Ghi Chú NL: Lại một lần nữa xin giới thiệu với các bạn bài viết của Võ Hồng Ly. Qua bài viết này chúng ta thấy được trình độ của những người sinh viên VN đi du học ở các trường đại học nước ngoài. Câu chuyện đang nói về du học sinh VN đến Châu Âu học nhưng thực tế thì câu chuyện nên áp dụng cho tất cả du học sinh của VN đến các quốc gia trên toàn thế giới để du học. Ở tại Mỹ, cách đây hơn 10 năm, một cô bạn ở San Jose đi học thêm ở đại học để trau giồi nghề nghiệp của mình thì một du học sinh từ VN kêu người bạn học giùm để trả tiền và bảo rằng học dễ lắm. Người bạn ở San Jose trả lời là nếu dễ sao em không học mà lại muốn chị học giùm. Dĩ nhiên, những người Việt ở Mỹ hiểu rõ học không phải dễ (tuy nhiên cũng không khó nếu có chí thì sẽ học xong đại học) và chẳng ai dại gì học giùm cho người khác bởi vì lương tâm của một con người không thể nào làm chuyện đó, cho dù thù lao trả khá lớn. Hãy cứ tưởng tượng với du học sinh thuộc loại nhờ học giùm (hay thi giùm) về VN để nắm chức vụ lãnh đạo bởi thuộc loại con ông cháu cha thì đất nước xuống cấp là điều cũng chẳng có gì lạ. Ông tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng cho rằng không biết cái xhcn ra sao và có xảy ra vào cuối thế kỷ này hay không — nhưng ông ta (và đãng ông ta) vẫn tiếp tục bắt cả dân tộc theo cái xhcn đó thì cũng đủ chứng minh trình độ lãnh đạo của bộ chính trị ra sao rồi. Họ giỏi trong vấn đề Hèn Với Giặc, Ác Với Dân ngoài ra họ chẳng có cái gì giỏi hơn những người thất học ngoài đường phố.
Hôm qua, sau buổi làm việc với một số đối tác sang Việt Nam làm về chương trình hợp tác giáo dục, tôi đã rủ cả đoàn đi café ghế bệt vì có hai người bạn đến từ Châu Âu chỉ muốn thử cho bằng được một ly “café sữa đá” trên vỉa hè Sài Gòn.
Buổi nói chuyện đã diễn ra khá thú vị và có nhiều điều phải suy nghĩ. Các bạn ấy đều là những chuyên gia nghiên cứu tuy còn trẻ nhưng rất tâm huyết với các đề án liên quan đến trao đổi và nghiên cứu về giáo dục. Trưởng nhóm là người khoảng ngoài 40 tuổi và đã từng sống hai năm ở Hà Nội trong những năm 2000. Anh đã đưa ra cho chúng tôi những nhận xét về chất lượng cũng như trình độ của sinh viên Việt Nam trong những năm qua. Theo anh, càng ngày trình độ của sinh viên Việt Nam sang Châu Âu du học càng thụt lùi và tỉ lệ nghịch hoàn toàn với tốc độ phát triển kinh tế mà Việt Nam luôn chứng tỏ với thế giới.
Người trưởng nhóm ấy đã chia du học sinh Việt Nam thành hai nhóm: Nhóm du học trước năm 2010 và từ 2011 trở về đây. Thật ra tôi thấy sự phân chia này chỉ mang tính cá nhân và khá là tương đối nhưng anh ấy cho rằng du học sinh Việt Nam trước năm 2010 là những người có thực lực và ý chí thật sự. Phần lớn trong nhóm này là những người đi du học do đạt được học bổng của chính phủ hay của một trường mà họ sẽ theo học ở Châu Âu. Số ít còn lại đã lựa chọn du học theo con đường tự túc. Người trưởng nhóm đã có nhiều năm tiếp xúc với sinh viên Việt Nam trước năm 2010 và đã đánh giá rất cao năng lực, tính khiêm tốn học hỏi cũng như sự chuyên cần của nhóm này. Phần lớn họ đã chọn sống trong khu nhà nội trú dành cho sinh viên của trường. Ngoài giờ lên giảng đường và đi thư viện thì họ luôn cố gắng tranh thủ đi làm thêm hai ngày cuối tuần để trang trải cuộc sống nơi đất khách thay vì bắt gia đình phải gửi tiền sang. Họ là những con người độc lập, cầu tiến và chăm chỉ nên ngay khi chưa tốt nghiệp họ đã xin đi thực tập nhiều nơi để tạo mối quan hệ nhằm có thể xin được một công việc sau khi học xong.
