(Education & Significance of Life. Krishnamurti. Chapter 2: The Right Kind of Education).
Người dịch: Trần Công Lân
- Người dốt nát không phải là người vô học nhưng là người không hiểu biết mình, và con người học thức khi đương sự cầu viện đến sách vở, kiến thức và quyền uy để đem đến sự hiểu biết là con người ngu muội. Hiểu biết chỉ đến qua sự tự hiểu biết mình, mà điều đó là sự trực nhận toàn thể tiến trình tâm lý của mình. Vậy nền giáo dục, trong ý nghĩa đích thực của nó, là hiểu biết bản thân mình, bởi vì chỉ khi có được sự hiểu biết trong mỗi người chúng ta mà toàn bộ cuộc sinh tồn mới tập họp lại với nhau.
- Hiện nay những gì chúng gọi là giáo dục chỉ là một vấn đề chất chứa kiến thức và sự hiểu biết sách vở từ chương mà bất kỳ ai cũng có thể làm được nếu đương sự biết đọc. Một nền giáo dục như vậy cống hiến một hình thức tinh diệu cho sự trốn thoát bản thân chúng ta, và giống như tất cả những cuộc trốn thoát không thể tránh được mang lại sự gia tăng thêm nỗi khốn khổ. Chấp tranh và hỗn loạn là kết quả tương giao sai lầm của chúng ta với người, với sự việc và tư tưởng; và cho đến chừng nào chúng ta hiểu biết được mối tương giao ấy và sửa đổi nó, còn chỉ thuần học vấn, sự gom góp những sự kiện và sự thu nhận những tài năng khác nhau, chỉ có thể đưa chúng ta đến chỗ bị nhận chìm trong tình trạng hỗn loạn và hủy diệt mà thôi.
- Như tổ chức xã hội hiện nay, chúng ta gửi con em đến trường để học một vài môn kỹ thuật mà do đó sau cùng chúng có thể kiếm sống được. Trước hết chúng ta muốn cho đứa bé là một người chuyên môn đặc biệt, hy vọng rằng như vậy sẽ đem đến cho nó một địa vị kinh tế bảo đảm. Nhưng sự đào luyện kỹ thuật có đủ cho chúng ta hiểu biết mình chưa?
- Trong khi ấy thì điều kiện hiển nhiên là cần phải làm thế nào để biết đọc, biết viết, và học kỹ sư hay một vài nghề nghiệp khác, kỹ thuật sẽ cho ta khả năng hiểu biết cuộc sống không? Chắc chắn rằng kỹ thuật là điều thứ yếu; và nếu kỹ thuật là điều duy nhất chúng ta nhằm đạt tới thì hiển nhiên chúng ta đã phủ nhận những gì mà rõ ràng nó là một phần trọng đại của cuộc sống.
- Đời sống gồm có đau đớn, vui tươi, đẹp đẻ, xấu xa, yêu thương, và khi chúng ta hiểu nó, ở mỗi bình diện một như một toàn thể, thì rồi sự hiểu biết tạo ra cái kỹ thuật riêng cho nó. Nhưng trái lại thì không đúng, kỹ thuật có thể chẳng bao giờ gây ra sự hiểu biết sáng tạo cả.
- Nền giáo dục hiện thời đã hoàn toàn thất bại vì nó quá nhấn mạnh vào kỹ thuật. Trong việc quá nhấn mạnh vào kỹ thuật, chúng ta hủy diệt con người. Trau dồi tài năng và hiệu quả mà không hiểu biết cuộc sống, không có một tri giác bao quát những thể cách của tư tưởng và khát vọng, sẽ chỉ làm cho chúng ta gia tăng thêm sự tàn nhẫn vô tình, mà đó là điều đã đưa đến những cuộc chiến tranh và làm nguy hiểm cho sự an toàn thể xác của chúng ta. Chỉ trau dồi mỗi một kỹ thuật tạo nên những nhà khoa học, kỹ sư cầu cống, nhà chính phục không gian; nhưng họ có hiểu toàn bộ tiến trình của cuộc sống không? Chỉ có kinh nghiệm ấy khi đương sự không còn là một nhà chuyên môn nữa.
- Về một phương diện, sự tiến bộ thuộc về kỹ thuật học đã giải quyết được những vấn đề nhất định cho một số người nào đó, nhưng nó cũng tạo ra những kết quả sâu rộng hơn. Chỉ sống trên một bình diện, không cần lưu tâm đến toàn thể quá trình của cuộc sống là mời gọi thống khổ và hủy hoại. Nhu cầu trọng đại nhất và vấn đề khẩn nhất cho mỗi cá nhân là một sự hiểu biết trọn vẹn cuộc sống, mà điều ấy sẽ đủ cho đương sự đối đầu với những phức tạp của cuộc sống gia tăng hơn bao giờ hết.
