Ghi Chú NL: TPP vẫn chưa được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua. Cả hai ứng cử viên tổng thống năm nay chống lại TPP. Cho dù TPP có thể thông qua thì liệu với những điều kiện tốt đẹp của TPP làm VN cất cánh hay với những điều kiện tốt đẹp của TPP sẽ tạo ra môi trường ô nhiễm trầm trọng hơn, làm giàu cho các quan chức với dạng công ty hợp doanh (nhà nước và tư nhân)? Liệu người VN đủ trình độ để lấy TPP làm bàn đạp tiến lên hay lại bị đãng cầm quyền dùng tương kế, tựu kế để tiếp tục lừa gạt người dân và làm giàu cho bản thân? Liệu có một cơ chế trong TPP để kiểm trả lừa đảo bằng cách lấy nhu liệu từ Trung Quốc thay vì từ những nước trong TPP? Không để nào đánh giá thấp về sự lừa gạt của đãng cầm quyền hiện giờ. Họ là sư tổ của những sư tổ lường gạt, cho nên chúng ta cần phải sáng suốt để chỉ rõ cho mọi người (trong đó có thành viên TPP) thấy được sự lường gạt trong TPP khi nó xảy ra.
I. Tiền Đề Thảo Luận
- Thay đổi chính trị tại Việt Nam đi theo phương thức chuyển hóa dân chủ (democratic transformation), ôn hòa bất bạo động, diễn biến qua một tiến trình nhiều giai đoạn, từ chuyển hóa kinh tế sang chuyển hóa xã hội, chính trị, trong đó chuyển hóa chính trị xẩy ra sau cùng, và đã bắt đầu.
- Quan hệ Việt Nam với khu vực và quốc tế, nhất là quan hệ Việt-Trung, Việt-Mỹ và Mỹ-Trung, với những diễn biến phức tạp, tác động vào tiến trình chuyển hóa một cách khác nhau trong mỗi giai đoạn chuyển hóa.
- Từ đầu 2016 Việt Nam chịu tác động bởi cả ba yếu tố: kinh tế (với 3 thỏa ước EU, AEC và TPP), xã hội (các phong trào quần chúng) và quan hệ khu vực và quốc tế (biển Đông). TPP là yếu tố mũi nhọn vì liên hệ đến ba vấn đề nghiêm trọng của Việt Nam: thoát Trung (về kinh tế, thương mại), ổn định xã hội (nông dân, công nhân, trí thức) và liên kết khu vực (Thái Bình Dương) để phát triển.
- Tiến trình thực hiện TPP chính là tiến trình chuyển hóa toàn diện Việt Nam cả về kinh tế, xã hội và chính trị, đồng thời tạo mội trường hình thành một quan hệ quốc tế và khu vực mới cho Việt Nam –khác với giai đoạn trước TPP, Việt nam nằm gần như hoàn toàn trong quỹ đạo của Trung quốc.
- Bài thuyết trình này được soạn thảo dựa trên giả định là TPP sẽ được thông qua và thực hiện, nhất là giữa Mỹ và Việt Nam, có nhiều hy vọng là từ giữa 2017 trở đi.
II. Những lãnh vực chịu tác động của TPP
A. Kinh tế-Thương mại
- Tiếp cận thị trường toàn diện là đặc điềm đầu tiên trong 5 đặc điểm của TPP. Hiện nay Việt Nam vẫn chưa được công nhận có nền kinh tế thị trường. Chỉ thực hiện TPP VN mới chuyển hẳn sang nền kinh tế thị trường.
- Tiếp cận cam kết khu vực là đặc điểm thứ hai của TPP, giúp kinh tế Việ Nam nâng cấp dần và hòa nhập vào khu vực TPP, với sự hỗ trợ của 11 nước thành viên khác.
- Thương mại toàn diện: không phải chỉ buôn bán giữa 12 nước thành viên, mà còn giúp nhau cùng xây dựng và phát triển năng lực sản xuất và thương mại, trong đó chú trọng đến các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, kể cả cực nhỏ.
