Quan Tâm Chính Trị

Ghi Chú NLThế giới bước vào thể kỷ 21 thì sự bưng bít sự thật, sửa sai lịch sử của các nhà độc tài xem ra khó mà đạt được hiệu quả mong muốn. Chưa bao giờ như lúc này, Con Người Việt Nam thèm khát sự thật lịch sử của chính dân tộc mình. Tại sao hơn 1000 năm bị giặc Tàu đô hộ nhưng dân tộc ta vẫn đứng lên chống cự? Tại sao đãng (cố ý viết sai dấu) csvn chưa hề có mặt trong thời gian đó nhưng dân tộc vẫn giành lại độc lập, thoát khỏi đô hộ của Tàu? Và tại sao đãng csvn hiện giờ nhu nhược với Trung Quốc và sẵn sàng làm thái thú thời đại của Trung Quốc? Tất cả những sự thật lịch sử này được phơi bày trước kỷ nguyên 2000 này mặc dù đãng csvn đang cố tình bôi nhọ sự thật lịch sử này và tô hồng sự giả tạo của lịch sử do họ dựng lên. Tính “chính danh” được đặt ra trong bài viết này. Đãng csvn tự hào trong việc cướp chính quyền (từ tay của Bảo Đại) thì phải chăng sự cướp chính quyền này là chính danh? Đãng csvn kêu gọi dân tộc đấu tranh giành độc lập, cho quyền tự do nhưng chính dân tộc hiện giờ không có tự do, không có độc lập thì phải chẳng đây chỉ là một sự mị dân để nướng dân tộc cho quyền độc tài, độc tôn của đãng csvn? Tất cả những người Việt không thể nào tiếp tục sợ hãi chính trị. Thực ra chính trị chẳng có gì to tát. Cụ Lý Đông A nói “chính trị là thiết kế và chấp hành nhân sinh” chứ không phải chính trị theo cái nghĩa thường tình là tranh giành quyền lực, tài sản mà đãng csvn đang thực hiện cho chính bản thân họ. Nhưng để thiết kế và chấp hành nhân sinh, chúng ta cần tìm hiểu Duy Nhân Cương Thường (xin xem đề này trong tháng 9 đến tháng 12 và trong năm 2018) để dựa vào đó mà thực hiện chuyện thiết kế và chấp hành nhân sinh. Bài viết dưới đây của Võ Hồng Ly đã đưa ra vài hình ảnh của Duy Nhân Cương Thường (những nhu cầu của Con Người mà không kể họ sống ở đâu, thuộc sắc tộc nào, vào ở bất cứ thời đại nào họ đều có những nhu cầu giống nhau).

 Đối với phần lớn những người đang sinh sống ở Việt Nam, chính trị dường như đã luôn là một chủ đề nhạy cảm, thậm chí còn được hiểu ngầm là điều  “cấm kỵ” nếu họ không muốn gặp rắc rối phiền toái với nhà cầm quyền. Sự phát triển của truyền thông ngày hôm nay có thể giúp cho nhiều người dân của chúng ta không chỉ mở mang được nhận thức và tầm nhìn nhờ tiếp cận dễ dàng hơn những nguồn thông tin đa dạng do nhà cầm quyền luôn tìm cách kiểm duyệt che giấu, mà còn giúp cho người dân của chúng ta có thể kết nối và đưa ra những phản biện của họ một cách nhanh hơn và trực tiếp hơn. Tuy nhiên, để làm lan tỏa những nhận thức đúng đắn, để biến những nhận thức đó thành hành động cụ thể thì vẫn là điều chưa phải ai cũng làm được vì điều kiện riêng và vì hòan cảnh ràng buộc riêng của từng người.