- Kiến thức kỹ thuật tuy cần thiết đấy, song sẽ không có cách nào giải quyết được nội tâm chúng ta, những sức ép thuộc về tâm lý học và những cuộc tranh chấp; và chính chúng ta thu nạp kiến thức kỹ thuật mà không hiểu biết toàn bộ quá trình của cuộc sống nên kỹ thuật đã trở nên một phương tiện hủy hoại chính chúng ta. Con người mà đương sự biết làm thế nào chế một hạt nhân nguyên tử nhưng trong tâm hồn đương sự không có tình yêu sẽ trở nên một quái vật.
- Chúng ta có khuynh hướng chọn lựa tùy theo khả năng của chúng ta; nhưng theo đuổi một khuynh hướng có đưa chúng ta ra khỏi cuộc tranh chấp và hỗn loạn không? Một vài hình thức của kỹ thuật hình như cần thiết đấy; song khi chúng ta trở nên những kỹ sư, bác sĩ, kế toán viên – rồi là gì nữa? Việc thực hành một nghề nghiệp có làm cho cuộc sống phong phú không? Hiển nhiên với phần đông chúng ta thì nó là vậy. Các nghề nghiệp khác biệt của chúng ta có thể giữ cho chúng ta bận rộn một số lớn thì giờ trong cuộc sinh tồn của chúng ta, nhưng những điều tối quan trọng mà chúng ta tạo ra và đã len lõi vào với nó như thế, là cái nguyên nhân hủy hoại và thống khổ. Cái thái độ và thẩm định các giá trị những sự việc và chức nghiệp của chúng ta là những dụng cụ của lòng ganh tị, sự mỉa mai chua chát và lòng thù hận.
- Không có sự hiểu biết bản thân chúng ta, chỉ thuần chức nghiệp không thôi, dẫn đến thất bại, với điều không thể tránh được của nó là trốn thoát qua tất cả những thứ hoạt động nguy hại. Kỹ thuật mà không có sự kiểu biết đưa đến lòng oán hận và phi nhân, mà chúng ta che đậy nó bằng những câu thật kêu. Giá trị nào nhấn mạnh vào kỹ thuật và để trở nên những thực thể hiệu năng nếu kết quả cũng là bị hủy diệt với nhau? Tiến bộ kỹ thuật của chúng ta là điều phi thường, nhưng nó chỉ làm gia tăng những khả năng triệt tiêu kẻ khác mà thôi, và ở mọi xứ sở đều có nạn thiếu ăn khốn khổ thì chúng ta không phải là những con người an nhiên thư thái và hạnh phúc.
- Khi công việc là quan trọng hơn hết thì đời sống trở nên khô khan và buồn tẻ, một sự tẻ nhạt tầm thường như máy móc mà do đó chúng ta tìm cách trốn trong các trò tiêu khiển. Sự chứa chất sự kiện và sự phát triển các khả năng của chúng ta gọi là giáo dục đã hoàn toàn tước đoạt hành động và cuộc sống toàn vẹn của chúng ta. Chính bởi vì chúng ta không hiểu biết toàn thể tiến trình cuộc sống nên chúng ta mới theo đuổi bám vào năng lực và hiệu năng, mà do đấy tưởng rằng nó hết sức quan trọng. Nhưng cái toàn thể không thể nào hiểu biết qua từng phần; nó chỉ có thể hiểu biết qua hành động và kinh nghiệm mà thôi.
- Một động lực khác trong việc trau dồi kỹ thuật mà nó đem đến cho chúng ta một cảm giác an toàn, không chỉ về kinh tế, nhưng cũng về tâm lý nữa. Vững lòng tin rằng chúng ta có tài trí và hiệu năng. Biết rằng chúng ta có thể chơi duơng cầm hay cất một ngôi nhà đem đến cho chúng ta cái cảm giác sinh lực phong phú của tinh thần công kích độc lập, nhưng đề cao khả năng vì khao khát sự an toàn tâm lý thì nó phủ nhận sự toàn vẹn của cuộc sống. Sự thỏa mãn toàn bộ cuộc sống có thể chẳng bao giờ thấy trước được, nó phải kinh nghiệm từng mỗi giây phút nhưng chúng ta lại sợ hãi điều không biết trước được và do đó chúng ta thiết lập những khu vực an toàn tâm lý dưới hình thức các hệ thống, các kỹ thuật, tín ngưỡng. Bao lâu chúng ta còn tìm kiếm sự bảo đảm an toàn bên trong thì bấy giờ toàn thể tiến trình cuộc sống không thể nào lãnh hội được.
- Nền giáo dục chính thực, trong khi khuyến khích học hỏi một kỹ thuật, còn nhằm thành tựu một cái gì sâu xa hơn là sự quan trọng lớn lao, nó sẽ giúp cho con người kinh nghiệm tiến trình trọn vẹn của cuộc sống. Chỉ có kinh nghiệm này mới đặt khả năng và kỹ thuật vào đúng vị trí của nó mà thôi. Nếu người ta thực sự có một cái gì để nói ra thì điều cần thiết phải nói ra tạo nên bút pháp của nó; nhưng học hỏi một bút pháp mà không có kinh nghiệm bên trong chỉ có thể đưa đến sự nông cạn hời hợt mà thôi.