Từ năm 2010, lượng du học sinh đến từ Việt Nam đã tăng đột biến. Họ thường đi theo con đường tự túc do gia đình có điều kiện hơn nhưng năng lực lại yếu hơn hẳn. Họ không chọn ở ký túc xá vì phòng ở vốn đã chật hẹp lại còn bị mất tự do vì phải tuân thủ nội quy sinh hoạt của ký túc xá. Có những bạn ham chơi và vì có điều kiện kinh tế nên đã tranh thủ xin nghỉ cả học để đi chơi khắp các tỉnh và các nước lân cận trong khối Schengen. Có bạn do không theo nổi chương trình học nên đã trở thành lười biếng. Có bạn đi học chỉ để điểm danh và hay biến mất sau giờ nghỉ giải lao. Có những bạn sau 5 năm học, dù đã tốt nghiệp nhưng trình độ ngôn ngữ vẫn rất hạn chế và khó tìm được công việc tốt sau khi ra trường. Một số bạn đã lựa chọn kết hôn, kể cả kết hôn giả để có thể ở lại trời Âu một cách hợp pháp. Một số bạn thì về ngay Việt Nam do có bố mẹ làm to đã bố trí sẵn công việc sau khi tốt nghiệp. Số còn lại lao đao nhưng do không gia hạn được visa lưu trú nên cũng phải chấp nhận về lại Việt Nam và nộp đơn vào những công ty nước ngoài rồi đòi mức lương có giá “trên trời” vì nghĩ đã có bằng cấp Châu Âu.
Tôi hoàn toàn chia sẻ ý cuối cùng này của người trưởng nhóm vì nơi tôi làm việc đều nhận được rất nhiều hồ sơ của các bạn cựu du học sinh gửi vào xin việc hàng ngày dù chúng tôi không có một vị trí nào cần tuyển dụng cả. Những bạn phải quay về Việt Nam đứng ở vị trí tiến thoái lưỡng nan: vừa không thể làm việc cho nhà nước hay công ty tư nhân có vốn đầu tư Việt Nam vì lương quá thấp và môi trường làm việc thiếu năng động, vừa không thể làm việc cho công ty nước ngoài do các bạn đòi mức lương và các điều kiện bảo hiểm, an sinh xã hội cao như ở phương Tây. Có những trường hợp khi tất cả các điều kiện cao đã đạt được thì lần này chính năng lực làm việc của các bạn lại không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Cao không tới, thấp không thông là tình cảnh của những người bạn này. Có những bạn tôi quen khi về rồi mới biết là số tiền bố mẹ gửi sang cho các bạn là do vay thế chấp ngân hàng nhưng không cho các bạn biết. Có bạn khi gặp lại đã ôm chầm lấy tôi mà khóc ân hận vì đã chi tiêu phung phí, giờ chỉ mong tìm một công việc với mức lương 700 hoặc 800 đô la/ tháng cũng không xong. Giờ thì có bạn vẫn còn đang phải chịu sự nhiếc móc, dằn vặt của gia đình mỗi ngày vì “cái tội quay về”…
Trong bài viết này, tôi xin phép không dám vơ đũa cả nắm cho những ai đi du học trước hay sau năm 2010. Đây chỉ là một sự chia sẻ về những gì có thật đã và đang xảy ra trong xã hội của chúng ta. Thật ra phải rơi vào hoàn cảnh trớ trêu này, các bạn ở nhóm cuối cùng cũng chỉ là nạn nhân của sự kỳ vọng và của việc tranh đua thể hiện đẳng cấp giữa các bậc phụ huynh khi chỉ muốn gửi con cái ra nước ngoài mà không hề tìm hiểu năng lực thật sự cũng như nguyện vọng của các con mình.
Cuối cùng, không phải cứ đi du học ở nước ngoài mới là thành đạt và cũng không phải chỉ học trong nước là sẽ gặp thất bại. Môi trường học dù quan trọng nhưng thành bại trong cuộc sống còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố cá nhân khác như năng lực, ý chí, mục tiêu phấn đấu và cả một phần may mắn nữa. Rất mong các bậc cha mẹ và các bạn trẻ hãy sáng suốt và có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình.
