Chống Cái Ác: Cái Nhìn Đấu Tranh Vượt Biên Giới

Xin được mở đầu bài viết này với đối thoại của hai cá nhân trên facebook.

FB Ngàn Lau: “VHL nghĩ gì một LS trẻ ở Úc nói rằng không chống cộng mà chống cái ác? Đoạn comment dưới đây mới đưa lên trên post của Châu Ngọc Đáo “Những ai chọn chống cái ác bởi vì họ thấy rằng đó là cốt lõi chính của vấn đề chứ không phải tại cái tên. Những ai chọn chống cộng, nếu cs thay đổi tên thành VNCH, thay đổi tên đảng thành đảng CH nhưng vẫn giữ cơ chế tàn bạo này thì chẳng lẽ họ đổi sang chống VNCH, chống đảng CH?

Còn chọn chống cái ác, không cần biết anh mang tên gì, cho dù là cái tên thật đẹp, chưa bao giờ bị tai tiếng mà nếu anh ác thì tôi vẫn chống. Đó là lý do tại sao một LS trẻ ở bên Úc đã chọn chống cái ác. Những người đi trước những người trẻ hôm nay, họ đã làm được gì cho công cuộc đấu tranh hôm nay? Họ có cố công sức đấy nhưng vẫn chưa thay đổi được thể chế này. Tại sao? Có khi nào họ đặt câu hỏi với chính mình là tại sao không?

Lý do họ chỉ nhìn, chỉ chống cộng ở mặt bề ngoài, ở từ ngữ, ở cái màu vàng, đỏ mà họ không nhìn gốc của vấn đề là cái ác, là Con Người. Ở chính họ vẫn chưa vượt lên được cái tinh thần dân chủ, trái lại họ dựa trên tinh thần đánh phá vô kỷ luật, với những lý luận chụp mũ không thua gì những bộ luật 79, 88, 245, 258 của cs. Đôi khi nhìn những người gọi là “chống cộng” thấy chán thật. Tôi nói như thế này, ở cái tuổi của tôi hiện giờ, không “Chống Cộng” mà tôi chỉ Chống Gậy thôi. Tôi phải cần chống gậy để đứng thẳng lên mà chống cái ác, cho dù cái ác đó ở đâu, nằm dưới bất cứ dạng nào (gồm có cả dạng chụp mũ)”.

FB Võ Hồng Ly: “Đây là chủ đề đã lấy hết thời gian tranh cãi của công luận trong cả tháng qua. Cá nhân cháu thì hiểu thông điệp cũng như ý nghĩa trong lời phát biểu này của chị TKN nhưng cách diễn đạt “tròn vành rõ chữ” là “không chống cộng” của chị TKN trong bối cảnh lịch sử hình thành rất riêng của cộng đồng người Việt tại hải ngoại đã tạo ra một “sự cố” ngoài mong muốn. Nếu chị TKN nói thêm một chữ “chỉ” có nghĩa là “không chỉ chống CS” thay vì “không chống CS” thì phản ứng của công luận đã khác đi rất nhiều. Vì chị TKN đang theo đuổi việc xây dựng một con đường nhân bản cho thế hệ trẻ nên chị muốn thông qua đó để phát đi thông điệp đấu tranh vừa mang tính quy mô cao hơn là việc chỉ chống CS đơn thuần mà vẫn giữ nguyên được tinh thần nhân bản cần có. CS là một chế độ đại diện cho cái ác, ai chống cái ác thì phải chống chế độ mà nó làm đại diện, trong đó có CS. Đó là một sự logic mang tính hiển nhiên.

Cái quan trọng nhất mà chị TKN muốn gửi gắm cho giới trẻ chính là sự nhân bản trong nhận thức và trong chiến lược tranh đấu. Chúng ta không được phép quên đi quá khứ vì nó không những vừa là lịch sử của dân tộc cần phải được nhìn nhận một cách khách quan và đáng được trân trọng mà nó cũng còn là vết thương vẫn làm cho nhiều người trong chúng ta rỉ máu cho đến tận bây giờ. Nhưng chúng ta cũng cần phải biết vượt lên trên những hận thù của quá khứ để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, nơi mà tinh thần dân tộc cần phải được dựa trên lợi ích chung của quốc gia chứ không phải là trên ý thức hệ hay lợi ích của bè nhóm, đảng phái, hoặc của cá nhân nào đó. Dân tộc này đã bị chia rẽ quá nhiều và cũng vì thế mà nhiều thế hệ đã và vẫn còn đang phải gánh những đau thương cho đến ngày hôm nay.

