi dò xét; nếu họ không ngừng tìm kiếm chân lý ở tất cả sự việc chính trị và tôn giáo, cá nhân và hoàn cảnh, rồi thì tuổi trẻ sẽ có cái ý nghĩa trọng đại và có hy vọng cho một thế giới tốt lành hơn.

79.Hầu hết các em bé đều tò mò, chúng muốn hiểu biết; nhưng sự say mê tìm tòi đã bị làm cho khô cạn đi bởi những khẳng định trịnh trọng của chúng ta, sự hách dịch nóng nảy và hờ hững của chúng ta đã vứt tính tò mò của chúng qua một bên. Chúng ta không khuyến khích tính tìm tòi dò xét của chúng, bởi vì chúng ta có phần nhút nhát ở những gì được hỏi đến, chúng ta không tán trợ tinh thần bất bình của chúng, bởi vì chính chúng ta không còn tìm tòi tra vấn nữa.

80.Hầu hết cá bậc cha mẹ và thầy giáo đều sợ cái tinh thần bất bình ấy bởi vì nó quấy rầy đến tất cả những hình thức bảo đảm an toàn, và như vậy họ khuyến khích đứa trẻ chế ngự tinh thần ấy qua những nghề nghiệp an toàn, thừa kế, hôn nhân và niềm nguôi ngoai của tín điều tôn giáo. Những người lớn tuổi hơn chỉ biết qua rõ những phương thức làm nhục trí óc và trái tim, tiếp tục làm cho đứa bé khô khan như họ bởi việc ghi khắc vào nó những uy quyền, truyền thống và những tín ngưỡng mà chính họ đã chấp nhận.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s