Nền Giáo Dục Đích Thực (P2)

(Education & Significant of Life. Krishnamurti. Chapter 2: The Right Kind of Education).

Người dịch: Trần Công Lân

21.Giữa hiện tại và tương lai có một lỗ hổng mênh mông mà trong đó có nhiều ảnh hưởng tác động lẫn nhau trên chúng ta, và trong việc hy sinh hiện tại cho tương lai, chúng ta theo đuổi một phương tiện sai lầm cho một cứu cánh có lẽ đúng. Nhưng phương tiện quyết định cứu cánh, và ngoài ra, chúng ta là ai mà dám quyết định những gì con người nên là? Bằng những gì là đúng chúng ta tìm kiếm sự nhào nặn đương sự theo một kiểu mẫu đặc biệt, học hỏi ở một vài quyển sách hay quyết định bởi những tham vọng, hy vọng và sợ hãi riêng rẽ của chúng ta?

22.Nền giáo dục đích thực không can dự gì vào bất cứ ý hệ nào, tuy có thể nó có nhiều hứa hẹn cho một ảo tưởng tương lai; nó không dựa trên bất cứ hệ thống nào, tuy rằng bằng cách chuyên chú  có thể suy nghĩ ra; nó cũng không phải là phương tiện quy định cá nhân trong một vài thể cách đặc biệt nào. Giáo dục trong ý nghĩa đích thực là giúp đỡ cá nhân già dặn và tự do, một cách trọng đại thì nó làm nở hoa tình yêu và thiện tâm. Đấy là những gì mà chúng ta cần chú tâm đến, và không phải là việc uốn nắn đứa trẻ theo môt khuôn mẫu lý tưởng nào.

23.Bất cứ phương tiện nào mà sắp hạng các em theo khí chất và bản tính thì chỉ nhấn mạnh vào những khác biệt của chúng mà thôi; điều đó sinh ra sự tương phản, khuyến khích sự phân ly trong xã  hội và không giúp phát triển những con người toàn vẹn. Hiển nhiên là chẳng có phương pháp hoặc hệ thống nào có thể cung cấp một nền giáo dục đích thực cả, và sự bám chặt vào một phương pháp đặc biệt nào đó biểu lộ sự biếng nhác về phần thầy giáo. Bao lâu giáo dục còn dựa trên những nguyên tắc đã được sửa soạn từ trước thì nó có thể làm cho nam nữ công dân trở thành những người có hiệu năng, nhưng nền giáo dục ấy không thể đào tạo những con người sáng tạo.

24.Chỉ có tình yêu mới có thể gây ra sự hiểu biết kẻ khác. Nơi nào có tình yêu thì nơi ấy tức thì có sự liên lạc với kẻ khác, trong cùng một bình diện và đồng lúc. Chính vì chúng ta quá khó khăn, trống rỗng và không có tình yêu nên chúng ta đã để cho các chính quyền, hệ thống săn sóc sự giáo dục con em chúng ta và điều hướng cuộc sống của chúng ta; nhưng các chính quyền thì muốn hiệu năng kỹ thuật chứ không phải những con người trở nên nguy hiểm cho chế độ – và tổ chức tôn giáo cũng vậy. Đó là vì sao chính quyền và tôn giáo tìm cách kiểm soát giáo dục.

25.Đời sống không thể làm đúng theo một hệ thống, hay bắt ép vào một khuôn khổ, tuy rằng đã được nhận thức một cách cao quý; một tâm trí chỉ được huấn luyện với kiến thức thực tế không có khả năng đối diện với sự đa dạng, tinh diệu, sâu xa và hết sức cao vời của cuộc sống. Khi chúng ta huấn luyện con em chúng ta theo một hệ thống tư tưởng hay một kỹ thuật đặc biệt nào đó, khi chúng ta dạy chúng suy nghĩ trong vòng những chia cách từng phần, đã ngăn chặn đứa trẻ trở nên những nam nữ công dân toàn vẹn; và vì lẽ ấy chúng không có khả năng suy tưởng một cách thông minh là đối diện với cuộc sống như một toàn thể.

26.Sứ mạng cao cả nhất của giáo dục là đào tạo một cá nhân hoàn toàn là người có khả năng giao tiếp với cuộc sống như một toàn thể. Nhà lý tưởng, cũng như nhà chuyên môn thì không hề quan tâm đến cái gì toàn thể cả, mà chỉ chú trọng đến từng phần. Không thể nào có sự toàn vẹn bao lâu chúng ta còn theo đuổi một kiểu mẫu lý tưởng, hành động nào đó; và hầu hết các thầy giáo đều là những  nhà lý tưởng chủ nghĩa, họ đã dẹp bỏ tình yêu qua một bên, họ đã làm cho tâm trí khô khan và trái tim cằn cỗi. Để tìm hiểu đứa trẻ, ta phải cẩn thận, chu đáo, lưu ý, tự ý thức và sự đòi hỏi này còn thông minh và xúc động lớn lao hơn là sự khuyến khích người ta theo đuổi một lý tưởng.

