Bạo Động hay Bất Bạo Động

Ghi Chú NL: Lại một lần nữa xin giới thiệu với các bạn bài viết của Võ Hồng Ly nói về sự lựa chọn giữa hai giải pháp đấu tranh bất bạo động và bạo động. Trong quá khứ, đãng (cố ý viết sai dấu) csvn chọn đấu tranh bạo động để giành chính quyền. Họ đã thành công nhưng cái bạo động đó đi kèm theo cái thù hận để rồi họ không giải quyết được tận gốc của vấn đề là Con Người. Họ nghĩ rằng bạo động sẽ luôn luôn thắng. Trong khi đó, quá khứ đã chứng minh nhiều nước chọn phương pháp đấu tranh bất bạo động để thay đổi thể chế. Có một số nước dùng đấu tranh bất bạo động nhưng bởi không có sự chuẩn bị về mặt tinh thần cho chính bản thân, không có sự chuẩn bị cho một kế hoạch kiến thiết trong việc xây dựng lại một đất nước, Con Người trên một môi trường dân chủ mới để rồi cuối cùng cái nền dân chủ đó trở thành nền dân chủ giả hiệu mà Liên Xô là thí dụ điển hình của nền dân chủ giả hiệu đó. Nếu công việc đấu tranh đòi dân chủ, đòi công lý khó 10 lần thì sự xây dựng lại đất nước khó gắp 100 lần. Nếu cuộc đấu tranh đòi công lý mất 100 năm thì việc xây dựng lại đất nước mất 500 năm. Và nếu chúng ta không chuẩn bị ngay từ giờ phút này, ở ngay trong chính tâm trí của chúng ta cho từng việc làm với những suy nghĩ thật sâu sắc để chọn hành động mà sau này mình không phải hối hận với hành động đó. Hãy giải quyết vấn đề bằng cái đầu của mình chứ không phải bằng cảm tính của mình. Cuộc đấu tranh hôm nay là cuộc đấu tranh với chính bản thân mình để mình không thể nào trở thành những ác nhân của tương lai. Không một chế độ độc tài nào trên thế giới, trong lịch sử, tồn tại mãi mãi và đãng csvn không đi ra cái lịch sử trên. Câu hỏi quan trọng mà các bạn trẻ cần hỏi chính mình là: mình đã chuẩn bị tinh thần làm gì, làm ra sao, làm thế nào trong việc xây dựng lại một đất nước tan hoang, nợ chồng chất, đạo đức xuống vực thẳm? Xây dựng lại một thể chế dân chủ nhân bản là một việc làm không đơn giản mà là những suy nghĩ sâu sắc cho vấn đề này thì khi đó, thời cơ đến chúng ta mới có thể bắt kịp. Còn chờ “nước đến chân mới nhảy” thì bài học của đãng csvn đã cho ta thấy điều đó. Trong chiến tranh họ không hề chuẩn bị kiến thiết để rồi họ thất bại trong “hòa bình” cho đến hôm nay.

 

Trong thời gian vừa qua có rất nhiều bạn trẻ đã inbox cho tôi để chia sẻ những suy tư của các bạn trong tình hình của đất nước hiện nay. Phần lớn các bạn trẻ đều rất nhiệt huyết và luôn sẵn lòng thể hiện trách nhiệm của mình trước vấn đề của đất nước. Các bạn ấy biết nhận thức và biết trăn trở khi thấy đất nước càng ngày càng chìm sâu trong đau thương: chủ quyền bị đe dọa, thù trong giặc ngoài, tranh giành quyền lực nội bộ, nhân dân lầm than cơ cực, bất công do phân hóa giàu nghèo sâu sắc vì chỉ có nhóm lợi ích và một số ít người giàu sống nhờ chế độ mới là người được hưởng lợi từ cái gọi là “phát triển” và “bình yên”… Sau hàng loạt hành động bắt bớ và đàn áp các anh chị em đấu tranh trong thời gian vừa qua thì các bạn trẻ ấy đã không những không sợ hãi mà còn trở nên giận dữ thông qua những phát ngôn rất mạnh miệng trên những dòng status của mình. Tôi hiểu và chia sẻ tâm trạng bất bình đó của các bạn. Có một câu hỏi đã được lặp đi lặp lại nhiều lần mà các bạn đã gửi cho tôi, đó là “tại sao người dân mình cứ phải chờ đợi một cách cam chịu lâu như thế trong khi chúng ta đông hơn và chúng ta hoàn toàn có thể dùng bạo lực để giải quyết vấn đề Việt Nam?”.