10.09.2017
Võ Hồng Ly
Nguồn: https://www.facebook.com/hongly.vo.35/posts/10155684495014520
Theo bác. Trước khi một người Việt Nam sang du học nước ngoài, nên chuẩn bị trước những kiến thức, kỹ năng gì để phục vụ học tập ( bên cạnh học ngôn ngữ bản xứ). Xin cám ơn.
“Trước khi một người Việt Nam sang du học nước ngoài, nên chuẩn bị trước những kiến thức, kỹ năng gì để phục vụ học tập ( bên cạnh học ngôn ngữ bản xứ)”.
Đây là một câu hỏi rất quan trọng và câu trả lời có thể không phải là một mà là nhiều câu trả lời khác nhau, tùy theo cái nhìn của người trả lời câu hỏi này.
Chuẩn bị đầu tiên là tinh thần học hỏi không phải theo khuôn mẫu của bài vở mà luôn luôn phải vượt lên bài vở. Khi thầy cô giáo giảng bài, khi đọc một quyển sách nào đó thuộc về chuyên môn, người học phải tự đặt câu hỏi với chính mình tại sao sách viết như thế này, thầy cô giảng như thế này. Từ đó người học phải dùng kỷ thuật mổ xẻ, phân tích để rồi đặt những câu hỏi ngược lại với thầy cô khi mà bài học, hoặc bài giảng so với thực tế có phần không đúng.
Chuẩn bị thứ hai là xem thầy cô giáo là những Con Người, luôn luôn có những khuyết điểm và những điều thầy cô giáo giảng chưa chắc đúng 100% và học sinh phải luôn luôn chuẩn bị ý kiến phản biện của chính mình. Vấn đề này rất là quan trọng đặc biệt những đề tài học về sử, triết, hoặc xã hội học. Bởi cũng cùng một cái nhìn về sử, thầy cô giáo có góc nhìn khác (không có nghĩa là sai mà là nhìn ở một góc độ nào đó) với những cá nhân khác bởi những cá nhân đó có kinh nghiệm và đứng từ góc nhìn khác. Luôn luôn sẵn sàng chất vấn thầy cô giáo không phải để tỏ sự hiểu biết của mình mà là để tự mình đánh giá cái nhìn của mình đúng hay sai, hoặc cái nhìn của người khác đúng hay sai. Nếu cái nhìn người khác đúng thì tại sao là đúng và nếu cái nhìn người khác đúng thì chưa chắc cái nhìn của mình sai. Đây là vấn đề mang nặng về trí tuệ và tư duy. Khi học sinh có trí tuệ và tư duy cao thì sẽ luôn luôn chất vấn những vấn đề thầy cô giáo giảng chứ không phải thuần túy lắng nghe mà không làm sự so sánh với thực tế, với kinh nghiệm của bản thân.
Chuẩn bị thứ ba là đừng xem mình hiểu biết hơn người và cũng đừng xem người hiểu biết hơn mình. Có những cái mình giỏi hơn người và ngược lại có những cái mình thua người. Phát hiện những cái giỏi để tiếp tục nâng cao và đồng thời phát hiện những cái dỡ để cố gắng cải thiện ngày càng tốt hơn. Đây là tinh thần không tự ti mà cũng không tự tôn.
Chuẩn bị thứ tư là phải luôn luôn theo dõi sinh hoạt của đất nước mình du học để tìm hiểu cuộc sống của người dân ra sao, xã hội sinh hoạt ra sao và chính mình học hỏi gì từ đó. Cái mà người Việt sai lầm rất nhiều là chỉ dồn sức học vào ngành nghề mà quên đi chuyện xã hội, quên đi quan hệ giữa con người với xã hội và ngược lại. Phải nhìn rõ sinh hoạt ở đất nước mình du học để tự mình học hỏi cho chính mình, tự mình đặt câu hỏi cho chính mình phải làm gì, làm thế nào, làm ra sao dưới một cơ chế hoàn toàn khác biệt nơi quốc gia mình du học.
Xin trả lời với vài điểm ngắn ngọn tuy vẫn chưa đủ, nhưng trong phạm vi đối thoại này, chỉ tạm dừng với những kinh nghiệm cá nhân để trả lời câu hỏi của bạn. Cám ơn câu hỏi rất là đáng quý của bạn.