Có một sự thật mà không phải ai cũng nhận ra là trong khi nhiều người luôn từ chối nói về chính trị thì trên thực tế chính trị lại chi phối mọi mặt đời sống của họ từng ngày từng giờ, từ trong không khí, bữa ăn, giáo dục, y tế cho đến giải trí và nhiều lĩnh vực khác. Nói một cách khác, con người sinh sống trong một chế độ là sản phẩm được tạo thành bởi những mưu toan chính trị nhất định của một thể chế. Trong một xã hội được cai trị bằng một thể chế độc tài hoặc dân chủ trá hình thì chế độ đó lại càng biết cách tạo ra những công cụ hữu hiệu nhằm giảm thiểu tối đa sự phản kháng của nhân dân và giúp cho nhà cầm quyền duy trì được sự độc tôn quyền lực của họ một cách lâu dài. Giờ đây, khi vị trí quyền lực của nhà cầm quyền không còn bị đe dọa thường xuyên từ sự phản kháng trong nhân dân thông qua những hành vi bạo lực trực tiếp nữa thì họ lại phải đối diện với một hình thức phản kháng mới và có tính liên tục, đó là: truyền thông cá nhân tự do. Cũng nhờ truyền thông mở mà chúng ta thấy được bàn tay thao túng của nền chính trị độc tài đã chi phối, đi sâu và đi sát vào mọi khía cạnh đời sống của chúng ta hàng ngày.

Càng quay về tìm hiểu lịch sử qua truyền thông tự do thì chúng ta càng thấy cần phải đặt câu hỏi cho tính chính danh của nhà cầm quyền khi họ đã tìm cách can thiệp và chính trị hóa lịch sử để có tư cách ngồi trên ngai vàng quyền lực. Khi chúng ta còn đang trong thời kỳ chuyển giao và tiếp nhận thông tin đầy mơ hồ, thì truyền thông mở cũng là con dao hai lưỡi có thể đẩy chúng ta lún sâu vào ma trận thông tin trong đó có cả những thông tin bẩn được đưa ra bởi những kẻ trục lợi cơ hội và làm cho chúng ta hoang mang vì không biết phải đặt niềm tin về bên nào cho đúng. Trong một thể chế tự do, dân chủ và minh bạch thì sự thật chỉ có một phiên bản duy nhất và lịch sử cũng vì thế chỉ được viết lên bởi những người chép sử, những nhà chuyên môn họat động dưới sự giám sát của một ủy ban khoa học độc lập không bị thao túng bởi bất kỳ một quyền lực chính trị, kinh tế hay tôn giáo nào.

Viết đến đây lại nhớ đến trong Đông Chu Liệt Quốc ở hồi 65, Thôi Quý, một trong bốn sử gia nhà họ Thôi dưới thời nhà Tề đã nói sau khi ba người anh của mình là Thôi Bá, Thôi Trọng, Thôi Thúc lần lượt bị giết chết vì không muốn chép sai nguyên nhân cái chết của vua Tề Trang Công, tên thật là Khương Quang theo yêu cầu của những vị quan tướng quốc đã âm mưu giết vua Tề : “Người ta có thể giết chết người viết sử, nhưng không thể giết chết được sự thật. Chép đúng sự thật là chức phận của người làm sử, nếu trái chức phận mà sống thì chẳng thà chết còn hơn!…Nếu Quý tôi không chép, trong thiên hạ tất có người khác chép! Tôi không chép cũng không thể che giấu được sự xấu xa của quan tướng quốc, mà lại để cho thức giả chê cười, nên anh em tôi liều chết mà chép, xin tướng quốc cứ tùy ý định đoạt !”.

Chính vì vậy mà trong điều kiện không tưởng của Việt Nam hiện nay thì việc những con người chính trực muốn đi khơi lại dòng lịch sử thật sự của dân tộc, để loại bỏ kiểu “Ta thắng địch thua” lại phải gánh trên vai mình một sứ mệnh tuy cao cả nhưng đòi hỏi sự can đảm và bền bỉ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, không đi thì không thể về đích, muốn có sự thật một lần cho mãi mãi thì không thể không đi tìm nên chúng ta rất cần và trân trọng những con người đã và đang dấn thân một cách bất vụ lợi như thế.

Ngạn ngữ của người Phi Châu đã có một câu nói rất hay rằng: “Tant que les lions n’auront pas leurs propres historiens, l’histoire de la chasse glorifiera toujours le chasseur”, tạm dịch là “Khi những con sư tử không có được những sử gia của riêng mình thì lịch sử của cuộc săn bắt sẽ mãi chỉ luôn tôn vinh người thợ săn”.

27.09.2017

Võ Hồng Ly

Nguồn: https://www.facebook.com/hongly.vo.35/posts/10155727410394520

 

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s