 Người ta vẫn nói thời gian có thể giúp làm lành vết thương nhưng nếu phương pháp điều trị đưa ra không đúng và không phù hợp với “cơ địa” của người bệnh thì hậu quả sẽ có thể trở nên tai hại khó lường và có thể hủy diệt hoàn toàn cuộc đời của một con người. Bằng chứng là đã hơn nửa thế kỷ qua đi nhưng vết thương đó không những không lành mà vẫn còn đang rỉ máu âm ỉ như những dòng lam thạch trong lòng núi lửa chỉ trực có cơ hội là lại tuôn trào đối với rất nhiều người. Muốn tìm được tiếng nói chung để tập hợp lực lượng tranh đấu giữa những thế hệ khác nhau đang sống ở trong nước và ở nước ngoài thì nhân bản nhất vẫn là kêu gọi chống cái ác thay vì chỉ chống CS một cách đơn thuần. Dù biết rằng nếu kêu gọi chống CS thì chị TKN sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của công luận hải ngoại nhưng lại khó có thể thu được kết quả như mong muốn với công luận trong nước, đặc biệt là các bạn trẻ đã không phải chịu những thảm cảnh mà thế hệ đi trước phải đối diện.

Bối cảnh khác nhau, trải nghiệm khác nhau sẽ dẫn đến nhận thức, lý tưởng, mục đích và hành động tranh đấu cũng khác nhau. Việc đi tìm được tiếng nói chung giữa các thế hệ làm phương tiện xây dựng một mục tiêu tranh đấu chung trở nên quan trọng và cần thiết hơn là việc cứ phải tiếp tục khơi gợi hận thù, đào sâu thêm sự chia rẽ dân tộc. Đối với giới trẻ, đặc biệt là thế hệ lớn lên trong nước phải chịu sự tuyên truyền giáo dục của CS hàng ngày thì “chiến lược cũ” mà chúng ta đã sử dụng từ mấy chục năm nay sẽ tạo cho họ sự nghi ngại, sợ hãi và có thể dẫn đến phản tác dụng mà gây hại cho công cuộc chung.

Người ta thường có xu hướng đấu tranh cho những lợi ích sát sườn liền kề mình nhất. Quá khứ dù có đáng được tôn trọng đến đâu thì cũng không bằng việc mưu sinh làm sao để có đủ cơm ăn, áo mặc, để đáp ứng nhu cầu về giáo dục, y tế, công bằng xã hội trong hiện tại cũng như giải pháp cần có để xây dựng tương lai tốt hơn với tất cả những giá trị chuẩn mực đã được quốc tế công nhận. Kêu gọi chống cái ác sẽ giúp chúng ta đến gần với quá trình phát triển chung của nhân loại hơn và vì thế sẽ thu được sự đồng cảm của quốc tế nhiều hơn là việc chỉ chống CS một cách đơn thuần. Hơn nữa, nếu sau này một thể chế mới không CS lên ngôi nhưng nếu thể chế mới đó cũng xấu xa, độc ác và tồn tại dưới dạng một nền dân chủ trá hình thì trách nhiệm của chúng ta sẽ là phải tiếp tục đứng lên đấu tranh đến cùng cho những điều tốt đẹp mà chúng ta xứng đáng có được. Nếu chúng ta may mắn xây dựng được một xã hội văn minh nhân bản đúng nghĩa thì chúng ta lại càng phải duy trì ý thức tranh đấu để có thể giữ gìn và phát triển những giá trị đẹp đẽ đó trường tồn theo thời gian.

Chính vì vậy mà đấu tranh chống lại cái ác không chỉ đơn giản là chống CS mà nó còn mang trong nó một tâm thức nhân bản sâu sa, vừa gần gũi lại vừa thiết thực mà vẫn thể hiện được sự cần thiết phải duy trì ý thức và tinh thần đấu tranh liên tục trong tương lai. Cháu cảm ơn chú nhiều.”

Câu trả lời của Võ Hồng Ly cho thấy giới trẻ trong nước nhìn được vấn đề nhân bản, nhìn được rõ cái chiều sâu trong câu nói của vị luật sư trẻ Trần Kiều Ngọc (TKN) tại bên Úc. Điều lạ là những người ở trong nước thường bị đánh giá là không có đủ trình độ “hiểu biết” bởi chưa từng sống tại các nước dân chủ và bị ảnh hưởng tuyên truyền của cs — thế nhưng họ lại hiểu rõ cái chiều sâu của câu nói không chống cộng, chỉ chống cái ác của người trẻ TKN. Còn những người Việt sống tại hải ngoại, đặc biệt ở Úc, thì lại nhìn không ra vấn đề và từ đó tha hồ chơi màn chụp mũ bằng mọi cách trù dập người trẻ TKN.

Một tờ báo nào đó ở bên Úc mà người viết không nhớ rõ tên lắm (hoặc chẳng muốn nhắc đến tên làm gì bởi không đáng để nhắc) rất là mạnh tay vạch lá tìm sâu để đánh sập tinh thần trẻ dấn thân của TKN. Tờ báo này gọi là chống cộng nhưng thấy toàn là chống với những người khác chính kiến mình và dùng những lý luận không thua gì những bộ luật 79, 88, 245, 258 của cs để trù dập những người khác chính kiến sống tại hải ngoại.