- Nguyên tắc xuất xứ: từ nguyên liệu sản xuất đến thành phẩm cần có xuất xứ từ nước thành viên hay các nước thành viên mới được hưởng quyền lợi tiêu thụ của TPP (giảm mức thuế). Các nước thành viên có thể giúp nhau để bảo đảm tuân thủ được nguyên tắc này.
- Tham gia TPP, và muốn được công nhận là nền kinh tế thị trường, Việt Nam phải thực hiện những qui định về kinh tế-thương mại trong TPP như: (1) kinh tế quốc doanh không còn đóng vai trò chủ đạo (điều 51, khoản 1, trong HP 2013 chưa phù hợp điểm này); (2) doanh nghiệp vừa, nhỏ, kể cả cực nhỏ được đối xử công bằng với doanh nghiệp nhà nước; (3) mở cửa thị trường trong nước với thị trường khu vực và quốc tế (TPP và AEC, EU); (4) và các qui định khác ngoài và liên hệ đến kinh tế-thương mại như luật pháp, công đoàn, sở hữu trí tuệ….(xem các phần dưới).
B. Hành chánh công quyền: Đây là những vấn đề mà TPP sẽ “đụng tới”:
- Hiện nay có hai hệ thống quyền hành song song, hệ thống đảng chỉ huy hệ thống công quyền. Với TPP không thể làm việc với hai hệ thống. Nhờ vậy có thể dần dần làm cho guồng máy chánh quyền mạnh hơn guồng máy đảng.
- Viên chức chánh quyền: Phải được đào tạo về hoc vấn và về chuyên môn, để biết làm dự án, biết làm “kế hoạch khả thi” và “tính toán hiệu quả kinh tế”. Phải thay đồi phong cách làm việc, không quan liêu độc đoán, hà hiếp đàn áp dân để thủ lợi, kể cả với nhà kinh doanh ngoại quốc. TPP đặt nặng vấn đề chống tham những. Phải tái cơ cấu lại Bộ Thương Mại cho phù hợp TPP.
- Quản lý tài sản công: TPP qui định khá cụ thể về các lãnh vực tài nguyên quốc gia, đất đai, ngân sách, đầu tư công, mua sắm công và đấu thầu. Như vấn đề trưng thu đất đai (không được trưng thu cho kinh doanh), minh bạch về kế toán chi tiêu công quỹ kể cả viện trơ. Đặc biệt việc quản lý thầu các dự án, việc mua sắm công.
- Thanh tra, kiểm soát: Trong quản lý và điều hành thì thanh tra và kiểm soát là khâu quan trọng, nhứt là khi bộ máy quản lý có quá nhiều khuyết điểm nhiều tiêu cực như ở VN. Như chúng ta biết ở VN sự đứng đắn và hiệu quả thanh tra rất thấp. TPP cho quyền các cơ quan hay đối tác liên hệ, kể cả công chúng, được quyền có thông tin, yêu cầu giải thích, được quyền khiếu nại và yêu cầu kiểm tra các vấn đề liên quan đến TPP.
C. Hệ thống luât pháp:
- Hệ thống luật pháp đối với TPP phải rõ ràng, đầy đủ cho từng lảnh vực, phải dần dần sửa đổi theo khuôn mẫu quốc tế nhứt là luật đầu tư, luật xuất nhập cảng, luật lao động, các qui định về vệ sinh hàng xuất cảng, về bảo vệ sản phẩm trí tuệ, bảo vệ môi trường. Các thành viên TPP sẽ giúp VN làm luật theo tiêu chuẩn quốc tế và nguên tắc pháp trị (rule of law, not rule by law, như hiện nay). Nhất là Mỹ, qua thỏa thuận TPP Mỹ-Việt, đưa ra cụ thể những yêu cầu sửa và làm luật cho phù hợp TPP.
- Khi có tranh tụng giữa các thành viên TPP, không được dùng luật nội địa mà theo tố tụng thương mại quốc tế. Cần có đội ngũ luật sư, luật gia chuyên cho TPP, và có thể xin quốc tế viện trợ để đào tạo đội ngũ này. Dân chúng có quyền thm dự và theo dõi các cuộc điều trần khi có tranh chấp về TPP.
