Ghi Chú NL: Cụ Lý Đông A có nói đến Nhân Cách trong các bài viết của cụ. Có thể nói rằng Nhân Cách của Con Người rất là quan trọng nhưng xã hội tại VN lại ít để ý đến. Có lẽ Nhân Cách chẳng còn có giá trị mà đồng tiền có giá trị hơn, cho nên người ta sẵn sàng bán Nhân Cách (vợ chấp nhận phục vụ quan trên để được tiến thân) để được tăng lương (hối lộ), tăng chức. Bài viết dưới đây nói về Nhân Cách. Trong bài viết nói đến Nhân Cách không phụ thuộc vào trình độ hiểu biết và tác giả chứng mình rằng nhiều người học cao hiểu rộng nhưng lại không có Nhân Cách. Thực tế thì trình độ hiểu biết (hiểu theo một nghĩa rộng là sự hiểu biết về Con Người, xã hội, quy luật sống) hoàn toàn không dính dáng gì đến những bằng cấp cao. Trái lại trình độ hiểu biết tức là cái nhận thức ở chính trong tâm của mình để thể hiện Nhân Cách của chính mình. Mà cái nhận thức ở trong tâm hoàn toàn không dính dáng gì đến cái bằng cấp hiện có. Đó là lý do giải thích tại sao có những người nông dân thất học nhưng Nhân Cách hơn những người gọi là bác sĩ, tiến sĩ. Ngay cả vị tổng thống đương thời của Mỹ, Nhân Cách của ông ta cũng là vấn đề cần phải bàn cãi (dĩ nhiên những người thuộc đảng Cộng Hòa, gồm cả người VN tại Mỹ, cho rằng ông Trump có Nhân Cách) nếu thực sự chúng ta muốn tìm hiểu rõ Nhân Cách Con Người trong một tinh thần học hỏi để tự mình rèn luyện cho chính mình có một Nhân Cách không đi ngược lại Duy Nhân Cương Thường (xin xem những bài nói về Duy Nhân Cương Thường đăng trong tháng 10 và những tháng sau đó). Bài viết cũng đưa ra một đề tài cần phải bàn cãi ở tương lai đó là mục đích sống là gì? Hy vọng các bạn đọc bài viết dưới đây và rút ra bài học kinh nghiệm cho chính bản thân mình để lựa chọn cho chính bản thân mình có Nhân Cách, dù rằng sự lựa chọn đó phải trả giá rất cao trong xã hội VN hiện tại.
Nhân cách. Nói dễ hiểu là “tư cách làm người của mỗi chúng ta”. Khác với nhân tính (*), nhân cách hình thành và phát triển trong toàn bộ quá trình sống, từ quá khứ đến hiện tại lẫn tương lai. Được đánh giá bởi các mối quan hệ của mỗi người với bản thân, gia đình, xã hội và với môi trường tự nhiên, có thể thay đổi theo từng thời điểm.
Nhân cách không phụ thuộc hoàn toàn vào trình độ hiểu biết, đôi khi bạn là người học cao hiểu rộng nhưng nhân cách thấp kém, ngược lại người không học hành bao nhiêu vẫn có được một nhân cách tốt đẹp, nó phụ thuộc nhiều vào khả năng nhận thức. Nói như vậy không có nghĩa là xem nhẹ học vấn vì học vấn quyết định không ít trong quá trình hình thành nhân cách, vấn đề là học từ ai, từ đâu và hiểu như thế nào nữa.
Con Người là yếu tố quyết định của bất kỳ xã hội hay đất nước nào, một xã hội mà số đông có nhận thức lệch lạc, méo mó thì xã hội ấy sẽ ra sao? Có phải là nơi mà người ta sẵn sàng chà đạp danh dự, nhân phẩm của nhau chỉ vì những bất đồng vô cùng nhỏ, có phải là nơi người ta sống với nhau bằng thủ đoạn, lọc lừa và dối trá, có phải là nơi người ta sẵn sàng hy sinh mạng sống đồng loại để đạt được cái lợi ngắn ngủi trong kiếp người cũng quá ngắn ngủi của mình không???
Tôi từng nói với một người bạn rằng trong quá trình hình thành nhân cách của con người, 10% đến từ nhà trường, 10% đến từ gia đình, 10% đến từ xã hội và 70% là do chính bản thân họ tạo ra. Đó là lý do vì sao trong cùng một gia đình, cùng cha cùng mẹ, cùng học chung một trường, cùng sống ở một nơi nhưng 2 anh em ruột trong nhà vẫn hoàn toàn khác nhau về tính cách.
“Gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Đổ thừa là bản tính của trẻ con, khi xã hội trở nên tồi tệ, quá nhiều người đổ “tất cả” tại chế độ, chế độ lại đổ ngược lại tại nhân dân. Rốt cuộc là đất nước chưa bao giờ chịu lớn khôn, tất cả là tại chúng ta, tại tôi và tại bạn, tại lãnh đạo tại cả nhân dân…nhưng…ai chấp nhận điều này!?
Con Người có thể là sinh vật ưu việt nhất trên hành tinh, nhưng chắc chắn không phải là sinh vật tiến hóa nhất. Chúng ta thua cả loài kiến, sức mạnh cộng đồng của chúng ta chỉ là trò hề nếu đem loài kiến ra so sánh. Mô hình xã hội vô cùng phức tạp của con người hiện tại chỉ để dành cho việc cai trị của “một số kẻ” dành cho đồng loại mình. Tôi có thể hình dung nó giống như của loài kiến vài trăm triệu năm về trước. Mô hình xã hội của loài kiến hiện tại phức tạp không kém con người nhưng là để bảo vệ và phát triển giống nòi chứ chẳng phải tiến đến diệt vong. Liệu con người có thể tồn tại thêm vài triệu năm nữa được không?
Lãnh đạo đất nước là một công việc, cô công nhân trong nhà máy dệt may cũng là một công việc, chàng thợ sơn, anh quét rác, chị lao công … tất cả đều cùng hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ đời sống của chính mình song song với việc bảo vệ và phát triển xã hội. Để đạt được điều đó, chúng ta phải giữ được nhân cách của mình, không để méo nó trong nhận thức. Ai cũng muốn làm quan thì ai sẽ làm dân, ai cũng sợ làm “quan” thì ai sẽ lãnh đạo xã hội?
Con người chúng ta chỉ mới chập chững vài mươi nghìn năm trên con đường tiến hóa, nhưng chỉ bấy nhiêu thôi họ đã chứng minh sự ưu việt của mình bằng hàng trăm triệu người vô tội chết vì chiến tranh đói khát, bằng môi trường ô nhiễm một cách kinh khủng, bằng nguy cơ diệt vong bởi những loại vũ khí hủy diệt mà họ tạo ra…. Loài người sẽ về đâu nếu nhân cách không còn?
FB Châu Ngọc Đáo
Nguồn: https://www.facebook.com/chaungocdaolx/posts/1850478728599640