- Ở khắp nơi trên thế giới, các kỹ sư là những cái máy cuồng loạn mà nó không cần đến những con người điều khiển nó. Trong một cuộc sống hầu như hoàn toàn điều khiển bởi các máy móc thì con người trở thành cái gì? Chúng ta sẽ có nhiều thì giờ nhàn rỗi mà không biết làm thế nào sử dụng nó một cách khôn ngoan, và chúng ta sẽ tin ở sự trốn thoát qua kiến thức, qua những trò tiêu khiển làm suy nhược thể chất, hay qua các lý tưởng.
- Tôi tin tưởng ở những quyển sách viết về các lý tưởng song chúng ta vẫn ở trong sự hỗn loạn trước đây chưa từng có. Không có một phương pháp nào mà dựa vào đó để giáo dục một đứa trẻ trở nên trọn vẹn và tự do cả. Bao lâu chúng ta còn quan tâm đến những nguyên tắc, lý tưởng và phương pháp thì chúng ta không giúp gì được cho cá nhân tự do với cái hoạt động ái ngã với tất cả sợ hãi và chấp tranh của nó.
- Các lý tưởng và màu xanh của một ảo tưởng hoàn hảo sẽ chẳng bao giờ gây ra sự biến đổi tận nền tảng tâm hồn mà nó là điều cốt yếu nếu đó là sự chấm dứt chiến tranh và sự hủy diệt chung. Những lý tưởng không thể thay đổi các giá trị hiện tại của chúng ta; chúng chỉ có thể thay đổi được bằng một nền giáo dục đích thực, mà điều ấy là để nuôi dưỡng sự hiểu biết của cái những gì là = tự tại (what is).
- Khi chúng ta cùng làm việc cho một lý tưởng, cho tương lai, chúng ta uốn nắn các cá nhân theo ý niệm của chúng ta cho cái tương lai đó; chúng ta không quan tâm đến con người đang sống một tí nào cả, nhưng với ý tưởng của chúng ta về những gì họ sẽ là. Những gì sẽ là ấy đối với chúng ta còn trở nên quan trọng hơn cái gì là, nghĩa là, cá nhân với những phức tạp riêng biệt. Nếu chúng ta bắt đầu hiểu biết cá nhân một cách trực tiếp thay vì nhìn đương sự qua tấm màn của những gì chúng ta nghĩ rằng đương sự sẽ như vậy, lúc bấy giờ chúng ta đã liên quan với những gì là. Lúc bấy giờ chúng ta không còn muốn chuyển hóa cá nhân thành ra một cái gì khác nữa; điều liên quan duy nhất là giúp ta hiểu biết chính con người của đương sự, và trong việc này không có lý do cá nhân hay lợi ích nào. Nếu chúng ta trực nhận một cách đầy đủ cái tự tại (what is) thì chúng ta sẽ hiểu biết nó và như vậy tự do với nó; nhưng để trực nhận cái những gì của chúng ta là, chúng ta phải chấm dứt phấn đấu theo đuổi một cái gì mà chúng ta không có.
- Các lý tưởng không có chỗ cho giáo dục vì chúng ngăn cản sự lãnh hội cái hiện tại. Một cách chắc chắn, chúng ta chỉ có thể trực thức cái những gì khi chúng ta không còn trốn thoát vào tương lai. Hướng về tương lai, gắng sức theo đuổi một lý tưởng là biểu thị một tâm trí trì độn và khát vọng lẫn tránh hiện tại.
- Không phải sự theo đuổi một ảo tưởng làm sẵn phủ nhận tự do và sự vẹn toàn của cá nhân sao? Khi người ta theo đuổi một lý tưởng, khuôn mẫu; khi người ta có một định thức cho những gì sẽ là, không phải người ta đã sống một đời sống nông cạn hay sao. Chúng ta cần đến, không phải những nhà chuyên môn hay những thực thể với đầu óc máy móc, nhưng là những con người toàn diện, thông minh và tự do. Phác hoạ một xã hội toàn hảo chỉ là cãi cọ ồn ào và đổ máu cho những cái gì sẽ là trong khi không để tâm đến những gì đang là.
- Nếu loài người là những thực thể máy móc, những cái máy tự động, rồi thì tương lai sẽ có thể dự đoán được và các kế hoạch cho ảo tưởng hoàn hảo có thể được vẽ ra, bấy giờ chúng ta có thể, một cách cẩn trọng, phác họa một xã hội tuơng lai và làm việc hướng về nó. Nhưng loài người không phải là những cái máy để thiết lập tùy theo một kiểu mẫu nào đó.