27.Một sứ mạng khác của giáo dục là sáng tạo nên những giá trị mới. Chỉ ghi khắc vào đầu đứa trẻ những giá trị hiện hữu, bắt nó làm theo những lý tưởng là quy định nó mà không đánh thức trí thông minh của nó. Giáo dục đã liên quan mật thiết với những khủng khoảng của thế giới hiện nay, và nhà  giáo dục nhìn thấy những nguyên nhân của sự hỗn loạn sẽ tự hỏi mình làm thế nào để giúp thế hệ tương lai tránh những tranh chấp và tai ương. Ông ta phải dâng hiến tất cả tư tưởng, sự chú tâm và cảm tình của mình để sáng tạo nên hoàn cảnh thích đáng để phát triển sự hiểu biết, do đó khi đứa trẻ trở nên già dặn chúng sẽ có khả năng giao tiếp một cách thông minh với những vấn đề của con người đặt ra trước đó. Nhưng để làm điều ấy nhà giáo dục phải hiểu mình thay vì chỉ tin cậy vào những ý thức hệ, hệ thống và tín ngưỡng.

28.Chúng ta hãy tạm ngưng suy nghĩ về những giới hạn của các nguyên tắc và lý tưởng, nhưng hãy liên quan với sự việc như chúng là như vậy, bởi vì chính sự khảo sát cái tự tại (what is) đánh thức trí thông minh của nhà giáo dục còn quan trọng hơn là kiến thức về phương pháp giáo dục mới của ông ta. Khi người ta chạy theo một phương pháp, cho dù phương pháp ấy được làm ra bởi một người thông minh và thâm trầm, thì phương pháp đã trở nên rất quan trọng, và các em chỉ quan trọng khi nào chúng thích hợp vào phương pháp ấy mà thôi . Người ta đo lường và sắp hạng đứa bé và lúc bấy giờ tiếp tục dạy dỗ nó theo một vài đồ biểu.

29.Tiến trình này của giáo dục có thể thuận lợi cho thầy giáo nhưng việc không thực hành một hệ thống cũng chẳng áp chế ý kiến thì bấy giờ việc học mới có thể đưa đến một con người toàn diện.

30.Nền giáo dục đích thực bao gồm sự hiểu biết đứa bé như nó là mà không cưỡng bách nó theo một lý tưởng nào mà chúng ta nghĩ rằng nó sẽ là. Giam hãm nó trong một khung khổ lý tưởng nào là khuyến khích nó làm đúng theo khuôn khổ ấy, điều đó sinh ra sự sợ hãi và tạo ra trong con người nó sự tranh chấp không bao giờ ngớt giữa những gì nó là và những gì nó sẽ là; và tất cả những cuộc tranh chấp bên trong đều biểu lộ ra ngoài xã hội.

31.Bậc làm cha mẹ thực sự ao ước hiểu biết con cái mình không nhìn nó qua tấm màn của một lý tưởng nào. Nếu quý vì ta yêu thương đứa bé thì hãy quan sát nó, nghiên cứu những xu hướng, trạng thái, đặc tính của nó. Chỉ khi nào người ta không cảm thấy yêu thương đứa bé thì mới cưỡng bách nó theo một lý tưởng, bởi vì lúc bấy giờ những tham vọng của ta là cố gắng thành tựu bản thân chúng ta trong đứa bé, muốn nó trở nên điều này, điều nọ. Nếu người ta yêu thương, không phải lý tưởng, những đứa bé, thì có thể giúp đỡ nó hiểu biết mình như nó đang là.

32.Ví dụ, nếu một đứa bé nói dối, thì có giá trị gì khi đặt trước nó cái lý tưởng của sự thực?  Ta phải tìm ra vì sao nó nói dối. Để giúp đỡ đứa bé, ta cần phải có thì giờ nghiên cứu và quan sát nó, điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn, tình yêu và sự cẩn trọng; nhưng khi người ta không có tình yêu, không hiểu biết, bấy giờ người ta bắt ép đứa bé vào một khuôn mẫu hành động mà chúng ta gọi là lý tưởng.

33.Các lý tưởng là một đào thoát rất tiện lợi và thầy giáo nào theo đuổi chúng thì không sao có khả năng hiểu biết các học trò của ông và tiếp xúc với chúng một cách thông minh được; đối với ông ta  cái ý tưởng tương lai, cái những gì sẽ là, quan trọng hơn đứa bé hiện tại. Việc theo đuổi lý tưởng đã trục xuất tình yêu, và không có tình yêu thì không có một vấn đề nào của con người có thể giải quyết được cả.