Tôi đã có cơ hội đọc, nghiên cứu và lắng nghe nhiều tiếng nói khác nhau về chủ đề này đến từ hai phía: phe bất bạo động và phe chủ trương dùng bạo động như là giải pháp cuối cùng khi tất cả mọi biện pháp bất bạo động đã không phát huy hiệu quả. Cân nhắc trước hiện tình đất nước cùng bao nhiêu bất công và chiêu trò sách nhiễu mà các anh chị em đấu tranh đã và đang còn phải chịu đựng, tôi hiểu rằng: Một mặt, việc “con giun xéo lắm cũng phải quằn” và khi người dân không còn gì để mất mà lại bị dồn vào đường cùng thì mọi việc đều hoàn toàn có thể xảy ra. Con người trong hoàn cảnh thiếu thốn đói khổ nhất sẽ có khuynh hướng sống bằng bản năng của phần “Con” để được sinh tồn mà bỏ qua cái phần “Người”, nơi gìn giữ tri thức, đạo đức và lòng tự trọng cần có. Những gì đang xảy ra tại Vénezuéla đang là hình ảnh gần đây nhất chứng minh cho chúng ta thấy điều đó.

Tôi không phản đối việc dùng vũ trang chống lại giặc ngoại xâm để bảo vệ non sông đất nước khi mọi nỗ lực ngoại giao quốc tế đã trở nên vô ích. Tuy nhiên, trong tình hình nội bộ hiện nay, nếu nhà cầm quyền có được một tầm nhìn xa trông rộng vì tương lai của tất cả, họ nên chấp nhận buông bỏ một phần quyền lực của họ để chia sẻ lợi ích cùng với nhân dân nhằm tránh cho đất nước bước vào cảnh tương tàn máu đổ, dù là người của bên nào thì cũng sẽ đều là điều đau đớn cho dân tộc của chúng ta. Mặt khác, tôi luôn cố gắng hướng suy nghĩ và hành động của mình vào mục tiêu văn hóa, yếu tố con người và giá trị gắn kết quốc gia dân tộc làm phương pháp đấu tranh bất bạo động của mình. Cá nhân tôi muốn đặt tên cho cuộc đấu tranh này là cuộc chiến đấu Tinh Thần hơn là một cuộc chiến đấu Vũ Trang. Đó sẽ là một cuộc chiến cân não hơn là cân sức. Bởi vì nếu chúng ta dùng bạo động để kết thúc nhanh chóng một thể chế bằng máu trong thời đại này thì việc thiết lập thành công một nền dân chủ nhân bản không mùi thuốc súng sau đó sẽ là điều mà tôi thấy khó hơn cả việc đã phải quyết định sử dụng bạo lực ban đầu. Hơn nữa, việc dùng vũ lực dù nhân danh chính nghĩa sẽ khiến cho chúng ta khó có thể có được tính chính danh và sự ủng hộ cần có của cộng đồng thế giới.

Trên thực tế, tôi luôn coi đấu tranh là một cuộc chạy tiếp sức theo từng giai đoạn mà trong đó chúng ta sẽ không thể về đích nếu chỉ có một mình. Có nhiều ý kiến cho rằng cần phải linh hoạt trong phương thức đấu tranh nhưng trong một chế độ mà lực lượng vũ trang không độc lập, không đứng về lợi ích của nhân dân thì việc nhân danh chính nghĩa để sử dụng bạo động sẽ là cái cớ tuyệt vời làm cho nhà cầm quyền có thể hợp thức hóa sự đàn áp của họ lên nhân dân vì lý do an ninh quốc gia. Dẫu biết rằng chúng ta đang chịu đựng bất công nhưng không có nghĩa là chúng ta chấp nhận bất công. Chính vì không chấp nhận bất công nên chúng ta mới phải đấu tranh để đòi công lý, đòi bình đẳng và đòi quyền con người như bây giờ. Việc chúng ta kiên trì theo đuổi đến cùng lý tưởng của mình luôn khó hơn việc cầm lấy vũ khí một cách đơn thuần rất nhiều. Nói cách khác, chúng ta không thể gặt hái những thành quả của sự yêu thương, nhân bản khi hạt giống mà chúng ta gieo trồng lại mang mầm mống của sự độc ác, bạo lực. Dù chế độ có đổi thay nhờ máu và súng đạn thì hận thù còn tồn tại sau đó sẽ không thể giúp cho chúng ta có được hòa bình và duy trì nó ổn định lâu dài trong tương lai.