- Chương 19 về Lao Động của TPP, trong Điều 19.9, cũng nói đến một biện pháp giúp thực thi quyền lao động, không có tính cách chế tài, mà có tính cách giúp sự góp ý bằng văn bản của nhân dân qua cơ quan tiếp cận của nhà nước dự trù trong điều 19.13 (lập trong bộ lao động mỗi nước, trong vòng 90 ngày sau khi Hiệp Định TPP có hiệu lực, làm cầu nôi giữa các quốc gia và với công chúng), với các thủ tục rõ rệt được công bố cho quần chúng. Sự góp ý này phải liên quan đến lao động, mà có ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư giũa các quốc gia ký Hiệp Định TPP; các nhà nước có dân góp ý phải xét mau chóng kịp thời sự góp ý và công bố cho quần chúng vá các quốc gia đối tác khác. Đây là một lợi khí về công luận của nhân dân có thể giúp việc thi hành luật lao động.
- Phải lập Tòa Án Lao động để xử những vụ liên quan đến lao động. Nhà nước phải cho công chúng biết luật lao động và các thủ tục cưỡng hành và tuân hành (enforcement and compliance) và phải bảo đảm cho mọi công dân có lợi ích nào được nhìn nhận thì có quyền đi tới khởi kiện tại những tòa án độc lập và khách quan để xin thi hành luật lao động: các tòa án đó có thể là tòa án hành chánh, tòa án tư pháp hay toà án lao động. Thủ tục các tòa án này phải công bình, và công khai, theo đúng diễn tiến luật định, không tốn kém và mất nhiều giờ quá. Các bên đưong tụng phải có quyền biện hộ cho lập trường của mình với bằng chứng, thông tin; bản án của tòa phải căn cứ trên bằng chứng, viện dẫn lý do, và phải viết thành văn bản, không chậm trễ, và có thể chống án được; các đương tụng thắng vụ kiện phải dược có các phương chước thủ tục do nhà nước các chính phủ ký TPP quy định để thi hành án để thực thi các quyền và lợi ích của mình.
- Thỏa thuận Việt-Mỹ): từ tháng 11, 2015 trước khi TPP có hiệu lực VN phải chuẩn bị cải tổ luật pháp cho phù hợp TPP như cho tự do nghiệp đòan, rồi cải tổ các định chế hành chánh như thủ tục góp ý của dân, chỉ định các vụ, sở lao động lo việc, thêm thanh tra lao động, huấn luyện các viên chức, cải tổ thủ tục dân sự, hình sự và huấn luyện về luật lao động– mọi việc làm trong thủ tục trong sáng và thông tin rộng rãi.
- Cần có văn phòng dịch vụ TPP. Các doanh nhân có thể thành lập hiệp hội tương trọ nhau, và khi có cạnh tranh bất chính, có thể khiếu nại, xin xử theo đìều cấm cạnh tranh bất chính (Chương 16 TPP).
D. Các khía cạnh khác của TPP:
- Các thành phần dân chúng chịu tác động của TPP: nông dân (nông sản chịu sự cạnh tranh với 11 thành viên TPP), công nhân (được bảo vệ quyền lao động, được lập công đoàn), trí thức, văn nghệ sĩ (được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ), doanh nhân (tư doanh, vừa, nhỏ, cực nhỏ, được cạnh tranh bình đảng ới quốc doanh).
- Các lãnh vực mà TPP quan tâm: vệ sinh dịch tễ, bảo vệ môi trường, giáo dục và đào tạo (nâng cấp khả năng quản lý kinh tế, khả năng cạnh tranh), sự minh bạch của chính quyền, chống tham nhũng, cải tổ các thủ tục hành chánh, sự tham gia của quần chúng…
- 12 quốc gia thành viên TPP hỗ trơ nhau, nâng đỡ nhau cùng tiến. Về công đoàn công nhân có quyền xin các tổ chức lao động quốc tế hỗ trợ, tư vấn, huấn luyện.