34.Nếu thầy giáo là người đứng đắn, ông sẽ không lệ thuộc vào phương pháp, nhưng sẽ lưu ý đến mỗi cá nhân học trò. Trong tương giao với các đứa bé và người trẻ tuổi, chúng ta không tiếp xúc với những sở thích máy móc có thể nhanh chóng tu bổ lại, nhưng với những con người sống động, đa cảm, nhẹ dạ, nhạy cảm, sợ hãi, đa tình và để tiếp xúc với những đức tính ấy, chúng ta cần có sự hiểu biết lớn lao, sức mạnh của tính kiên nhẫn và tình yêu. Khi chúng ta thiếu thốn những đức tính này, chúng ta vội vã trông cậy vào những phương pháp kiểu chỉnh dễ dàng và hy vọng điều tuyệt diệu và kết quả tự động. Nếu chúng ta không ý thức, máy móc trong các hành động và thái độ của chúng ta, chúng ta chiến đấu cho sự thiếu thốn của bất cứ đòi hỏi nào của chúng ta mà nó là điều quấy rối  và như thế không thể nào gặp gỡ được bằng một đáp ứng tự động nào, và đây là một trong những khó khăn quan trọng trong nền giáo dục của chúng ta.

35.Đứa trẻ là kết quả của hiện tại và quá khứ và vì vậy đã bị quy định. Nếu chúng ta truyền đạt phần sau của chúng ta cho đứa bé, chúng ta kéo dài vĩnh viễn cả đứa bé và sự quy định của chúng ta. Chỉ có sự chuyển hóa rốt ráo là khi nào chúng ta hiểu biết sự quy định của riêng chúng ta  và tự do với nó. Đề cập đến những gì sẽ là thứ giáo dục thích đáng trong khi chính chúng ta đã bị quy định rồi thì thật là điều hoàn toàn vô ích.

36.Trong khi các học sinh còn nhỏ, dĩ nhiên chúng ta phải che chở sự tổn thương thể xác và ngăn chận chúng tránh cảm giác thân thể không an toàn. Nhưng bất hạnh thay, chúng ta không dừng ở đó; chúng ta muốn uốn nắn những cách thức suy nghĩ  và cảm giác của chúng, chúng ta muốn nhào nặn chúng theo đúng  với những ý định và dục vọng vô độ của chúng ta. Chúng ta tìm kiếm sự hoàn thành của bản thân chúng ta trong các đứa bé, để mãi mãi kéo dài con người của chúng ta qua những đứa bé. Chúng ta xây những bức tường xung quanh chúng, quy định chúng bằng các tín ngưỡng, các ý hệ, những niềm hy vọng và nỗi sợ hãi của chúng ta – và rồi chúng ta khóc than và cầu nguyện khi chúng bị giết chết hay tàn phế trong các cuộc chiến tranh, hoặc trái lại bị khốn khổ bởi những điều từng trải trong cuộc sống.

37.Những kinh nghiệm như vậy không gây nên tự do; trái lại chúng duy trì mạnh thêm ý chí của cái ngã. Bản ngã thì tạo bằng loạt những phản ứng phòng vệ và bành trướng, và sự thành tựu của nó luôn luôn ở trong những phóng chiếu và những phát giác làm vừa ý. Bao lâu chúng ta còn diễn dịch kinh nghiệm trong giới hạn của cái ngã, của cái “mình”, cái “ta”, bao lâu cái tôi, ngã vẫn còn duy trì qua những phản ứng của nó thì kinh nghiệm không thể nào phóng thích khỏi chấp tranh, hỗn loạn và đau đớn. Tự do chỉ đến khi ta hiểu biết những đường lối của cái ngã, người kinh nghiệm. Chỉ khi nào cái ngã với những phản ứng súc tích của nó, không là người kinh nghiệm, thì kinh nghiệm bắt lấy cái ý nghĩa hoàn toàn khác biệt và trở thành sự sáng tạo.

38.Nếu chúng ta giúp đứa bé tự do từ những đường lối, cách thức của cái ngã, mà nó là nguyên nhân của nhiều cái khốn khổ, rồi thì mỗi người chúng ta sẽ bắt đầu sửa đổi  sâu xa thái độ và tương giao với đứa bé. Các bậc cha mẹ và nhà giáo dục, bằng tư tưởng và phẩm hạnh của mình có thể giúp đứa bé được tự do và làm tình yêu và thiện tâm nở hoa.

39.Nền giáo dục hiện nay không có chiều hướng khuyến khích sự hiểu biết những xu hướng di truyền và những ảnh hưởng hoàn cảnh mà nó quy định tâm trí, tâm hồn và chống đối sợ hãi,và vì vậy nó không giúp chúng ta phá vỡ những quy định ràng buộc này và tạo nên một con người toàn diện. Bất cứ hình thức giáo dục nào chỉ liên quan từng phần và không liên quan tới toàn thể con người thì thứ giáo dục ấy không tránh khỏi đưa đến gia tăng thêm chấp tranh và thống khổ.

40.Chỉ trong tự do cá nhân mà tình yêu và thiện tâm mới có thể nở hoa; và một mình nền giáo dục đích thực cũng có thể cống hiến sự tự do này. Không phải làm đúng theo cái xã hội hiện tại cũng chẳng phải hứa hẹn ở một ảo tưởng tương lai có thể đem đến cho cá nhân sự minh mẫn mà không có nó, đương sự cũng không ngớt tạo ra những vấn đề.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s