Hơn tất cả, mục tiêu của chúng ta là xây dựng một đất nước có tự do, dân chủ nhân bản thật sự và trường tồn nên việc chấm dứt một thể chế chính trị chỉ là một điều kiện cần nhưng chưa đủ. Chúng ta cần phải nghĩ đến những gì diễn ra sau đó thay vì thụ động “chờ nước đến chân mới nhảy” mà bài học vẫn đang diễn ra và chúng ta đang còn phải trả giá về điều đó hàng ngày. Nhiều ý kiến cho rằng sự bao dung cần được đặt đúng nơi đúng chỗ và lại càng không thể áp dụng nó cho những kẻ thù của dân tộc. Điều đó có thể đúng, có thể sai với từng người. Nhưng dù sao đi nữa thì cũng giống như Mahatma Gandhi, tôi chỉ biết chắc rằng “không khoan dung mới chính là một hình thức bạo lực và là trở ngại cho sự phát triển của một tinh thần dân chủ thực sự”. Mục đích của chúng ta trong lúc này là không chỉ đòi thay đổi thể chế, đòi tự do và dân chủ thực sự cho đất nước, mà cao cả hơn, bền vững hơn là chúng ta phải thông qua cuộc đấu tranh này để rèn luyện cho người dân của chúng ta ý thức tự tôn dân tộc cùng những phẩm chất nhân bản tốt đẹp để họ có thể tiếp tục cống hiến, bảo vệ và sống xứng đáng với điều đó trong nền tự do và dân chủ mới. Để duy trì và phát huy những giá trị cao cả ấy thì người dân cần có khả năng hành xử như những người chủ có trách nhiệm của đất nước này chứ không phải chỉ là những người đày tớ quen cúi đầu cam chịu trước sự đàn áp, bất công.

Có nhiều người nói với tôi rằng chỉ cần thay đổi thể chế thì họ tin rằng chúng ta sẽ sống, và chỉ có sống tốt hơn mà thôi vì thể chế này đã xuống tận cùng của sự xấu xa rồi. Đúng, chúng ta cần duy trì niềm tin ấy vì nếu sống không có niềm tin thì khác nào người sáng mắt nhưng lại phải lần mò trong bóng tối. Tuy nhiên, cuộc sống của chúng ta luôn vận động và thay đổi liên tục nên chúng ta cần phải linh hoạt trong nhận thức và chủ động trong hành động vì niềm tin mà thiếu đi lý lẽ và thiếu đi thực tế thì niềm tin ấy sẽ trở nên mù lòa và gây phản tác dụng cho lý tưởng tranh đấu.

Cuối cùng, tôi xin dẫn lại Mahatma Gandhi “Nơi nào có tình yêu, nơi đó có sự sống. Tương lai phụ thuộc vào điều chúng ta làm trong hiện tại. Chúng ta có thể không bao giờ đủ mạnh mẽ để hoàn toàn bất bạo lực trong tư tưởng, ngôn từ và hành động. Nhưng trong mọi trường hợp chúng ta đều phải giữ bất bạo lực làm mục tiêu và luôn nỗ lực mạnh mẽ để vươn tới nó. Một lượng nhỏ những tinh thần quyết tâm được nung nấu bởi niềm tin son sắt vào sứ mệnh của mình sẽ có thể làm thay đổi dòng lịch sử”.

Võ Hồng Ly

Ngày 23 tháng 8 năm 2017

Nguồn: https://www.facebook.com/hongly.vo.35/posts/10155635112569520

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s