III. Kết Luận
- TPP tác động đến hầu hết các lãnh vực xã hội, từ kinh tế thương mại, đến hành chánh công quyền, hệ thống luật pháp, các thành phần dân chúng –từ hoạt động của các cơ quan chính quyên đến hoạt động của người dân.
- Dù không “đụng” tới chế độ chính trị nhưng TPP đụng tới hoạt dộng của hầu hết các cơ quan chinh quyền liên hệ đến sự phát triển toàn diện của xã hội, đến mọi thành phần dân chúng. Những qui định của TPP, nếu thực hiện đầy đủ, sẽ tạo chuyển biến toàn diện trong kinh tế-xã hội, trong quan hệ giữa chính quyền và người dân, trong quan hệ giữa VN với 11 thành viên TPP, và nhất là trong quan hệ kinh tế-thương mại Việt-Mỹ, Việt-Trung. Hình thức bên ngoài của chế độ chưa thay đổi, nhưng nội dung và tính chất của sinh hoạt chính trị-xã hội, luật pháp, văn hóa giáo dục, kinh tế-thương mại, quan hệ công-tư, quan hệ chính quyền-quần chúng, sẽ thay đổi rất nhiều.
- Trong bối cảnh đó, thành phần hoạt động nhằm chuyển biến VN từ độc tài đảng trị sang dân chủ pháp trị có thêm nhiều cánh cửa để vận dụng nhằm mở rộng thêm không gian tự do cho xã hội, cho người dân, cho chính họ, và thu hẹp thêm không gian độc đoán, độc quyền của giới cầm quyền. Thêm vào đó là không gian khu vực 12 nước TPP rộng mở, thông lưu, với những nguyên tắc về minh bạch, pháp trị (rule of law – not rule by law như ở VN hiện nay), về xuât xứ trong sản xuất, sự cạnh tranh công bằng, quyền lao động, quyền tham gia của người dân, các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh-dịch tễ, về bảo vệ môi trường, về bảo vệ quyền sở hữu tri tuệ….
- Tham gia và thực hiện TPP, VN có thêm một con kênh dẫn từ con lạch nhỏ sang con sông lớn rồi hòa nhập vào đại dương. Cả chính quyền (trong đó có thành phần cấp tiến) và nhân dân (trong đó có thành phần hoạt động) đang có cơ hội lớn, nhưng cũng đều đứng trước những thách đố lớn. Trong đại dương TPP, năng lực quản lý của chính quyền kém bao nhiêu (chưa kể ý chí muốn thay đổi chưa đủ mạnh), thì năng lực vận dụng TPP của phe muốn chuyển hóa VN sang tự do dân chủ còn yếu kém hơn nữa. Thành phần hoạt động trong xã hội dân sự cần nhận diện được và giải quyết được những yếu kém này mới có thể vận dụng được TPP để đẩy nhanh tiến trình chuyển hóa dân chủ tại VN, tạo chuyển biến mạnh và sâu rộng trong xã hội, tạo áp lực lên phe bảo thủ trong ban lãnh đạo CS, để sau cùng, đẩy họ vào tình thế “không thể không” chấp nhận thay đổi về chính trị.
Với TPP, kịch bản chuyển hóa dân chủ có thêm nhiều yếu tố tích cực và khả thi. Trái banh chuyển hóa đang ở trên chân của cả hai phe: phe cấp tiến trong giới cầm quyền và phe hoạt động trong xã hội. Kịch bản sẽ được kích hoạt và tiến triển khi cả hai bên chấp nhận trò chơi TPP, với tinh thần của thương mại tự do và công bằng: cạnh tranh để cùng tiến trong nguyên tắc và cơ chế pháp trị.
Đoàn Viết Hoạt
(10.7.2016)
Nguồn: https://changevietnam.wordpress.com/2016/07/11/tac-dong-cua-tpp-vao-tien-trinh-chuyen-hoa-viet-nam/