Thực ra cái trò chụp mũ và lý luận thiếu chiều sâu này xảy ra không phải chỉ cho TKN mà đã xảy ra cho rất nhiều người trẻ của 25 năm trước tại Nam California mà bác sĩ Nguyễn Châu, người sáng lập viên tổ chức Social Assistance Program For Viet Nam (gọi tắt là SAP-VN hay còn gọi là green cross vì logo là chữ thập màu xanh) phải đi giữa hai lằn đạn (bên VN cho là phản động, phải đề phòng dù cho về làm việc thiện nguyện; còn bên hải ngoại thì chụp cái mũ cs cho cô Châu và tổ chức SAP-VN). Thế nhưng những màn chụp mũ, ném đá đó vẫn không làm cho người trẻ bỏ cuộc. Họ vẫn tiếp tục đi con đường họ chọn bởi vì con đường của những người đi trước chẳng có gì sáng sủa, chẳng có gì để thuyết phục họ chọn con đường người đi trước đã đi.

Sự tiến bộ của xã hội loài người là người trẻ luôn luôn tung phá, tìm con đường mới cho chính mình khi mà con đường cũ của cha ông đã không giúp được gì cho chính mình và dân tộc mình. Chính sự tung phá này mà lịch sử của loài người luôn luôn tạo ra những bất ngờ để thay đổi toàn bộ những cái cũ kỹ của xã hội đã không còn thích hợp với thời đại. Đó chính là lý do tại sao, người trẻ TKN đã phát biểu một câu nói vượt biên giới, nhắm đến một tinh thần nhân bản, chống cái ác; cùng các anh chị em trong nước, gồm có những người đã từng là đảng viên cs, hoặc những người đang là đảng viên cs để chống lại cái ác đang hình thành tại VN. Cái ác đó là gì? Ai cũng thấy rõ đó là cơ chế cộng sản. Chống cái ác tức là đã chống cs. Cho dù sau này đãng (cố ý viết sai dấu cho đúng bản chất) cs đổi tên thì chúng ta vẫn chống nếu họ vẫn tiếp tục hèn với giặc nhưng ác với dân.

Những người Việt tại hải ngoại, những người luôn luôn tiếp tục đấu tranh trong âm thầm, họ ủng hộ tinh thần dấn thân của TNK cũng như tinh thần dân thân của những người trẻ khác. Họ hiểu được tâm tư của những người trẻ và họ sẵn sàng tiếp sức cho những người trẻ đi trên con đường người trẻ lựa chọn. Còn những tờ báo, những cá nhân luôn luôn tìm cách chụp mũ, ném đá với những người đi ngược lại suy tư của họ thì họ có quyền làm chuyện đó nhưng chắc chắn rằng — họ sẽ không bao giờ, không bao giờ chống được cs và sẽ không bao giờ làm cho những người tuổi trẻ như TNK nản lòng, bỏ cuộc. Hình như hơn 40 năm qua, những người này vẫn chống cộng và cộng sản vẫn tồn tại vậy thì phải chăng phương thức chống cộng của những người này đã lỗi thời?

Xin kết thúc bài viết này bằng đoạn đầu của bài viết. “Những ai chọn chống cái ác bởi vì họ thấy rằng đó là cốt lõi chính của vấn đề chứ không phải tại cái tên. Những ai chọn chống cộng, nếu cs thay đổi tên thành VNCH, thay đổi tên đảng thành đảng CH nhưng vẫn giữ cơ chế tàn bạo này thì chẳng lẽ họ đổi sang chống VNCH, chống đảng CH?

Còn chọn chống cái ác, không cần biết anh mang tên gì, cho dù là cái tên thật đẹp, chưa bao giờ bị tai tiếng mà nếu anh ác thì tôi vẫn chống. Đó là lý do tại sao một LS trẻ ở bên Úc đã chọn chống cái ác. Những người đi trước những người trẻ hôm nay, họ đã làm được gì cho công cuộc đấu tranh hôm nay? Họ có cố công sức đấy nhưng vẫn chưa thay đổi được thể chế này. Tại sao? Có khi nào họ đặt câu hỏi với chính mình là tại sao không?

Lý do họ chỉ nhìn, chỉ chống cộng ở mặt bề ngoài, ở từ ngữ, ở cái màu vàng, đỏ mà họ không nhìn gốc của vấn đề là cái ác, là Con Người. Ở chính họ vẫn chưa vượt lên được cái tinh thần dân chủ, trái lại họ dựa trên tinh thần đánh phá vô kỷ luật, với những lý luận chụp mũ không thua gì những bộ luật 79, 88, 245, 258 của cs. Đôi khi nhìn những người gọi là “chống cộng” thấy chán thật. Tôi nói như thế này, ở cái tuổi của tôi hiện giờ, không “Chống Cộng” mà tôi chỉ Chống Gậy thôi. Tôi phải cần chống gậy để đứng thẳng lên mà chống cái ác, cho dù cái ác đó ở đâu, nằm dưới bất cứ dạng nào (gồm có cả dạng chụp mũ)”.

Trần Thị Lan Anh

Tháng 10 năm 2017

Dallas, TX

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s